Đi thuyền ra đảo ngắm mùa vải chín, check-in loạt điểm đến tuyệt đẹp ở Bắc Giang
Du lịch Bắc Giang thời điểm này, du khách không chỉ được trải nghiệm mùa vải chín rực rỡ mà còn có cơ hội tận hưởng khoảng thời gian “ trốn nóng”, thư giãn tại nhiều điểm đến xanh mát, giơ máy lên là có loạt ảnh check-in cực xinh.
Chị Hoàng Thùy Dương (SN 1991, quê Bắc Giang, hiện sống và làm việc tại Hà Nội) vừa có chuyến đi trở lại Bắc Giang hồi đầu tháng 7, đúng dịp mùa vải chín rộ để khám phá một vẻ đẹp rất khác của quê hương, nơi chị sinh ra và lớn lên.
Thời điểm hiện tại, tuy các xã trong huyện hầu hết đã thu hoạch gần xong nhưng khu vực các đảo trên hồ Cấm Sơn và xã Tân Sơn mới bắt đầu vào vụ vải muộn. Bởi vậy, du khách tới đây dịp này vẫn có thể trải nghiệm mùa vải chín và check-in một số điểm đến xanh mát, đẹp “nghìn like”.
Blogger Thùy Dương vừa có chuyến trở lại Bắc Giang, khám phá vẻ đẹp quê hương mùa vải chín rực rỡ
Mùa vải chín ở Bắc Giang thường kéo dài khoảng 2 tháng, từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch. Trong đó, huyện Lục Ngạn là “thủ phủ” vải nổi tiếng nhất, được nhiều du khách lựa chọn ghé thăm
Dưới đây là gợi ý loạt địa điểm chụp hình, khám phá thú vị mà du khách không nên bỏ lỡ khi du lịch Bắc Giang mùa vải chín, mà theo chị Dương nhận xét là: “Cảnh đẹp ở đây khiến chính người con của Bắc Giang như tôi cũng phải “trầm trồ”".
1. Hồ Cấm Sơn
Được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn” với khung cảnh đẹp như tranh vẽ, hồ Cấm Sơn (nằm trên địa bàn 4 xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Tân Sơn) là một trong những địa điểm trốn nóng lý tưởng được nhiều du khách yêu thích và tìm đến khi ghé thăm vùng đất Bắc Giang.
Mặt hồ rộng với nhiều đảo nhỏ, nước hồ quanh năm trong xanh, đẹp chẳng kém những điểm đến xanh mát nổi tiếng miền Bắc như hồ Thác Bà (Yên Bái), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Na Hang (Tuyên Quang),…
Hồ Cấm Sơn dài gần 30km, gồm nhiều đảo lớn, nhỏ trồng vải và được du khách ví như “vịnh Hạ Long trên cạn” của Bắc Giang
Tới hồ Cấm Sơn, du khách có thể thuê thuyền dạo quanh hồ, khám phá các đảo trồng vải với chi phí dao động 1 – 1,2 triệu đồng/thuyền, tùy loại thuyền to hay nhỏ, sức chứa từ 10 – 15 khách.
“Đứng ở đây vào lúc hoàng hôn, bạn có thể ngắm nhìn những ánh nắng chiều buông trượt trên mặt hồ, chạy theo con sóng ánh lên màu vàng lấp lánh. Cảm giác như mình đang lạc bước trong một thước phim quay chậm, trở về đoạn kí ức thanh xuân trong trẻo, mộng mơ”, chị Dương bày tỏ.
Video đang HOT
Không chỉ ngắm khung cảnh núi hồ yên bình, thơ mộng, du khách tới hồ Cấm Sơn còn được thưởng thức những trái vải chín mọng trồng ngay trên đảo hay chụp ảnh check-in trên cầu Phao,…
Cầu Phao nối từ thôn Tam Chẽ sang thôn Đấp là điểm check-in “sống ảo” được du khách yêu thích khi ghé thăm hồ Cấm Sơn
Thời điểm lý tưởng để khám phá hồ Cấm Sơn là vào buổi sáng, tiết trời mát mẻ, nắng dịu, tạo cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Buổi trưa, du khách có thể ghé làng chài Cấm Sơn nghỉ ngơi và ăn trưa. Điểm đến này không thu vé nhưng nếu muốn ngồi nghỉ trong các lán, trại hoặc lều bạt, du khách phải thanh toán chi phí khoảng 30.000 – 50.000 đồng/người.
Khung cảnh thơ mộng ở làng chài Cấm Sơn với nhiều góc check-in cho du khách chụp hình “sống ảo”
Du khách có thể mang theo đồ ăn hoặc đặt sẵn từ người dân địa phương với các món dân dã như cơm, gà nướng với giá từ 200.000 đến 250.000 đồng/suất/người.
2. Hồ Bầu Tiên
Tuy mới đi vào hoạt động và chưa hoàn thiện 100% nhưng khu sinh thái Hồ Bầu Tiên (thuộc thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn) cũng là điểm đến trốn nóng được du khách truyền tai nhau không nên bỏ lỡ khi tới Lục Ngạn, Bắc Giang.
Đặc biệt, nơi đây còn hút khách bởi giống vải màu đỏ hồng, hình trái tim vô cùng độc đáo. Chị Thùy Dương cho biết, bản thân cảm thấy thích thú khi lần đầu được trải nghiệm hoạt động hái vải đêm thú vị ở hồ Bầu Tiên.
Khu sinh thái Hồ Bầu Tiên là cái tên mới nổi xuất hiện trên bản đồ du lịch Bắc Giang nhưng đã được nhiều du khách biết đến và tìm tới
“Dù chưa hoàn thiện hết nhưng khu sinh thái này đã có nhiều tiện nghi cơ bản như nhà sàn, khu ăn uống BBQ, các trò chơi trên mặt nước như chèo thuyền, đạp vịt, đạp xe…”, nữ travel blogger quê Bắc Giang cho hay.
3. Các vườn vải ở xã Tân Sơn
Tầm tháng 7, trong khi các xã khác của huyện Lục Ngạn hầu như đã thu hoạch hết vải thì ở xã Tân Sơn mới bắt đầu vào vụ vải chín muộn. Thời điểm này, nhiều nhà vườn tại đây cũng mở cửa đón khách tới tham quan, chụp hình. Một trong số đó có nhà vườn Chiu Bền với vườn vải được kết thành vòm đẹp mắt, thu hút đông đảo du khách thập phương ghé thăm và check-in
Những khu vườn xanh mát nổi bật với sắc đỏ hồng rực rỡ của vải chín
Là người Bắc Giang, lớn lên cùng cây vải từ khi còn nhỏ nhưng chị Dương thừa nhận vẫn ngỡ ngàng khi được tận mắt ngắm nhìn mùa vải chín rộ ở xã Tân Sơn.
“Hàng nghìn cây vải chín đỏ, được trồng tầng tầng lớp lớp, bao quanh khắp bản làng, núi đồi. Lâu lắm rồi mình mới nhìn thấy chùm vải sai trĩu quả “siêu to khổng lồ” đỏ rực như thế! Vải núng nính trên cành, vải sà cả xuống đất”, chị chia sẻ.
4. Chợ Tân Sơn
Chợ Tân Sơn là nơi tập trung rất đông các tiểu thương buôn vải. Họ thường thu hoạch vải từ đêm rồi chở ra chợ bán lúc trời sáng sớm, chừng 5h sáng. Theo chị Dương, để săn được khoảnh khắc chợ vải tấp nập, du khách nên thức dậy từ 3h sáng và di chuyển tới đây.
Những tiểu thương chở xe vải đầy ắp, mỗi sọt nặng tới 150 – 200kg. Họ chờ gặp thương lái và thuận mua vừa bán. Trong khoảng 2-3 tiếng, chợ trở nên đông đúc, nhộn nhịp người qua lại nên cả một tuyến đường dẫn vào chợ thường bị ùn tắc giao thông.
Vải ở chợ Tân Sơn thường được bán buôn và không bán lẻ nên du khách muốn mua vài cân hay vài chùm sẽ khó hơn là mua tại các nhà vườn
“Đến Lục Ngạn vào những ngày hè chói chang cuối tháng 6 đầu tháng 7, mình cảm nhận được sự đông vui lạ thường nhưng cũng thấy nhọc thay khi hiểu rõ được nỗi vất vả của người dân địa phương. Bởi vậy mà cầm trái vải trên tay, mình càng thấy trân trọng bao công sức gieo trồng, chăm sóc của người nông dân mới thu được thứ quả thơm ngon, hấp dẫn đến vậy”, nữ blogger 32 tuổi trải lòng.
Từ Hà Nội, du khách có thể đi qua cầu Thanh Trì và tiếp tục di chuyển trên Quốc lộ 1A để đến Bắc Giang. Vì đường khá đẹp, dễ đi nên du khách thoải mái lựa chọn các phương tiện khác nhau như ô tô, xe máy hay xe khách.
Hồ Cấm Sơn (Bắc Giang) điểm đến cuối tuần dành cho khách thích gần gũi với thiên nhiên
Hồ Cấm Sơn - nguồn cảm hứng của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương cho nhạc phẩm "Hồ trên núi" đang được tỉnh Bắc Giang giới thiệu là điểm đến nghỉ cuối tuần gắn với du lịch sinh thái.
Giới thiệu về hồ Cấm Sơn, ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "Nhạc phẩm "Hồ trên núi" của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương lấy cảm hứng sau một chuyến đi thực tế vào năm 1971 đến hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang)".
Từ đó lời ca khúc đã ghi vào lòng người với bức tranh non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình với những hình ảnh thuyền ngược, xuôi; hồ nước đầy là mặt gương soi; tiếng rừng, tiếng suối; xôn xang mái chèo nhịp đời sinh sôi; cá nặng lưới đầy... Dòng Cấm Sơn xuất phát từ huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đến Lục Ngạn thì đập chặn lại thành hồ. Hồ Cấm Sơn là nguồn cung cấp nguồn nước tưới chính cho sản xuất nông nghiệp của hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang.
Bình thường mặt hồ rộng 2.600 ha nhưng đến mùa mưa, lũ nước dâng cao, mặt hồ lúc này có thể rộng đến 3.000 ha. Chiều dài của hồ gần 30 km, bề ngang nơi rộng nhất 7 km, chỗ hẹp nhất 200m, lòng hồ nơi sâu nhất đến khoảng 47m, hồ có rất nhiều đảo.
Điều đặc biệt ở hồ Cấm Sơn là bờ của hồ chính là những ngọn núi điệp trùng, bao bọc. Cư dân sống gần hồ là những bản làng người dân tộc Nùng, Tày và Kinh. Nhân dân vùng chung quanh hồ chủ yếu là dân tộc.
Người dân ở đây đi lại chủ yếu bằng thuyền, và giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo tạo những cảnh quan sơn thủy hữu tình. Chính vì vậy mà có câu: "Áo chàm xuống núi bơi thuyền/Khăn nam phân phất như tiên dưới trần".
Người dân sống quanh hồ Cấm Sơn đến nay vẫn truyền tụng những câu chuyện huyền thoại, ly kỳ về sự tích núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc, suối Vảy Rồng, núi Kỉn, làng Mấn, đảo Lăn Lóc... Những câu chuyện kể mang màu sắc huyền thoại đã thổi hồn vào cảnh vật làm cho từng dãy núi, khu rừng bao bọc xung quanh mặt nước trở nên hữu tình ít nơi có được.
Buổi sớm mai là thời gian thích hợp nhất để chiêm ngưỡng cảnh sắc, không gian mặt hồ Cấm Sơn. Những làn sương sớm phủ màu trắng đục huyền ảo trên mặt hồ dần tan vào sóng nước khi mặt trời ló rạng. Mặt hồ gợn sóng lấp lánh trong nắng sớm, vài chiếc thuyền nan lướt qua, chợt nao nao một nỗi niềm bâng khuâng xa vắng như văng vẳng câu ca của nhạc sĩ Phó Đức Phương "Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc, nhịp chèo ta bơi...".
Nếu đến Cấm Sơn vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7, du khách còn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng đồi Lục Ngạn đỏ rực khi mùa vải chín. Thưởng thức những quả vải và hòa vào không khí của một mùa thu hoạch của người dân vùng đồi.
Không chỉ vậy, lòng hồ Cấm Sơn bao la cho nhiều cá tôm, vào những đêm trở trời, những chiếc vó của đồng bào dân tộc nơi đây có thể bắt được vài trăm kg cá một mẻ, đã từng có những con cá nặng đến 40-50kg.
Vì thế, du ngoạn hồ Cấm Sơn, nhất định phải thưởng thức những món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn của vùng đất này như tôm hồ rang hoặc nướng, gà đồi luộc, thịt lợn bản thái miếng to nướng; măng rừng luộc chấm muối ớt...
Bà Khúc Thị Nga, Phó Giám đốc HTX thương mại và dịch vụ An Phú cho biết: Du lịch tại hồ Cấm Sơn vẫn ở mức sơ khai. Trên hồ mới chỉ có 1 đảo xây dựng chỗ ăn ở, cắm trại và đưa khách đi vào bản trải nghiệm du lịch cộng đồng. Ngay cả thuyền chở khách chủ yếu là tận dụng lại thuyền chở dân đi lại trên lòng hồ nên chưa theo đúng tiêu chuẩn du lịch. Hiện nay, các thành viên hợp tác xã cũng căn cứ trên nhu cầu và lượng khách để đầu tư thuyền có chất lượng dịch vụ tốt hơn, giảm tiền ồn, đảm bảo môi trường.
Còn ông Trương Văn Năm cho biết: Do hồ Cấm Sơn là nơi cung cấp nguồn nước cho thành phố Bắc Giang và cả Bắc Ninh việc quy hoạch du lịch nơi đây đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, huyện chủ trương khai thác loại hình du lịch cộng đồng để vừa phát triển kinh tế, vừa giữ được cảnh quan môi trường.
Ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Bắc Giang cho biết, thời gian tới, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch "xanh" với các tiêu chí về bảo vệ môi trường thiên nhiên gắn với hoạt động khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa, mang lại sinh kế cho người dân, trong đó hồ Cấm Sơn là một trong những điểm đến mới được Trung tâm chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch.
Ghi nhận phóng viên báo Tin tức:
Biển hướng dẫn vào bến đỗ đi thuyền hồ Cấm Sơn còn khá sơ khai.
Do là hồ cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Bắc Giang và Bắc Ninh nên xung quanh hồ vẫn là rừng phòng hộ.
Dịch vụ chèo thuyền trên hồ mới được đưa vào sử dụng.
Một số đảo được quy hoạch làm nơi cắm trại.
Du khách có thể lựa chọn mua sản vật địa phương.
Du lịch hồ Cấm Sơn mới phát triển khoảng 5 năm gần đây. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hơn 2 năm qua gần như rất ít du khách đến đây.
Du lịch Tây Bắc: Hè đi trốn nóng ở thác Mu xứ Mường Thác Mu xứ Mường là điểm tránh nóng không thể bỏ qua trên cung đường du lịch Tây Bắc trong mùa hè này. Nếu bạn là một người yêu chủ nghĩa xê dịch, muốn hòa mình vào dòng nước mát của tự nhiên thì không thể bỏ qua thác Mu (Lạc Sơn - Hòa Bình) điểm đến mới trên bản đồ du lịch...