Dịch bệnh tại phía Nam có dấu hiệu tích cực, số ca nhiễm “đi ngang”
Đây là đánh giá được đưa ra tại hội nghị trực tuyến tối 23/7 của Thường trực Chính phủ với 21 tỉnh thành phía Nam và Nam Trung bộ, khu vực đã trải qua gần một tuần cách ly xã hội toàn địa bàn.
Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì để đánh giá tình hình sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và quán triệt Công điện ngày 21/7 của Thường trực Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dự hội nghị tại đầu các tỉnh, thành phố có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với 21 tỉnh thành trong tối ngày 23/7.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, qua 5 ngày triển khai biện pháp cách ly xã hội tại các tỉnh thành phía Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do biến chủng mới có tốc độ lây lan rất nhanh, vòng lây nhiễm ngắn, trong cộng đồng đã có sẵn nhiều ca bệnh từ trước đó.
Các ca nhiễm bệnh đã được ghi nhận tại các khu chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu dân cư đồng người, có cả người khám sàng lọc tại bệnh viện. Qua điều tra dịch tễ, truy vết, các tỉnh đã xác định được phần lớn nguồn lây.
Bộ Y tế nhận định, số ca mắc mới gia tăng do các địa phương tăng tốc lấy mẫu và xét nghiệm với số mẫu lớn tại các khu vực nguy cơ, khu cách ly, phong tỏa.
Các ý kiến cho rằng, tình hình dịch bệnh đã có những dấu hiệu tích cực và tỷ lệ nhiễm sẽ có xu hướng “đi ngang” trong một vài ngày tới nếu TPHCM và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly xã hội trên địa bàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc thực hiện Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam những ngày qua có những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như: vẫn còn hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số nơi, cơ quan, đơn vị và một số người dân; việc thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 có nơi còn chưa nghiêm. Một số nơi vẫn còn tình trạng tập trung đông người, một số dịch vụ không thiết yếu vẫn hoạt động. Một số chợ dân sinh còn hoạt động thiếu kiểm soát; có điểm lấy mẫu xét nghiệm chưa thực hiện nghiêm giữ khoảng cách.
Ngoài ra, tại các tỉnh thành, có nơi chưa thành lập được Tổ Covid-19 cộng động hoặc hoạt động chưa hiệu quả. Việc kiểm soát người về từ các vùng có dịch chưa được tổ chức hợp lý, hiệu quả theo quy định; việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” chưa nghiêm túc, nên còn thiếu hụt, bị động, lúng túng. Việc tổ chức tiêm vắc xin tại các địa phương còn chậm. Hoạt động vận tải, cung ứng hàng hóa có lúc, nhất là những ngày đầu còn lúng túng, thiếu hụt cục bộ…
Video đang HOT
Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc tổ chức thực hiện các quy định còn yếu, một số nơi việc kiểm tra, giám sát còn chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành của một số người dân còn chưa nghiêm…
Lãnh đạo các địa phương dự họp qua cầu truyền hình trực tuyến.
Thời gian tới, Thủ tướng quán triệt, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất, tập trung, nhất quán ở tầm quốc gia, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu Bí thư tỉnh/thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 16 tại địa phương. Theo đó, phải phân công trách nhiệm rõ ràng, yêu cầu thực hiện cụ thể, nghiêm túc theo quy định.
Biện pháp cụ thể là tiếp tục thành lập các Trung tâm cứu trợ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; Thành lập các đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời hỗ trợ, xử lý những vấn đề phát sinh; Chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, đảm bảo điều phối phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, trong đó, nhất thiết không để thiếu máy thở, oxy phục vụ chữa bệnh.
Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát việc thực hiện Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đảm bảo minh bạch, kịp thời, hiệu quả, đồng thời nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền nếu cần mở rộng đối tượng hỗ trợ.
Các Bộ Công an, Quốc phòng được nhắc nhở tiếp tục tăng cường lực lượng chi viện cho các địa phương phòng, chống dịch. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương lên kịch bản tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 đảm bảo an toàn, công bằng quyền lợi của học sinh.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, các tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp, trao đổi, rút kinh nghiệm thường xuyên để kịp thời có các điều chỉnh hợp lý, hiệu quả trong phòng, chống dịch, với tinh thần linh hoạt, sáng tạo, lấy nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.
Phó Thủ tướng: Cán bộ chống dịch thiếu trách nhiệm, sẵn sàng có người thay
Giao ban trực tuyến với TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh.
Trong trường hợp cán bộ nào thiếu trách nhiệm sẵn sàng có người khác thay.
Ngày 17/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 dự giao ban trực tuyến ngắn với TPHCM để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo TPHCM họp giao ban về tình hình chống dịch Covid-19 tại thành phố (ảnh: VGP).
Trung tâm cấp cứu điều phối các "tầng" điều trị
Cập nhật tình hình thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong vòng 24 giờ qua (tính đến 6h ngày 17/7), Thành phố ghi nhận hơn 2.800 ca mắc Covid-19, trong đó, phần lớn phát hiện trong các khu cách ly, phong tỏa (chiếm hơn 81% tổng số ca mắc), khoảng 420 ca qua sàng lọc ở bệnh viện.
Hiện thành phố đang tập trung điều trị cho các ca F0 nặng nhằm giảm số ca tử vong.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên xác nhận, số ca F0, F1 ngày càng tăng cao, cả trong khu cách ly, phong tỏa, ngoài cộng đồng và phát sinh ca nhiễm trong một số khu công nghiệp, chế xuất có đông công nhân. Hệ thống y tế nhiều nơi bị quá tải.
Thành phố đã xây dựng bản đồ các khu cách ly tạm thời, bệnh viện dã chiến điều trị các F0 ở các mức độ khác nhau; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thiết lập hệ thống quản lý, điều phối ca F0 trên địa bàn, giao Trung tâm cấp cứu quản lý, vận hành hệ thống này, nhằm kịp thời điều phối F0 đến các bệnh viện phù hợp nhanh nhất, giải quyết tình hình ca F0 trở nặng tăng lên hiện nay.
Bí thư Nên nhận định, những vấn đề về nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc, sinh phẩm... đã và đang được khắc phục.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng đề cập, hiện còn tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu phong tỏa do vẫn các gia đình vẫn tiếp xúc với nhau. Do đó, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu siết chặt các biện pháp, bảo đảm tuân thủ giãn cách trong các khu phong tỏa, phát huy vai trò của các Tổ Covid-19 cộng đồng để tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm nếu có vi phạm, bảo đảm thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Trước tình trạng người dân tụ tập đông người, dễ lây nhiễm trong cộng đồng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên quán triệt: "Qua kiểm tra, phát hiện, những nơi không thực hiện nghiêm, không chấp hành chỉ đạo cấp trên, phải xử lý nghiêm khắc, thậm chí đề nghị cách chức những lãnh đạo không thực hiện nghiêm các chỉ đạo. Từ đó, việc chấp hành phải nghiêm hơn, toàn diện hơn, đặc biệt đối với những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao".
Các bộ chống dịch thiếu trách nhiệm sẵn sàng có người thay
Phó Thủ tướng: "Nếu giãn cách, phong tỏa mà ở dưới vẫn giao lưu với nhau thì cũng bằng thừa".
Đồng tình với quan điểm cương quyết của lãnh đạo TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Thành phố phải siết chặt quản lý, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, cách ly.
Chia sẻ với thành phố có địa bàn rộng, dân số đông nên việc kiểm soát rất khó khăn nhưng Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM phải thực hiện rất quyết liệt, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, từ các cấp chính quyền, đến mọi tổ chức, đoàn thể. Phó Thủ tướng tán thành quan điểm, nơi nào để xảy ra lây nhiễm trong khu phong tỏa, khu cách ly phải xử lý toàn diện lãnh đạo nơi đó.
Theo Phó Thủ tướng, dịch bệnh kéo dài khiến lực lượng tham gia chống dịch căng thẳng, cần được động viên, nhưng không có nghĩa là không xử lý các trường hợp lơ là, không thực hiện nghiêm quy định.
"Tôi tin là ở các đơn vị, cán bộ nào thiếu trách nhiệm sẵn sàng có người khác thay. Nếu giãn cách, phong tỏa mà ở dưới vẫn giao lưu với nhau thì cũng bằng thừa, phải rất quyết liệt. Đây là lúc cả hệ thống chính trị phải rất trách nhiệm" - Phó Thủ tướng nói.
Về công tác điều trị, Phó Thủ tướng lưu ý thành phố tăng cường vận chuyển ca F0 đến cơ sở điều trị, đặc biệt những trường hợp có triệu chứng nặng lên. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TPHCM chủ động trang bị, tuyệt đối không để các bệnh viện thiếu.
"Bây giờ, các bệnh viện vẫn rỉ tai nhau là thiếu. Đề nghị phải làm ngay, chấn chỉnh ngay cho toàn bộ anh em bên dưới yên tâm" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng việc cung ứng hàng hóa, hoạt động của các doanh nghiệp cũng phải "chấp nhận thương đau", đảm bảo tuyệt đối an toàn, nếu không thì nỗ lực phòng chống dịch sẽ đổ sông đổ biển. Theo ông, thành phố cần động viên người dân chịu khó vất vả, chia sẻ khó khăn tạm thời trước mắt để tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội.
"Không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn" Trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covic-19, trong đó có 557.000 người mất việc làm. Ngày 14/7, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công...