Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại châu Âu
Đan Mạch và Iceland ngày 27/12 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát, trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh khiến châu Âu trở thành điểm nóng dịch bệnh toàn cầu.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước khi xuất hiện biến thể Omicron, 2 quốc gia Bắc Âu này nằm trong số những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất châu Âu.
Theo thống kê của hãng tin AFP, trong 7 ngày qua châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất. 5 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới trong tuần qua đều là các quốc gia ở châu Âu.
Đan Mạch ghi nhận 16.164 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ghi nhận theo ngày tại nước này vượt ngưỡng 15.000 ca. Hiện tỷ lệ lây nhiễm tại Đan Mạch – quốc gia với 5,8 triệu dân – ở mức cao nhất thế giới, với 1.612 ca/100.000 người.
Trong khi đó, Iceland ghi nhận 672 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Từ khi dịch bùng phát cho đến giữa tháng 12 này, Iceland chưa từng ghi nhận quá 200 ca/ngày.
Video đang HOT
CH Cyprus ngày 27/12 cũng ghi nhận 1.925 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Bộ trưởng Y tế nước này Michalis Hadipantelas cảnh báo khả năng áp đặt các biện pháp hạn chế mới.
Tại Na Uy, biến thể Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo ở thủ đô Oslo.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, số ca nhiễm mới ghi nhận ngày 27/12 đã tăng 30%, lên 26.099 ca, mức tăng theo ngày cao nhất trong năm nay. Trước đó, trong tháng 12 này, số ca nhiễm mới theo ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ ở mức khoảng 20.000 ca trở xuống. Số ca nhiễm mới tăng mạnh trong bối cảnh giới chức y tế Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan nhanh hơn những biến thể khác, đồng thời kêu gọi người dân thận trọng và tiêm liều vaccine tăng cường.
Trong khi đó, tại Mỹ, do sự lây lan mạnh của biến thể Omicron, số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong đã tăng mạnh trong mùa Đông này.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước này đã ghi nhận trung bình hơn 176.000 ca nhiễm mới mỗi ngày; riêng ngày 27/12 ghi nhận gần 300.000 ca, mức cao nhất kể từ ngày 8/1 năm nay.
Hiện Mỹ cũng đang chứng kiến trung bình 1.200 ca tử vong mỗi ngày. Vào ngày 21/12 vừa qua, Mỹ ghi nhận 2.200 ca tử vong, mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ ngày 8/10. Theo dữ liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, trong dịp lễ Giáng sinh vừa qua, hơn 69.000 người đã phải nhập viện vì COVID-19. Hiện Omicron đang dần thay thế Delta trở thành biến thể chủ đạo ở Mỹ.
Đại học hàng đầu châu Âu phát hiện sự tham gia của quân đội Trung Quốc trong công trình nghiên cứu gien
Trường đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết một giáo sư Trung Quốc tại đây đã tiến hành nghiên cứu gien cho quân đội Trung Quốc mà không thông báo.
Trường đại học Copenhagen (Đan Mạch). Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết giáo sư Guojie Zhang cùng một sinh viên đã hợp tác với phòng thí nghiệm của Quân đội Trung Quốc nghiên cứu về việc cho khỉ tiếp xúc với độ cao cực độ để nghiên cứu não của chúng và phát triển loại thuốc mới.
Giáo sư Guojie Zhang vốn được tập đoàn BGI (Trung Quốc) tuyển dụng. BGI cũng là đơn vị cấp vốn cho các nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen và đặt trụ sở chi nhánh châu Âu ngay tại khuôn viên trường này.
Người đứng đầu Khoa sinh học Đại học Copenhagen-ông Niels Kroer tiết lộ với Reuters rằng, ở thời điểm kết quả nghiên cứu được công bố, Đại học Copenhagen không hề biết rằng có các tác giả từ viện nghiên cứu quân sự Trung Quốc cũng góp mặt.
Ông Zhang xác nhận không thông báo với Đại học Copenhagen về mối liên hệ này bởi trường không yêu cầu các nhà nghiên cứu phải báo cáo về đồng tác giả. Trường Đại học Copenhagen cũng xác nhận thông tin này.
BGI trong khi đó cho biết nghiên cứu với phòng thí nghiệm của quân đội Trung Quốc "không thực hiện vì mục đích quân sự". Theo BGI, nghiên cứu não là lĩnh vực quan trọng để hiểu biết về các căn bệnh của con người.
Bộ Quốc phòng Mỹ trong tháng 11 bày tỏ quan ngại Bắc Kinh sử dụng công nghệ sinh học để tăng cường khả năng của binh sĩ.
Trong những năm gần đây, Mỹ ngày càng lo lắng về khả năng các trường đại học chuyển công nghệ nhạy cảm cho Trung Quốc. Mỹ trong tháng 10 đã nhất trí hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề này dựa theo hội đồng công nghệ và thương mại phối hợp mới giữa hai bên.
Ủy ban châu Âu cho biết đang phát triển hướng dẫn về "xử lý can thiệp nước ngoài" ở các cơ sở giáo dục cấp cao. Một số trường đại học, trong đó có Đại học Copenhagen từ lâu đã có mối liên hệ khoa học thân thiết với Trung Quốc.
Trong tháng 5, cơ quan tình báo Đan Mạch PET cảnh báo các trường đại học ở nước này về rủi ro an ninh quốc gia khi vô tình tham gia vào nghiên cứu quân sự nước ngoài.
Đại học Copenhagen là một trong những viện nghiên cứu gien lâu đời nhất châu Âu. Ngôi trường này có quan hệ khá sâu với BGI. Hàng chục nghiên cứu do BGI cung cấp vốn đã được thực hiện tại Đại học Copenhagen.
COVID-19 tới 6h sáng 27/12: Thế giới vượt 280 triệu ca mắc; Trung Quốc có số ca cộng đồng cao nhất gần 1 năm qua Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 333.000 ca mắc COVID-19 và trên 2.800 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 280 triệu ca, trong đó trên 5,41 triệu ca tử vong. Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế tại New York, Mỹ...