Dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu tiến gần đỉnh
Giới chuyên gia cảnh báo dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) có thể diễn biến tồi tệ hơn rất nhiều và lây nhiễm 2/3 dân số thế giới
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 14-2 cho biết số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia này một ngày trước đó đã tăng thêm 5.090 người, trong đó 121 người thiệt mạng. Riêng tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc, nơi bị xem là tâm dịch, khoảng 55.748 bệnh nhân đang được chữa trị, trong khi 1.380 người khác đã thiệt mạng kể từ khi Covid-19 bùng phát hồi tháng 12-2019. Theo đó, tính đến ngày 14-2, Covid-19 đã lây nhiễm hơn 65.000 người, cướp đi sinh mạng của 1.489 người trên toàn thế giới, chủ yếu tại Trung Quốc.
Tại buổi họp báo cùng ngày, Phó Chủ nhiệm NHC Zeng Yixin xác nhận 1.716 nhân viên y tế tại quốc gia này đã bị nhiễm Covid-19, trong đó 6 người thiệt mạng, tính đến thời điểm 11-2. Cũng theo ông Zeng, 1.102 người trong số này nhiễm virus tại Vũ Hán, những người còn lại nhiễm virus ở những nơi khác của tỉnh Hồ Bắc.
Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Adam Kamradt-Scott của Trường H Sydney (Úc), những số liệu mới cho thấy dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu tiến gần đỉnh.
“Dựa trên xu hướng hiện tại từ những ca nhiễm đã được xác nhận, có vẻ như đây là một dấu hiệu rõ ràng rằng mặc dù giới chức Trung Quốc đang nỗ lực ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19, những biện pháp mạnh mẽ mà họ đã và đang thực hiện dường như là quá muộn” – ông Kamradt-Scott nói.
Trong khi đó, ông Ira Longini, cố vấn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cảnh báo mọi chuyện có thể diễn biến tồi tệ hơn rất nhiều và 2/3 dân số thế gới có thể nhiễm Covid-19.
Theo hãng tin Bloomberg, ông Longini đưa ra cảnh báo trên dựa trên dữ liệu cho thấy một người mắc bệnh thường truyền nhiễm sang 2 hoặc 3 người khác. Theo ông Longini, các biện pháp cách ly có thể làm chậm tốc độ truyền nhiễm nhưng Covid-19 đã có cơ hội lây lan ở Trung Quốc và những quốc gia khác trước khi các biện pháp này được áp dụng.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất khẩu trang ở thị trấn Nam Thông, tỉnh Giang Tô – Trung Quốc hôm 14-2. Ảnh: REUTERS
“Các biện pháp cách ly và giám sát chỉ phát huy hiệu quả cao khi khả năng truyền nhiễm của virus thay đổi. Bản thân các biện pháp này không đủ khả năng chặn Covid-19″ – ông Longini nói.
Tương tự, chuyên gia y tế công cộng Gabriel Leung của Trường H Hồng Kông cảnh báo gần 2/3 dân số thế giới có thể nhiễm Covid-19 nếu không có các biện pháp kiểm soát virus hiệu quả.
Tuy nhiên, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm David Heymann của Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh London, khẳng định cần thu thập thêm dữ liệu để có được cái nhìn toàn diện hơn về phạm vi lây lan của Covid-19.
“Chúng ta đang thấy nhiều quốc gia bên ngoài Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Tôi không nói dự đoán của họ sai. Tôi chỉ nói rằng những dự đoán này sẽ được cải thiện khi chúng ta có thêm thông tin” – ông Heymann nói.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cho rằng quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 lớn hơn nhiều so với dự đoán ban đầu, với nhiều trường hợp bị xác nhận nhiễm virus chỉ biểu hiện triệu chứng là một cơn đau họng nhẹ.
Video đang HOT
Khẳng định vẫn còn quá sớm để dự đoán chính xác thời điểm Covid-19 kết thúc, ông Redfield cảnh báo tình hình dịch bệnh có thể tiếp diễn đến hết mùa này hay thậm chí là hết năm nay.
Hy vọng từ thuốc Remdesivir
Thuốc kháng virus Remdesivir, do Công ty Công nghệ sinh học Gilead Sciences (Mỹ), có thể phòng ngừa và giảm các triệu chứng nặng ở khỉ mắc Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) – gây ra bởi virus thuộc chủng corona, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ hôm 13-2.
Kết quả nghiên cứu làm gia tăng hy vọng về việc Remdesivir, đang được thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc, có thể chữa trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đã có nhiều loại thuốc, kể cả Remdesivir, thử nghiệm thành công ở khỉ nhưng lại thất bại ở người. Dù vậy, ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ (NIAID), khẳng định “một số dấu hiệu cho thấy Remdesivir có thể phát huy hiệu quả ở những bệnh nhân nhiễm các loại virus thuộc chủng corona”.
Bà Marie-Paule Kieny, cựu chuyên gia virus của WHO, trước đó cho biết Trung Quốc sẽ sớm thử nghiệm Remdesivir trên các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng phải mất vài tuần để kết luận liệu thuốc có tác dụng hay không.
Lộc Minh
Nhật Bản tăng tốc phòng chống dịch bệnh
Nhật Bản hôm 14-2 tuyên bố sẽ đẩy mạnh các nỗ lực kiểm tra và ngăn chặn Covid-19 sau khi nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên và thêm các trường hợp nhiễm mới.
Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy Covid-19 lây lan rộng rãi ở Nhật Bản nhưng cảnh báo chính phủ cần chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ như thế. Chính phủ Nhật Bản cũng lên kế hoạch phối hợp với các công ty tư nhân để phát triển các bộ xét nghiệm, thuốc kháng virus và vắc-xin.
Một ngày trước đó, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết một phụ nữ trong độ tuổi 80 sống ở tỉnh Kanagawa, phía Tây thủ đô Tokyo là trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến Covid-19. Theo hãng tin Reuters, đây là trường hợp tử vong thứ 3 bên ngoài Trung Quốc, sau Hồng Kông và Philippines. Con rể của người phụ nữ này, một tài xế taxi, cũng bị chẩn đoán nhiễm Covid-19.
Tại tỉnh Wakayama cùng ngày, một bác sĩ phẫu thuật khoảng 50 tuổi đã trở thành bác sĩ đầu tiên ở Nhật Bản bị nhiễm Covid-19. Giới chức trách đang nhanh chóng điều tra xem liệu bác sĩ này có phải bị nhiễm Covid-19 từ một bệnh nhân hay không và bác sĩ này có thể đã lây bệnh cho bao nhiêu người. Bác sĩ này gần đây không đi du lịch nước ngoài và cũng không tiếp xúc với du khách nào đến từ Trung Quốc. Đáng chú ý, một người đàn ông khoảng 70 tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện Saiseikai Arida, nơi làm việc của bác sĩ nói trên, cũng cho kết quả dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, giới chức địa phương cho rằng 2 người này chưa tiếp xúc với nhau.
Theo hãng thông tấn Kyodo News, tổng ca nhiễm tại Nhật Bản được xác nhận ít nhất là 251, bao gồm 218 hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyến Diamond Princess đang neo đậu ngoài khơi TP Yokoyama.
Xuân Mai
Cao Lực
Theo nld.com.vn
Cuộc chiến sinh tử của bác sĩ Vũ Hán bị mắc virus corona và hành trình tự điều trị ngay trong tâm dịch
Bác sĩ Hu Sheng nhiễm virus corona khi tiếp xúc với bệnh nhân mà không đeo kính bảo hộ và phải tự điều trị cho bản thân khi nhiễm bệnh.
Kể từ đầu tháng 1, bác sĩ Hu Sheng đã chiến đầu ở tuyến đầu dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra ở Vũ Hán. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, bác sĩ 39 tuổi này chỉ tập trung vào một bệnh nhân đó chính là anh.
Hu Sheng là một trong số hàng chục bác sĩ Vũ Hán bị nhiễm virus corona khi điều trị cho các bệnh nhân. Hiện anh cũng như những bệnh nhân từng được anh chữa trị phải chiến đấu từng ngày với tử thần. Chỉ riêng trong ngày 6/2, ở tỉnh Hồ Bắc có 70 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 565.
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 8/1, khi bệnh viện Nhân dân số 3, nơi Hu làm việc chuyển anh sang khu ngoại trú để giúp các đồng nghiệp khám cho các bệnh nhân sốt và viêm phổi đang tăng vọt. Được biết, bệnh viện này chỉ cách chợ hải sản Hoa Nam 7km, nơi có những ca nhiễm virus corona đầu tiên vào tháng 12.
Số bệnh nhân mỗi lúc một tăng khiến bệnh viện quá tải. Đội ngũ nhân viên y tế phải thay nhau liên tục để khám và chữa trị cho 100 bệnh nhân mỗi ngày và 60% có triệu chứng sốt, viêm phổi. Bác sĩ Hu tuân thủ tất các các biện pháp bảo vệ thông thường, đặc biệt là đeo khẩu trang mọi lúc trong khi gặp bệnh nhân. Tuy nhiên, sau hai tuần, anh bắt đầu cảm thấy cơ thể mệt mỏi và bắt đầu ho.
Bác sĩ Hu Sheng mặc đồ bảo hộ khi làm việc tại bệnh viện Nhân dân số 3, Vũ Hán.
Lúc đầu, bác sĩ Hu nghĩ rằng do làm việc quá căng thẳng nên gây tổn hại đến sức khỏe. Nhưng cùng lúc đó nhiều đồng nghiệp của anh cũng ngã bệnh và kết quả 15 người đã bị nhiễm virus corona tính đến ngày 21/1. Các chuyên gia y tế cũng chính thức xác nhận dịch bệnh này có thể lây từ người sang người.
" Tôi có con nhỏ 3 tuổi và cha mẹ già. Tôi phải cẩn thận, vì tôi làm việc trong môi trường vô cùng nguy hiểm", Hu nói.
Bác sĩ Hu chụp CT vào ngày 24/1, kết quả cho thấy anh bị viêm cả hai bên phổi. Với kinh nghiệm từng điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, bác sĩ Hu biết rằng mình đã bị nhiễm virus corona. Vào tối hôm đó, anh có hẹn với gia đình sẽ cùng họ đón giao thừa nhưng kế hoạch đã bị hủy ngay lập tức khi anh nhận kết quả chụp CT.
" Khi tôi cố tìm hiểu vì sao mình bị nhiễm bệnh, tôi nhận ra lý do khả dĩ nhất là tôi không đeo kính bảo vệ", Hu nói.
Vào cuối tháng một, khi ngày càng nhiều bác sĩ nhiễm virus corona và ngã bệnh, các bệnh viện ở Vũ Hán bắt đầu yêu cầu nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ toàn thân, đeo khẩu trang và mắt kính. Nhưng nỗi lo nhiễm virus corona vẫn đè nặng tâm trí bác sĩ 27 tuổi Ye Liwen, người mới vào nghề được 6 tháng và đang công tác tại Bệnh viện Nhân dân số 3. Vài ngày trước, Ye bắt đầu cảm thấy tức ngực nhưng may mắn kết quả chụp CT không cho thấy cô nhiễm virus corona.
Bác sĩ Ye Liwen trao đổi với một bệnh nhân
" Tức ngực có thể do stress. Chẳng ai không cảm thấy sợ hãi khi làm việc trong môi trường căng thẳng và áp lực như vậy. Mỗi ngày chúng tôi đều phải khám cho hàng trăm bệnh nhân bị sốt và chứng kiến các đồng nghiệp ngã bệnh", Ye nói.
Xung quanh Ye những đồng nghiệp của cô lần lượt được chẩn đoán nhiễm virus corona. Một bác sĩ cấp trên của cô cùng hai bác sĩ khác và một vài y tá đã có kết quả dương tinh với virus corona trong ngày Ye nhận kết quả âm tính.
" Từ chỗ hoang mang lúc đầu, tôi dần bình tĩnh hơn. Chúng tôi đã hiểu hơn về dịch bệnh này và đang tìm cách khống chế chúng", Ye nói thêm.
Bác sĩ Hu cũng cảm thấy khỏe hơn nhiều sau một tuần nghỉ ở nhà, tập thể dục mỗi ngày để chuẩn bị quay trở lại làm việc. Bác sĩ Hu đang sống xa vợ con kể từ khi được chuyển sang khu ngoại trú. Gia đình anh vẫn khỏe, nhưng Hu lo lắng cho vợ mình, người cũng đang làm việc tại một bệnh viện khác.
Hai bác sĩ cứu chữa bệnh nhân.
" Cô ấy sống với con chúng tôi. Tôi liên tục nhắc cô ấy chú ý từng chi tiết bảo hộ trong công việc, nhưng tôi vẫn rất lo về sức khỏe của hai mẹ con", Hu tâm sự.
Bác sĩ Hu cho biết anh muốn trở lại làm việc càng sớm càng tốt. Chuyên môn của anh là rất cần thiết vào lúc này. " Tôi sẽ được xét nghiệm thêm. Nếu hai kết quả trong vòng ba ngày đều âm tính, tôi có thể được coi là hồi phục và quay trở lại với công việc", Hu nói.
Bệnh viện Nhân dân số 3 nơi Hu làm việc đã tăng gấp bốn lần số giường bệnh trong khu nội trú và đóng cửa một số khoa như tai, mũi, họng, mắt để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Hu và Ye đều cho rằng số bệnh nhân khỏi bệnh sẽ tăng lên trong những tuần tới.
Trong khi đó, Ye cho biết những ngày gần đây, nơi cô vẫn làm việc trong tình trạng quá tải, số bệnh nhân tới khám ngày càng nhiều. Để giảm bớt áp lực cho các bác sĩ ở Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng hai bệnh viện dã chiến với hơn 2.000 giường bệnh và cử 1.400 bác sĩ quân y tới hỗ trợ.
Chính quyền địa phương cũng đã tận dụng các nhà thi đấu, trung tâm thể hình và dựng thêm hàng chục ngàn giường bệnh mới. Tuy nhiên số bệnh nhân nhiễm virus corona mới liên tục tăng tại Vũ Hán theo cấp số nhân khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng.
Nguồn: Sixthtone
Theo nhipsongviet
Tránh tiếp xúc với nước thải, phòng lây nhiễm Covid-19 GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, nước thải cũng là đường lây nhiễm thứ cấp của virus Covid-19 nên cần có các biện pháp kiểm soát cụ thể. Các khu đô thị cần có biện pháp phòng tránh dịch bệnh cẩn trọng. Theo GS.TS Nguyễn Việt...