Đi xuất khẩu lao động mong đổi đời, người phụ nữ trẻ bị mất tích bí ẩn
Đi xuất khẩu lao động chưa tròn tháng thì vợ mất tích, anh Lợi ( Nghệ An) nghỉ việc đi tìm suốt hơn bốn tháng qua.
Anh Nguyễn Công Lợi, hiện 25 tuổi, quê xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Hơn 4 tháng qua, cứ nghĩ đến việc vợ – chị Nguyễn Thị Hoài, hiện 21 tuổi, mất tích ở Trung Quốc anh lại hối hận, thương chị đang một mình chống chọi với những hiểm nguy.
‘Không biết giờ vợ tôi đang ở đâu, có bị người ta đánh đập, ép làm chuyện xấu không. Cầu mong, vợ tôi được bình an. Khó khăn, vất vả như thế nào tôi cũng phải tìm được vợ’, người chồng sinh năm 1994 lo lắng.
Vợ chồng anh Lợi hạnh phúc trong ngày cưới. Ảnh: NVCC.
Anh Lợi và chị Hoài, quê huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh kết hôn năm 2016. Ở quê, anh làm thợ mộc, chị làm ruộng. Kinh tế gia đình khó khăn.
Khi nghe người quen giới thiệu, qua Trung Quốc làm ăn sẽ giúp kinh tế gia đình khá hơn, anh Lợi bàn với vợ, hai vợ chồng còn trẻ, đi vài năm kiếm ít vốn về quê làm ăn rồi sinh con. Hoài thuận theo ý chồng.
Ngày 6/4, vợ chồng anh được một người tên Hùng giúp vượt biên sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Sau đó, cả hai được vào làm cho một xưởng sản xuất dép ở xã Bọ Phô, huyện Mùi Lộ, Quảng Đông, Trung Quốc.
Tối ngày 2/5, hai vợ chồng đi làm về, ăn uống xong, anh Lợi lên phòng nghỉ. Còn Hoài được ba người ở cùng khu trọ rủ đi mua sắm.
Video đang HOT
Chị Hoài trước khi mất tích. Ảnh: NVCC.
‘Ngủ dậy, tôi không thấy vợ đâu cả. Chờ suốt 3 giờ, tôi cũng không thấy cô ấy về. Hỏi ba người đi cùng cô ấy, nhưng họ không biết vợ tôi đi đâu’, anh Lợi kể.
Lo lắng, anh nhờ bạn bè đang làm việc ở Trung Quốc tìm chị Hoài giúp nhưng không được. ‘Người ta nói, cô ấy bị bắt cóc, bán đi làm vợ và yêu cầu tôi đưa tiền đi chuộc. Khi tôi chuẩn bị được tiền, họ nói, không cho chuộc vợ’, anh Lợi đau đớn nói. Anh quyết định nghỉ việc, lang thang đến các khu mua sắm, các khu vực nhạy cảm nước bạn tìm vợ.
Khi tài chính không còn, anh quyết định nhờ người quen ở Trung Quốc báo tin vợ mất tích cho công an tỉnh Quảng Đông giúp. Còn anh, quay trở về quê, nói sự việc với bố mẹ hai bên, làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng. Anh cũng chia sẻ câu chuyện buồn của mình lên các trang mạng xã hội, nhờ mọi người giúp đỡ.
Anh Lợi cho biết, điều anh mong bây giờ là vợ được bình an, nhất định anh sẽ tìm được chị. Ảnh: NVCC.
‘Hơn bốn tháng rồi, thông tin về cô ấy vẫn vô vọng. Không biết bây giờ cô ấy như thế nào. Chắc cô ấy nhớ nhà và đau khổ lắm’, anh Lợi nói và thấy hối hận khi không bảo vệ được vợ nơi xứ người.
Nghe tin con gái mất tích, bố mẹ chị Hoài đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Trọng Châng, cậu chị Hoài cho biết, mấy tháng qua, bố mẹ chị lúc nào cũng khóc, nhịn ăn vì thương con.
‘Mong con bé không bị người ta làm hại. Gia đình tôi đã báo với công an địa phương. Hiện bố cháu đang làm các giấy tờ để cùng con rể sang Trung Quốc tìm con’, ông Châng nói.
Ông Nguyễn Văn Duẫn, Trưởng Công an xã Nam Lộc cho biết đơn vị đã nắm được thông tin trình báo vợ mất tích ở Trung Quốc của anh Lợi hơn 4 tháng qua. Theo ông Duẫn, có thể do vợ chồng anh Lợi đi xuất khẩu lao động theo đường tiểu ngạch nên chưa được công an tỉnh Quảng Đông giúp đỡ.
‘Hiện đơn nhờ giúp đỡ tìm vợ của anh Lợi đã được chuyển lên cơ quan công an cấp cao để điều tra, xử lý’, ông Duẫn nói.
Ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Lộc thông tin, thời gian qua, xã Nam Lộc có nhiều người làm kinh tế theo con đường đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Hầu hết các trường hợp đều đi theo con đường chính ngạch nên gặp thuận lợi, kinh tế gia đình họ khá tốt.
Còn vợ chồng anh Lợi đi theo đường tiểu ngạch nên ban đầu địa phương không biết. Đến khi anh Lợi trình báo vợ mất tích, phía ủy ban xã mới nắm được thông tin.
‘Thời gian qua, chính quyền chúng tôi luôn tuyên truyền, thông tin đến người dân đi xuất khẩu lao động thì nên đi theo con đường chính ngạch, để được hưởng những quyền lợi xứ người và đảm bảo an toàn cho mình.
Việc đi theo tiểu ngạch sẽ có những rủi ro xảy ra không ai lường trước. Câu chuyện của gia đình anh Lợi là một rủi ro. Tôi mong chị Hoài bình an, sớm trở về với gia đình’, ông Chỉnh nói.
Tú Anh
Theo vietnamnet
33% lao động Việt tại Hàn Quốc tự ý bỏ ra ngoài làm việc
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay có khoảng 33% lao động Việt tại Hàn Quốc tự ý bỏ ra ngoài làm việc, giảm nhiều so với con số 55% của năm 2016.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, Đại biểu tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm cho biết vừa qua, cử tri phản ánh người lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài phải trả chi phí môi giới cao hơn nhiều lần so với các nước khác trong khối ASEAN, việc bảo vệ quyền lợi người lao động gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu tỉnh Bắc Giang cũng nêu thực trạng có nhiều trường hợp khi đưa người lao động tới nơi thì không liên lạc được với môi giới ở nhà. Mặt khác, tình trạng người lao động tự ý phá bỏ hợp đồng, bỏ ra ngoài làm việc gây thiệt hại cho người sử dụng lao động và làm mất ổn định thị trường lao động của nước đối tác và làm giảm uy tín của lao động Việt Nam.
Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Chính phủ cho biết thực trạng cụ thể hiện nay, trách nhiệm quản lý và biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. (Ảnh: VGP)
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, số lượng lao động Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng: năm 2017 có xấp xỉ 127.000 người; năm 2018 có khoảng 143.000 người Việt Nam sang lao động tại nước ngoài.
Thời gian qua, không chỉ số lượng, địa bàn lao động cũng được mở rộng tới các thị trường mới như Australia, Đức, Romania và gần đây nối lại với Czech sau một thời gian gián đoạn.
Về vấn đề Việt Nam có chi phí môi giới cao, Bộ trưởng giải thích tại một số nước, các doanh nghiệp chỉ đưa người lao động đi sang nước ngoài lao động là hết trách nhiệm. Trong khi đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp còn phải quản lý, thậm chí tham gia xử lý những việc liên quan đến người lao động khi có vấn đề xảy ra tại nước đối tác.
Hiện nay, có khoảng 350 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đưa người Việt Nam sang nước ngoài làm việc. Bộ trưởng khẳng định doanh nghiệp Việt Nam căn cứ vào các quy định pháp luật và hiệp định lao động giữa 2 nước để quy định mức tiền chi trả.
Đối với tình trạng lao động Việt Nam phá vỡ hợp động, tự ý bỏ ra ngoài làm việc, Bộ trưởng thông tin: "C huyện này chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc".
Năm 2016 được đánh giá là năm có tỷ lệ lao động bỏ ra ngoài cao nhất, ở mức 55%. Tuy nhiên đến nay, con số này còn 33% và nước đối tác cho rằng đây là tỷ lệ chấp nhận được.
XUÂN TRƯỜNG
Theo VTC
Bé trai 11 tuổi mất tích bí ẩn sau khi đi đổ rác Sau khi đi đổ rác, bé trai 11 tuổi không quay về nhà khiến gia đình lo lắng, tìm kiếm khắp nơi nhưng chưa thấy. Bé trai 11 tuổi mất tích sau khi đi đổ rác ở Quảng Ninh Ngày 14/8, chia sẻ với PV, chị Phan Thị Thoa (khu 6, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, con trai...