Địa phương hứa kéo điện, 4 năm chưa thấy đâu
Gần 30 năm đi kinh tế mới, hàng chục hộ dân từ Thái Bình vào Nà Ven (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) vẫn không thoát khỏi đói nghèo.
Sinh tồn trên đất chết
Ngày 20.3.1988, hơn 70 hộ dân Quỳnh Phụ, Thái Bình lên tàu “Nam tiến” đi kinh tế mới theo chủ trương của huyện. Gần 200 con người, lớn bé đủ cả, đùm túm tất tần tật những gì có giá trị, vật vã vượt hơn ngàn cây số đến Tây Nguyên. Sau 10 ngày di chuyển, toàn bộ số dân này được đưa đến cánh rừng bên bờ suối Đục, xã Krông Na, huyện Ea Súp, Đăk Lăk nay là thôn Nà Ven, xã Ea Wer, Buôn Đôn- cách đường vào huyện Ea Súp chừng 3km. Ở đấy, chỉ có một bãi đất trống và một con đường nhỏ vừa được xe ủi vén rừng mà thành, xung quanh hoang sơ không nhà cửa, không một bóng người.
Mỗi năm tổng thu từ đậu, bắp… của dân Nà Ven chỉ được vài chục triệu đồng. Ảnh: D.H
Cái khó của thôn chúng tôi kể hoài chẳng hết bởi làm gì có cái gì… không khó. Cốt lõi của tất cả cái khó ấy chính là điện. Có điện là có nước, nước về thì cây cối tốt tươi… kinh tế của dân chắc chắn sẽ theo đó mà phát triển mạnh hơn, thoát nghèo là chuyện không khó. Ông Nguyễn Đức Giang -
Trưởng thôn Nà Ven
Để có chốn nương thân, dân phải đốn cây dựng chòi, dùng giấy dầu (được cấp phát) làm mái che. Mấy tháng đầu, chính quyền cấp cho mỗi khẩu 13kg gạo, cái ăn tạm thời không lo. Chuyện cấp thiết trước mắt là chẳng mấy ngày nữa mưa ập xuống đầu, giấy dầu, lá rừng chỉ tạm che được cái nắng, phải tìm thứ gì đó lợp nhà chắc chắn hơn dân mới chống chọi được 6 tháng mùa mưa Tây Nguyên. Biết nỗi khổ ấy, ông Y Đưng một cán bộ xã Krông Na vào tận huyện Ea Súp xin chục xe rơm về cho dân lợp nhà. Nói là xin nhưng, dân cũng phải góp mỗi người mấy trăm đồng bồi dưỡng cho cánh lái xe.
Video đang HOT
Lo xong chỗ ở, dân bắt đầu khai khẩn đất đai tính kế sinh nhai. Cụ Liêu, một trong những người đi di dân đợt ấy kể rằng, đất đai khai khẩn ra chẳng thiếu. Nhưng đất ấy sỏi đá, cằn cỗi vô cùng, nước vừa chạm đất đã khô khốc. Nắng lên cỏ cây vàng vọt, sa mưa xuống phèn nổi tứ bề. Nghĩ mãi, dân quyết định chọn cây bắp để “khởi nghiệp”. Nhưng hạt bắp bỏ xuống, hơn một tháng sau cây lên chỉ to bằng ngón tay, lá vàng vọt, queo quắt như bị ai hơ lửa. Vậy là “nhất niên chi kế” với cây ngô thất bại, dân chuyển sang tỉa đậu, trồng lúa rẫy, cắm thêm hom mì… Cuối cùng cái ăn cũng có nhưng cũng chỉ đủ để lay lắt qua ngày.
Cuộc sống khó khăn nên từ 74 hộ ban đầu, chỉ một tháng sau hơn nửa dân đã bỏ đi tứ tán. Vài ba tháng sau, đếm đi đếm lại chỉ còn 17 hộ trụ lại Nà Ven.
Chỉ xin một ước mơ…
Tính đến giờ, Nà Ven đã ra đời được hơn 28 năm. Nhưng mọi thứ ở đây gần như vẫn chẳng hề thay đổi, chỉ có con người, từ 17 hộ giờ tách ra hơn gấp đôi. Cả thôn có đến gần 200ha đất, tính ra trung bình mỗi hộ có đến gần 4ha. Nhưng sinh kế vẫn quanh quẩn, đậu, bắp, mỳ, mè… năm được, năm mất, dân chẳng thể ngẩng đầu lên được.
Cụ Liêu giờ đã 73, sống trong căn nhà chừng 20m2, vách thưng ván, mái che ngói. Gia sản của cụ, quý giá nhất chỉ có chiếc radio cũ kỹ và chiếc giường ọp ẹp. Nhưng với cụ có được cuộc sống hiện tại đã là quá hạnh phúc. “Mười năm bộ đội, mấy năm liền làm bí thư thôn ở ngoài quê, tôi chẳng phải người lười biếng, không biết tính toán. Nhưng ở vùng đất này, dù có phải làm lụng vất vả hơn nữa cũng chẳng thể nào khá hơn. Không thủy lợi, không điện đóm, nước ngay bên hông mà không làm sao đưa lên được để tưới, cây trồng cứ thế phó mặc cho trời- cất đầu sao được”- cụ Liêu than thở.
Ông Nguyễn Đức Giang- Trưởng thôn Nà Ven, bấm ngón tay, tính đi tính lại, cả thôn chỉ có 6 hộ không nghèo. Trong 6 hộ ấy, có 5 hộ từ nơi khác đến, chỉ duy nhất ông Đỗ Trọng Long là dân kinh tế mới nhờ vợ có đồng lương ở xã nên được xem là thoát nghèo. Còn tất tần tật 36 hộ dân kinh tế mới đều nghèo. “Mấy năm nay, dân được vay nguồn vốn hỗ trợ người nghèo của Ngân hàng CSXH mua được mấy con bò nên có phần đỡ hơn. Nhưng mùa khô cháy trụi, trâu bò thiếu thức ăn ốm giơ xương nên lợi nhuận chẳng đáng là bao, may lấy được ít phân đỡ được phần nào chi phí trồng trọt” – ông Giang chia sẻ.
Chuyện khó ở Nà Ven không chỉ bởi đất đai cằn cỗi mà điện, đường, trường trạm… đều khó. Tuy cách Tỉnh lộ 1 chỉ vài cây số và cách thủy điện “chẳng tày gang tay” nhưng 28 năm qua dân Nà Ven vẫn sống trong tăm tối. Mấy năm trước, đường vào Nà Ven bị xẻ ra làm kênh thủy điện. Dân có lòng mừng tưởng sớm muộn gì cũng được “thơm lây”. Nhưng mơ ước ấy chẳng thành hiện thực. Đường bị chẻ đôi, bên thủy điện nối cầu cho dân đi. Nhưng chẳng biết người thiết kế cầu suy nghĩ ra sao mà cho xây cầu thấp hơn mặt đường đến 5-6m. Xe đi xuống cầu đuôi chổng lên trời, chẳng khéo là lộn cổ xuống kênh. Bức xúc, dân Nà Ven kéo ra gây khó. Chủ đầu tư “thỏa thuận” nếu dân đồng ý để họ làm cây cầu “độc nhất vô nhị ấy” ấy họ sẽ kéo điện cho. Để thể hiện thiện chí, họ dựng một hàng cột điện to vật vã bên đường. Nhưng dân quyết không thuận, phía thủy điện buộc phải dỡ cầu làm lại cầu mới. Thủy điện “giận” bỏ hoang hàng cột điện. Nhớ năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào thăm Nà Ven, đã yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng kéo điện cho dân, lãnh đạo huyện cũng hứa như đinh đóng cột “một tuần sau sẽ triển khai khảo sát…” nhưng đến nay điện vẫn chưa về- Nà Ven vẫn sống trong tăm tối.
Theo Danviet
Chuyện làng O2 giữ rừng trên đỉnh Konhlon
O2 là làng xa nhất xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) nằm giáp ranh với xã An Toàn (huyện An Lão) và huyện Kbang (Gia Lai). Chưa có điện lưới quốc gia, đường giao thông... nên muốn đến làng O2 chỉ có cách duy nhất là lội bộ hơn 6 tiếng đồng hồ và vượt qua những con dốc "đầu gối chạm ngực".
Cõng xe máy về nhà
Như một chốt tiền đồn, làng O2 nằm trên đỉnh Konhlon cao vời vợi giữa núi rừng trùng điệp. Già làng O2 - Bok Hun, năm nay đã 107 tuổi nhớ lại: "Lúc trước, chính quyền địa phương có chủ trương di dời làng đi nơi khác, địa hình thuận lợi hơn để phát triển kinh tế. Nhưng làng chúng tôi đã có từ lâu đời, hồn thiêng của tổ tiên vẫn trong những cánh rừng thẳm, mình bỏ đi sao được".
Thủy điện nhỏ của gia đình Bá Khít. Ảnh: Dũ Tuấn
Nhiều năm nay, chúng tôi cũng viết dự án xin làm đường lên làng O2 nhưng không được vì tiền đầu tư cao quá, không có đường thì điện sao lên được đến làng đây. Thiếu thốn nhiều thứ như vậy nhưng người dân ở đây có ý thức rất tốt. Họ cùng nhau phát triển kinh tế, giữ gìn rừng". ÔngTrần Quốc Lại -
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh
Nghĩ vậy, Bok Hun cùng nhiều người dân trong làng quyết định ở lại, gắn chặt cuộc đời với O2. Từ 19 hộ dân, nay O2 đã có tổng cộng 47 hộ dân, 183 khẩu với 5 cụm dân cư, lấy nhà rông của làng làm điểm trung tâm. Nhưng cái khó của người dân nơi đây là đường giao thông. Không có đường nên câu chuyện 5 hộ dân ở làng O2 mua xe máy được xem là kỳ tích của làng. Để có xe máy, họ lặn lội xuống tận dưới xuôi bỏ tiền mua xe rồi thuê người "cõng" xe lội suối, băng rừng lên làng.
Anh Đinh Văn Sơn, người đầu tiên mua xe máy ở O2 kể: "Mình xuống dưới xã, thấy nhiều xe máy quá, còn làng mình chẳng có cái nào. Vậy là mình mua một chiếc, nhờ mười mấy thanh niên trong làng "cõng" xe lên, mất một ngày trời xe mới lên được đây. Mua xe cũng để chạy trong làng cho vui thôi, chứ đến huyện thì xe chẳng đi được vì đường đâu có". Sau anh Sơn, hiện nay đã có thêm 4 hộ ở O2 mua xe máy.
Năm 2012, huyện Vĩnh Thạnh đầu tư xây dựng cầu treo bắc qua sông Kôn, đoạn lên làng O2, mở ra hy vọng cho người dân trên làng vùng cao này, có cầu rồi sẽ có đường. Nhưng, trận lũ lịch sử năm 2013 đã giật phăng chiếc cầu xuống sông Kôn và cuốn trôi hy vọng làm đường của người dân O2. Vì vậy, qua sông chỉ còn cách lội bộ, men theo những triền đá ghập ghềnh.
Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt ở O2 chủ yếu lấy từ nguồn nước suối. Ở giữa làng, bà con đào chung 2 hố nước cạnh khe suối, một để lấy nước uống và một để tắm rửa, giặt giũ. Nhà nào có điều kiện, mua ống nhựa dẫn nước về chứa trong bể làm bằng ván ghép, bên trong lót bạt. Con suối cạnh làng có nước trong mùa khô nhưng lại nằm tít dưới sâu. Muốn lấy nước về, chẳng có phương tiện nào khác là phải bỏ sức gùi cõng từng can.
"Những tấm panel điện mặt trời được lắp đặt đã hư hỏng từ lâu. Chiếc tuabin thủy điện nhỏ tận dụng sức nước từ con suối cạnh làng do bà con tự bỏ tiền mua về lắp đặt sau vài năm đã hư hỏng hết, chẳng ai biết sửa chữa nên đành bỏ luôn. Nhà mình có cái tivi nhưng phủ bụi cả năm không nói gì cả vì thủy điện nhà mình hư rồi, còn máy nổ của làng cũng trục trặc mãi"- ông Bá Khít ở làng O2 than vãn.
Bám đất, giữ rừng
Khó khăn nhiều như vậy, nhưng người dân O2 vẫn bám đất dựng làng, đầu tư chăn nuôi, trồng trọt... để phát triển kinh tế. Hiện đàn trâu, bò trong làng lên đến hơn 500 con, những rẫy đất mênh mông ở O2 được bà con đưa vào trồng nhiều loại cây nông sản, tự cung cấp cho cuộc sống hằng ngày. Bảo vệ rừng theo hợp đồng giao khoán, người dân tự xóa bỏ việc phá rừng làm rẫy mà chỉ canh tác trên diện tích rẫy cũ. Không chỉ có thêm thu nhập chính từ việc bảo vệ rừng, giờ đây, những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng ngàn hecta bao quanh O2 được những người dân bảo vệ rất nghiêm ngặt nên lâm tặc chẳng dám nhòm ngó.
"Chúng tôi tâm niệm rằng yêu làng là phải giữ rừng, vì rừng cho rất nhiều thứ để có cái ăn, cái mặc. Các lâm sản phụ dưới tán rừng được phép khai thác như: Mật ong, trái ươi, trái xoay... đã mang lại nhiều nguồn lợi. Hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 6 là mùa hoa rừng nở, cũng là mùa ong đi tìm mật. Ở làng O2, mỗi năm những thanh niên trai tráng đi rừng lấy về cả ngàn lít mật. Giá mật ong rừng luôn ổn định ở mức từ 250.000- 300.000 đồng/lít mang lại nguồn thu nhập không nhỏ. Mỗi mùa ong, cả làng vào rừng lấy mật, nhà nào nhiều thì cũng được vài ba trăm lít, gia đình mình cũng lấy được không dưới một trăm lít mật mỗi mùa. Tiền bán mật được bà con xem là một trong những nguồn thu nhập chính trong năm"- ông Bá Khít (làng O2) chia sẻ.
Theo Danviet
60 đội vào đường đua "sáng kiến giảm nghèo" 60 đội thi, đến từ 13 dân tộc thiểu số (DTTS) của 16 tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đã cùng tham gia sự kiện Tọa đàm phát động Hội thi "Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng". Sự kiện do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội...