Đi khắp Việt Nam suốt 3 tháng với 50 triệu đồng
Lần đầu tiên đi xa một mình bằng xe máy, Kim Châu (30 tuổi) đã ghé thăm 34 tỉnh, thành phố với chi phí khoảng 50 triệu đồng.
Ngày 6/8/2020, không lên xe đi làm sớm như thường lệ, Kim Châu lúi húi sắp xếp túi hành lý gần 30 kg trên chiếc xe máy Wave đỏ, chuẩn bị xuất phát từ TP HCM đi xuyên Việt. Dù khóc lo lắng cho con, mẹ và bà ngoại Châu không ngăn cản vì thấy được sự quyết tâm của cô.
“Thời gian đó mình vô cùng căng thẳng khi dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và công việc, vì vậy mình muốn đi một lần để trốn thoát khỏi sự ngột ngạt, biết bản thân thực sự muốn gì, chứ không quan trọng bao lâu, bao xa”, Châu kể lại.
Hành trang Châu mang theo là vài bộ quần áo, thực phẩm ăn liền, lều trại, thiết bị quay go pro… Sau khi đến Nha Trang ( Khánh Hòa), dự tính đường đi miền Bắc sẽ khó khăn hơn Châu đã gửi bớt những đồ không cần thiết về Sài Gòn để tránh cồng kềnh.
Trước đó, nhiều người cho rằng Châu sẽ chỉ đi đến Vũng Tàu rồi sẽ quay về nhưng từ đây, cô đã tiếp tục lái xe qua các tỉnh miền Trung, hướng về các tỉnh miền núi phía Bắc trước khi dừng chân tại Hà Nội, gửi xe máy và bay về TP HCM vì dịch Covid-19. Trong 102 ngày xuyên Việt, cô được khám phá những vùng đất lần đầu tiên đặt chân đến như vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận), Y Tý (Lào Cai), cực Tây A Pa Chải (Điện Biên) hay cắm trại ở cực Đông trên đất liền Mũi Đôi (Khánh Hòa).
“Càng đi càng thấy đất nước mình đẹp quá, con người ở mọi vùng miền đều thân thiện. Vì vậy nên chuyến đi dự trù 2 tháng đã thành 3 tháng”, Châu cười và nói. Trên gần 6.000 km đường đi, Châu cũng đôi lần gặp phải sự trêu ghẹo, thủng xăm xe, lạc đường vì mất sóng điện thoại hay ở trong homestay một mình vì vắng bóng khách du lịch… Sự cố nặng nhất là ngã xe trên đường đi Hà Giang, khiến đầu gối cô bị tổn thương không thể đi xe máy nên phải ở lại homestay 2 tuần.
Tuy nhiên, Châu cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ, quan tâm từ những người cô gặp trên đường đi. Trong lần bị ngã xe, gia đình chủ homestay là người Tày mời cô cùng ăn trưa, ăn tối hay gói bánh chưng gù. Ngoài ra, họ cũng đề xuất giảm giá phòng để giúp cô tiết kiệm chi phí.
Check-in tại cực Đông Mũi Đôi (Khánh Hòa)
Video đang HOT
Lặn biển tại Nha Trang (Khánh Hòa)
Hai bà cháu người Dao dẫn cô tới điểm chụp ảnh trên đèo Mẻ Pia 14 tầng (Cao Bằng)
Sông Nho Quế (Hà Giang)
Châu được mời tham dự một đám cưới người HMông ở địa phương.
Trên đỉnh Lảo Thẩn (Y Tý, Bát Xát, Lào Cai)
Châu tự “đóng gói” xe máy gửi về nhà để tiết kiệm chi phí.
Hay lần khác khi đến vịnh Vĩnh Hy, nơi Châu tưởng chừng như không có gì để tham quan, cô được gặp một người bạn mới tên Dương, là người địa phương cho thuê cano. Khi Dương ngỏ ý có thể giúp được gì không, với “sự cảnh giác của con gái Sài Gòn”, Châu từ chối lập tức vì ngỡ bị trêu ghẹo. Sau khi trò chuyện và hỏi thăm, cô đồng ý cùng anh đi thăm lặn ngắm san hô, tham quan Công viên Đá, vườn nho Ninh Thuận…
“Trong chuyến đi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mình không thấy được không khí của du lịch nhưng là lần đầu tiên mình cảm nhận được tình cảm giữa người và người một cách sâu sắc nhất. Đặc biệt, những người làm du lịch cũng rất yêu và sẵn sàng giới thiệu cho du khách biết về vùng đất họ lớn lên hoặc đang ở lại”, Châu chia sẻ.
Lưu giữ hành trình qua video.
Trong chuyến đi, Châu thường lựa chọn ở homestay phòng tập thể để tiết kiệm. Chi phí trung bình là 500.000 đồng/ngày cho việc ăn uống, ở homestay, đổ xăng xe… Cô cũng chia sẻ, để thực hiện một chuyến đi an toàn thì nên lập kế hoạch chi tiết các điểm đến, hỏi ý kiến những người có kinh nghiệm trước đó. Ngoài ra khi đi một mình cũng cần lái xe đúng tốc độ, chấp hành luật giao thông. Vì là con gái và đi một mình, cô cũng không di chuyển hay tham quan khi trời tối, trong hành lý luôn đầy đủ đồ cắm trại.
Giữa tháng 11/2020, Châu về TP HCM an toàn và tập trung vào công việc kinh doanh homestay, với bài học sau chuyến đi “luôn đối xử với người khác bằng cái tâm và tình yêu vùng đất mình đang sống”. Cô cho biết sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, có thể cô sẽ tiếp tục hành trình đi phượt.
Du khách tới Hà Giang tăng mạnh
Lượng khách du lịch tới Hà Giang trong tháng 10 tăng gần 12 lần so với tháng trước và tăng khoảng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, trong tháng 10 của năm 2020, khách du lịch đến địa phương này đạt hơn 255.000 lượt, tăng gần 12 lần so với tháng trước và tăng 86% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 440 lượt người. Đây là những du khách nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Thời điểm này, Hà Giang đang có lễ hội hoa tam giác mạch. Ảnh: Nguyễn Tùng
Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc công ty du lịch Tây Bắc cho biết, bước sang tháng 10, khi mùa hoa Tam giác mạch Hà Giang bắt đầu nở, số lượng khách mua tour đến địa phương này tăng hàng tuần.
"Từ đầu tháng 10, trung bình mỗi tuần có khoảng 200 khách mua tour đi du lịch Hà Giang. Lượng khách này đang có chiều hướng tăng nhanh mỗi tuần", ông Tùng nói. Trước đó, mỗi tuần doanh nghiệp của ông chỉ phục vụ trung bình 130-150 khách. Đặc biệt, lượng khách đến Hà Giang không tập trung đông vào các ngày cuối tuần mà gần như khởi hành đều các ngày.
Vietrantour cũng đón khá nhiều khách đi Tây Bắc, trong đó có Hà Giang. "Tính riêng tháng 9 và tháng 10, doanh nghiệp này đã phục vụ khoảng 10 đoàn, gần 200 khách, ông Trần Trung Kiên, đại diện hãng lữ hành nói.
Đoàn khách của công ty du lịch Tây Bắc chụp ảnh lưu niệm khi tham quan Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Văn Tùng
Tương tự, Fiditour - Vietluxtour, Vinagroup Travel, Hi Travel đều có lượng khách tăng 50-100% so với cùng kỳ hoặc tháng trước.
Một trong những nguyên nhân tăng trưởng, theo bà Trần Bảo Thu (Fiditour) là ngành du lịch địa phương đã làm tốt công tác quảng bá. "Hiệu ứng từ những chương trình quảng bá đã tạo được thương hiệu du lịch Hà Giang độc đáo, đưa địa phương này vào top các điểm đến được ưa thích", bà Thu nói.
Dù vậy, Hà Giang chỉ phù hợp với khách lẻ và khách tự do vì hạ tầng giao thông và dịch vụ còn hạn chế. Hà Giang cũng không phù hợp với khách cao tuổi hoặc người có sức khỏe không tốt.
Du khách chụp ảnh bên dòng sông Nho Quế. Hà Giang nổi tiếng với những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ Ảnh: Nguyễn Tùng
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hà Giang: "Sự đa dạng trong bản sắc văn hóa đã tạo nên bức tranh đa sắc màu mà mỗi du khách đều muốn khám phá, tìm hiểu khi tới đây".
"Du khách đến Hà Giang không chỉ vì ruộng bậc thang và hoa tam giác mạch mà gần như thời điểm nào trong năm chúng tôi cũng có sự kiện để thu hút khách", ông Hải nói thêm.
Hà Giang đang xây dựng hình ảnh là điểm đến du lịch quanh năm và kỳ vọng sẽ đón 1,3 triệu lượt khách trong năm nay, đạt 90% so với năm 2019.
Hà Giang có 830 cơ sở lưu trú với khoảng hơn 7.000 buồng và 13.004 giường. Để kích cầu du lịch, thu hút du khách đến địa phương, các điểm tham quan tại Hà Giang đang áp dụng chính sách giảm 50% giá vé; các cơ sở kinh doanh lưu trú, mua sắm... trên địa bàn đang cam kết giảm giá từ 15%- 50%, áp dụng đến ngày 31/12.
VnExpress phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của du khách khi đến địa phương. Dữ liệu sẽ được phục vụ cho công tác quản lý điểm đến, chất lượng dịch vụ...
Tour leo núi thể thao ở Lạng Sơn Du khách có thể chinh phục những ngọn núi có dốc đá thẳng đứng với tour giá 1,3 triệu đồng/ngày. Xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng) có hệ thống núi đá lớn, đồ sộ, nhiều ngọn núi cao có dốc đá thẳng đứng, được Lạng Sơn đánh giá có tiềm năng trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Do đó, tour leo...