Đi tìm ông già Noel
Bắt đầu từ năm ngoái, xóm Đường Tàu đã xuất hiện ông già Noel đi chia quà cho bọn trẻ.
Tối hôm 24, thằng Ngọ đang ngồi “làm thơ” trước nhà mình, mắt nó lơ đãng nhìn ra phía đầu đường, nơi đường sắt chạy cắt ngang lộ nhựa, có cái trạm gác của chú Toàn, cô Hạnh, thì nó thấy xuất hiện một ông già Noel. Nó chắc chắn là mình nghĩ đúng. Vì người ấy mặc bộ quần áo đỏ, đội mũ chóp cao, chân đi ủng và vai khoác một túi vải khá lớn. Đó là hình ảnh quen thuộc của ông già Noel mà Ngọ thường gặp trong sách vở, phim hoạt hình…
Nhà Ngọ nằm cách giao lộ đường sắt, đường nhựa chỉ chừng chục mét. Mấy nhà đầu ngõ không có trẻ con nên nó là đứa trẻ đầu tiên được nhận quà của ông già Noel. Ông xuất hiện trước mặt nó như trong truyện kể và lấy trong túi vải ra một hộp bánh nhỏ, đặt lên tay nó rồi nói với giọng giả, cố làm cho già đi: “Đây là quà của con. Chúc con mạnh khỏe, học giỏi và ngoan ngoãn”. Nó vòng tay: “Dạ, con cảm ơn”.
Vừa lúc ấy thì mấy đứa trẻ trong xóm đã thò đầu ra khỏi nhà mình nhìn thấy, chúng chạy ùa lại vây quanh ông già Noel khiến ông bối rối, nói:
- Đứa nào về nhà đứa nấy rồi ông sẽ đến từng nhà phát quà cho.
Lũ trẻ lắc đầu quầy quậy:
- Không! Ông phát quà cho tụi con ở đây luôn đi…
- Nhà con ở cuối xóm, ông tới nơi mà hết quà thì sao!
- Nếu hết quà, ông phải đi mua thêm phát đủ cho tụi con nha ông già Noel!
Thấy lũ trẻ “bất tuân thượng lệnh”, ông già Noel đành đứng tại chỗ, trước nhà thằng Ngọ lần lượt phát quà cho từng đứa, là gói kẹo hay hộp bánh. Mấy đứa tò mò, sờ vào bộ quần áo của ông hoặc nhìn lom lom vào gương mặt đã hóa trang, có chùm ria mép và râu cằm vừa dài vừa trắng toát. Một đứa chợt cười ré lên:
- He he… tụi bay ơi! Ông già Noel bị cận thị, đeo kính cận đây nè…
Quà phát vừa hết thì có tiếng còi kéo dài từ xa của đoàn xe lửa Thống Nhất chạy tới. Đằng giao lộ, chú Toàn ra khỏi trạm gác, miệng thổi còi, tay kéo cái rào chắn ngang đường nhựa.
Ông già Noel nói lớn:
- Tất cả đứng lui vào hiên nhà trò Ngọ tránh xe lửa…
Lũ trẻ dạt cả vào hiên nhà thằng Ngọ, chẳng thèm “kiểm tra” quà của mình là gì mà tất cả cùng nhìn lên những toa tàu lướt qua, bên trong cửa sổ là những gương mặt hành khách lạ lẫm. Chúng nó giơ cao cánh tay có gói quà mà vung qua vung lại, miệng thì reo hò ầm ĩ. Chẳng đứa nào để ý đến ông già Noel nữa. Đoàn tàu chạy qua toa cuối, tất cả mới nhớ ra thì ông già Noel đã biến mất. Vậy là cả bọn giải tán mà tiếc ngẩn ngơ vì không có dịp “giao lưu” với ông già Noel…
Thằng Ngọ cũng thôi ngồi “làm thơ” mà vào nhà chuẩn bị đi ngủ. Thế là nó lại mất thêm một buổi tối, không “đẻ” ra được câu nào cho bài thơ đăng báo tường dịp Tết Nguyên đán.
Tới tận lúc nằm cuộn mình trong chăn, nó mới sực nghĩ: “Ủa! Sao ông già Noel lại biết tên mình ta?”.
Thằng Long vừa là bạn chung xóm Đường Tàu, vừa là bạn học cùng lớp với Ngọ. Hai đứa sinh cùng năm con ngựa, ba má Ngọ đặt tên nó theo tên gọi của mười hai con giáp còn ba má thằng Long đặt tên nó chữ nghĩa hơn, cũng có nghĩa là con ngựa! Sau đêm Noel năm ngoái, khi nghe Ngọ nói ra thắc mắc của nó rằng vì sao ông già Noel lại biết nó tên là Ngọ, thằng Long nói ngay:
- Chắc chắn ổng là người trong xóm Đường Tàu mình rồi!
Thì Ngọ cũng nghĩ thế, nhưng là ai? Hai đứa đoán hết người này rồi người nọ. Chẳng để làm gì mà chỉ để thỏa trí tò mò thôi.
- Ổng đeo kính cận mà trong xóm mình chỉ có hai người đeo kính cận là anh Huynh sinh viên ở trọ nhà ông Hai và chị Lan, con bà Sáu mập. Chẳng lẽ chính là anh Huynh? Nhưng ảnh còn đi học, làm thêm nghề gia sư cũng chỉ đủ để ăn học, tiền bạc đâu mà mua quà cho tụi mình…
Video đang HOT
- Tao lại nghĩ khác – Long ra vẻ suy tư – Vẫn có thể là anh Huynh chứ! Một năm có một ngày Noel, nếu thích thì ảnh vẫn có thể để dành tiền mua quà vậy…
- Nhưng mà… ảnh đâu có thích trẻ con…
- Cái này thì mày có lý! Vậy chị Lan thì sao? Má chị Lan có cửa hàng tạp hóa bán đúng mấy thứ bánh kẹo mà tụi mình được phát. Chỉ cần phải giải thích về giọng nói…
- Giả giọng thì ai chẳng làm được. Nhưng có điểm để loại trừ là chị Lan vóc người thấp đậm, còn ông già Noel thì cao… tầm anh Huynh!
Một lần khác, thằng Ngọ nghĩ ra điều mới. Nó tiếp tục cuộc “điều tra” với thằng Long:
- Hay là chị Lan với anh Huynh kết hợp. Chị Lan góp quà còn anh Huynh đi phát?
- Vô lý! Đã nói là anh Huynh đâu có ưa trẻ con.
- Lỡ hai người ấy có tình cảm với nhau rồi anh Huynh chiều ý chị Lan thì sao?
Thằng Long lắc đầu với giả thiết Ngọ đưa ra:
- Mày con nít con nôi mà nghĩ gì tới chuyện yêu đương của người lớn vậy? Hay là… mày cũng để ý đứa con gái nào trong lớp mình rồi?
- Mày nói bậy đi! – Ngọ đỏ mặt – Là tao chợt nghĩ vậy thôi.
Hai đứa bạn lại bế tắc thêm vài ngày cho đến hôm thằng Long có ý kiến mới:
- Sao tụi mình cứ phải tìm người đeo kính cận? Có chắc cái kính ông già Noel đeo là kính cận không? Là kính lão hay là kính không độ, ổng đeo vào cho giống ông già Noel trong hình vẽ thì sao!
Thằng Ngọ phải gật gù công nhận là thằng Long thông minh hơn mình. Nhưng cũng chỉ tới đó. Ngoài anh Huynh và chị Lan, hai đứa nó vẫn chưa nghĩ ra người nào trong xóm đáng nghi.
Cho đến một ngày đầu tháng 12 năm nay…
Hôm ấy là một ngày chủ nhật, thằng Long hớt ha hớt hải chạy tới nhà thằng Ngọ, kéo tay bạn đi theo mình. Ngọ hỏi mau: “Chuyện gì vậy?”. Long đáp ngắn: “Chuyện ông già Noel”.
Cuối cùng hai đứa tới trước văn phòng khu phố đặt cạnh trạm gác đường sắt. Bên trong văn phòng có hàng chục người đàn ông có, thanh niên có đang ngồi họp. Dù đứng bên ngoài, hai dứa bạn cũng nghe rõ là họ đang bàn chuyện làm ông già Noel đi phát quà cho lũ trẻ trong vùng. Long thì thầm:
- Như vậy không phải chỉ có một ông già Noel mà nhiều ông! Họ chia nhau đi từng xóm phố để phát quà…
- Đúng vậy. Mình đợi lát nữa họ họp xong giải tán, coi có ai là người ở xóm Đường Tàu không? Chỉ có người ở xóm mình mới biết tên tao!
Hai đứa bạn tuổi ngựa cùng chắc mẩm phen này sẽ biết được ông già Noel đến xóm mình là ai. Nhưng… không ai trong số người đi họp là người của xóm Đường Tàu! Xóm có hơn ba mươi gia đình, “thổ địa” như Ngọ và Long thì nhà nào mà tụi nó không biết…
Hai “thám tử” xóm Đường Tàu quyết tìm ra bí mật của ông già Noel xóm mình bằng cách mà thằng Ngọ chợt nghĩ ra. Tuy chỉ là cầu may nhưng cả hai “con ngựa” vẫn cảm thấy hồi hộp chờ đến đêm 24.
Năm nay ông già Noel xuất hiện sớm hơn. Vẫn hình ảnh quen thuộc cũ, và vẫn tới trước hiên nhà thằng Ngọ như năm trước. Nơi đây không chỉ có thằng Ngọ mà có cả thằng Long cùng ngồi đợi. Bất ngờ là những đứa trẻ khác trong xóm cũng kéo đến cùng đợi. Cả thảy gần hai chục đứa.
Có lẽ sự tụ tập này khiến ông già Noel bất ngờ. Ông đến bên lũ trẻ, định thần một vài giây rồi tuyên bố, vẫn bằng cái giọng giả của một ông già:
- Để giữ trật tự cho buổi phát quà, ông già Noel yêu cầu các con xếp hàng một. Ai cũng có quà, không phải lo. Nào, bắt đầu xếp hàng đi, bắt đầu từ em Ngọ!
Ngọ ngoan ngoãn đứng đầu hàng, giơ cao tay, dõng dạc:
- Tất cả so hàng một, tay đứa sau đặt lên vai đứa trước…
Lũ trẻ đang xếp hàng, chợt thằng Long kêu to:
- Anh Huynh ơi, em muốn đứng sau thằng Ngọ có được không? Tụi em là hai đứa ngồi đợi anh đầu tiên đó anh Huynh!
Dường như ông già Noel đã giật mình. Ông bước tới bên thằng Long nói lớn:
- Giữ trật tự! Xuống xếp hàng cuối cùng!
Nhưng liền đó, “ông” nói nhỏ với nó:
- Long! Biết gì thì để bụng. Mai gặp anh.
Thành công rồi! Mưu của thằng Ngọ vậy mà hay. Câu nói nhỏ sau này, “ông” già Noel đã nói với Long bằng giọng thật, không phải giọng giả của một ông già nữa…
Anh Huynh kể:
- Nhóm ông già Noel của khu phố thiếu người nên họ gọi thuê anh làm ở xóm Đường Tàu, trả tiền công đàng hoàng. Anh thì lúc nào cũng cần tiền để tiêu cho việc học nên nhận lời ngay. Nhưng đó là chuyện của năm ngoái. Năm nay thì anh không nhận tiền công nữa. Mà sao hai đứa lại nghi ngờ là anh?
Long kể:
- Tụi em nghi là anh ngay từ đầu, sau đó lại cho là không phải anh. Cái cách gọi tên anh là của thằng Ngọ nó nghĩ ra. Như một phép thử vậy thôi. Ai ngờ lại có kết quả…
Thằng Ngọ rụt rè:
- Điều này em hỏi thiệt, anh Huynh đừng giận nha. Ngày thường, tụi em thấy anh đâu có mê con nít mà sao năm nay anh lại nhận làm ông già Noel đến với tụi em…?
- Sao bảo là anh không mê con nít! Ở quê, anh còn hai đứa em dễ thương lắm, lên đây học, anh nhớ tụi nó muốn chết. Thấy bọn em, anh cũng muốn làm quen lắm chứ, nhưng nào việc học, nào phải đi làm thêm… anh đâu còn thì giờ rảnh rỗi…
- Vậy từ nay thì sao hả anh?
- Anh sẽ “chơi” với các em. Nhưng anh ra điều kiện này: với những đứa khác trong xóm Đường Tàu, hai đứa không được tiết lộ bí mật ông già Noel là anh đó, nghe chưa!
Tất nhiên rồi, Ngọ và Long đều muốn hai đứa nó giữ “độc quyền” bí mật về ông già Noel xóm Đường Tàu!
Truyện ngắn của Nguyễn Thái Hải
Theo baodongnai.com.vn
Mẹ chồng đòi trả 5 triệu/tháng khi con dâu nhờ chăm cháu giúp để đi làm, con dâu vui vẻ hỏi lại ngắn gọn thế này mà bà ngượng chín mặt
Không thể nhẫn nhịn được hơn, Nhung mỉm cười đáp lại mẹ chồng: "Dạ, tất nhiên người ngoài không thể bằng người thân ruột thịt nên vợ chồng con mới nhờ bà trông cháu".
Vẫn biết mẹ chồng tính toán so đo, nhưng Nhung không thể tin nổi đến trông cháu giúp con dâu bà cũng muốn quy thành tiền. Bức xúc dồn nén bao lâu như nổ bùng trong khoảnh khắc ấy, không nhẫn nhịn được hơn, cô quyết định phản bác lại mẹ chồng. Ai ngờ cục diện lại được thay đổi từ đó.
Nhung kể, sau khi kết hôn dù đủ điều kiện mua nhà ra ở riêng nhưng Phong - chồng cô vẫn cố thuyết phục vợ để 2 người ở chung với gia đình nhà chồng cho tình cảm. Bởi bố mẹ anh chỉ có 2 người con, em gái Phong đã định cư bên nước ngoài, thi thoảng mới về thăm gia đình vài ngày lại đi ngay. Nếu giờ vợ chồng cô cũng ra ở riêng nữa thì bố mẹ anh phải ở một mình trong căn nhà 5 tầng sẽ rất trống trải.
Hiểu cho suy nghĩ của chồng, Nhung đành vui vẻ chấp nhận sống chung với mẹ chồng, mặc dù trong lòng cô không hề muốn.
Bố mẹ Phong đều là cán bộ nghỉ hưu. Bố anh vui tính, sống hòa đồng. Ngược lại mẹ Phong là người tính toán chi li. Ở với vợ chồng Nhung, ông bà hầu như không phải bỏ ra bất cứ một khoản chi tiêu nào mặc dù lương hưu của hai người cộng lại cũng hơn 10 triệu. Đấy là còn chưa kể, thi thoảng em gái Phong lại gửi vào tài khoản biếu bố mẹ vài ba chục triệu.
Ảnh minh họa
Tiền ông bà có sẵn như vậy, nhưng khi vợ chồng cô nâng cấp lại đồ nội thất trong nhà bị thiếu mất hơn trăm triệu, bí quá chưa xoay được tiền 2 người đành lên hỏi vay tạm mẹ chồng vài tháng. Thế mà bà lắc đầu xua tay bảo luôn: "Nhà anh chị sửa anh chị ở, chúng tôi già rồi, ở được mấy nữa mà đòi tiền chúng tôi. Vay biết khi nào trả được".
Bà nhất định không cho các con vay, sau Nhung phải về ngoại lấy tiền của bố mẹ để bù vào.
Thời gian đầu chưa quen, Nhung thấy chạnh lòng trước cách hành xử "lạ" của mẹ chồng lắm. Sau Nhung nghĩ thôi thì mỗi người một tính một nết, miễn cô cứ sống hết lòng, còn bà cư xử ra sao cô cũng kệ.
Rồi Nhung sinh con đầu lòng, vì thằng nhỏ sinh non, sức đề kháng kém nên cô phải nghỉ việc không lương tròn 1 năm để chăm cho nó cứng cáp mới dám đi làm trở lại.
Ban đầu Nhung tính thuê giúp việc nhưng Phong gàn vì anh không yên tâm giao con cho người ngoài. Anh bàn với cô xuống nhờ mẹ chăm hộ, bà nghỉ hưu rảnh rỗi chắc sẽ giúp. Tối đó cho con ngủ xong, vợ chồng Nhung dẫn nhau xuống phòng bố mẹ nói chuyện. Nghe con dâu nói, mẹ Phong ngồi gật gù. Nhung đoán bà sẽ đồng ý giúp thôi vì thường ngày bà cũng tỏ ra quấn cháu lắm.
Ai ngờ, con dâu vừa nói xong, bà liền bảo: "Để mẹ trông con Hĩn cũng được. Nhưng hàng tháng các con phải trả mẹ 5 triệu tiền trông cháu theo đúng giá thị trường. Mẹ đang nhàn chân nhàn tay, tự do đi lại khắp nơi. Giờ trông nó coi như mẹ bị cùm chân một chỗ thì đổi lại mẹ phải nhận được tiền công. Giá như thế là con rẻ, chứ thuê người ngoài có khi đắt hơn mà còn chẳng yên tâm được".
Nhung kể, nghe mẹ chồng nói mà cô choáng hẳn. Thật sự cô không thể hiểu vì sao bà lại có thể tính toán chi li, hơn thiệt như vậy với chính con đẻ, cháu ruột của mình. Lúc trước cô sinh bà đã không đỡ đần gì mấy, giờ nhờ trông cháu bà lại quy ra tiền. Mà có phải bà túng thiếu gì cho cam.
Ảnh minh họa
Không thể nhẫn nhịn được hơn, Nhung mỉm cười đáp lại mẹ chồng: "Dạ, tất nhiên người ngoài không thể bằng người thân ruột thịt nên vợ chồng con mới nhờ bà trông cháu. Việc trả mẹ 5 triệu một tháng chúng con không ngại, có điều làm như vậy con thật sự thấy tình cảm gia đình có vẻ xa cách quá.
Người ta bảo 'trẻ cậy cha, già cậy con', giờ mẹ còn khỏe vợ chồng con mới nhờ chăm cháu giúp để chúng con yên tâm đi làm mà mẹ lại bảo phải tính công như người ngoài. Vậy sau này mẹ về già ốm đau nằm đấy, đương nhiên trách nhiệm chăm sóc bố mẹ là của chúng con. Mẹ nghĩ sao nếu lúc ấy con cũng bảo mẹ trả công con như trả người ngoài?".
Mẹ Phong nghe con dâu nói thế đỏ mặt không nói gì. Bố Phong ngồi bên gằn giọng: "Con dâu nói đúng đó. Bà đừng có kiểu tính toán với cả các con mình như vậy. Chăm cháu mình chứ chăm ai mà bà đòi tiền công. Bà nói thế không sợ người ngoài nghe thấy người ta cười cho mất mặt hả?".
Đến đây thì mẹ chồng Nhung mới vỡ lẽ, tuy bà không nói thêm với con dâu lời nào nữa nhưng hôm sau biết Nhung chuẩn bị đi làm, bà chủ động lên phòng sớm đón cháu đi chơi để con bé đỡ khóc theo mẹ. Đó cũng chỉ là lần mà Nhung chính thức lên tiếng, chứ tất nhiên cô không để bà thiệt. Chẳng đưa đủ 5 triệu/ tháng thì cũng 3, 4 triệu kèm quà cáp không kể hết. Cái cô muốn là bà biết con dâu đối xử với mẹ chồng thế nào mà bà bớt thành kiến với Nhung hơn.
Nhung kể, từ bận ấy mẹ Phong nghe vẻ cũng đỡ tính toán với các con hơn, quan hệ mẹ chồng nàng dâu từ đó được cải thiện, tình cảm gia đình vì thế cũng ấm cúng hơn rất nhiều.
Hải Hương
Theo Helino
Nữ thạc sĩ muốn tìm một nửa yêu thương nhưng ít có cơ hội Ra nước ngoài học, mình vừa làm, vừa cố hoàn thành việc học để không bị trượt học bổng nên không có thời gian cho bản thân. Mình năm nay 30 tuổi, đã hoàn thành thạc sĩ và đang làm việc tại nước ngoài. Xét về đường học hành và công việc mình cũng tương đối thuận lợi, vì mỗi lần gặp khó...