Đi Phú Quốc ăn thử ‘chôm chôm của biển’ ngon hết ý
Cầu gai (còn gọi là nhum biển) nhìn như trái chôm chôm với nhiều gai tủa. Những năm gần đây ở Kiên Giang, cầu gai được khai thác trở thành món ngon trong ẩm thực biển vì hương vị lạ và giá trị dinh dưỡng cao.
Cầu gai mới bắt lên
BÁCH HỶ
‘Trái chôm chôm của biển’
Cầu gai được xem là đặc sản tại khu du lịch Bãi Sao (TT.An Thới, H.Phú Quốc) và quần đảo Nam Du (thuộc 2 xã An Sơn và Nam Du, H.Kiên Hải).
Nhìn bề ngoài, cầu gai rất giống trái chôm chôm, tròn lẳng với nhiều tua “quái dị”. Tuy nhiên chúng lại có giá trị dinh dưỡng rất cao và thường dùng nấu cháo, nướng mỡ hành hay ăn sống với mù tạt.
Cầu gai nướng mỡ hành, món ăn được nhiều thực khách chọn lựa khi đặt chân đến vùng biển Kiên Giang
ẢNH: BÁCH HỶ
Thoạt nhìn cầu gai, ai cũng sợ bởi nhiều tua, song chỉ cần cầm kéo và dụng cụ gấp nước đá là có thể cắt gọn lại. Nấu cháo, nướng hay tái mù tạt gì thì cũng cần bổ đôi ra. Khi bổ ra sẽ thấy cồi màu vàng như gạch cua.
Anh Trần Văn Hoàng (một hướng dẫn viên làm du lịch tại hộ gia đình ở xã An Sơn, H.Kiên Hải) cho biết người chế biến cầu gai phải dùng muỗng cà phê loại bỏ phần mật đen và múc phần cồi nhum cho vào rửa lại bằng nuớc biển rồi múc ra một chén mù tạt, sau đó vắt chanh vào, đánh kỹ và dùng ngay.
Theo anh Hoàng, ngoài ăn sống với nước tương kết hợp mù tạt thì cầu gai còn có thể dùng nấu cháo, giống như cháo sò huyết. Cháo cầu gai có mùi vị rất đặc biệt, hương vị phảng phất nồng nàng của gạo hòa quyện với gạch trắng hồng, người ăn có cảm giác vị béo, vị ngọt lạ lùng ở cuống lưỡi.
“Sau giờ tắm biển, húp 1 chén cháo cầu gai là khỏe lại liền. Tuy ban đầu nhìn bề ngoài có vẻ đáng sợ, nhưng khi thưởng thức mùi vị của cầu gai thì cái sợ nhanh chóng biến mất”, anh Phạm Anh Duy (một du khách đến từ TP.HCM) khen đáo để khi thưởng thức cầu gai trên thuyền du lịch tại quần đảo Nam Du.
Video đang HOT
‘Món được đàn ông… ưa thích’
Cầu gai ăn ngon, thấm đậm hương vị biển, nhất là khi được chế biến, thưởng thức ngay trên tàu du lịch chạy xung quanh các quần đảo. Khách du lịch có thể gọi nhân viên phục vụ trên tàu du lịch chạy và cập vào các địa điểm lồng bè đã được bắt và rộng sẵn của ngư dân và nhờ chế biến. Mọi người chỉ việc nhấp một ly rượu, đánh một cái “khà”, thưởng thức 1 muỗng cầu gai được múc ra từ con cầu gai đã chế biến bằng cách nướng, hoặc tái mù tạc sẽ nghe vị ngọt của cầu gai thấm sâu dạ dày.
“Đây không chỉ là món ăn chơi bổ dưỡng mà còn có tác dụng tăng cường sinh lực, rất được… đàn ông ưa thích”, annh Hoàng dí dỏm.
Món cầu gai tái mù tạt
BÁCH HỶ
Những người có bụng dạ an toàn với bất kỳ thực phẩm “khó chịu” nào thì cũng có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị béo, bùi, ngọt, thơm mùi biển khơi của cầu gai và đều khen ngon, lạ. Ngồi trên tàu du lịch hứng gió biển ào ạt thổi vào, thưởng thức hương vị cầu gai thì không gì bằng.
Trước đây, cầu gai rất nhiều và rất rẻ. Mỗi con chỉ khoảng vài ba ngàn đồng là cùng. Tuy nhiên, khoảng 5 năm nay, cầu gai đã khẳng định giá trị của nó. Chúng xuất hiện ngày càng nhiều trên bàn tiệc của khách dã ngoại. Tùy địa điểm du lịch, giá mỗi con cầu gai đã được chế biến dao động từ 15.000 đồng – 25.000 đồng/con.
Anh Trần Trung Kiên (một du khách đến từ Đồng Nai) cho biết. “Tôi đã 2 lần đi Kiên Giang du lịch, lần nào cũng thưởng thức đủ 3 món cầu gai nướng mỡ hành, tái mù tạt và nấu cháo. Món cầu gai tái mù tạt kết hợp nước tương có vị cay nồng làm chín gạch cầu gai và “xốc” lên tận đỉnh đầu xoá tan mùi tanh, chỉ còn lại vị béo ngậy tan trên đầu lưỡi, cuống họng. Trên tàu, chạy dọc quanh vùng biển đảo Nam Du, thưởng thức món cầu gai sẽ cái cảm giác hương vị của biển”.
Theo Thanh Niên
Phú Quốc có "cửu độc đặc sản", nghe hơi sợ nhưng hoá ra toàn món ngon
"Độc" ở đây là "độc đáo" chứ không phải "độc dược" đâu nên chớ có lo, thoải mái ăn thôi!
Nghe đến "cửu độc đặc sản", ai cũng thấy tò mò và hơi... sờ sợ vì cụm từ này có vẻ bí ẩn và hấp dẫn quá. Đây là cụm từ chỉ 9 món đặc sản trứ danh Phú Quốc mà hiếm nơi nào có, mà có thì cũng không mang theo cái phong vị rất riêng của hòn đảo nằm gần cuối bản đồ tổ quốc này.
Nấm tràm
Nấm tràm là đặc sản nổi tiếng gắn liền với Phú Quốc, có hương vị ngon ngọt chẳng thua kém các loại nấm bào ngư, kim chi. Nấm tràm có màu tím, mọc nhiều nhất vào đầu mùa mưa, vòng đời nấm tràm chỉ từ khoảng 5 ngày đến 1 tuần nên cực kì hiếm. Đây là loài nấm chỉ có ở một số nơi trên Việt Nam, bao gồm Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình và Phú Quốc. Do vòng đời ngắn nên loài nấm này gần như không thể tìm được trên thị trường. Nấm tràm xuất hiện rất nhiều trong các món hải sản tươi, được dùng để chế biến nhiều món ăn khác nhau thay cho các loại nấm phổ biến khác như nấm rơm. Do được cho là có tinh dầu tràm bên trong nên nấm tràm rất bổ dưỡng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Nếu đã đến Phú Quốc mà chưa ăn thử canh nấm tràm thì là một điều đáng tiếc đấy!
Nước mắm
Sài Gòn có quán kem bán kem nước mắm, và ông chủ người Tây nơi đó chỉ dùng nước mắm Phú Quốc tinh khiết mà thôi. Có thể thấy nước mắm Phú Quốc không chỉ nổi tiếng với người Việt mà còn nổi tiếng được tin dùng bởi cả người nước ngoài. Nước mắm Phú Quốc có xuất xứ lâu đời, ở Phú Quốc có làng nghề nước mắm truyền thống từ xưa. Nhờ nguồn hải sản tự nhiên được trời phú mà nước mắm Phú Quốc có độ đạm cao, có màu, mùi vị thơm ngon, đậm đà và tinh khiết.
Hồ tiêu
Tiêu là món gia vị phổ biến, có nhiều vùng nổi tiếng với hồ tiêu ở Việt Nam và trong đó có Phú Quốc. Đó cũng là lý do mà người ta gọi Phú Quốc là "vương quốc hồ tiêu". Vườn tiêu của "đảo ngọc" có thể xem là vườn tiêu lớn nhất khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Đặc biệt, Phú Quốc nổi tiếng với loài tiêu đỏ, có màu đỏ hấp dẫn, được phơi khô dưới nắng. Tiêu ở Phú Quốc có vị thơm đậm, cay nồng hơn nhiều tiêu những nơi khác. Người dân nơi đây chủ yếu thu hoạch tiêu thủ công, sau đó phân ra ba loại tiêu đỏ, tiêu sọ và tiêu đen. Đây cũng là một món đặc sản phổ biến được du khách mua về.
Cua huỳnh đế
Cua huỳnh đế, hay còn gọi là cua hoàng đế, được biết đến như loài cua có kích cỡ to, được hội "ghiền ăn" yêu thích. Thịt cua này chắc, gạch cua thơm, đặc biệt béo, đã vậy lại còn nhiều. Thường thì cua này ngon nhất khi hấp do giữ được độ ngọt, không bị khô. Thịt cua có thể ăn không chẳng cần chấm thêm gì cũng thấy ngon, còn gạch cua tách riêng, đem xào với rau củ hoặc cơm.
Ngoài ra còn có món cháo cua huỳnh đế cũng là một đặc sản nhất định phải thử khi đến Phú Quốc đất.
Hải sâm
Hải Sâm, được xem như nhân sâm của biển cả, được xem như "cao lương mỹ vị". Hải sâm là động vật hiếm nên hầu như chỉ có thể dễ dàng tìm thấy ở các thành phố biển. Chúng ta thường chỉ ăn được hải sâm với giá đắt đỏ ở các nhà hàng sang trọng, tuy nhiên ngay cả như vậy thì độ tươi của món này cũng giảm đi ít nhiều. Phú Quốc có chợ Hàm Ninh bán hải sâm tươi, bạn có thể ra chợ mua rồi nhờ người dân chế biến.
Nhum
Nhum, nghe tên thật lạ, nhưng đấy là cách gọi của người Phú Quốc với loài nhím biển (cầu gai biển) đấy. Đây là món ăn quý giá vì mỗi việc bắt được nó thôi cũng khó khăn lắm rồi, những ngư dân phải mạo hiểm bị gai đâm để mang nhum lên bờ. Tuy nhiên cũng chính vì thế mà nhum được xem là đặc sản quý giá của người dân đảo ngọc.
Thịt và trứng của Nhum vừa ngọt vừa béo, tuy nhiên phải làm sạch màng bằng nước biển, nếu làm bằng nước ngọt thì gạch sẽ bị vỡ nát. Thật kì lạ nhỉ?
Ghẹ Hàm Ninh
Đến Phú Quốc, bạn không thể không ghé qua làng chài cổ nhất đảo, ấy là làng chài Hàm Ninh. Cái tên ghẹ Hàm Ninh cũng từ đây mà ra. Người ta nói, ghẹ ở Phú Quốc nơi nào cũng ngon, nhưng ngon nhất phải kể đến ghẹ Hàm Ninh. Mặc dù có kích cỡ nhỏ hơn bình thường song ghẹ Hàm Ninh thịt chắc, ngọt và thơm hơn nhiều nơi.
Bào ngư
Người Phú Quốc đôi khi gọi bào ngư là hải nhĩ, có lẽ do nó giống chiếc tai. Bào ngư Phú Quốc là một món ăn tuy không phải độc nhất vô nhị, nhưng lại nổi tiếng nhờ cách chế biến đa dạng và điêu luyện của người dân nơi đây. Bạn có thể thử nhiều món bào ngư khác nhau mà không ngán, như bào như luộc, nướng, xào nấu cháo, hay đặc sắc hơn là nướng lửa than. Bào ngư nướng lửa than ở Phú Quốc được ướp bằng nước sốt làm từ mỡ, hành lá, tỏi, gừng đâm nhuyễn đổ vào miệng bào ngư hết sức độc đáo.
Quả sim
Nếu đến Phú Quốc mà chưa thử qua rượu sim rừng thì đúng là như chưa đến. Gọi là rượu vậy thôi nhưng đây là nước sim lên men truyền thống có nồng độ không cao, cóp ích cho sức khoẻ, giúp dễ tiêu. Người ta nói không đâu có nhiều sim như đảo Phú Quốc, nhất là những khu rừng Hàm Ninh, Cửa Dương hay Dương Tơ. Nhờ nguồn sim dồi dào như vậy mà người dân Phú Quốc chế biến rất nhiều rượu sim, biến nó thành đặc sản.
Theo Trí Thức Trẻ
Những món ăn bạn không thể bỏ qua khi đến Phú Quốc Phú Quốc không chỉ sở hữu phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với bãi cát dài, nước trong xanh, hàng dừa chạy tít tắp mà còn có nền ẩm thực vô cùng phong phú. Dưới đây là những món ăn bạn không thể bỏ qua khi đến Phú Quốc. Nhum nướng mỡ hành Nhum nướng mỡ hành- một món ngon khó quên trong...