Địa chỉ cuối tuần: tiệm bánh phô mai ship về nhà mùa dịch
Mùa dịch bệnh, bạn vẫn có thể thưởng thức chiếc bánh phô mai béo ngậy, ly trà dưa hấu mát lạnh tại nhà, chẳng khác gì thưởng thức tại chỗ.
Để phòng chống dịch bệnh, các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê ở Hà Nội đều dừng đón khách tại chỗ và chỉ bán dưới dạng mang về (take-away). Với những tín đồ ẩm thực, điều này gây ra ít nhiều hụt hẫng nhưng bù lại, hầu hết các cửa hàng đều nhanh chóng chuyển qua bán hàng qua các ứng dụng gọi đồ ăn. Do đó, thèm món gì vẫn có thể đặt và đợi nhận hàng nhanh chóng. Thời gian giao hàng cũng khá nhanh, tuỳ khoảng cách, không ảnh hưởng nhiều đến mùi vị. Thưởng thức tại nhà cũng giúp đảm bảo giãn cách xã hội, bảo vệ bản thân trong mùa đại dịch.
Bánh tart phô mai đặc biệt có giá 458.000 đồng cả chiếc.
Tiệm bánh phô mai ở góc đường Hai Bà Trưng cắt Lê Thánh Tông (Hà Nội) là một trong số các cửa hàng thực hiện bán hàng qua ứng dụng từ lâu. Thời điểm này, khách chỉ có thể gọi bánh qua các app. Thực đơn vẫn đầy đủ, y như mua trực tiếp, thay vì phải giản tiện, rút gọn như nhiều nơi.
Đây là một tiệm bánh khá nổi tiếng, thuộc chuỗi bánh cheesetart nổi tiếng nhất tại Nhật Bản, từng làm mưa làm gió năm 2019 khi lần đầu tiên “đổ bộ” về Việt Nam. Thương hiệu bánh này hiện có gần 80 cửa hàng trên toàn thế giới, bao gồm cả quê hương Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Singapore… và được đặt danh hiệu “bánh cheesetart hàng đầu thế giới”. Ở Nhật, cứ 7 giây thương hiệu này lại bán được một chiếc bánh phô mai.
Video đang HOT
Các món bánh phô mai tại tiệm.
Nhìn lướt qua menu, bạn sẽ chìm đắm trong danh sách các loại bánh phô mai – đặc sản của cửa tiệm. Bạn có thể gọi bánh mini, bánh full (cỡ lớn) hoặc mua từng miếng đều được, với 3 vị chính là phô mai truyền thống, phô mai đặc biệt, chocolate và matcha (trà xanh).
Giá bánh cũng khá cao, một miếng nhỏ hoặc bánh mini giá khoảng 50.000 đồng còn bánh cỡ lớn khoảng trên dưới 500.000 đồng nhưng khá ngấy nếu ăn hết. Bạn có thể gọi cho cả gia đình cùng thưởng thức, nếu không thì nên mua mỗi loại một miếng nhỏ để đổi vị là hợp lý.
Chiếc bánh có mùi thơm quyến rũ của phô mai tươi mềm mịn, béo ngậy. Viền bánh giòn rụm, được nướng thơm. Phía trên mặt bánh là một lớp mứt mơ chua chua thanh thanh, giúp chiếc bánh không bị ngấy. Bánh matcha có nhân đậu đỏ, quyện với trà xanh – hai đặc trưng quen thuộc của ẩm thực Nhật Bản, sẽ thật tuyệt nếu được thưởng thức cùng một ly trà lạnh, cảm giác như đang ở giữa mùa hè xứ sở phù tang. Ngoài ra, bánh mini còn có thêm vị trân châu. Đây là sự kết hợp độc đáo của bánh phô mai ngậy, trân châu dẻo, viền bánh giòn thơm. Chiếc bánh nhỏ xinh nên ăn không bị ngán.
Không chỉ có bánh ngọt, tiệm còn có một số loại bánh khác như hotdog phô mai đặc biệt, sandwich nóng với thịt nguội và phô mai… cũng có giá khoảng 60.000 đồng.
Banh phô mai truyền thống và trà dưa hấu mặt trời khi dùng ở nhà.
Không chỉ có bánh, tiệm còn có danh sách đồ uống hoành tráng không kém, kết hợp với bánh phô mai đều rất hợp vị. Trong đó, chủ yếu là các loại trà Nhật vị thanh thanh như trà ô mai mơ, trà xanh latte, trà dưa hấu mặt trời, trà dâu tây Nhật, trà cam đào, trà xanh vải… Trà rất đậm vị, đắng nhẹ, làm giảm độ ngấy của bánh.
Còn nếu là fan cứng của phô mai, bạn cũng có thể gọi thêm một cốc sinh tố phô mai truyền thống “siêu ngậy béo”. Một số loại sinh tố khác như chocolate, đào, xoài, dâu… mát lịm, cũng khá hợp vào mùa hè. Ngoài ra, menu đồ uống còn nhiều loại trà kem sữa và cà phê đủ loại. Khi mua mang về, khách được chuẩn bị đầy đủ dụng cụ ăn uống, thảnh thơi thưởng thức miếng bánh phô mai ngay tại nhà.
Địa chỉ cuối tuần: Quán chân gà không biển hiệu
Quán chân gà nướng tọa lạc trên hè phố Cao Đạt, không biển hiệu nhưng vẫn được nhiều thực khách sành ăn mách nhau.
Thời tiết Hà Nội đang vào những ngày chuyển mùa: mát mẻ, nắng vừa phải, lá rụng đầy các con phố. Đây cũng là thời gian lý tưởng cho những cuộc hẹn hò tụ tập ăn uống vỉa hè bởi trời chưa nóng như đổ lửa nhưng cũng không còn se lạnh hay mưa phùn như dịp sau Tết. Chân gà nướng là một trong những món quà vặt được "gọi tên" trong thời gian này - một món ăn gắn liền với giới học sinh, sinh viên nhiều năm qua.
Nhắc tới chân gà nướng, dân sành ăn ở Hà Nội thường nhớ tới con phố nhỏ Lý Văn Phức gần sân Hàng Đẫy, chỉ cần đi tới đầu phố là mùi hương ngào ngạt hay quán chân gà nướng có cái tên độc đáo - Mỹ Miều - ở khu Kim Liên. Tuy nhiên, các "chuyên gia review ẩm thực" ở khu vực quận Hai Bà Trưng cũng mách nhau về một địa chỉ ăn uống, dù không có biển hiệu vẫn được nhiều người biết tới.
Tọa lạc ở ngã ba phố Cao Đạt và phố Lê Đại Hành, gần Vincom Bà Triệu, quán chân gà nướng số 1 phố Cao Đạt chỉ có hai món là chân gà và cánh gà nướng. Khi đi ngang qua, bạn sẽ bắt gặp một nhân viên đang ngồi trước chiếc lò than, nhanh tay quạt để nướng những chiếc chân gà, cánh gà do khách gọi. Khách gọi tới đâu, nhân viên mới nướng tới đó nên phải chờ khá lâu nhưng bù lại là đồ ăn luôn nóng hổi, thơm nức một góc đường. Chính vì mùi thơm quyến rũ mà quán chẳng cần biển hiệu, khách chỉ cần đến ngã ba phố, đi theo mùi hương hay nhìn vào khu vực nghi ngút khói là xác định được vị trí.
Chân và cánh gà được tuyển chọn kỹ, hầu như chiếc nào cũng rất chất lượng. Nguyên liệu được tẩm qua mật ong và một số gia vị, làm cho miếng nào miếng nấy vàng ươm, ăn vị ngọt ngọt, không ngán. Chân gà được mệnh danh là món ăn "bẩn tay" nhưng ngon không thể chối từ. Bạn sẽ khó mà giữ tay sạch sẽ khi ăn món này vì phải trực tiếp cầm vào chân gà, tách phần da, gân, mất công là thế nhưng lại dễ gây nghiện.
Cánh gà thì dễ ăn hơn vì có nhiều thịt, phần thịt cánh ăn hoài không ngán. Loại tương ớt chấm chân gà và cánh gà là loại tương lỏng, thơm mùi tỏi, cay cay ngọt ngọt, không phải loại cay xé thường để ăn các loại nộm. Ăn kèm luôn là một đĩa dưa chuột muối giòn tươi, hơi cay cay... thích hợp món nướng.
Quán chân gà nằm giữa quán nem chua rán phô mai que và quán cà phê, trà sữa.
Quán tọa lạc tại một dãy phố có một số hàng ẩm thực như quán nước mía, trà sữa, cà phê hay cửa hàng bánh mì bên cạnh có bán cả phô mai que, nem chua rán để ăn kèm. Giá cả khá phải chăng, phù hợp túi tiền của giới học sinh sinh viên và dân văn phòng, khoảng 20.000-25.000 đồng/chiếc.
Tuy nhiên, quán không có chỗ ngồi trong nhà mà ngồi ở vỉa hè phía đối diện, khá tối. Quán mở từ 17h đến 0h, phù hợp để lê la quà chiều hay ăn khuya đều được.
Địa chỉ cuối tuần: quán nộm trứ danh gần nhà thờ Hàm Long Nằm trên 'phố nộm Hàm Long', quán nộm Nguyệt luôn đông đúc người ra vào nhưng khách ít khi phải chờ đợi. Trên bản đồ ẩm thực Hà Nội, phố Hàm Long còn được gọi với cái tên "phố nộm" với những quán bình dân nhưng rất nổi tiếng, đông khách bất kể đông hè. Món ăn thanh mát, nguyên liệu đơn giản...