Đi với rêu phong xứ Huế
Bạn có về kinh đô Huế với tôi, cùng mở trang sách 13 đời vua, 9 đời chúa, cùng đi thăm Đại Nội, và nhớ ra sân sau cố cung, mua một chiếc vé, rồi hoá trang khoác áo, mũ, đi hài, làm hoàng hậu chụp ảnh kỷ niệm. Rồi vẫn phải quay lại sân sau để xem đoàn tuỳ tùng đi “tuần”, trống không dong nhưng cờ mở.
Rất nhiều lữ khách châu Âu chọn Đại Nội Huế, đàn ông xúng xính áo long bào, đàn bà khoác áo hoàng hậu, ngồi ăn cơm vua, cơm chúa trong nụ cười rung rinh áo mũ, sung sướng, mãn nguyện thú vị. Cũng có thể cưỡi ngựa, đi xe kéo chạy xung quanh Đại Nội, nghe đàn vọng ra từ phía sân trước. Những uy phong quyền quý khép lại bước đi, bạn sẽ đến lăng Tự Đức hay lăng Minh Mạng. Lăng tẩm ở Huế buồn, trong vẻ đẹp cổ kính dưới rêu phong. Rồi bạn thả bộ dọc sông Hương mà nghe hò Huế.
Những cảm xúc trái chiều
Khi những con thuyền rồng lướt rất chậm trên dòng sông Hương, nơi vẫn dìu dặt giọng hò sớm mai và chiều muộn. Giọng hò chưa tan vào suy nghĩ thì ánh nắng vẫn như hắt lên bóng người đãi hến, hắt lên những thân cò áo vải lặn lội sớm khuya bán bánh ướt, bánh bèo kiếm kế sinh nhai nơi bến thuyền.
Huế đẹp cổ kính nhờ những công trình rêu phong nhuốm màu thời gian
Huế vẫn còn nhiều người cùng khổ, họ hội nhập vào ngành “công nghiệp không khói” bằng chiếc xe xích lô, hoặc xe ôm. Họ mở cửa hàng bán các loại chè Huế, các loại bún bò giò heo, bún canh, và bún đậu. Món ăn bình dân rất ngon cũng không xa vời lắm với các bữa cơm vua, ăn ở khách sạn Xanh, khách sạn bốn sao của Huế trong những buổi chiều. Vẳng ra từ khách sạn là điệu nhạc cung đình, nhạc cải biên, vui tươi và quyến rũ. Tôi bắt gặp các lữ khách châu Âu, họ vận áo long bào, choàng áo hoàng hậu, xếp hàng đi trong ô lọng áo mũ, những nụ cười thích thú và những ánh chớp của máy ảnh liên hồi. Họ sẽ có kỷ niệm đẹp của một chuyến đi về kinh đô cũ của Việt Nam, xứ nhiệt đới, xứ sở của làn điệu dân ca miền Trung, xứ sở của nhà vườn yên tĩnh dưới rêu phong, nơi còn có bao phận người quyền uy bị quên lãng. Về Huế để đối thoại một mình.
Dưới rêu phong nhà vườn
Video đang HOT
Du lịch điền dã ở nhà vườn rất thú vị, bạn hãy chọn đi xích lô dọc sông Hương để tận hưởng không gian êm đềm của vệt sông thưa thác hoa muồng vàng. Dưới chân ta, và dưới cả rêu phong là vẻ đẹp lặng lẽ với những vườn cây và những bức bình phong cũ mốc, đứng độc thoại với mùa thu Huế. Nhà vườn, chỉ có hoa và rêu phong. Các chái nhà bỏ hoang lâu ngày. Huế cũng rêu phong với thời gian nếu bạn đi các khu lăng tẩm vua Tự Đức, hay lăng tẩm vua Minh Mạng, ở đâu cũng gặp rêu phong ngay dưới chân mình. Những quyền uy có thể nào rêu phủ, nhưng sử sách vẫn lặng lẽ ghi trong những kệ sách thư viện quý giá ở Huế.
Vệt chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, Từ Hiếu vẫn đông khách đến từ nhiều phía, người từ Quảng Trị, từ Gio Linh ghé thuyền rồng trăm ngả rẽ về. Sân sau chùa Thiên Mụ hoa súng vẫn nở, hoa đại vàng mặn nhạt lặng rơi, với vài chú tiểu lẻ bóng an nhiên quét lá. Lữ khách đến chùa để không còn vướng bận bụi trần. Phía chùa Thiên Mụ tịnh yên lắm, phía ngoài chùa còn giữ nếp nang từ cỏ hoa cây lá đều có bàn tay chăm sóc kỹ lưỡng. Đến Huế để bước chậm lại giữa những thảo am bé nhỏ cô liêu ở rừng núi vắng, nó giống như một sợi dây diều nối nhịp tim người lữ khách quay trở về với quá vãng xa xôi, và hồi tưởng những phận người xưa có mặt trên cõi này sao mà cô độc. Sợi dây tình người này sẽ nối nhịp với hiện tại, để bạn ngồi thưởng lãm trà sen ở thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, hay bạn ghé chùa Đông Thuyền dùng bữa cơm chay, ghé chùa Bà La Mật dùng xôi vò chè đường. Huế có gu ăn uống của Huế, không dễ trộn lẫn, nếu nếm vị bánh làm bằng lúa nước cũng đã khác xa vị của Hà Nội. Vị của Huế bao giờ cũng cay hơn và ngọt hơn món ăn của đất kinh kỳ Thăng Long.
Các loại bánh ướt, bánh bột lọc, bánh có vị của chút ruốc tôm khô cũng rất Huế. Ngay cả các loại nước chấm, nước lèo của Huế cũng vị Huế không thể pha trộn khác được. Đến Huế để cảm nhận, để liên tưởng những món ăn của miền Trung nó thật khác với món ăn sông nước miền Tây Nam bộ. Kể cả các vị của món cơm chay nơi chùa chiền thảo am của Huế.
Rồi chiều xuống, lữ khách đi thuyền rồng nghe dân ca Huế, xem múa cung đình và thả thuyền đèn trên sông Hương.
Cái thú của Huế mùa khô có nhiều địa chỉ để đi, nếu đi hết chùa Huế cũng mất vài ngày, chưa kể đi cố đô, thăm thú các lăng tẩm và ngước nhìn các thảo am trong núi rừng khuất hẻo của Huế. Và, cũng huyền bí và hấp dẫn cho những ai khao khát mở lại trang sử của kinh đô Huế, nhà vườn Huế, đọc lại sử Huế với các vương triều trong một tiết thu không ở trên trang sách mà đọc bằng mắt trên dấu giày ta đi.
Theo 24h
Vương vấn cơm chay xứ Huế
Đến Huế vào đúng ngày rằm, khắp đường phố và trong các khu chợ tràn ngập món chay. Tôi cũng rẽ vào một nhà hàng chay ven đường, thưởng thức cái thanh tịnh yên bình của đất cố đô vương vấn từ không gian cho tới mùi vị.
Nổi tiếng với những ngôi chùa thâm trầm cổ kính, chẳng nơi nào ở Việt Nam mà việc ăn chay lại trở thành một nét văn hóa thú vị như ở Huế. Và có lẽ cũng chẳng nơi đâu ẩm thực chay lại phong phú như ở nơi đây.
Một người bạn Huế của tôi đùa: cái gì mặn có thì chay có. Nhưng dù là chay giả mặn, thì cái cách người Huế làm và thưởng thức món chay cũng vẫn cứ điềm đạm, an nhiên như cái tâm một lòng hướng Phật.
Cứ mỗi mùng 1, ngày rằm, hàng loạt hàng quán ven các con đường nhỏ xứ Huế bỗng trở nên... chay tịnh. Nào là bún chay, cháo chay, bánh canh chay... thơm lành và rực rỡ.
Tôi đã từng ngồi ở cổng chợ Bến Nghé ăn bún chay. Bát bún 15 nghìn bây giờ hồi ấy chỉ có giá 5 nghìn đồng, có đậu khuôn, măng khô, cà chua, đậu bắp, nấm rơm, nấm mèo, cà rốt... Chừng ấy thứ rau củ hợp tấu trong tô bún nhỏ xinh.
Mà lạ, chẳng vị nào lấn át nhau. Cà chua vẫn chua dìu dịu, cà rốt vẫn ngọt thanh tao, nấm rơm, nấm mèo phảng phất vị núi rừng. Mơ hồ, lưỡi tôi còn nếm được vị ngọt rất quen, nhưng tưởng chừng như chưa bao giờ cảm thấy nó trong bất kỳ tô bún nào trước đó.
Hỏi ra, tôi mới biết đó là vị ngọt của trái lê đập dập mà các o, các mệ người Huế bỏ vào nồi nước dùng chay cho tô bún thêm thơm ngọt.
Các nhà hàng, quán cơm chay bình dân ở Huế thì mở cửa quanh năm. Trước đây, mỗi lần vào Huế tôi vẫn thường tìm đến nhà hàng chay Tịnh Tâm I và II ở đường Hùng Vương và Phạm Ngũ Lão, nơi có món cháo chay nấu bằng thứ gạo gì đó mà tôi không rõ.
Chỉ biết hạt gạo nở bung như đóa hoa đẹp tuyệt, và hương vị thì thơm ngon đến nỗi tôi tưởng như mình chưa từng được nếm qua thứ gì êm dịu hơn như thế. Tiếc là giờ Tịnh Tâm đã đóng cửa, du khách và dân Huế thường tìm đến Liên Hoa quán ở đường Lê Quý Đôn và Bồ Đề ở đường Bà Triệu.
Bình dân hơn thì có các quán chay dọc bờ bắc sông Hương và vòng quanh đại nội. Các món chay giản dị, ngon mắt xếp gọn ghẽ trong khay nhôm, bún, cháo chay cũng sẵn sàng khi khách gọi. Chỉ khoảng 30 nghìn một suất và 12-15 nghìn một đĩa cơm chay.
Bún, cháo thì 15 nghìn một tô. Khách của quán là những người đàn ông quần soọc, áo may ô thong thả đi bộ từ nhà ra, những người đạp xích lô còn vắt khăn trên vai, bà mẹ trẻ vừa chở con về từ trường học. Họ vào quán chay chẳng phải vì ngày rằm, ngày lễ, mà cứ thản nhiên, quen thuộc như ngày nào cũng vậy.
Chiều nay, tôi gọi đĩa cơm ở một quán chay bình dân giữa Hà Nội, đắt đỏ, sao bỗng nhớ đến bữa trưa với đĩa nấm xào chay ngon tuyệt ở nhà hàng Bồ Đề với cái giá dễ chịu không ngờ. Và tôi nhớ cả cái cách ăn chay bình đạm, an nhiên của vùng đất cố đô trầm mặc ấy.
Theo Ihay
Bình dị với tôm chua của người dân xứ Huế Tôm chua mang đủ sự tinh tế của ẩm thực Huế trong cách chế biến. Không sử dụng loại tôm biển to, mập, người ta bắt những con tôm nước ngọt, tôm sông, tôm đồng, tôm đất. Tôm không quá to, không quá nhỏ, sàn sàn nhau để được ngấm đều gia vị và làm cho hũ tôm thêm đẹp. Tôm chua là...