Đi qua cánh đồng
Mỗi lần đi qua cánh đồng, anh nghe bốn mùa theo đó chậm rãi vắt mình trên biển lúa. Nghe tiếng ru hời từ nhà nào bên xóm: “À ơi, mẹ thương con ra cầu Ái Tử, vợ trông chồng lên núi Vọng Phu”…
Có nhiều người giống như anh, lớn lên trên những cánh đồng, sau rồi bởi tháng năm và xa cách nên đôi lúc quên mất bông lúa trổ đòng ra sao, mạ non thơm ngái thế nào. Cứ như bạn cũ, chỉ khi gặp lại, nhận ra nhau rồi mới bồi hồi xúc động vì bao ký ức vùng trời tuổi thơ.
Anh nhớ những chiều chân đất, ngồi trên triền đê chơi đá gà bằng cọng cỏ, cánh đồng phía trước xa xăm tít tắp cho đến tận chân trời. Nơi lưng chừng núi, đoàn tàu mỗi lần ngang qua lại rít lên từng hồi như bản nhạc rộn rã trộn lẫn vào thanh âm đang rất đỗi yên bình. Cánh đồng được những người chân chất gọi theo cách dễ nhớ là “đồng nhất” và “đồng nhì”. Anh là con nhà nông, vạt ruộng nhà anh được cấp từ mấy đời trước. Cũng như tất thảy các bậc cha mẹ khác, ba mẹ anh luôn mong muốn con cái thoát khỏi nghiệp nhà nông của mình. Từ nhỏ, anh đã quen với việc đồng áng, quen với rơm vàng, thóc vãi, rạ khô, càng lớn càng thấy xót xa với từng hình ảnh ấy.
Sáng sớm khi chú gà trống vừa cất tiếng gáy, mấy mệ đã lục đục dậy nhen bếp nấu ấm nước chè. Người ta đi ra đồng cứ như đi theo năm tháng đã định sẵn. Này thì hôm nay ra đồng gieo sạ, hôm kia nhổ cỏ, hôm khác phun thuốc rồi thì gặt, sau rồi lại gieo.
Video đang HOT
Anh nhớ cả mùi lúa non ngọt ngào như thể thứ nước cơm mà chị cả mỗi khi đợi cơm sôi, thường chắt nước rồi pha đường cho mấy đứa em uống. Ngọt ngào, đằm thắm là thế, nhưng chẳng ai muốn gắn bó tha thiết với nơi mình đã lớn lên, khi ăn bữa trưa vừa xong đã thấp thỏm mà lo bữa tối.
Anh vào đại học, vẫy tay chào những cánh đồng lúa khắp nẻo đường ngang qua rồi chập chững làm quen với thành phố ồn ã, xô bồ. Hôm đầu tiên lên phố, cứ thao thức mải miết vì những ánh đèn vàng, những ngôi nhà cao tầng che hết cả trời sao. Gió ở phố mang theo nhiều bụi bặm, tạp nham chứ chẳng trong lành thanh mát như ở quê. Thao thức đôi chút rồi thôi, con người ta cần quen, cần thích nghi mới có thể sống.
Anh ra trường, ngoái đầu về quê phân vân chốn lập nghiệp. Vì đời vốn nhiều lẽ, nên lại cấp tập mà ở lại phố, cũng nhà trọ nơi này nơi kia để gửi tấm thân gầy.
Anh yêu quê mình lắm chứ, yêu cánh đồng trước mặt nhà, yêu cả những tảo tần mùa vụ. Song, bảo anh bỏ nghề đang làm, bỏ áo quần đẹp đẽ mà lội xuống ruộng, chân lấm tay bùn với nắng mưa thì anh không đủ can đảm và cũng chưa từng có ý định. Thế nên, đôi lúc bần thần, anh tự hỏi, không lẽ hết thời của ba mẹ anh, há dễ còn mấy ai làm nông dân. Thế hệ 8x, 9x như bọn anh, đâu ai thiết tha với ruộng đồng.
Khi còn trẻ, ta chẳng có điều gì để băn khoăn và lo lắng về năm tháng đi qua. Có chăng, ý niệm thời gian cùng lắm được đem ra suy xét mỗi khi gặp lại bạn cũ, người xưa. Đã khi nào anh chợt lo lắng, chợt xao lòng vì cái chuồng bò ở nhà đã thủng mái hay lúa năm nay mất mùa mà mình chưa về kịp.
Để rồi bôn ba nhiều năm, va vấp trái ngang ở đời, bỗng dưng lại muốn quay về, cúi gầm mặt mà nâng bông lúa chờ ngày ra hạt. Bão giông, mưa nắng của trời có lẽ cũng đắng đót, khổ cực như bão tố trở ngại ở đời chừng ấy. Cũng như chiều nay, khi trở lại thành phố được đôi ngày, anh nhớ cảm giác đi qua cánh đồng hôm nọ. Nhớ đêm nằm, nghe ếch kêu văng vẳng mà thấy lòng chộn rộn xôn xao. Chỉ ước giờ đang nằm trên cái chõng tre giữa sân, ngước mặt lên nhìn cả bầu trời và tìm ngôi sao lớn nhất. Hẳn là thoáng qua vậy thôi, cảm xúc ấy là dư âm về quê của những ngày Tết ít ỏi. Độ vài hôm, con người bận rộn trong anh lại bắt nhịp với sự năng động cần có nơi phố thị. Ừ thì, cánh đồng vẫn nằm ở đó, như hôm nào anh đã đi qua.
Theo VNE
Mùa cải tàn
7 giờ tối mới mò về đến nhà, cơm nước, tắm rửa, dỗ các con đi ngủ xong cũng thấm mệt, nó lăn ra giường ngủ say như chết rồi rơi vào mộng mị.
Trong mơ nó thấy mình đứng giữa cánh đồng cải đang nở rộ, thảm hoa trải dài, vàng ngút mắt. Có tiếng mẹ nó gọi lúc xa lúc gần, nó quay ngoắt lại thì âm thanh ấy tắt lịm, nó đứng đó, hoang mang, trơ trọi. Rồi bát ngát hoa cải vàng tàn lụi, rồi cánh đồng mất hút. Nó hoảng hốt gọi mẹ và thấy mình bật dậy, trán lạnh toát, đầm đìa mồ hôi. Nó bần thần nhìn vào không trung, nhưng ngồi thế chẳng được lâu vì tiếng chuông đồng hồ báo thức đã kéo cơn mụ mị trôi tuột. Nó thay đồ, gọi hai con dậy ăn sáng. Bác giúp việc đưa chúng đến trường, nó trang điểm qua loa, vội phóng xe đi làm.
Trên đường đi nó nghĩ mãi về giấc mơ kỳ lạ. Bỗng dưng tim đập rộn ràng, nó nhớ ghê gớm vạt hoa cải trước nhà mình. Nhiều năm rồi nó không còn thấy cải ra hoa bởi từ lúc đi lấy chồng, cùng lắm mỗi năm nó chỉ về thăm nhà hai bận: Tết hoặc hè và ngày giỗ cha. Vườn cải mẹ nó trồng quanh năm lấy rau bán, cuối năm mẹ cho cải nở hoa để lấy giống mùa sau. Mùa cải mong manh, hoa chỉ nở vàng ruộm khi tháng Chạp toan cạn dần. Tết nào nó về được cũng đã mồng Ba, mồng Bốn, hoa tàn hết, cánh mềm rơi rụng khắp nền đất nâu bạc. Rồi nó thấy lòng nóng ran như có ai châm lửa, nó thèm ngắm vạt cải vàng hoa, thèm về đón giao thừa bên mẹ. Đã hai năm nó không về quê ăn Tết, nó cứ bứt rứt mãi chẳng biết bây giờ mẹ đã sắm sửa gì chưa, một mình mẹ có lợp được mấy viên ngói sau nhà đợt bão bị gió cuốn, có quét hết mạng nhện giăng khắp ngôi nhà gạch cũ kỹ...
Nó định bụng đến sở làm sẽ điện ngay cho mẹ nhưng vừa bước chân vào phòng làm việc, nhìn đống giấy tờ cần giải quyết trên bàn, nó cắm đầu cắm cổ làm mà quên béng cuộc điện thoại. Trưa, chồng nó gọi báo đã đi công tác về, có mua cho vợ một đống váy áo và lọ nước hoa. Nó lâng lâng sung sướng, từ đấy đến giờ tan làm, nó nghĩ mãi về mùi nước hoa và món cà ri bò vừa học được từ mấy chị đồng nghiệp, tối sẽ trổ tài cho chồng xem. Bố về, cả nhà cứ ríu rít như tổ chim. Nó quây quần bên chồng con, bàn chuyện sắm Tết, trang hoàng nhà cửa cho đến lúc đi ngủ. Cuộc điện thoại về nhà rơi vào miền vô tâm, như chưa từng xuất hiện trong suy nghĩ của nó.
28 Tết, nó đang ở nhà bố mẹ chồng, sốt li bì. Sát Tết, bác giúp việc xin về quê, nó quay như chong chóng, vừa đi chợ nấu nướng, lo sắm quà Tết cho họ hàng, vừa phải làm nốt đống công việc ở cơ quan. Đương lúc nước sôi lửa bỏng lại lăn đùng ra ốm, nó nằm trên giường bệnh, ái ngại nhìn mẹ chồng loay hoay dọn dẹp. Nằm được mỗi buổi sáng, nó đã gượng dậy nấu ăn. Đang hoa mắt chóng mặt với đống thức ăn sống thì mẹ nó gọi điện. Mẹ hốt hoảng khi nghe giọng nó khàn đặc, mẹ nhắc nó cả tỉ thứ nào giữ ấm, nào ngậm nước muối, nào Tết nay ở lại mà nghỉ ngơi đừng về thăm mẹ làm gì mất công. Nhưng tai nó lùng bùng chẳng nghe được mấy, khóe mắt nó cay xè. Nó thều thào hỏi mẹ vạt cải trước nhà nở vàng chưa, mẹ bảo hoa đã nở, đã tàn. Nó nói có việc gấp phải gác máy rồi chạy về phòng, tay bưng mặt để không ai nghe thấy tiếng khóc rấm rứt. Nước mắt nó mặn đắng, đời người con gái đi lấy chồng cũng mặn đắng.
Mẹ nó xuất giá lúc 20, 32 tuổi đã góa chồng. Mẹ chỉ có mình nó, cố bươn chải cho con lên thành phố ăn học. Rồi nó bám lấy thị thành, làm việc, lấy chồng ở đấy. Mẹ nó ở lại bám vườn cải cuối mùa vẫn nở xôn xao. Năm nay, lại một mùa cải tàn. Mẹ nó lại lủi thủi sửa nhà, đón Tết, lại cẩn thận nhắc con gái cố lo cho nhà chồng rồi bâng quơ nhìn cánh hoa lã tã mà thương nhớ những ngày xa ngái, có dáng nó lon ton nhặt cải vàng chờ Tết, nhặt tháng Chạp rụng đầy trên tay.
Theo VNE
Nước mắt chảy xuôi Đoàn người đưa tang mỗi lúc một dài hơn, có lẽ phần vì bà cụ Tầm ăn ở hiền lành, phần để xem thái độ của chị Hoan, cô con dâu nanh nọc cụ thế nào. Hình như chị ta có khẽ chấm nước mắt, khẽ thôi vì sau đó vẫn bộ mặt lạnh tanh, bất cần. Có người tiếc thương bà nhưng...