Đi xe không nộp phí, phạt 10 triệu đồng
Các TP trực thuộc trung ương được tự quyết định mức phạt cao gấp đôi mức phạt chung ở khu vực nội thành.
Đó là những nội dung đáng chú ý trong dự thảo lần một nghị định (NĐ) quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vừa được Bộ GTVT hoàn tất để xin ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương.
Vẫn phạt không sang tên xe
Một trong những điểm mới nhất của dự thảo NĐ lần này là gộp hai NĐ xử phạt đường bộ và đường sắt vào thành một. Dự thảo cũng đưa vào quy định xử phạt hành vi không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông, trong đó có phí sử dụng đường bộ (bắt đầu thu từ đầu năm tới). Trong đó xe máy bị phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng và ô tô là 6-10 triệu đồng.
Dự thảo NĐ cũng giữ nguyên mức phạt đối với hành vi không sang tên xe. Đây là quy định xử phạt bị dư luận phản ứng gay gắt, nhất là sau khi NĐ 71/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 34/2010 có hiệu lực. Nhiều chuyên gia cho rằng việc quy định hành vi trên vào NĐ xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ là không phù hợp, can thiệp quá sâu vào lĩnh vực dân sự. Hiện Chính phủ cũng đã quyết định tạm dừng việc xử phạt đối với hành vi trên và yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tài chính sửa đổi các quy định về thuế, phí, quy định về đăng ký xe để tạo thuận lợi cho người dân thực hiện.
Theo dự thảo NĐ, chủ phương tiện không đóng phí sử dụng đường bộ sẽ bị phạt lên tới 10 triệu đồng. Ảnh: HTD
Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi lần này, cơ quan soạn thảo vẫn duy trì việc xử phạt và chỉ thay đổi câu chữ từ: “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” (NĐ 34, 71) sang thành “Không thực hiện việc đăng ký, đăng ký lại phương tiện khi mua, bán, được thừa kế, tặng cho phương tiện theo quy định”. Mức phạt tiền vẫn được giữ nguyên như NĐ 71, trong đó xe máy bị phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng và ô tô là 6-10 triệu đồng.
Trao quyền tự quyết cho địa phương
Dự thảo sửa đổi cũng cho phép các TP trực thuộc trung ương được quyền quyết định tăng mức phạt gấp đôi ở khu vực nội thành theo Luật Xử lý VPHC. Theo một thành viên ban soạn thảo, NĐ 34/2010 cho phép Hà Nội và TP.HCM được áp dụng thí điểm tăng mức xử phạt bằng tiền cao gấp hai lần đối với một số hành vi vi phạm giao thông ở trong khu vực nội thành. Còn khu vực ngoại thành thì áp dụng theo mức phạt chung của cả nước.
Tuy nhiên, mới đây QH đã thông qua Luật Xử lý VPHC (có hiệu lực từ 1/7/2013), trong đó cho phép các TP trực thuộc trung ương được quyền quyết định khung tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm trong khu vực nội thành nhưng không được cao hơn hai lần mức phạt chung. Vì thế, dự thảo lần này đã không quy định “cứng” việc tăng mức phạt đối với một vi phạm ở khu vực nội thành. Thay vào đó, HĐND các TP trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng) có thể căn cứ vào Luật Xử lý VPHC và tình hình kinh tế- xã hội của địa phương để quyết định khung tiền phạt cao hoặc bằng mức phạt chung đối với một số hành vi VPHC trong lĩnh vực giao thông ở trong khu vực nội thành.
“Như vậy, muốn tăng mức xử phạt vi phạm giao thông trong khu vực nội thành cao gấp hai lần so với quy định chung thì HĐND các TP trên phải ra các nghị quyết. Còn nếu không ban hành thì đương nhiên sẽ không được phép áp dụng mức xử phạt tăng gấp hai lần như hiện nay” – thành viên ban soạn thảo nói.
Được biết, hiện nay một số vi phạm như chạy quá tốc độ, đi vào đường cấm, đi không đúng phần đường hoặc làn đường; uống rượu bia, vượt đèn đỏ… ở trong khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM đều bị phạt tiền cao gấp đôi mức phạt chung.
Video đang HOT
Bị giữ bằng lái vẫn được lái xe tiếp
Một điểm mới nữa được sửa đổi, bổ sung vào dự thảo NĐ lần này là quy định rõ hơn việc tạm giữ giấy tờ có liên quan để bảo đảm việc xử phạt VPHC. Theo đó, khi bị tạm giữ giấy tờ, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản VPHC, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông thì sẽ bị xử phạt như hành vi không có giấy tờ. Trường hợp người vi phạm bị giữ hết giấy tờ thì mới được tạm giữ phương tiện.
“Có nghĩa là nếu anh chỉ bị giữ giấy tờ để đảm bảo việc xử phạt thì anh vẫn được phép điều khiển xe. Nhưng quá hẹn trong biên bản mà anh vẫn điều khiển xe thì lúc đó sẽ bị phạt” – một thành viên ban soạn thảo giải thích.
Theo 24h
Xe máy không nộp phí đường: Phạt ra sao?
Có người mua xe máy về dựng trong nhà, thi thoảng đi từ thôn này sang thôn khác, không ra quốc lộ vẫn sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ.
Thông tư vừa ban hành của Bộ Tài chính hướng dẫn quy định thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Theo đó, từ đầu năm 2013, ô tô, xe máy sẽ phải nộp phí đường bộ. Hầu hết xe máy tại Việt Nam sẽ phải nộp khoảng 100 - 150 nghìn đồng/năm. Riêng ô tô, có loại xe tải sẽ phải nộp hơn 12 triệu đồng/năm.
Vậy nhưng, nhiều người vẫn tỏ ra khó hiểu với quy định này và đặt câu hỏi việc thu phí sẽ thực hiện thế nào?
Theo thông tư, UBND tỉnh xây dựng phương án và tổ chức thu rồi chỉ đạo xuống UBND cấp dưới. UBND xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí đối với xe mô tô. Tuy nhiên, trả lời PV, một lãnh đạo UBND huyện tại Hà Nội cho biết đến nay vẫn chưa nhận được chỉ đạo hay kế hoạch triển khai như thế nào.
Không nộp phí có bị phạt?
Ông Nguyễn Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội) cho rằng thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện là cách làm hết sức phi lý.
Các hiệp hội vận tải, ô tô đã có kiến nghị thu phí qua xăng dầu nhưng cơ quan có thẩm quyền không đồng ý mà lại thu qua đầu phương tiện. Theo ông Liên, điều này sẽ thiếu công bằng bởi có người sử dụng phương tiện nhiều nhưng có người chẳng mấy khi lái xe ra khỏi nhà. Vậy nhưng mức đóng phí lại ngang nhau.
Nói riêng về thu phí bảo trì đường bộ đối với khoảng 35 triệu xe máy hiện nay, ông Nguyễn Danh Liên cho rằng sẽ rất khó thực hiện. Ông Liên nêu ra một số ví dụ: Nếu tôi có 2 xe máy để trong nhà không đi ra đường, vẫn phải nộp phí bảo trì đường bộ. Hay tôi có người quen đi nước ngoài gửi xe trong nhà mấy năm, không ai đi cả, ai phải nộp khoản phí đó? Nếu một tháng, chiếc xe chỉ được lấy ra chạy một lần vẫn phải đóng phí như xe chạy suốt cả tháng.
Ông Nguyễn Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội) cho rằng thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện là cách làm phi lý
Ở nông thôn, có người mua xe về gần như chẳng mấy khi đi đâu, dựng trong nhà lau chùi bóng loáng. Thậm chí nếu có việc đi thăm bạn bè, cưới hỏi lễ Tết, cũng loanh quanh trong xã, trong làng, đâu có ra đường quốc lộ. Mà đường làng, người ta đã huy động nhân dân bỏ tiền đóng góp đổ bê tông xi măng sắt thép làm đường. Không lẽ bây giờ thu tiền của người ta?
"Thu phí bảo trì đường bộ là đúng. Nhà mình hỏng thì phải bỏ tiền ra sửa. Chúng ta được hưởng thụ đường sá công cộng, thì cũng phải đóng góp để sửa chữa, bảo trì. Nhà nước không thể in tiền ra bù đắp chi phí này được.
Nhưng vì sao nhiều người không đồng tình? Trong khi ở các nước người ta cũng thu phí này, thậm chí rất cao. Đơn giản vì chất lượng đường sá của họ rất tốt, nếu phải đóng tiền người dân không thấy tiếc. Trong khi đường sá chúng ta rất xấu."
Ông Nguyễn Danh Liên (Chủ tịch HH Vận tải HN)
Ông Liên phân tích tiếp: Thu phí ô tô sẽ được thể hiện ở tem kiểm định dán trên xe, còn xe máy thì làm thế nào? Nếu không nộp phí bảo trì đường bộ có bị xử phạt không? Xử phạt thế nào? Ai xử phạt? Không lẽ lại giao cho CSGT kiểm tra, xử phạt lỗi không nộp phí bảo trì đường bộ.
Tôi mượn xe của bạn đi một bữa. Mặc dù bạn nộp phí bảo trì đường bộ rồi. Tôi đã mượn đăng ký xe, nay phải mượn luôn cả hóa đơn chứng minh xe đã nộp phí bảo trì đường bộ để xuất trình khi bị kiểm tra?
Cuối cùng, Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đáng lẽ chúng ta thu phí đường bộ qua xăng dầu để đảm bảo công bằng. Người đi nhiều nộp nhiều, đi ít nộp ít. Lại đỡ mất công, phí sẽ vào thẳng quỹ Trung ương.
Những tổ chức thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện sẽ phải xây dựng bộ máy cồng kềnh, mất nhiều nhân lực, thời gian. Trong phương án thành lập quỹ có Hội đồng quỹ Trung ương và các địa phương, có tư cách pháp nhân riêng, tài khoản riêng, con dấu riêng... Đã nói đến tài khoản riêng thì phải có kế toán trưởng, có tiền lương, thưởng...
Thông tư chỉ rõ, các cơ quan đăng kiểm thu phí ô tô thì để lại 1%, chuyển 99% về quỹ. Trong 1% đó lại chuyển cho Cục đăng kiểm 30% để xây dựng phần mềm quản lý. Đối với mô tô, chính quyền phường, xã thu và để lại 10-20%. Điều này gây tốn kém chi phí, thất thoát cho quỹ bảo trì đường bộ là không nhỏ.
Thu qua đầu phương tiện không công bằng
Cũng với câu hỏi: "Nếu người dân không nộp phí này có bị sao không? Chúng ta có chế tài xử phạt chưa?". Theo ông Nguyễn Văn Thanh (Nguyên phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam), trong Nghị định 71 có quy định xử phạt nếu không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định.
"Thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu mới đảm bảo công bằng" - Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định
Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng khẳng định, quy định thu phí bảo trì đường bộ là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Các nước trên thế giới đều quy định thu phí đường bộ.
Luật giao thông đường bộ đã quy định Nhà nước xây dựng quỹ bảo trì đường bộ, nhưng hiện nay quỹ này không được gây dựng mà phân tán lẫn ngân sách chung. Thành thử, nguồn tiền bảo trì đường sá không đảm bảo. Đường bộ xuống cấp nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông Thanh chia sẻ: "Phương pháp thu như thế nào là điều cần phải tính toán".
Ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho hay, lâu nay, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất thu phí qua xăng dầu. Việc này sẽ hết sức công bằng, hợp lý. Nhưng có ý kiến lại không đồng tình, vì cho rằng 60% nhiên liệu không dùng cho đường bộ mà cho đường sắt, đường thủy, đường hàng không và một số ngành công nhiệp khác. Hoặc bà con nông dân sử dụng máy khoan, máy nổ bằng xăng dầu nhưng ko dùng đường bộ. Tuy nhiên, những trường hợp này có thể hoàn lại tiền phí dựa trên hóa đơn chứng từ khi mua nhiên liệu.
"Nhưng không hiểu sao, Nhà nước vẫn quyết định thu phí qua đầu phương tiện?" - Ông Thanh nêu câu hỏi.
Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, thu phí ô tô theo kỳ đăng kiểm là chiếm dụng vốn của dân, của doanh nghiệp. Đáng lẽ ô tô đi đến chỗ nào có trạm thu phí mới phải nộp phí. Giờ thu theo kỳ đăng kiểm. Như vậy là xe chưa chạy đã thu trước 6 tháng hoặc 1 năm. Doanh nghiệp nào nhiều xe, sẽ phải nộp trước một khoản không nhỏ mà đáng lẽ họ có thể sử dụng để đầu tư sản xuất.
"Tốt nhất, nên cho doanh nghiệp nợ một kỳ đăng kiểm. Xe chạy được 6 tháng, 1 năm rồi mới thu phí. Hoặc nếu thu trước, chúng tôi kiến nghị chỉ 1 tháng." - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN gợi ý.
Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ:
Đối với vi phạm "không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định", chủ xe mô tô, xe gắn sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 nghìn đồng. Còn chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dụng và các loại xe tương tự ô tô nếu bị phạt từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Đây là mức xử phạt tương đương với lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện. Vi phạm lỗi trên sẽ bị buộc phải mua hoặc nộp phí theo quy định.
Theo 24h
Cho người đồng tính chung sống: Nên không? Việt Nam mới chỉ có những cặp người đồng tính chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế nhưng hoàn toàn chưa có thủ tục đăng ký riêng cho họ. Liên quan đến đề xuất mới đây về việc cho phép người đồng tính tại Việt Nam "kết đôi dân sự", hôm nay (20/12), Bộ Tư pháp chủ trì hội thảo...