Dị ứng thuốc non-steroid có nên tiêm ngừa vaccine COVID-19?
Thông tin nữ điều dưỡng tử vong do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng với nhóm thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid làm dấy lên lo ngại người dị ứng nhóm thuốc này có nên tiêm ngừa vaccine COVID-19.
Tối 7-5, Bộ Y tế thông tin Việt Nam có một nhân viên y tế là nữ điều dưỡng (35 tuổi) công tác tại Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực Tân Châu (An Giang) tử vong sau khi tiêm chủng vaccine COVID-19 của AstraZeneca.
Theo ghi nhận, trước khi tiêm vaccine tại điểm tiêm ở BV Đa khoa khu vực Tân Châu vào sáng ngày 6-5, nữ nhân viên y tế này đã được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm.
Sau khi tiêm, bệnh nhân có phản ứng sốc và đã được BV Đa khoa khu vực Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ, hội chẩn với tuyến trên và chuyển viện nhưng đã không qua khỏi vào ngày 7-5.
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non-steroid (NSAIDs – thuốc giảm đau kháng viêm không steroid).
Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, cho biết: “Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng khi cơ thể phản ứng với chất lạ được đưa vào cơ thể như thức ăn, ong đốt, thuốc… Sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời”.
Video đang HOT
Theo PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, thuốc là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu. Các đường thuốc đưa vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm trong da, tiêm dưới da, uống, xông, nhỏ mắt, đặt âm đạo hay thuốc bôi ngoài da… đều có thể gây sốc phản vệ.
Người gặp dị ứng với thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau kháng viêm non- steroid khá nhiều. Một số thuốc kháng viêm non-steroid thường gặp là aspirin, naproxen, diclofenac, ibuprofen…
Các triệu chứng của sốc phản vệ xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test. Một người chưa từng có tiền sử bị dị ứng với chất nào cũng có thể bị sốc phản vệ khi có chất lạ vào cơ thể. Nếu triệu chứng sốc phản vệ xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao. Sốc phản vệ xảy ra ở cơ sở y tế, nếu áp dụng đúng phác đồ điều trị thì cơ hội cứu sống người bệnh rất cao.
Về bản chất, vaccine ngừa COVID-19 không phải là thuốc kháng viêm giảm đau non-steroid và người có cơ địa dị ứng nhóm thuốc này cũng không phải là đối tượng chống chỉ định khi chích ngừa. Hơn nữa, nếu đây là lần đầu tiên tiêm vaccine loại này thì không thể biết được người này có bị dị ứng với thuốc dẫn đến sốc phản vệ để phòng tránh.
Tiêm vaccine COVID-19 không chống chỉ định với người dị ứng thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid. Ảnh tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca tại Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: HL
“Theo nguyên tắc của bất kỳ việc điều trị hoặc trước khi tiêm ngừa vaccine, người từng có cơ địa dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào cần khai báo kỹ để bác sĩ cân nhắc việc cho tiêm ngừa, thay đổi thuốc hoặc theo dõi kỹ sau khi tiêm. Sau khi tiêm thuốc, người được tiêm cần ở lại cơ sở y tế để theo dõi và cấp cứu kịp thời nếu có phản ứng”, PGS-TS Nguyễn Hữu Đức lưu ý.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, việc sử dụng thuốc luôn cân nhắc giữa nguy cơ có lợi và có hại, không có loại thuốc nào đảm bảo 100% an toàn và luôn có nguy cơ tai biến xảy ra. Trên thực tế, người có cơ địa dị ứng với thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid không ít, nếu ai cũng tính đến mức độ rủi ro, bất lợi cho mình, không chích ngừa thì cộng đồng sẽ gặp nguy hiểm khi số người được bảo vệ bởi vaccine COVID-19 ít, dịch bệnh lan rộng căng thẳng.
Công tác trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm nhiều năm, BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bất kỳ loại vaccine nào hay thuốc, thức ăn nào dung nạp vào cơ thể cũng có một tỉ lệ tai biến nhất định. Ở vaccine, tỉ lệ chung khoảng 1/1 triệu ca.
Tuy nhiên, không vì tỉ lệ một ca tai biến mà chương trình tiêm ngừa vaccine phải dừng lại. Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em ở Việt Nam nhiều năm qua đã giảm tỉ lệ lớn trẻ em tử vong bởi các bệnh truyền nhiễm và khá hiệu quả.
Theo BS Khanh, tiêm vaccine là biện pháp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh. Mục tiêu của tiêm chủng là để bảo vệ cá nhân và cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm phòng được bằng vaccine. Mặc dù vaccine được đánh giá an toàn, nhưng không phải hoàn toàn không có nguy cơ. Phản ứng sau tiêm chủng có thể sẽ xuất hiện sau sử dụng vaccine.
Một số người gặp các phản ứng sau tiêm chủng khác nhau từ phản ứng nhẹ, thông thường đến phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Cho dù nguyên nhân của phản ứng sau tiêm chủng là gì thì cũng làm cho người dân lo lắng, từ chối tiếp tục tiêm chủng, do vậy nguy cơ người mắc bệnh truyền nhiễm nhiều hơn và thậm chí là đe dọa tính mạng.
Theo BS Khanh, không chỉ tiêm vaccine mới bị sốc phản vệ, ở bệnh viện, số người sử dụng thuốc bị sốc phản vệ cũng thường xảy ra.
Ở những trường hợp có tiền sử dị ứng, việc tiêm vaccine cần thận trọng chứ không phải là chống chỉ định. Chẳng hạn, ở Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ có tiền sử dị ứng hoặc có bệnh nền như tim, thận thì sẽ được xem xét kỹ lưỡng, nếu cần thiết có thể hoãn tiêm.
Trẻ nên được tiêm ở bệnh viện lớn, có đủ phương tiện hồi sức và sau tiêm nằm lại 24 tiếng đồng hồ để theo dõi. Người từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng hay còn gọi là sốc phản vệ sau khi tiêm mũi vaccine đầu tiên sẽ được xem xét không cho tiêm mũi thứ 2 nữa.
“Trước khi tiêm vaccine, người dân cần khai báo kỹ tiền sử của bản thân và bác sĩ sẽ thăm khám kỹ để cân nhắc đưa vào bệnh viện chích ngừa hoặc tạm hoãn chích ngừa” – BS Khanh nói.
Phản ứng xuất hiện huyết khối sau tiêm vaccine AstraZeneca liên quan đến giới tính
Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm y tế của Anh (MHRA) ngày 6/5 cho biết có một số bằng chứng cho thấy tình trạng xuất hiện huyết khối, phản ứng phụ hiếm gặp sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, song tỷ lệ khác biệt rất nhỏ.
Vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới chức Anh trước đó nói rằng việc xuất hiện huyết khối chỉ liên quan đến tuổi tác, không phải giới tính, và số phụ nữ đi tiêm phòng nhiều hơn so với nam giới. Trong báo cáo cập nhật hằng tuần về tình trạng huyết khối, MHRA cho biết: "Hiện có một số bằng chứng cho thấy tỷ lệ xuất hiện huyết khối ở phụ nữ cao hơn so với ở nam giới dù điều này không thể hiện ở tất cả các nhóm tuổi, và sự khác biệt vẫn nhỏ".
Theo thống kê theo tuần mới nhất của MHRA, tỷ lệ xuất hiện huyết khối là 10,5 ca/1 triệu liều tiêm, so với 9,3 ca/1 triệu liều tiêm hồi tuần trước. Có 242 ca mắc huyết khối, trong đó 6 ca xuất hiện huyết khối sau liều tiêm thứ hai. Tuy nhiên, MHRA vẫn khẳng định việc tiêm vaccine này mang lại nhiều lợi ích hơn so với các nguy cơ.
Tính đến ngày 28/4, tại Anh có 22,6 triệu người đã được tiêm liều vaccine đầu tiên của AstraZeneca, trong khi có 5,9 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.
Lý giải nguyên nhân 1.500 người Anh bị ù tai sau tiêm vaccine COVID-19 Máu đông không phải là tác dụng phụ duy nhất liên quan vaccine COVID-19. Ít nhất 1.500 người Anh cho biết gặp tác dụng phụ ù tai sau khi tiêm vaccine. Ảnh minh họa: Shutterstock Theo tờ Dailymail, Cơ quan Quản lý Sản phẩm y tế và Thuốc (MHRA) Anh đã nhận được báo cáo về tác dụng phụ ù tai từ số...