Địa ngục của người chuyển giới ở trại cải huấn
“ Trại cải huấn” được ví như địa ngục trần gian với thanh thiếu niên nổi loạn, người đồng tính, chuyển giới, đội lốt là những trung tâm “ chữa bệnh”.
Tháng 3/2018, khi Huang Xiaodi bước sang tuổi 17, gia đình gọi cô về nhà ở Jiangyin, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, để tổ chức tiệc sinh nhật. Nhưng cô không có cơ hội để cắt bánh sinh nhật. Huang đã bị bố, chị gái và anh rể dẫn lên xe hơi.
“Họ nói rằng họ muốn đưa tôi đi mua sắm,” Huang nhớ lại buổi tối hôm đó. “Tôi đã rất ngạc nhiên nghĩ: “Mua sắm? Vào giờ này?”"
Khi lên xe được khoảng 20 phút, Huang nhận ra có điều gì đó không ổn khi chiếc xe rẽ vào đường cao tốc và đi ra khỏi tỉnh.
“Mọi người đưa con đi đâu?”, cô hỏi.
“Chúng ta sẽ chữa khỏi bệnh cho con,” cha cô trả lời. Vài giờ sau, Huang bắt đầu hiểu ra khi gặp một người hướng dẫn khoảng 40 tuổi, béo tròn, mặc đồ rằn ri xuất hiện chào đón họ.
“Đây là nơi nào?”, cô phản ứng. “Người đàn ông đó là ai?”
“Anh ấy có thể chữa khỏi cho em,” chị gái cô trả lời. Sau đó, chị cô và cha kéo Huang ra khỏi xe, đẩy cô về phía người đàn ông đáng sợ tên “Lão Trương”.
Tháng trước, Huang, người sinh ra với giới tính nam, đã gửi cho gia đình một bức thư công khai mình là người chuyển giới và bỏ nhà đi. Khi bị cảnh sát bắt, cô được đưa đến khoa tâm lý tại Bệnh viện Tây Nam, Trùng Khánh, nơi cô và cha mình thảo luận về việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Cha của cô “nghĩ rằng chỉ có hai giới tính”, Huang nói, vì vậy, “nếu tôi đã không được sinh ra là con gái, tôi sẽ phải quay lại làm con trai”.
Một cuộc tuần hành của những người trong cộng đồng LGBT tại Trung Quốc năm 2011. Ảnh: AP
Sau đó, chủ đề này không được nói đến nữa. Huang trở về nhà và tìm việc ở Tô Châu, cách đó khoảng một giờ. Và hiện tại, cô bị đưa vào một ngôi trường ở Trùng Khánh, cách nhà hơn 1000km.
Huang nhớ lần đầu tiên cô bước xuống hành lang hẹp, tối tăm ở Trường Kỹ thuật Thông tin Trùng Khánh Lishi, đi ngang qua những căn phòng, nơi một vài đứa trẻ đứng ngay cửa, một số trò chuyện với gia đình. Cô cảm thấy “họ không có linh hồn”.
Cô bị bỏ lại trong một căn phòng ở cuối hành lang với tám đứa trẻ khác, trong độ tuổi từ 9 đến 18, tất cả đều mặc đồng phục rằn ri và đầu cạo trọc. Gối và chăn được cuộn trong góc những chiếc giường tầng. Phòng tắm nhỏ, ẩm thấp có khung cửa sổ được chắn ngang bằng song sắt.
Gia đình Huang đã trả tiền và rời đi mà không có lời tạm biệt. Vài phút sau, lão Trương vào phòng nói chuyện với cô. Trong những tháng tới, “cách chữa trị” cho giới tính của cô, và cho những thói quen lệch lạc hoặc hành vi nổi loạn của các học sinh khác, sẽ được thực thi như trong trại huấn luyện. Họ bị đánh đập thường xuyên.
Video đang HOT
Theo hồ sơ công khai, ngôi trường này là một cơ sở tư nhân, được thành lập vào năm 2007 để giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên. Một hợp đồng ghi rằng trường cung cấp các khoá “can thiệp khủng hoảng tâm lý, huấn luyện quân sự, huấn luyện lao động, giáo dục lòng hiếu thảo và lòng biết ơn”.
Trên khắp Trung Quốc, các trường như vậy tồn tại để “điều chỉnh” hành vi của thanh thiếu niên, từ việc họ là người đồng tính nam hoặc chuyển giới, nghiện trò chơi điện tử hay đơn giản là không vâng lời hoặc nổi loạn. Họ cho đây là một cách hiệu quả để giáo dục lại các thanh thiếu niên.
Huang sinh ra ở Trùng Khánh vào mùa xuân năm 2001. Cô lớn lên với một chị gái và anh trai, sống với ông bà trong khi cha mẹ họ đi làm công việc nhà máy, giống như hàng trăm nghìn những người lao động nhập cư khác trên khắp Trung Quốc.
Khi cô đến tuổi đi học, bố mẹ Huang đưa ba đứa con của họ đến Jiangyin, nơi họ đã tìm được công việc ổn định để gia đình có thể ở bên nhau. Sau khi rời khỏi Trùng Khánh, Huang hy vọng cuộc sống tại Jiangyin sẽ thở hơn, nhưng tại đây, các bạn cùng lớp đã trêu chọc cậu bé mới vào trường khi có “hành động như một cô gái”, cô nói. “Ở nhà tôi chơi với các bạn gái khác, giả vờ cỏ là rau và đặt nó vào bát đất sét…”
Trong một lần, khi đang đi dạo với một cậu bé khác, Huang đã nắm tay cậu và đung đưa qua lại, giống như cách các bạn nữ trong lớp vẫn làm. Những đứa trẻ khác gọi họ là những người đồng tính, chế nhạo rằng họ muốn kết hôn. Khi đến tuổi dậy thì, cơ thể của Huang bắt đầu thay đổi, và cô nói, “cái người trong gương giống như một con quái vật”.
Sau năm đầu tiên ở trường cấp hai, Huang bỏ học để làm thợ sửa xe và chuyển ra khỏi nhà của bố mẹ. Cô bắt đầu lên mạng tìm người để chia sẻ vấn đề của mình và tìm thấy một bài báo mô tả một nhóm có tên là yaoniang, hay những cô gái nghiện thuốc. Đó là những chàng trai dùng các nội tiết tố, để giúp cơ thể phát triển các nét nữ tính. Cô làm theo và dần dần giọng cô trở nên cao hơn và ngực cô nở ra. Cha mẹ cô bận rộn với công việc đã không để ý điều này. Cuối cùng, Huang cũng có thể thấy mình trong gương như cách cô muốn.
Người thuộc cộng đồng LGBT Trung Quốc trong cuộc tuần hành ở Đại học Công nghệ Queensland. Ảnh: Đại học Công nghệ Queensland
Và rồi cái ngày định mệnh đó đã đến. Vào tháng 2/2018, khi Huang quyết định bỏ nhà đi, để lại cho gia đình bức thư trong đó cô tiết lộ rằng mình đã uống thuốc nội tiết tố. “Gia đình sẽ không bao giờ chấp nhận hoàn cảnh của con,” cô viết, “ngay cả khi đã chấp nhận, gia đình sẽ khó lòng chấp nhận cách xã hội nhìn nhận chúng con”.
Lão Trương đã hướng dẫn Huang về các quy tắc cơ bản. Các sinh viên sẽ ăn cùng nhau, không sở hữu đồ điện tử, đồ trang sức hay đồ trang điểm. “Thử thách này chỉ kéo dài một tuần,” lão nói với cô.
Đêm đó, Huang ngủ chung giường với một cậu nam khác, run rẩy dưới tấm chăn mỏng. Cô được đánh thức vào sáng hôm sau lúc 5 giờ sáng. Các sinh viên bắt đầu một ngày bằng cách sắp xếp phòng của họ, và lúc 6 giờ sáng được dẫn vào nhà ăn để ăn bữa sáng với cháo, rau muối và bánh.
Trứng được phục vụ mỗi tuần một lần, vào thứ Hai. Sau bữa sáng, bạn cùng phòng của Huang là Liao Zihao cho cô ấy xem đồng phục. “Mặc vào”, Liao nói. “Nếu không chúng ta sẽ bị trừng phạt”.
Tập thể dục buổi sáng bao gồm chống đẩy, nhảy xa và chạy 5km. Vào buổi chiều, các học sinh tham dự các lớp toán cơ bản, tiếng Trung Quốc và đôi khi là tâm lý học. Khi Huang trở về phòng mình vào đêm đầu tiên, cô hỏi những đứa trẻ khác tại sao chúng được gửi đến trường. Các lý do rất đa dạng: chơi quá nhiều trò chơi điện tử, xăm mình, không về nhà vào ban đêm, đánh nhau… “Tại sao bạn không bỏ chạy?” Huang hỏi. Cô được cho biết là chưa từng có ai trốn thoát.
Một giáo viên tâm lý, tên Lesley, trước đây đã làm việc tại chi nhánh Thành Đô của trường và đã đến thăm trường Trùng Khánh trong một khóa đào tạo kéo dài một tuần. “Họ tuyển dụng giáo viên tâm lý để tư vấn cho trẻ em, nhưng đó là một trò giả tạo”, cô nói và cho biết thêm rằng hầu hết các bậc cha mẹ, ngay cả khi con họ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực, vẫn xem nó không có vấn đề gì”.
Lesley giải thích, họ sẽ cảm thấy “mất mặt” khi con mình bị chẩn đoán mắc một căn bệnh như vậy. Và một số “trường học” dựa vào nỗi sợ hãi và sự thiếu hiểu biết của cha mẹ đã quảng cáo là họ có thể điều trị được căn bệnh này.
Lesley nói: “Các dịch vụ mà họ cung cấp không phải là dịch vụ tư vấn thực sự. Các tư vấn viên đôi khi cũng tham gia giảng dạy học thuật. Họ không cung cấp phòng riêng cho giáo viên hoặc cung cấp bất kỳ thiết bị nào liên quan đến trị liệu tâm lý. Tôi có thể nói ngôi trường này là nơi phô bày nhiều vấn đề xã hội ở Trung Quốc. ”
Vào năm 2017, một cựu sinh viên của trường có tên Yuzhang Shuyuan, ở Nam Xương, thuộc tỉnh Giang Tây, miền nam Trung Quốc, đã tiết lộ trong một loạt bài đăng trên Weibo rằng các giáo viên ở đó đánh học sinh “hay gây rối” bằng thước và dây cáp, và nhốt họ trong những căn phòng không có cửa sổ, không có gì ngoài chiếc khăn bẩn, một xô nước và một bát cơm. Những hình ảnh gây chấn động cả nước.
Được thành lập vào năm 2013, trường đã quảng cáo việc sử dụng triết lý Nho giáo, văn học cổ điển Trung Quốc và thư pháp để “cải tạo” những học sinh nghiện internet và chơi game. Các báo cáo theo dõi trên các phương tiện truyền thông cho thấy việc đối xử tệ bạc là phổ biến.
Tháng 7 năm nay, theo hồ sơ tòa án công khai trên China Judgement Online, bốn giáo viên và quản lý trường học đã bị tòa án địa phương kết án tù từ 11 tháng đến hơn hai năm vì giam giữ trái phép học sinh.
Một số học sinh nói với giới truyền thông rằng họ bị trầm cảm hoặc chấn thương, một số sẽ không nói về trải nghiệm của mình, và đối với nhiều người, mối quan hệ của họ với cha mẹ, những người đã nhắm mắt làm ngơ để bảo vệ danh tiếng của bản thân, không thể hàn gắn.
Một vài tuần sau khi Huang đến trường học ở Trùng Khánh, Lão Trương và các huấn luyện viên đã đánh thức các học sinh lúc 3 giờ sáng, cô nói. Một cậu bé 14 tuổi tên là Chen Hongbang đã đánh cắp chùm chìa khóa và cố gắng mở cổng trước để bỏ đi, nhưng lại gây tiếng động mạnh và đánh thức các giáo viên.
Lão Trương nói với chúng tôi: “Chúng ta đã không gặp phải sự cố kiểu này trong một thời gian dài. Để cảnh cáo mọi người, tất cả các hoạt động sẽ bị hủy bỏ, chúng ta sẽ bước vào tuần địa ngục “.
Huang nhớ Chen đã bị đưa vào một góc và hai học sinh khác đè anh ta xuống đất trong khi Lão Trương đánh anh ta. “Chúng tôi nghe thấy tiếng la hét, giống như một con lợn bị giết thịt. Không ai dám di chuyển. Không ai nghĩ đến việc trốn thoát một lần nữa” Huang nói.
Bây giờ Huang hiểu rằng không có “thời gian thử thách” và cô quyết tâm đạt được điểm cao và tạo được sự tin tưởng. Năm tháng sau, vào tháng 8/2018, cô đứng thứ hai trong một cuộc thi thể thao sau khi hoàn thành 150 lần chống đẩy trong ba phút.
Màn trình diễn của cô đã mang về cho cô một ngôi sao trên miếng dán cầu vai, một vinh dự chỉ dành cho năm học sinh trong trường. Cô bắt đầu được hưởng những đặc quyền, chẳng hạn như ăn kem. Và khi các huấn luyện viên đánh bại cô, cô cũng không buồn. Cô nói rằng cô luôn “nhắc nhở bản thân rằng chừng nào tôi còn sống, thì vẫn còn hy vọng để thoát ra”.
Một ngày trong tháng đó, Huang ngạc nhiên khi biết tin cha mẹ cô đến thăm. Gia đình đi ăn lẩu, Huang cố gắng thuyết phục họ rằng cô đã thay đổi và nói rằng cô không thể chịu đựng được nữa khi ở lại trường. Bố mẹ cô ấy nói sẽ đón cô sau Tết Nguyên đán. “Hãy là một người tốt,” họ nói với cô ấy, “làm việc chăm chỉ, trở lạI như trước kia”.
Sau bữa tối, cả nhà dừng lại ở một cửa hàng tiện lợi, Huang đặt vài hộp sô cô la trên quầy, tim cô đập thình thịch. Cô biết đây là cơ hội của mình. Còn sáu tháng nữa mới đến năm mới. Trong khi bố mẹ cô loay hoay tìm tiền lẻ, Huang đi vòng qua các kệ và bỏ trốn.
Bên ngoài không có đèn đường, chỉ có mặt trăng soi lối hành trình cô đi tìm tự do. Khi một chiếc xe tải tấp vào và hai giáo viên hướng dẫn của trường bước ra, cô chui vào một con hẻm trước khi băng vào cánh đồng rau, cà đầu gối vào giỏ dưa leo khi bị ngã xuống đất.
Người chuyển giới tại Trung Quốc tuần hành năm 2015. Ảnh: Reuters
“Có đứa trẻ đã băng qua,” cô nhớ lại một trong những người đàn ông hét lên. “Dạt ra!”
Đèn pin chiếu trên đầu, nhưng Huang đã chiến thắng nỗi sợ hãi của cô và tiếp tục chạy. Cô khập khiễng đi về phía một cây cầu gần đó, tự cổ vũ cho mình “Di chuyển, di chuyển! Chạy, chạy.” Khoảng 20 phút sau, cô đến được với ánh đèn của một khu công nghiệp, bỏ xa những kẻ truy đuổi mình. “Cuối cùng thì tôi cũng đã làm được,” cô nói.
Với hai nhân dân tệ (30 xu Mỹ) trong túi, Huang mua vé xe buýt đến Bệnh viện Tây Nam, nơi cô đã đến thăm bác sĩ tâm lý với cha mình, và nơi cô đã quen đường đi nước bước. Trong vài ngày tiếp theo, cô ngủ ở hành lang, uống nước từ vòi nhà tắm và bới rác để kiếm thức ăn.
Một người nữ lao công định gọi cảnh sát khi thấy cô. Nhưng khi Huang cầu xin cô ấy đừng làm vậy, người phụ nữ này đã đưa cô 20 nhân dân tệ và bảo cô đi tìm người giúp đỡ. Huang đã cố gắng tìm kiếm việc làm tại các cửa hàng và nhà hàng gần đó, nhưng tất cả đều bị yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân. Cô nghĩ đến việc liên lạc với cảnh sát, nhưng sợ Lão Trương có thể có liên hệ với họ.
Vài ngày sau, cô lẻn vào căn tin tầng hầm của bệnh viện sau khi nó đã đóng cửa và mở lò hấp, ăn ngấu nghiến những chiếc bánh nhân thịt, sườn heo và trứng. Tối hôm sau, cô đến siêu thị để tìm một chiếc điện thoại di động. Ở đó, cô bị một nhân viên phát hiện và gọi cho đồn cảnh sát Tianxingqiao. Cảnh sát đã giúp Huang liên lạc với cha cô, người đã bảo cô quay lại trường học, tắm rửa, kiếm thức ăn và ông sẽ đến gặp cô trong vài ngày tới.
Trở lại trường, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi cô bỏ trốn. Bây giờ khi cha mẹ đến thăm con, họ không được phép ra ngoài khuôn viên trường, và sau đó vài ngày cô nhận ra cha mẹ đã lừa cô một lần nữa.
Bạn cùng phòng của cô, Liao, nói với cô rằng anh ta đã biết rằng điều này sẽ xảy ra.
“Gia đình của bạn sẽ không đến,” anh nói, “bạn quá nhẹ dạ.” Liao bước tới cửa sổ và bắt đầu khóc. “Lẽ ra bây giờ tôi đã ra ngoài, nhưng Trương lão cứ bảo dì tôi gửi thêm tiền và giữ tôi ở đây lâu hơn.”
Huang khao khát có cơ hội trốn thoát lần thứ hai và sau đó vài tháng, gia đình cô đột ngột xuất hiện, cô bỏ qua chuyện cũ và đã đón Tết Nguyên đán 2019 ở nhà. Họ thảo luận việc cô ấy sẽ đi học ở Trùng Khánh và sau kỳ nghỉ họ chuẩn bị xe. Nhưng cô nhanh chóng nhận ra rằng họ không lái xe đến Trùng Khánh mà hướng đến tỉnh Hà Nam. Cha mẹ cô đã lừa dối cô một lần nữa nhưng lần này họ lái xe đến một căn cứ gần chùa Thiếu Lâm, nổi tiếng về võ thuật và rèn luyện thể chất chăm chỉ.
Gần như ngay lập tức, Huang bắt đầu lên kế hoạch bỏ trốn. Vài ngày sau, cô nới rộng các bức vách với sự giúp đỡ của một người bạn cùng lớp và bỏ chạy. Cô ấy đi hàng trăm cây số, ngủ dưới gầm cầu và ăn mọi thứ từ những cánh đồng dọc đường – hành tây, cải bắp… Khi không thể chạy thêm được nữa, cô đã đi nhờ xe khoảng 500 km đến Từ Châu, phía tây bắc tỉnh Giang Tô.
Ở đó cô được một ông già phát hiện tại một công trường xây dựng. Khi cô kể lại cuộc trốn chạy của mình với người đó, ông ta trông rất kinh ngạc. “Con ơi, sao con có thể trụ vững được? Con thậm chí không thể đứng vững trên đôi chân của mình, khuôn mặt của con hốc hác”. Ông liên lạc với cha cô, và cha cô đến vào sáng hôm sau.
“Cha sẽ không ép buộc con nữa,” cha của Huang nói với cô. “Con có thể làm bất cứ điều gì con muốn”.
Trung Quốc tuyên phạt các bị cáo liên quan vụ nổ nhà máy hóa chất làm 78 người thiệt mạng
Ngày 30/11, các tòa án tại tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc đã tuyên phạt đối với 53 bị cáo dính líu tới vụ nổ nhà máy hóa chất vào năm ngoái.
Hiện trường vụ nổ nhà máy hóa chất ở thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 22/3/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Vụ nổ xảy ra vào tháng 3/2019 sau khi lửa bùng phát tại một nhà máy thuộc công ty hóa chất Giang Tô Thiên Gia Nghi tại quận Hưởng Thủy thuộc thành phố Diêm Thành. Vụ việc đã khiến 78 người thiệt mạng và 76 người bị thương, gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế khoảng 1,99 tỷ nhân dân tệ (302,6 triệu USD).
Theo Tòa án Nhân dân thành phố Diêm Thành và một số tòa án cấp thấp hơn trong thành phố, kết quả điều tra cho thấy vụ nổ xảy ra do chất thải được lưu trữ trái phép trong thời gian dài, bị nitrat hóa và bốc cháy đồng thời. Trong số các bị cáo, cựu Tổng giám đốc công ty Trương Cần Nhạc. Ông này đã bị kết tội lưu giữ trái phép các loại hàng hóa nguy hiểm, gây ô nhiễm môi trường và đưa hối lộ. Ông Trương Cần Nhạc đã bị kết án 20 năm tù và bị phạt 1,55 triệu nhân dân tệ.
Trung Quốc lại phát hiện SARS-CoV-2 trên bao bì thịt lợn nhập khẩu Các địa phương và cơ quan chức năng của Trung Quốc đang phải siết chặt việc quản lý và kiểm tra các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu vào nước này. Tiếp theo thành phố Nhũ Sơn, lại có thêm 1 thành phố khác ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc phát hiện thấy SARS-CoV-2 trên bao bì thịt lợn đông lạnh...