Dịch Covid-19 có thể đẩy lạm phát tăng cao
Đại dịch Covid-19 có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, số người thất nghiệp tăng, dẫn đến biến động về nguồn thu ngân sách
Theo báo cập nhật tình hình lạm phát tháng 1 của Công ty chứng khoán VNDirect, lạm phát đã đạt đỉnh 7 năm trong tháng Tết khi chỉ số lạm phát chung của Việt Nam tăng 6,43% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 5,23% cùng kỳ trong tháng 12/2019.
Mức tăng cao của chỉ số giá tiêu dùng chủ yếu do sự gia tăng của giá thực phẩm và giao thông, gắn với nhu cầu về ăn uống và đi lại gia tăng trong dịp lễ Tết. Giá thực phẩm tăng cao tiếp tục gây áp lực lên lạm phát. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng từ mức 9,17% so với cùng kỳ trong tháng trước lên 10,93% trong tháng 01/2020, mặc dù mức tăng theo tháng có phần chững lại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lên giá thịt lợn.
Trong khi đó, giá thịt lợn kỳ vọng đã đạt đỉnh và giảm dần. Giá lợn hơi tăng cao trong Quý 4/2019 nhưng đã bắt đầu giảm từ giữa tháng 1/2020 sau các biện pháp bình ổn giá cả của Chính phủ.
Lạm phát năm nay có thể cao hơn moi năm. (Ảnh minh họa)
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, dịch Covid-19 không chỉ tác động đến kinh tế ở Trung Quốc, nhiều nước khác trên thế giới mà còn tác động tiêu cực đến Việt Nam qua nhiều kênh như: thương mại, đầu tư, du lịch, xuất nhập khẩu… Những tác động này sẽ khiến nguồn thu của ngân sách giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng giảm và số người thất nghiệp tăng lên, cho nên rất có thể sẽ có biến động về nguồn thu ngân sách và Chính phủ sẽ phải vay tạm tiền của ngân hàng để trang trải ngân sách.
Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, nếu điều này diễn ra có thể sẽ dẫn đến chỉ số giá cả tăng lên. Đến nay, chỉ số giá cả mới chủ yếu tăng lên bởi cung cầu trên thị trường, Ví dụ, thịt lợn tăng cao vì nguồn cung thiếu hụt, giá cả của bất động sản tăng vì có biến động tại một số nơi… Từ những yếu tố đó có thể khẳng định, khả năng lạm phát năm nay sẽ cao hơn năm trước.
Còn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế khá toàn diện, đặc biệt ở những nước phát sinh bệnh, lan tỏa bệnh cũng như những nước có mối quan hệ chặt chẽ với các nước đang có ổ dịch. Điều này thể hiện ở các khía cạnh: làm suy giảm động lực phát triển kinh tế thông qua thu hẹp sản xuất kinh doanh, các hoạt động xã hội, giao lưu, giao thương….
Đáng nói, dịch bệnh đã làm sụt giảm nguồn cung, nhất là ở những ngành nghề mà người lao động ko dám đi làm, cá biệt, tại Trung Quốc có những ngành tăng tới 6 lần lương nhưng không ai dám đi làm… Những lĩnh vực như vậy chắc chắn sẽ làm thiếu hụt nguồn cung.
Video đang HOT
TS. Nguyễn Minh Phong phân tích thêm, đại dịch này còn làm gia tăng tổng cầu, khi mọi người đều ở nhà thì nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong khi nguồn cung lại ít đi, chênh lệch cung cầu sẽ tạo ra lạm phát.
“Lạm phát có thể phát sinh khi Nhà nước thực hiện chính sách tài chính tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ những vùng dịch bệnh, ví dụ ở Việt Nam hiện đang thực hiện hỗ trợ những người bị cách ly là 60.000 hoặc 80.000 đồng/ngày… Nếu số lượng, đối tượng được hỗ trợ quá lớn, Nhà nước buộc phải tung nhiều tiền ra, tạo gia tăng tổng cầu, tăng lượng thanh toán và dẫn đến lạm phát tiền tệ”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.
Trước tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, diễn biến khó lường và chưa biết khi nào kết thúc, ông Phong cho rằng, giải pháp để đối phó là phải cương quyết cách ly ngăn chặn sự lây lan của bệnh và dập dịch thật tốt, thậm chí phải hy sinh cả lợi ích kinh tế để ngăn chặn bệnh.
Tiếp đó, duy trì các biện pháp để phát triển, đặc biệt là phục hồi kinh tế khi dịch bệnh đã qua đi. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần phải tỉnh táo để đánh giá thị trường cũng như đánh giá lại năng lực của mình, từ đó có hướng đi mới, đồng thời vẫn duy trì được năng lực kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, mở các kênh dịch vụ mới cũng như điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất kinh doanh để tránh áp lực bán được hàng; Cần có chính sách tạo lòng tin cho thị trường thông qua các biện pháp ổn định, tuyên truyền để đảm bảo người dân có thể yên tâm sử dụng sản phẩm của mình. Nhà nước phải có những giải pháp cần thiết cả về tuyên truyền, phòng chữa bệnh, đồng thời chuẩn bị các kịch bản cho kinh tế cũng như các nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN
3 kịch bản CPI năm 2020
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới...
Anh minh hoa nguôn Internet
Năm 2019: Thành công kép
Tại Hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2019 và dự báo 2020" do Học viện Tài chính tổ chức hôm qua, 3/1, nhiều chuyên gia nhận định, năm 2019 là một năm thành công trong việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế có nhiều biến động tác động đến thị trường hàng hóa thế giới, hàng hóa trong nước, tác động đến thị trường tài chính và tiền tệ trong nước nhưng nhờ điều hành vĩ mô và công tác quản lý điều hành giá nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79% so với bình quân năm 2018.
Đánh giá về CPI năm 2019, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, năm 2019 được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam. "Đây là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm gần đây. Mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2019 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2019..."- Chuyên gia này đánh giá.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong 3 năm liền Việt Nam đã đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP đạt mức khả quan; lạm phát được kiềm chế ở mức thấp. Nền kinh tế đã thành công đạt "mục tiêu kép" là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
3 kịch bản CPI năm 2020
Năm 2020, tại Nghị quyết 02/NQ- CP vừa ban hành, Chính phủ tiếp tục thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong công tác điều hành để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Nhiều dự báo cho rằng dù có nhiều khó khăn, lạm pháp chịu nhiều sức ép nhưng khả năng cao là sẽ đạt mục tiêu lạm phát thấp hơn 4%.
"Tuy nhiên, đáng chú ý là sau cú sốc giá thịt lợn tăng hơn 50% trong quý 4/2019, triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắn khi CPI của tháng 12/2019 đã tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước..."- TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định.
Theo ông, mặc dù lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ có xu hướng giảm từ mức trên 5% hiện nay, nhưng việc mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới.
Chuyên gia đến từ Viện Kinh tế - Tài chính đã đưa ra 3 kịch bản chính cho CPI 2020.
Theo kịch bản thứ nhất, nếu giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong tháng Tết nhờ dịch tả lợn châu Phi kết thúc sớm, người nông dân tái đàn thành công, đồng thời Chính phủ bình ổn giá thịt lợn thông qua biện pháp nhập khẩu, lạm phát trung bình năm 2020 có thể chỉ ở mức 3%.
Trong kịch bản thứ hai, giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao như hiện nay trong quý 1/2020 do nguồn cung chỉ phục hồi đầy đủ từ quý 2/2019. Lúc đó, lạm phát trung bình cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%.
Kịch bản tệ nhất xảy ra nếu dịch tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020. Trong trường hợp này việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn, nhất là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, trong cả 3 kịch bản nêu trên các yếu tố khác tác động đến lạm phát như giá dầu, tỷ giá, giá dịch vụ y tế, giáo dục được dự báo thay đổi không lớn. Cụ thể, giá dầu được cho là sẽ vẫn ổn định nhờ nguồn cung dầu đá phiến dồi dào, đồng thời kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại dẫn đến nhu cầu về dầu không cao.
Trong khi đó, tỷ giá cũng được dự báo sẽ chỉ dao động khoảng 1% trong năm 2020 nhờ nguồn cung USD dồi dào, dự trữ ngoại hối lớn, đồng thời quan trọng nhất là NHNN sẽ vẫn duy trì chính sách tỷ giá thận trọng nhằm giảm thiểu khả năng Mỹ áp đặt hạn chế thương mại đối với Việt Nam.
Giá dịch vụ y tế, giáo dục được dự báo sẽ chỉ điều chỉnh khi Chính phủ nhận thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2020 chắc chắn hoàn thành.
"Tóm lại, CPI được dự báo sẽ tăng trung bình khoảng 3,5% ( /- 0,5%) trong năm 2020..."- Chuyên gia này quả quyết.
Thanh Thanh
Theo Baophapluat.vn
CPI bật tăng cao, cảnh giác trước áp lực lạm phát Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng tới 0,96% so với tháng trước, sau khi đã tăng 0,59% trong tháng 10, đang gây áp lực lên lạm phát và đây là điều cần chú ý. CPI tháng 11/2019 là mức tăng cao nhất của các tháng 11 trong vòng 9 năm trở lại đây. Trước hết, phải khẳng định, mức...