Dịch bệnh dạy ta: Thế giới cho bạn cơ hội sống, để hiểu và để biết ơn mọi điều
Những ngày này, Covid không chỉ mang đến bệnh tật và cái chết, hay nỗi sợ… mà Covid mang đến nhiều điều quý giá khác luôn luôn có, luôn luôn tuyệt vời và luôn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta, chỉ là nhiều khi chúng ta quên mất, trong đó có một thứ – đó là lòng BIẾT ƠN.
Giữa hiểm nguy, hãy nhìn lại trên tay ta có gì?
Là một người trẻ sống trong những ngày đại dịch lịch sử này, hẳn nhiên, cảm giác lo sợ là một trong những điều luôn thường trực xung quanh ta mỗi ngày. Nỗi sợ hãi về một “kẻ thù” tuy vô hình nhưng lại rất nguy hiểm có thể lấn át đi lý trí, sự tỉnh táo và lạc quan. Nó có thể khiến nhiều người trong chúng ta thấy những ngày này thật bế tắc, đen tối và dường như không biết bao giờ mới có lối thoát.
Nhưng chính vào lúc này, lại là cơ hội để ta nhìn sâu vào trong bản thân mình, nhìn xem trên tay ta có gì để đương đầu với những tăm tối ấy?
Đó là sự biết ơn.
Biết ơn là phẩm chất có sẵn bên trong mỗi người, chỉ là bạn có biết mình có đang sở hữu nó hay không. Sự biết ơn hiển hiện trong đời sống, trong từng mối dây quan hệ. Ta yêu bố mẹ vì bố mẹ đã dành thời gian chăm lo, nuôi dưỡng. Ta yêu quý bạn vì sự gắn bó, thân thương. Biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, cho ta kiến thức. Trân trọng đồng nghiệp sát cánh bên ta.
Sự biết ơn luôn hiển hiện xung quanh ta mỗi ngày, trong suốt cả cuộc đời. Mỗi khi nhận ra nó, cùng với lòng biết ơn cho đi, ta nhận lại cảm giác hạnh phúc mang về. Một kẻ giang hồ, đạo tặc, lòng biết ơn lại càng sâu nặng dành cho số ít người thông cảm được với họ.
Lòng biết ơn thuần khiết, tự nhiên nhất là khi con người, con vật… thấy mình được yêu thương. Ở người lớn thì độ cảm nhận có thể không tinh tế và nhạy cảm bằng trẻ con và loài vật. Ví dụ như chú chó là dễ hiểu, nó cảm nhận được cảm xúc, sự yêu quý của người khác và ngay lập tức quyến luyến với người đó, không cần lời.
Người ta vì lòng biết ơn mà sẵn sàng dốc lòng. Kẻ giang hồ sẵn sàng hy tính mạng mình để trả ơn, để thấy lòng biết ơn có năng lượng mạnh mẽ nhường nào. Vậy tại sao, chúng ta thường không nhận ra kho báu đó bên trong mình? Tại sao chúng ta vẫn ghét bỏ, hận thù và đau khổ?
Có câu châm ngôn “Vì quá gần nên không nhìn thấy”. Kho báu ta đang có là những hạt bụi kim cương trên lòng bàn tay, chỉ cần thổi nhẹ thôi, xung quanh ta sẽ bao phủ toàn là bụi kim cương lấp lánh. Hãy biết ơn từ những điều nhỏ nhất, như buổi sáng mở mắt thức dậy, thấy mình đang còn thở. Xung quanh mình vẫn có người thân, hay chỉ cần là một người để mình yêu thương và quan tâm. Biết ơn khi ăn được một miếng cơm khi đói, uống được một ngụm nước khi khát. Biết ơn một nụ cười, một ánh mắt đồng cảm, cảm thông, chấp nhận mình.
Hãy để ý những hạt bụi kim cương ấy, chúng nhiều vô vàn, xung quanh bạn. Thế giới của bạn sẽ lấp lánh đẹp muôn màu. Mỗi cử động, lời nói của bạn đều có thể làm bụi kim cương chuyển động, bay tới với mọi người.
Chiếc vương miện CôVy
Video đang HOT
Có những người thích viên kim cương to hơn, thì phải mất công tìm kiếm, khó khăn hơn. Không có gì trên đời này dễ dàng có được mà không phải đánh đổi công sức. Những gì quý báu thì càng phải bỏ công. Cảm ơn được những người, những điều làm hại mình là viên kim cương siêu quý. Điều này không hề dễ, nhưng giống như kim cương ở sẵn đó rồi, chỉ cần tìm kiếm, thì sẽ tìm được.
Nhiều người trong số chúng ta đã tìm ra cách biết ơn Cô Vy khi nhận ra những giá trị ẩn dưới hiểm nguy. Ai đã nhắc cho ta rằng hơi thở thôi cũng đã là quá quý? Ai làm cho ta sống chậm lại, không vội vã chạy theo những hối hả toan tính của đời? Khi cái đích chung cuối cùng cho tất cả chúng ta là cái chết, thì bạn muốn chạy thật nhanh, hay từ từ tận hưởng cảnh vật ven đường?
Ai làm cho ta thấy rằng, không ra đường, ở nhà, không đi chơi, ăn nhậu… cũng chẳng sao! Trước nay cứ tưởng không có chúng thì thật khó mà chịu nổi. Ai làm cho ta thấy rằng tiền bạc, danh vọng, quyền lực đều trở thành vô nghĩa, khi cái chết rất gần? Chỉ còn tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia có thể làm trái tim ta ấm áp lúc này.
Hàng ngày ta chỉ thấy bác sĩ là người chữa cho ta khỏi bệnh. Cô Vy cho ta thấy nghề bác sĩ cao quý và dũng cảm như thế nào. Chỉ khi chính sinh mạng mình bị nguy hiểm, mà không lùi bước, để cứu người khác, thì đó là lúc chứng minh bạn đang sống vì ai?
Những người y tá, điều dưỡng, những cán bộ, bộ đội ở các khu cách ly đang gạt qua một bên cuộc sống riêng tư của mình, dành hầu hết thời gian để bảo vệ, không cho lây nhiễm lan ra cộng đồng. Lòng kiên nhẫn của họ được thử thách và làm lay động hàng triệu người, làm nhiều bạn trẻ nhận ra giá trị nhân văn, mà trong cuộc sống đầy đủ trước đây bạn không dễ nhận thấy, nếu không có cách ly.
Lòng biết ơn những người lính áo xanh, áo trắng ở tuyến đầu đánh thức năng lượng thiện lành bên trong của cả xã hội. Truyền thống đùm bọc, đoàn kết trước khó khăn của người Việt bừng tỉnh. Những người chủ nhà giảm tiền, chia sẻ khó khăn với người thuê nhà. Nhân viên cảm ơn sếp đã cố gắng lo cho họ lĩnh một phần lương. Những suất thực phẩm “Hãy lấy một phần nếu bạn cần. Nếu bạn ổn, hãy nhường cho người khác” xuất hiện ở các thành phố…
“Bạn còn khẩu trang N95 không, hãy dành cho bác sĩ”, những chiếc khẩu trang M3 để dành được đưa ra. Những lời nhắn động viên từ bạn bè, từ cộng đồng và cả những suất ăn ngon, bỉm, khẩu trang, bình đun nước cho đến các bộ đồ y tế, xe cứu thương… được các nhà hàng, quán café, công ty, các tổ chức cá nhân rủ nhau thành lập…gửi đến các trung tâm kiểm dịch, các bệnh viện tuyến đầu, bệnh viện Bạch Mai… Mỗi người đều cố gắng cho đi những gì tốt nhất mình có thể, thay cho lời cảm ơn.
Nếu không có Cô Vy, hầu như không ai biết đến những con người làm nghề gần nhất, tiếp xúc nhiều nhất với nguy cơ -xét nghiệm. “Sợ thì sợ mà làm thì vẫn làm”, vì cộng đồng mà làm, những người lính xét nghiệm trả lời giản đơn như thế.
Không phải ngẫu nhiên mà Cô Vy có hình vương miện. Dưới những xù xì xấu xí, trên đó có những viên kim cương, chỉ là bạn có nhận ra không mà thôi.
Chúng ta sẽ tận dụng cơ hội cả đời chỉ có một lần này như thế nào?
Bạn có nhận ra rằng, chúng ta đang được sống những khoảnh khắc lịch sử của cả thế giới. Đại dịch cúm lớn nhất lần trước xảy ra 1918 -1920, một trăm năm trước đây, và đại dịch cúm bây giờ, có phải là dấu hiệu nhắc nhở chúng ta điều gì?
Chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này cho mình như thế nào? Chúng ta có tự hỏi “Mình đã sống như thế nào, trước khi mọi thứ thay đổi đến không ngờ như thế này?” Và mình định sống tiếp như thế nào, sau đại dịch này? Mình sẽ thở phào vì thoát chết, không mắc bệnh, và tiếp tục sống như đã sống, ăn , chơi, kiếm tiền, chạy theo tình… và hy vọng mình sẽ hạnh phúc, để rồi lại sợ hãi, đau khổ khi Anh Vy nào đó lại tới, cái vòng lặp cứ vô tận như vậy? Hay là…?
Cô Vy làm chúng ta phải giãn cách xã hội, cách xa nhau về vật lý, thân thể. Nhưng Cô Vy lại kéo chúng ta trở lại sự gần gũi, quan tâm đến người khác cả về hành động lẫn tinh thần. Phẩm chất “vị tha – vì người” tốt đẹp bên trong mỗi con người được đánh thức trở lại. Trong xã hội hiện đại, nơi vật chất đã đi quá xa, làm mờ nhạt đi phần tâm linh, thì nay Cô Vy mang trở lại cho rất nhiều người câu hỏi: Giá trị sống đích thực của chúng ta là gì? Sống để làm gì?
Sống trong biết ơn thì ân sủng sẽ tới.
Sống trong biết ơn, bạn sẽ thấy xúc động. Một điều nhỏ bạn cũng thấy xúc động…
-Trong Suốt-
Sự kiêu ngạo của loài người, cho mình là sinh vật thượng đẳng, chinh phục được thiên nhiên và sự sợ hãi của loài người khi thiên nhiên biểu lộ sức mạnh không thể cưỡng lại được của nó ngăn cản chúng ta nhận ra sự thật đơn giản là: Thế giới không phải để cho ta tàn phá và sử dụng theo ý muốn, cho sướng bản thân mình. Thế giới cho bạn cơ hội sống để hiểu, trân trọng và biết ơn mọi điều.
Thu Thu
Mỗi ngày nấu 120 suất cơm gửi tặng các y bác sĩ đang chống dịch
Chủ một tiệm ăn nhỏ ở Hà Nội đã nấu 120 suất cơm đầy đủ chất dinh dưỡng và tự tạy vận chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để gửi tặng đội ngũ y, bác sĩ.
Với mong muốn góp một phần công sức và thể hiện lòng biết ơn đối với đội ngũ y, bác sĩ đang hàng ngày căng mình chống dịch, chị Nguyễn Thanh Thủy, chủ một quán ăn tại Hà Nội, đã nấu 120 suất cơm rồi vận chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) - nơi đang điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19.
Thanh Thủy tự tay mang 120 suất cơm miễn phí đến tặng các y, bác sĩ của bệnh viện.
Nói với Zing.vn, Thủy cho biết việc làm này xuất phát từ tấm lòng tri ân, ngưỡng mộ các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu.
"Mình hy vọng những phần ăn nóng sốt hàng ngày sẽ là sự động viên, khích lệ tinh thần các y bác sĩ trong cuộc chiến gian khó này", cô nói.
Để có cơm chuyển tới vào đúng bữa trưa, Thủy kể đã dậy từ 4h đi chợ, tự tay chọn thực phẩm tươi ngon.
Các suất cơm gồm có rau củ quả, thịt, tôm, cơm và canh. Ngoài ra, mỗi phần đều kèm thêm nước hoa quả ép để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Hiện tại, Thủy đang là chủ một cửa hàng cơm nhỏ. Cô cũng là lao động chính trong gia đình.
Sau khi dịch bệnh bùng phát, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Thời điểm đó, gia đình rất lo lắng khi một mình Thủy vừa buôn bán, vừa tham gia công việc thiện nguyện.
"Do khả năng có hạn, mình mới chỉ làm cơm mời 5 khoa trong bệnh viện. Trước khi nấu, mình đã liên hệ trước, nhờ người của các khoa tới nhận. Tự mình vào bếp, vận chuyển để yên tâm tấm lòng được tới đúng nơi, đúng người. Quá trình đưa cơm, mình đeo khẩu trang, găng tay đầy đủ để giữ vệ sinh an toàn thực phẩm".
Cô nói thêm hiện cơm trưa của các bác sĩ đã có nhiều mạnh thường quân cùng phụ giúp. Chỉ bữa tối của các khoa còn trống.
"Mình đã đưa thông tin lên một số diễn đàn để anh em có lòng hảo tâm cùng nhau tham gia. Trong trận chiến này, các y bác sĩ là chiến sĩ, thì người dân phải là hậu phương. Mỗi người góp một chút, mong các bác sĩ có thêm bữa ăn ngon miệng, đảm bảo sức khỏe, nâng cao sức đề kháng khi làm việc", Thủy chia sẻ.
Những suất cơm được nấu từ những thực phẩm tươi ngon nhất.
Trước đó, một chuỗi cà phê tại Hà Nội dành tặng mỗi ngày hơn 300 ly cà phê kèm lời nhắn của khách hàng, nhân viên tới các bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Hay một nhà hàng nổi tiếng ở Đà Nẵng gửi 1.000 suất cơm với thực đơn không trùng lặp đến các y, bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Tính đến sáng 24/3, Việt Nam đã ghi nhận 121 ca mắc Covid-19, 17 trường hợp đã khỏi bệnh, chưa có trường hợp tử vong.
Trong đó, bệnh nhân thứ 116 là một bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Đây là bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Anh tham gia chống dịch từ 31/1 - những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Công việc của anh là khám sàng lọc cho người nghi mắc Covid-19, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng.
Lưu bút Covid-19: "Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta!" Công dân để lại hàng chục trang lưu bút thể hiện lòng biết ơn sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Trong 2 ngày 11-12/3, 752 công dân trở về từ Hàn Quốc hoàn thành 14 ngày cách ly để theo dõi y tế tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô...