Địa điểm được gọi là “viên ngọc ngủ quên” trong lòng Hải Phòng, phù hợp cho chuyến đi ngắn ngày cuối tuần
Sở hữu vị trí thuận tiện, nằm ngay gần những địa điểm du lịch nổi tiếng nên nơi đây thường được du khách ưa chuộng kết hợp trong chuyến đi ngắn ngày.
Bên cạnh những cái tên bãi biển ở miền Bắc đã quá quen thuộc như biển Quảng Ninh, Hải Phòng hay di sản thiên nhiên thế giới UNESCO, vịnh Hạ Long, thời gian gần đây, nhiều du khách có xu hướng tìm đến những địa điểm hoang sơ, ít được biết đến hơn.
Có thể kể tới như đảo Cô Tô, Quan Lạn hay Minh Châu, và một cái tên nữa được nhiều du khách đặt cho biệt danh là “viên ngọc ngủ quên” giữa lòng Hải Phòng. Đó là vịnh Lan Hạ.
Vịnh Lan Hạ ở đâu?
Vị trí địa lý của vịnh Lan Hạ nằm rất gần với đảo Cát Bà và vịnh Hạ Long, và cùng thuộc Hải Phòng. Cụ thể, vịnh nằm về phía Đông của đảo Cát Bà và phía Nam của vịnh Hạ Long. Chính bởi vị trí thuận tiện này nên nhiều du khách thường lựa chọn kết hợp địa điểm vịnh Lan Hạ trong chuyến đi tới 2 địa điểm nổi tiếng còn lại.
Tổng thể vịnh có diện tích hơn 7000m2 với nhiều hòn đảo lớn nhỏ có vẻ đẹp hoang sơ, những bãi tắm đẹp hay những làng chài lâu đời.
Tổng khu vực vịnh Lan Hạ với khoảng 300 – 400 hòn đảo lớn nhỏ (Ảnh VietTravel)
Để di chuyển được tới vịnh Lan Hạ, du khách có thể chọn xuất phát từ thủ đô Hà Nội, đi xe khách tới Hải Phòng. Sau đó, từ Hải Phòng, du khách tiếp tục lựa chọn 2 hình thức là cáp treo hoặc phà để ra đảo Cát Bà. Cuối cùng, khi đã đặt chân tới Cát Bà, du khách mua vé tàu tại bến Bèo và di chuyển tới vịnh Lan Hạ.
Tổng thời gian di chuyển này được tính vào khoảng 3-4 giờ đồng hồ. Vì vậy, theo các công ty du lịch đưa ra lời khuyên, thời gian lý tưởng nhất để du khách bắt đầu chuyến hành trình tới vịnh Lan Hạ là từ khoảng 7-8h sáng.
Có gì ở vịnh Lan Hạ?
Như đã nói ở trên, vịnh Lan Hạ sở hữu những bãi tắm hoang sơ, không đông đúc hay quá chật chội như những địa điểm du lịch nổi tiếng khác; làn nước biển màu xanh ngọc bích hay những bãi cát trắng trải dài, ít rác thải.
Chính vì vậy, những hoạt động trên biển như tắm, lặn biển, chèo thuyền sup, kayak, hay tắm nắng luôn được yêu thích hàng đầu. Tuy nhiên, ở Lan Hạ cũng còn nhiều địa điểm khác để du khách có thêm trải nghiệm khi tới đây, hơn là một bãi biển thông thường.
Video đang HOT
Nước biển xanh trong ở vịnh Lan Hạ khiến nhiều du khách thích thú (Ảnh Cat Ba Express)
1. Chợ nổi vịnh Lan Hạ
Không cần đến miền Tây Nam Bộ xa xôi, du khách có thể trải nghiệm chợ nổi ngay tại vịnh Lan Hạ. Tuy có quy mô nhỏ hơn, chủ yếu được tạo nên từ những ngư dân trông nom bè tôm cá nơi đây, nhưng nó cũng tạo nên một nét rất đặc sắc và thú vị.
Du khách khi tới đây có thể mua hải sản tươi sống hay đồ hải sản khô để mang về làm quà cho gia đình và bạn bè.
2. Làng chài Cửa Vạn
Làng chài Cửa Vạn là một trong những làng chài lâu đời ở vịnh Lan Hạ. Làng là nơi sinh sống của khoảng 300 hộ dân, có vị trí nằm nép mình bên núi đá vôi Vạ Giá.
Ấn tượng đầu tiên của du khách khi tới đây là những ngôi nhà có kích thước nhỏ chỉ khoảng 30m2, màu sắc rực rỡ nổi nhấp nhô trên mặt nước giữa vịnh cùng những con thuyền, con ghe đang neo đậu. Đây cũng chính là nơi vừa để ngư dân sinh sống, sinh hoạt thường ngày, vừa là nơi giúp họ thuận tiện trong công việc đánh bắt hải sản.
Làng chài Cửa Vạn với những ngôi nhà nhỏ sắc màu nhấp nhô trên mặt nước (Ảnh Mytour.vn)
Xung quanh làng chài là làn nước trong xanh biếc, không hề có tiếng xe cộ ồn ào hay làn khói bụi gây khó chịu, tất cả đưa du khách như đến không gian hoàn toàn khác, tách biệt với thế giới hiện đại ngoài kia. Cũng chính bởi điều này mà làng chài Cửa Vạn từng lọt vào danh sách 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới.
Tại làng chài, bên cạnh việc tham quan, du khách cũng có thể trực tiếp mua và thưởng thức các loại hải sản được ngư dân đánh bắt tươi ngon ngay trong ngày.
3. Đảo Nam Cát
Nếu như toàn bộ khu vực vịnh Lan Hạ được gọi là “viên ngọc ngủ quên” thì đảo Nam Cát tại đây cũng được ví với cái tên “thiên đường nhỏ trong vịnh”. Đảo nằm ở khu vực Khe Sâu – Việt Hải, thuộc địa phận xã Việt Hải. Mất khoảng 15 phút đi tàu, du khách sẽ tới được đây.
Đảo Nam Cát có bãi biển trong xanh cùng bờ cát trắng dài chừng 500m, xung quanh là những hòn núi cao, như đang che chở và “ôm” bãi biển này vào lòng. Trên mặt biển là 3 ngôi nhà sàn gỗ cùng 6 nhà nghỉ được làm từ tre nứa, phục vụ những du khách muốn hòa mình với thiên nhiên, khi được thức dậy trong không gian 4 bề là nước.
Chính bởi sự hoang sơ, làn nước trong xanh, du khách thường tới đây để tắm biển, chèo thuyền hay tham quan các hòn đảo nhỏ ngay gần đó như đảo Sến, đảo Cù, hay các hang động như hang Dơi, hang Tối.
Đảo Nam Cát với vẻ đẹp hoang sơ (Ảnh VnTrip)
4. Hang Luồn
Sở hữu cái tên có phần kỳ lạ song hang Luồn là một trong những nơi du khách không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vịnh Lan Hạ. Hang nằm ở đảo Bồ Hòn, phía trước là hòn Con Rùa và bên phải là Cổng Trời.
Hang Luồn được hình thành dựa trên sự tồn tại của chiếc cổng hình cánh cung mở ra dưới chân đảo. Khi đến với Hang Luồn, du khách sẽ được trải nghiệm không gian thiên nhiên yên bình sau khi đi qua cổng hang khi đi bằng thuyền. Mặt nước tại đây trong vắt, trong đến mức nhiều du khách nhận xét có thể soi gương.
Thảm thực vật xung quanh cũng đều mang một màu xanh tươi mát, kết hợp với những vách đá với hình thù kì lạ, mang đến cho du khách những trải nghiệm rất thú vị. Vẻ đẹp của hang Luồn còn được ca ngợi là như chốn bồng lai tiên cảnh hay tuyệt tác trên vịnh Lan Hạ. Ngoài việc ngồi thuyền có thợ chèo, du khách có thể lựa chọn tự chèo kayak hoặc sup qua hang.
Trải nghiệm chèo thuyền qua hang Luồn (Ảnh Mia.vn)
Thời điểm lý tưởng để khám phá vịnh Lan Hạ
Mỗi mùa, vịnh Lan Hạ lại mang một nét đẹp riêng. Tuy nhiên khoảng thời gian lý tưởng nhất và cũng là khoảng thời gian thu hút đông đảo khách du lịch nhất là vào tháng 4 đến tháng 7. Cũng bởi là thời gian cao điểm nên du khách có dự định tới vịnh Lan Hạ vào thời gian này cần đặt trước phòng lưu trú hay vé tàu, xe từ khá sớm.
Với những du khách thích sự yên tĩnh, riêng tư hơn có thể lựa chọn đi vào thời điểm tháng 9 trở đi. Lúc này, vịnh ít du khách hơn, mang vẻ đẹp yên bình, thư giãn.
Hải Phòng: Đảo Dấu - 'viên ngọc' quý của du lịch Đồ Sơn
Sức hút của cánh rừng nguyên sinh, ngọn hải đăng trăm tuổi và câu chuyện về Nam Hải Thần Vương giúp đảo Dấu trở thành điểm đến hàng đầu tại Đồ Sơn, Hải Phòng.
Từ bến tàu khách nằm trong Khu du lịch đảo Dấu trên địa bàn phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, du khách ngồi tàu chừng 20 phút, là cập bến đảo Dấu. Do đảo Dấu rộng hơn 1 cây số vuông, nên chỉ cần chưa đến 2 giờ đồng hồ, là có thể khám phá toàn bộ điểm đến được mệnh danh là "viên ngọc" quý của du lịch Đồ Sơn.
Vào những ngày nước xuống, ngay khi bước chân lên đảo Dấu, du khách có thể bắt gặp cảnh các bà, các mẹ, các chị, các cô người Đồ Sơn với cầm chiếc búa và chiếc xô nhựa nhỏ trong tay, cặm cụi gõ hà đá tại các bãi cạn. Với giá bán 120.000 - 150.000 đồng/kg ruột hà đá, công việc này đem lại thu nhập ổn định, quan trọng trong những ngày chờ tàu của người thân trong gia đình cập bến sau những chuyến đi biển dài ngày.
Đảo Dấu trên địa bàn phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với cánh rừng nguyên sinh bao trùm toàn đảo.
Thăm đảo Dấu, nơi du khách thường ghé đầu tiên là đền thờ Nam Hải Thần Vương. Tương truyền, ngài là vị tướng dưới thời nhà Trần. Trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông, ngài đã tử trận, một phần thi thể trôi giạt vào đảo Dấu và được người dân địa phương chôn cất, lập đền thờ. Tên hiệu Nam Hải Thần Vương được sắc phong dưới thời nhà Nguyễn.
Theo lời kể của các bậc cao niên ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, từ khi xây đền thờ Nam Hải Thần Vương, cá heo kéo đến hàng đàn tung tăng bơi lội quanh đảo Dấu. Cứ mỗi lần cá heo nối đuôi nhau bơi từ ngoài khơi vào gần bờ, là trời yên biển lặng. Nhưng khi thấy cá heo bơi từ bờ ra khơi xa, vừa bơi, vừa nhảy vút lên khỏi mặt biển, là sắp có biển động.
Từ đó, cứ thấy cá heo bơi vào bờ, là ngư dân Đồ Sơn yên tâm ra khơi, lần nào về cũng tôm cá đầy khoang. Tin rằng Nam Hải Thần Vương hiển linh qua đàn cá heo để giúp đỡ, bảo vệ mọi người, nên vào dịp lễ hội đầu năm, ngư dân Đồ Sơn đến đền thờ làm lễ xin ngài phù hộ. Cuối năm đến làm lễ tạ ơn. Mâm lễ đơn giản, chỉ có con gà, đĩa xôi, 1 miếng thịt lợn luộc, trầu cau, hoa quả.
Đền thờ Nam Hải Thần Vương trên đảo Dấu thuộc địa phận phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng.
Không chỉ giúp đỡ ngư dân, người dân địa phương và du khách có niềm tin rằng, Nam Hải Thần Vương sẽ trừng khi nghiêm khắc những hành vi ảnh hưởng đến đảo Dấu, như phá cây, bẻ cành, mang đá cuội ra khỏi đảo về làm kỷ niệm. Vì thế, đến nay đảo Dấu vẫn giữ được những nét hoang sơ vốn có.
Đến thăm đảo Dấu, du khách không nên bỏ lỡ khám phá cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, phần gốc phải vài người ôm mới hết. Ngay gần đền thờ Nam Hải Thần Vương có quần thể đa búp đỏ cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Tuyến đường nhỏ xuyên rừng nguyên sinh đến Hải Đăng Hòn Dấu trên điểm cao nhất của đảo Dấu.
Từ đền thờ Nam Hải Thần Vương, du khách tản bộ theo con đường nhỏ rợp bóng mát của cánh rừng nguyên sinh khoảng 20 phút, là tới Hải đăng Hòn Dấu. Hải Đăng Hòn Dấu cùng với Hải Đăng Kê Gà và Hải Đăng Long Châu là 3 ngọn hải đăng lâu đời nhất nước ta.
Theo tư liệu lịch sử, Hải Đăng Hòn Dấu được người Pháp xây dựng từ năm 1892, đến năm 1896 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nằm trên điểm cao nhất của đảo Dấu, gần 130 năm qua, ánh sáng của Hải Đăng Hòn Dấu đã dẫn đường cho các chuyến tàu cập bến an toàn.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giống Hải Đăng Long Châu, Hải Đăng Hòn Dấu đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của kẻ thù. Với ý chí, quyết tâm "Còn người, còn đảo, trái tim còn đập, đèn còn sáng", các thế hệ cán bộ, công nhân bảo vệ, vận hành Hải Đăng Hòn Dấu thắp và giữ ánh sáng của ngọn đèn biển hằng đêm để bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu cập Cảng Hải Phòng, Cảng Hòn Gai.
Du khách chụp ảnh lưu niệm trong khuôn viên Hải Đăng Hòn Dấu.
Những năm qua, vẻ đẹp của cánh rừng nguyên sinh, câu chuyện lịch sử hào hùng của ngọn đèn biển trăm tuổi, những truyền thuyết nhuốm màu tâm linh về Nam Hải Thần Vương đã thu hút biết bao du khách cũng như người dân địa phương đến với đảo Dấu. Có người đến để thăm quan, du lịch. Ngư dân cầu ra khơi sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Dịp đầu năm mới, nhiều người cầu ăn nên, làm ra, phát tài, phát lộc.
Thế nhưng, tuyệt nhiên không ai dám bẻ một cành cây, mang một hòn đá ra khỏi đảo. Đến với đảo Dấu, ai cũng tự nhủ "Không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những bước chân". Chính "chiếc khiên" tâm linh đã giữ cho đảo Dấu còn vẹn nguyên sự hoang sơ vốn có dù cách khu du lịch Đồ Sơn đông đúc, sầm uất chỉ 20 phút ngồi tàu.
Tỷ phú Bill Gates đến Đà Nẵng, đi thăm đỉnh Bàn Cờ, nghỉ dưỡng ở bán đảo Sơn Trà Tỷ phú Bill Gates đã đến Đà Nẵng và có buổi tham quan, thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ của bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà). Ngày 7/3, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, tỷ phú Bill Gates đã có buổi tham quan, thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ vào chiều...