Dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở New Zealand và Papua New Guinea
Ngày 25/10, New Zealand ghi nhận 109 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Hầu hết các ca mới tập trung tại Auckland.
Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Auckland, New Zealand. Ảnh: THX/TTXVN
New Zealand hiện vẫn chưa kiểm soát được đợt bùng phát do biến thể Delta gây ra tại Auckland dù đã áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại đây trong hơn 2 tháng qua. Trong tuần qua, nước này cũng ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 1 năm tại khu vực đảo phía Nam. Số ca nhiễm tăng nhanh cũng đã buộc Thủ tướng Jacinda Ardern phải từ bỏ chiến lược “Loại bỏ hoàn toàn COVID-19″ và chuyển sang “sống chung với COVID-19″.
Tính đến nay, 71% dân số New Zealand đã được tiêm đủ liều, trong đó người dân ở thành phố Auckland chiếm 77%. Thủ tướng Ardern cho biết New Zealand sẽ dỡ bỏ các quy định phong tỏa nghiêm ngặt và khôi phục trở lại các hoạt động như bình thường khi 90% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
* Cùng ngày, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ Papua New Guinea trong bối cảnh quốc đảo ở Thái Bình Dương này đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng vọt, đe dọa gây quá tải hệ thống y tế.
Video đang HOT
Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tại đất nước 9 triệu dân này đã tăng mạnh, với 385 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 21/10 vừa qua. Papua New Guinea đã ghi nhận tổng cộng 26.731 ca mắc và 329 ca tử vong vì COVID-19. Trong khi đó, theo trang Our World in Data, hiện chưa tới 1% dân số nước này được tiêm đủ liều. Thông tin giả mạo và sai lệch đã khiến người dân e ngại tiêm vaccine và đây là một thách thức lớn trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Theo Trung tâm kiểm soát quốc gia dịch COVID-19 của Papua New Guine, hiện tất cả bệnh viện lớn đang đối mặt với sự gia tăng số ca mắc COVID-19. Trước tình hình này, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế đã kêu gọi triển khai những nỗ lực khẩn cấp và hỗ trợ hơn nữa trong lĩnh vực chăm sóc y tế. Australia và Anh cũng đã cử các đội ngũ y tế đến hỗ trợ Papua New Guinea dập dịch.
* Tại châu Âu, Bộ Y tế Ba Lan cùng ngày thông báo số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày đã tăng 90% so với tuần trước. Nếu xu hướng dịch bệnh này tiếp diễn, Ba Lan có thể phải áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn, có thể liên quan đến quy định đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.
Chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Ba Lan cũng diễn ra khá chậm chạp trong những tháng gần đây. Trung Âu đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng cao trở lại trong những ngày gần đây, gây quan ngại rằng tỷ lệ tiêm chủng tại khu vực này thấp hơn so với Tây Âu có thể làm bùng phát một làn sóng dịch bệnh mới.
Malaysia mở rộng đối tượng được tiêm mũi vaccine tăng cường
Ngày 22/10, Chính phủ Malaysia bắt đầu triển khai mũi tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho những cá nhân đã hoàn thành tiêm chủng với vaccine của hãng Sinovac ít nhất 3 tháng.
Theo đó, những cá nhân này sẽ đủ điều kiện được tiêm mũi thứ 3 vaccine của Pfizer/BioNTech và sẽ được tiêm trên cơ sở tự nguyện.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho rằng việc Bộ Y tế quyết định mở rộng đối tượng tiêm chủng đối với những cá nhân đã hoàn thành tiêm chủng với vaccine của hãng Sinovac là một phần trong nghiên cứu của chính phủ, hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện của các cá nhân, và được miễn phí. Ông cũng lưu ý, chương trình tiêm mũi tăng cường được triển khai theo từng giai đoạn trên toàn quốc, và mục tiêu của việc tiêm mũi thứ 3 là để đảm bảo tất cả những người đã tiêm vaccine đều có được thời gian bảo vệ tối ưu.
Trước quyết định này của chính phủ, các chuyên gia y tế đã hoan nghênh và cho rằng Malaysia nên áp dụng phương pháp "kết hợp vaccine" - sử dụng các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau cho mũi tiêm thứ ba. Vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech và AstraZeneca được khuyến nghị là những loại vaccine phù hợp nhất để sử dụng cho chương trình tiêm mũi tăng cường và được các chuyên gia cho rằng phương pháp này có thể cung cấp khả năng miễn dịch rộng hơn và lâu dài hơn trước virus SARS-CoV- 2 và các biến thể mới.
Nhà virus học phân tử, Tiến sĩ Vinod Balasubramaniam, giảng viên cao cấp của Trường Y sinh Monash (Malaysia), cho biết những người đã tiêm vaccine của hãng Sinovac nên được đưa vào danh sách tiêm mũi tăng cường. Tiến sĩ cho biết thêm việc này đã được thực hiện ở Singapore và Indonesia, cho thấy kết quả rất tốt.
Đầu tháng 10, Bộ Y tế Malaysia bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường trên cơ sở tự nguyện đối với những người đủ điều kiện. Đó là lực lượng tuyến đầu như nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, quân đội, cảnh sát... Ngoài ra, những người trên 60 tuổi và đã tiêm mũi thứ 2 hơn 6 tháng cũng sẽ nhận được lịch hẹn tiêm liều tăng cường thông qua phần mềm Quản lý tiêm chủng MySejahtera, tin nhắn hoặc cuộc gọi trực tiếp từ Trung tâm tiêm chủng.
*Tại New Zealand, ngày 22/10, nước này đã công bố lộ trình dỡ bỏ lệnh phong tỏa gắn với mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng tham vọng nhất thế giới là 90% dân số đủ điều kiện tiêm chủng.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Auckland, New Zealand. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết chính phủ không thể yêu cầu những người đã tiêm chủng phải ở nhà mãi. Vì vậy, cần có một cơ chế mới để bảo vệ cuộc sống của người dân. Bà Ardern thông báo, khi 90% người dân đủ điều kiện (từ 12 tuổi trở lên) được tiêm chủng đầy đủ trên cả nước, New Zealand sẽ chuyển sang áp dụng cơ chế "đèn giao thông". Ngay cả khi đèn đỏ, mức hạn chế cao nhất nhằm chống lại sự lây lan của dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn có thể mở cửa và những người được tiêm chủng đầy đủ sẽ vẫn có thể sử dụng các dịch vụ một cách tương đối tự do. Tuy nhiên, những người không có giấy chứng nhận tiêm chủng sẽ phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt như chỉ được mua hàng mang đi, không được tụ họp quá 10 người, sinh viên đại học phải học từ xa, và không được tới các cơ sở dịch vụ như phòng tập thể dục, tiệm làm tóc hoặc quán bar.
Bà Ardern nhấn mạnh, hệ thống này sẽ giảm thiểu mối đe dọa của đại dịch, hiện đang lây lan chủ yếu ở những người chưa được tiêm phòng, và tạo cơ sở chắc chắn hơn cho các doanh nghiệp lên kế hoạch hoạt động và phát triển.
Hiện New Zealand, với tổng dân số hơn 5 triệu người, cần một thời gian nữa để đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ 90%. Tính đến ngày 21/10, 83% dân số đủ điều kiện đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 66% đã được tiêm 2 mũi. Chính phủ New Zealand bày tỏ tin tưởng các thành phố lớn như Auckland, vốn bị phong tỏa trong vài tháng qua, có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 90% trước Giáng sinh năm nay. Ngày 21/10, New Zealand ghi nhận 129 ca mắc mới, mức cao nhất hằng ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này.
Dịch COVID-19 tại New Zealand, Bulgaria và Ukraine chưa lắng dịu Ngày 19/10, New Zealand thông báo số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này hồi năm ngoái trong bối cảnh biến thể Delta lây lan rộng tại thành phố Auckland lớn nhất nước này. Một xe tiêm vaccine ngừa COVID-19 lưu động ở Auckland, New Zealand ngày 16/10/2021. Ảnh:...