Đi xe không có bằng lái bị phạt bao nhiêu tiền?
Người điều khiển xe không có giấy phép lái xe là vi phạm luật giao thông. Vậy mức phạt cho người điều khiển xe là bao nhiêu?
Xử phạt vi phạm giao thông:
Điều 58 Luật giao thông đường bộ quy định: “Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này vàcó giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
Video đang HOT
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”
Theo đó, giấy phép lái xe là một trong các loại giấy tờ bắt buộc người lái xe phải mang theo khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đi xe không có bằng lái bị phạt bao nhiêu tiền?
Đi xe máy không có bằng lái bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại Điểm c Khoản 2, Khoản 5, Điểm b Khoản 7 Điều 21 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì: Người điều khiển xe mô tô, xe máy không mang theo giấy phép lái xe bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng; không có giấy phép lái xe bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000; không có giấy phép lái xe đối với xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, nếu ai cho cho người khác mượn xe mà biết người này không có bằng lái mà còn cho mượn thì cũng sẽ bị xử phạt.
Theo quy định trong điều 60 Luật giao thông đường bộ như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ôtô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi…
Việc chủ phương tiện cho người khác mượn xe mà người mượn xe để tham gia giao thông không có đủ điều kiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Khoản 3 Điều 30 Nghị định này quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Tự ý đục lại số khung, số máy;
- Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;
- Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;
- Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe;
- Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.
Đi ô tô không có bằng bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, “người điều khiển xe ô tô, máy kéo không mang theo Giấy phép lái xe” sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng
Điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ôtô “không có Giấy phép lái xe”
Theo những quy định vừa viện dẫn, cả người “không mang theo Giấy phép lái xe” và người “không có giấy phép lái xe” đều bị xử phạt hành chính. Nếu bạn không có giấy phép lái xe xuất trình vào thời điểm bị kiểm tra là bạn đã vi phạm và bị xử phạt hành chính rồi; giấy hẹn ngày đến lấy bằng mới của bạn chỉ có giá trị chứng minh bạn không thuộc trường hợp “không có Giấy phép lái xe” để bị xử phạt với mức phạt cao chứ không có giá trị thay thế giấy phép lái xe bị mất
Hiện nay, pháp luật chỉ quy định về trường hợp được phép điều khiển phương tiện khi không có giấy phép lái xe là trong trường hợp giấy phép này bị tạm giữ. Khoản 2, Điều 75 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định: Cảnh sát giao thông có quyền tạm giữ phương tiện, giấy tờ liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hoặc xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Khi bị tạm giữ giấy tờ, nếu quá thời hạn hẹn ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến để giải quyết mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
Theo quy định này, nếu không mất quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời gian chờ giải quyết vi phạm thì giấy hẹn có giá trị thay thế những giấy tờ bị tạm giữ, người không có giấy phép lái xe vẫn được điều khiển phương tiện trong thời gian chờ xử phạt. Nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết nhưng không đến giải quyết mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông thì mới bị xử phạt như trường hợp không có giấy tờ.
Theo Đời Sống & Pháp Luật