Dịch bệnh bùng phát ở vùng Sừng châu Phi sau các đợt mưa lũ nghiêm trọng
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong báo cáo công bố ngày 30/5, Cơ quan Phát triển Liên chính phủ (IGAD) khu vực Đông Phi cho biết vùng Sừng châu Phi đã ghi nhận các đợt bùng phát dịch bệnh tăng sau những trận mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng gần đây.
Ngập lụt sau mưa lớn tại Nairobi, Kenya ngày 1/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
IGAD nêu rõ đã ghi nhận các đợt bùng phát dịch bệnh tả, sốt rét, sởi, sốt xuất huyết, sốt vàng da, bại liệt và bệnh than. Tất cả đều có liên quan trực tiếp với các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt tại khu vực trên.
IGAD cho biết thêm Ethiopia, Kenya, Somalia, Sudan và Uganda đang ứng phó với các đợt bùng phát dịch tả nghiêm trọng hơn do lũ lụt gần đây. Tính từ ngày 1/1 đến ngày 28/4, Ethiopia ghi nhận 14.632 ca mắc bệnh và 114 ca tử vong tại 90 khu vực thuộc 11 vùng.
Qua theo dõi, IGAD nhận thấy số ca mắc sốt rét tại 7 quốc gia vùng Sừng châu Phi gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda đang ngày một tăng.
Video đang HOT
Tương tự, các đợt bùng phát bệnh sởi đang diễn ra trên khắp khu vực. Tính đến cuối tháng 4, Ethiopia ghi nhận 20.580 ca mắc và 162 ca tử vong, trong khi Somalia ghi nhận 360 ca nghi tử vong cũng do căn bệnh này. 4 quốc gia khác, trong đó có Kenya, lại đang phải ứng phó với dịch sốt xuất huyết, còn dịch sốt vàng da đang hoành hành ở Nam Sudan.
Theo IGAD và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 74,9 triệu người trong khu vực đang thiếu lương thực nghiêm trọng sau lũ lụt và rất cần viện trợ nhân đạo.
*Tại Brazil, nhà chức trách lo ngại nguy cơ bùng phát các bệnh lây truyền qua đường nước tại bang Rio Grande do Sul khi người dân trở về và dọn dẹp nhà cửa bị ngập lụt sau các trận mưa lũ lịch sử.
Theo cơ quan y tế địa phương, lũ lụt đã tạo điều kiện cho xoắn khuẩn leptospira phát triển mạnh, kéo theo nguy cơ lớn bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính Leptospirosis.
Người đứng đầu Trung tâm giám sát y tế bang, bà Roberta Vanacor, cho biết 141 trường hợp đã được xác nhận mắc bệnh trong số 2.300 trường hợp nghi mắc, trong khi đã có 7 người tử vong. Giới chức y tế đang tiến hành xác minh nguyên nhân tử vong ở 10 trường hợp khác.
Để đáp ứng nhu cầu lớn về chăm sóc y tế, 4 bệnh viện dã chiến đã được thiết lập tại bang Rio Grande do Sul. Cùng với đó, các nhóm cứu hộ lưu động đã hỗ trợ cho hàng nghìn người.
Mưa lớn bắt đầu trút xuống vào cuối tháng 4 khiến mực nước tại nhiều sông, hồ ở bang Rio Grande do Sul dâng lên mức kỷ lục, gây lũ lụt, khiến hơn 580.000 người phải rời bỏ nhà cửa và ít nhất 169 người thiệt mạng.
Mưa lũ có nguy cơ làm trầm trọng thêm dịch tả ở Đông Phi
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 6/5, các tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo lũ lụt nghiêm trọng ở Đông Phi có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình dịch tả đang diễn ra ở khu vực này và các cơ quan LHQ đang phối hợp với chính phủ các nước bị ảnh hưởng cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho người dân.
Ngập lụt sau mưa lớn tại Nairobi, Kenya ngày 1/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết đến nay, gần 750.000 người ở Đông Phi đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, với 234.000 người phải di dời và 236 người thiệt mạng. Riêng ở Kenya, hơn 229 người đã thiệt mạng và hơn 285.000 người khác bị ảnh hưởng. Theo OCHA, LHQ và các đối tác đang hỗ trợ Chính phủ Kenya cung cấp nước sạch, hệ thống vệ sinh, lương thực, tiền mặt, dịch vụ y tế và nơi trú ẩn tạm thời cho những người bị ảnh hưởng ở nước này.
Trong khi đó, tại Somalia, lũ lụt cũng ảnh hưởng tới hơn 160.000 người. Kể từ ngày 19/4 đến nay, 7 trẻ em đã thiệt mạng do mưa lũ, trong đó các bang Hirshabelle, Jubaland và Southwest bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện giới chức địa phương đã cung cấp thực phẩm, tiền mặt, nước sạch, hệ thống vệ sinh, nơi trú ẩn tạm thời và dịch vụ y tế cho hàng chục nghìn người. Nhà chức trách còn huy động khoảng 50 thuyền để phân phối nhu yếu phẩm hoặc sơ tán những người bị nước lũ cô lập. Theo OCHA, các tổ chức nhân đạo ước tính mưa lũ có thể ảnh hưởng đến ít nhất 770.000 người ở Somalia và có khả năng làm trầm trọng thêm tình hình dịch tả đang diễn ra ở nước này.
Tại Burundi, mưa xối xả và mực nước hồ Tanganyika dâng cao đã ảnh hưởng đến gần 180.000 người kể từ đầu năm đến nay. Ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, chính quyền ước tính rằng khoảng 40.000 ha, tương đương 10% diện tích cây trồng của cả nước, đã bị ảnh hưởng. OCHA cho biết đang hoàn thiện kế hoạch ứng phó lũ lụt trị giá 25 triệu USD để hỗ trợ hơn 300.000 người ở quốc gia này trong khi các đối tác đang cung cấp dịch vụ y tế, nước uống, lều bạt và hỗ trợ tâm lý cho những người bị ảnh hưởng.
Trẻ em mắc bệnh tả được điều trị tại Kigoma, Tanzania. Ảnh: AFP/TTXVN
Ở Tanzania, chính phủ và các đối tác nhân đạo đã triển khai các đội tìm kiếm cứu nạn và phân phát viện trợ khẩn cấp bao gồm thực phẩm, đệm, màn chống muỗi và lều bạt để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Tại Rwanda, mưa lớn và lũ lụt cũng đã khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương, làm hư hỏng đường sá, cầu cống và hàng trăm ngôi nhà. Theo chính quyền địa phương, nhiều ha lúa, chuối cũng đã bị hư hại. OCHA cho biết các chính phủ cùng với các đối tác nhân đạo đang hỗ trợ các nỗ lực sơ tán và ứng phó tại các nước này.
Liên hợp quốc khởi động kế hoạch viện trợ nhân đạo cho Cameroon Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 16/4, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) tại Cameroon đã khởi động kế hoạch viện trợ nhân đạo nhằm giải quyết các nhu cầu cấp thiết của 2,3 triệu người dễ bị tổn thương nhất ở quốc gia Trung Phi này. Người dân tại khu vực Kerawa,...