Địa lan Sa Pa có gì đẹp mà đại gia sẵn sàng chi trăm triệu?
Sa Pa (Lào Cai) được coi là thủ phủ của loại địa lan Trần Mộng, một loài địa lan hiếm, có mùi thơm ngọt quyến rũ, cành và hoa cong rủ duyên dáng. Với quan niệm một chậu lan nở rực rỡ, cành lá xum xuê sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới nên rất nhiều đại gia ưa chuộng loại địa lan này và sẵn sàng chi cả trăm triệu đồng để sở hữu 1 chậu lan khủng bày trong nhà dịp tết.
Nếu ai có dịp qua xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai hỏi bà con nông dân nơi đây cây trồng nào đang giúp bà con làm giàu, chắc chắn mọi người sẽ nhận được câu trả lời: “Muốn làm giàu phải bắt đầu từ trồng cây hoa địa lan”.
Hiện riêng địa bàn xã Tả Phìn (Sa Pa) đã có khoảng 500 hộ trồng địa lan. Ảnh: I.T
Thông thường, lan hồ điệp hay các loại lan khác giá cao cũng chỉ vài triệu đồng một chậu, thế nhưng địa lan Sa Pa lại là một trong những loại lan thuộc top có giá đắt đỏ nhất trên thị trường hiện nay, được nhiều đại gia săn đón, đặc biệt là vào dịp Tết.
Một đại gia ở Sài Gòn cho biết, ông vừa đặt một chậu địa lan Trần Mộng ở Sa Pa có giá trên 100 triệu đồng. Loại này màu xanh ngọc, cành lá xum xuê tượng trưng cho sự no đủ và may mắn nên giá trên theo ông không quá cao.
“Các năm trước tôi sưu tầm mai cổ nhưng năm nay quyết định chọn một loại cây khác để chiêm ngưỡng và trưng bày tại nhà”, vị này cho biết.
Chậu địa lan 120 triệu đồng của nhà ông Phương đã được đại gia đặt mua cho Tết Mậu Tuất.
Cây hoa địa lan Trần Mộng ở Sa Pa ban đầu là cây tự nhiên mọc ở mỏm đá trong rừng được bà con mang về chơi vào dịp tết, sau này dần được yêu thích và trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Theo người dân bản địa, giống hoa địa lan này không đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng có yêu cầu chặt chẽ về điều kiện khí hậu, thời tiết. Xã Tả Phìn được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu ôn hòa rất thích hợp trồng giống hoa này.
Để có một chậu hoa đẹp (từ 10 – 20 cành) phải mất thời gian chăm bón khoảng 3 – 4 năm. Hiện nay, giá bán 1 chậu hoa Trần Mộng loại nhỏ cũng từ 2 – 3 triệu đồng/chậu, loại trung bình từ 10 – 20 triệu đồng/chậu, tùy thuộc vào số bông trên chậu. Đặc biệt, với những chậu hoa khủng, nhiều hoa nở rực rỡ, tán đều và xum xuê thì giá có thể lên tới 100-120 triệu đồng.
Cận cảnh vẻ đẹp của loài địa lan Trần Mộng. Ảnh: I.T
Được biết, hội chợ Xuân năm ngoái tại Hà Nội, đã từng có chậu lan Trần Mộng có tới 119 cành hoa, mỗi cành có 15 – 18 nụ và được định giá 135 triệu đồng. Loài địa lan này rất bền hoa, người chơi có thể thoả thích ngắm hoa trong suốt 3 tháng.
Video đang HOT
Tương truyền, vua Trần Anh Tông trong một đêm ngủ mộng thấy được xem một loài địa lan lạ, hoa màu đỏ hồng, rất đẹp và rất thơm. Khi tỉnh giấc, nhà vua ngẩn ngơ, bần thần. Kỳ lạ thay, trong ngày hôm đó, có người mang tiến vua một chậu lan như trong giấc mộng. Thế là từ đó, loài lan quý được mang tên địa lan Trần Mộng, tức giấc mộng của vua Trần.
Những chậu lan lớn, số lượng cành hoa trên 100 cành giá bán có thể lên tới hơn 100 triệu đồng/chậu. Ảnh: I.T
Kỳ công trong việc chăm sóc hơn 500 gốc địa lan, ông Vương Xuân Phương, chủ một vườn lan ở Tả Phìn (Sa Pa) cho biết, năm nay thời tiết thiếu thuận lợi nên địa lan chết cũng nhiều. Gia đình ông phải chăm sóc cẩn thận mới có được 500 gốc.
Tuy nhiên, từ nay tới Tết nếu thời tiết liên tục thay đổi đột ngột hoa cũng sẽ khó nở đúng ngày. Hiện, giá một cành địa lan từ 400.000 đồng đến 2,4 triệu đồng (tùy số lượng bông và cành dài hay ngắn).
Địa lan Trần Mộng có hương thơm, bền hoa, cành lá xum xuê tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng nên được nhiều đại gia săn lùng đặt hàng. Ảnh: I.T
“Tôi có khoảng 3 chậu giá tới 120 triệu đồng đã được các đại gia ở Lào Cai, Cần Thơ và Sài Gòn đặt mua, các chậu còn lại cũng được khách đặt chơi tết khoảng 80%. Ngày 22 trở ra là bắt đầu giao cho khách. Chậu to nhất có trên 120 cành, với những chậu này rất khó chăm nên dù khách đặt, chúng tôi vẫn phải chăm sóc sao cho nở hoa đẹp mới giao”, ông Phương nói.
Hiện, giá một cành địa lan vào khoảng 400.000 đồng, thậm chí có thời điểm, giá 1 cành địa lan Trần Mộng lên đến 2 triệu đồng (tùy số lượng bông và cành dài hay ngắn). Ảnh: I.T
Hiện nay trên địa bàn xã Tả Phìn có khoảng 500 hộ trong tổng số 636 hộ trồng hoa địa lan với khoảng 2 vạn chậu hoa địa lan các loại. Hàng năm xã Tả Phìn cung cấp cho thị trường khoảng 70% số lượng hoa địa lan của Sa Pa trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở các xã Trung Chải, Sa Pả cũng đang nhân rộng mô hình này.
Anh Lê Văn Vi, một trong những tỷ phú trẻ đi lên từ nghề trồng địa lan ở Sa Pa chia sẻ, năm nay, anh tung ra thị trường khoảng 600-700 chậu địa lan Trần Mộng Xuân. Từ nay đến giáp Tết Nguyên đán khách hàng sẽ lấy hết.
Theo các nhà vườn, địa lan Sa Pa đắt khách, ngoài màu sắc đẹp còn nằm ở độ bền của hoa. Bởi địa lan được trồng trong các chậu hoặc trên giá xơ dừa từ khi còn nhỏ, thời gian cho hoa tối thiểu cần 2 – 3 năm nên cây già và sức sống dẻo dai. Nếu chăm sóc đúng cách, địa lan khi đưa về đồng bằng có thể chơi được 2 – 3 tháng. Ảnh: I.T
Theo anh Vi, để hoa về xuôi chơi được lâu, lá xanh, ngoài việc chăm bón còn cần đến khả năng dự báo thời tiết để điều chỉnh cho hoa nở đúng dịp Tết. Trước đây, hoa được chở thẳng từ Sa Pa về các tỉnh, thành miền xuôi nên hoa không được đẹp, lá không được xanh, thời gian chơi không lâu vì hoa bị “sốc” với thời tiết thay đổi đột ngột. Vài năm gần đây, trước lúc giao hàng cho khách chừng 30 – 40 ngày, anh phải “hạ sơn” xuống TP Lào Cai tập kết để hoa thích nghi dần với khí hậu ở các vùng thấp.
Anh Vi cho biết, tùy theo nhiệt độ ngoài trời, người chơi hoa có thể điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp cho hoa nở tươi đẹp. Nước tưới chỉ vừa đủ thấm vào gốc, tránh để gốc “ngậm” nhiều nước sẽ làm giảm độ bền của hoa.
Anh Vi cũng như nhiều nhà vườn khác hiện đang hối hả chạy đua với thời gian để chăm bón, ghép chậu, vận chuyển các chậu lan về khu vực thấp hơn. Các nhà vườn cũng cho biết, hoa địa lan năm nay chất lượng hơn năm ngoái nên giá bán dự kiến cũng sẽ tốt hơn, giúp người trồng lan có lãi khá.
Theo Danviet
Thôi nghề "sang chảnh" về quê tự làm bà chủ Homestay
Nghĩ mình là "phận má hồng" mà cứ nay đây, mai đó thì không ổn, cô gái người Dao đỏ Lý Tả Mẩy, bản Tả Chải, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa (Lào Cai) đã quyết định bỏ nghề "sang chảnh", về quê tự gây dựng cơ sở lưu trú Homestay. Thành công bước đầu từ dịch vụ Homstay-nhà nghỉ cộng đồng đã giúp cô gái người Dao "bỏ túi" trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
Homestay của chị Mẩy thường xuyên được lễ tân gấp chăn, màn gọn gàng, dọn phòng sạch sẽ
"Sang chảnh" cũng là làm thuê
Chị Mẩy sinh ra và lớn lên ở bản Tả Chải, xã Tả Phìn (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Do thường xuyên được tiếp xúc với khách du lịch là người nước ngoài nên chị Mẩy chịu khó học tiếng Anh ngay từ hồi nhỏ. Năm 2007, chị Mẩy xin vào làm cho dự án Oxfam đang triển khai tại vùng đặc biệt khó khăn của huyện Sa Pa. Tại đây, chị Mẩy cũng thường xuyên được tiếp xúc với người nước ngoài nên khả năng nói tiếng Anh của chị ngày càng nâng lên. Vốn ham học hỏi, chị Mẩy mua sách tiếng Anh về tự học để có thể thông thạo các kĩ năng nghe, nói, đọc viết. Sau 2 năm làm cho dự án, cảm thấy vốn tiếng Anh của mình kha khá, chị Mẩy xin vào làm hướng dẫn viên du lịch cho 1 công ty du lịch ở Sa Pa.
Cô gái người Dao đỏ Lý Tả Mẩy thông thạo 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh nhờ tinh thần ham học hỏi
"Những năm đầu làm hướng dẫn viên du lịch, tôi rất thích, ai cũng chúc mừng tôi, bọn trẻ thì bảo tôi làm hướng dẫn viên du lịch là "nghề sang chảnh" lắm đấy. Vì làm du lịch được đi nhiều nơi, học hỏi được nhiều điều bổ ích. Nhưng sau đó nghĩ lại, thấy không ổn. Thứ nhất, phận má hồng như mình nếu mình cứ đi biền biệt quanh năm, suốt tháng thì sẽ không có thời gian chăm sóc chồng con sau khi lập gia đình. Thứ nữa, dù có làm nghề "sang chảnh" thật nhưng cũng chỉ là làm thuê. Thế là tôi quyết đinh từ bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch sau gần 6 năm trời gắn bó..." - chị Mẩy nhớ lại.
Chị Mẩy giới thiệu với du khách về nết văn hóa đặc trưng của người Dao đỏ
Trong thời gian làm hướng dẫn viên du lịch, chị Mẩy thường xuyên dẫn khách đi tham quan các tỉnh khu vực Tây Bắc như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La...Thấy một số người dân ở các tỉnh này làm thành công mô hình Homestay, chị Mẩy rất thích và dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn. Sau khi bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch, chị Mẩy trở về quê, định làm Homestay luôn nhưng do chưa hội tụ đủ những yếu tố cần thiết nên chị đành gác lại.
Bà chủ người Dao làm nhà Homestay người Thái
"Với kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm làm du lịch cộng với kỹ năng tiếp cận, cách chăm sóc du khách, tôi tin mình làm Homestay sẽ thành công. Ngặt nỗi khi đó vừa thiếu vốn lại chưa tìm được địa điểm thích hợp nên tôi đành hoãn lại..." - chị Mẩy cho hay.
Đến tham quan trải nghiệm tại Tả Phìn, nhiều du khách lựa chọn nghỉ ngơi tại Homestay của chị Mẩy
Chị Mẩy cho biết: Ở bản Tả Chải nói riêng, xã Tả Phìn nói chung đã có nhiều gia đình làm Homestay nhưng chưa mấy thành công, không thu hút được khách đến nghỉ ngơi. Đây cũng là 1 trong lí do mà chị Mẩy muốn làm Homestay và muốn mô hình này thành công.
Khác với các hộ làm Homestay trong bản theo kiểu nhà truyền thống của người Dao, chị Mẩy lại chọn làm nhà sàn theo phong cách của người Thái. Ngôi nhà sàn rộng rãi, khang trang, sạch sẽ của chị Mẩy nhanh chóng được dựng lên, trước sự ngưỡng mộ của người dân bản xứ. Khách đến nghỉ ngơi tại Homestay của chị Mẩy không tiếc lời khen ngợi và rất hài lòng trước sự mến khách của gia chủ.
Nhiều sản phẩm do chính tay phụ nữ người Dao đỏ làm trở thành những món quà lưu niệm của du khách khi đến Tả Phìn
Ngôi nhà sàn của chị Mẩy không trống hơ, trống hoác như nhà sàn của nhiều hộ đồng bào Thái mà có vách gỗ bao quanh, có cửa ra, vào...
"Khách du lịch tìm đến các bản làng vùng cao là để thỏa mãn sự trải nghiệm và nghỉ ngơi trong sự yên bình. Hiểu rõ tâm lí của du khách, tôi dành riêng tầng 2 để phục vụ khách nghỉ ngơi. Còn tầng 1 phục vụ nhu cầu ăn uống của khách và làm phòng nghỉ cho gia đình mình..." - chị Mẩy thông tin.
Homestay của chị Mẩy có 1 phòng tập thể với những chiếc giường được kê san sát, có ri đô ngăn cách. Chăn đệm luôn được gấp gon gàng, sạch sẽ. Nhà tắm, nhà vệ sinh có bình nóng lạnh, có bồn gỗ pơ mu phục vụ nhu cầu tắm lá thuốc của người Dao đỏ... Ngoài phòng tập thể, chị Mẩy làm thêm 3 phòng riêng rẽ phù hợp cho các cặp vợi chồng, những đôi tình nhân...
Đầu năm 2017, chị Mẩy bắt đầu đón, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của du khách. Sẵn có kỹ năng tiếp xúc, tiếng Anh, chăm sóc khách du lịch, chị Mẩy lập trang web giới thiệu, quảng bá về mô hình Homestay của mình... Qua đó, khách đến sử dụng dịch vụ Homestay của chị Mẩy ngày một tăng lên.
Phòng nghỉ Homestay của chị Mẩy thoáng mát, yên tĩnh đáp ứng yêu cầu nghỉ ngơi của khách du lịch
Đến Homestay của chị Mẩy, du khách không chỉ được tận hưởng không gian yên tĩnh, mà còn được phục vụ ăn uống với nhiều món ăn đặc trưng của đồng bào Dao đỏ như: cá nướng, gà nướng...
Theo chị Mẩy, bình quân một tháng, chị đón khoảng 50 lượt khách đến nghỉ ngơi, trong đó chủ yếu là khách nước ngoài. Thông thường, các đoàn khách nghỉ từ 1 - 2 tối...
"Làm Homestay nhàn hơn nhiều so với làm hướng dẫn viên du lịch, thu nhập cũng khá. Tuy mới làm song bình quân một tháng tôi cũng "đút túi" trên dưới 10 triệu đồng. Mức thu này tuy chưa cao song tôi cũng có cảm giác an toàn, thoải mái hơn vì... được làm bà chủ" - chị Mẩy thật thà vui vẻ nói.
Theo Danviet
Hồng sa mạc 90.000 đồng/bông, đẹp nhưng giá "cắt cổ", hoa nội có lép vế? Trong khi hoa chậu còn phập phồng vì chưa biết thời tiết từ nay đến rằm tháng chạp sẽ như thế nào, từ trước Giáng sinh, sau đó tết dương lịch, thị trường hoa cành bắt đầu sôi động. Theo thông tin từ nhiều cửa hàng bán hoa cành, khi hoa ngoại nhập chưa nhiều, hoa nội đang "thắng thế", không chỉ về...