Đi học mùa hè, lo những bệnh gì?
Thời tiết hè khó chịu, có những căn bệnh đặc trưng là nỗi lo của nhiều phụ huynh
Đưa con gái 8 tuổi đi khám tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), chị Trần Mỹ U. (34 tuổi; quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết đêm qua bé sốt. “Tôi sợ Covid-19 nhưng chồng trấn an nói hôm trước là thứ bảy, cháu nghỉ học, sáng đó mải chơi ngoài nắng chắc cảm thôi. Tôi đưa lên BV tuyến trên khám cho yên tâm, may là cảm thật” – chị U. nói.
Đề phòng sốt xuất huyết
Chị Phạm Thị A. (35 tuổi; quận Gò Vấp, TP HCM) cũng một phen “lên ruột” khi con sốt cao, trong lớp cũng có 1 bé xin nghỉ vì sốt. Đi khám mới biết bé bị sốt siêu vi.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP HCM, những bệnh nhiễm cần đề phòng ở trẻ em mùa này là sốt xuất huyết, tay chân miệng và sốt siêu vi do các loại virus khác. Trong đó, tay chân miệng có thể bớt lo đôi chút vì cuối tháng 5 và tháng 6 đã là cuối mùa. “Đỉnh” của bệnh này (tháng 3-4) đã qua khá bình yên, số ca trong cộng đồng ít nên hiện tại nguy cơ cũng thấp. Nguyên nhân là các biện pháp giãn cách xã hội, thói quen rửa tay phòng Covid-19 đã giúp phòng luôn bệnh này.
Sốt siêu vi là tình trạng do virus gây nên, mùa này có thể do virus gây bệnh sốt xuất huyết, cũng như các siêu vi đường hô hấp khác. BS Khanh lưu ý suy nghĩ “sốt siêu vi không lây” là sai, vì siêu vi đường hô hấp thì sẽ lây trực tiếp qua các giọt bắn, còn sốt xuất huyết thì cũng lây qua muỗi.
BSCK II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), lưu ý căn bệnh sốt xuất huyết có thể tăng cao trong thời gian tới, khi mưa nhiều hơn và trong nhà chính là nơi sống ưa thích của muỗi. “Vì vậy, các trường học khi phun khử khuẩn để phòng Covid-19 nên phun cả thuốc diệt muỗi, chú ý khu vực gầm bàn và các hộc bàn; đồng thời dọn dẹp các vật có thể đọng nước trong khuôn viên nhà trường, thay nước bình bông thường xuyên” – BS Nguyễn Minh Tiến khuyên.
Video đang HOT
Nên tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng Covid-19 vì sẽ giúp phòng luôn nhiều bệnh trong mùa hè. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (quận 10, TP HCM) đi học trở lại, rửa tay phòng dịch Covid-19 Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều “bệnh vặt” do thời tiết
BS Nguyễn Minh Tiến cảnh báo mùa nóng ở miền Nam cũng là mùa của rối loạn tiêu hóa và bệnh hô hấp. Thời gian qua, trẻ em đi khám bệnh đã có phần tăng lại ở BV Nhi Đồng Thành Phố. “Trước đây, mỗi ngày ở đây khám khoảng 2.000 bé. Mùa cách ly xã hội giảm xuống còn 300-500, sau đó tăng lại 1.000, đến nay nhiều ngày qua đã là 1.500 bệnh nhân. Nguyên nhân bệnh nhân tăng do một số bé được phụ huynh tranh thủ đưa đi chích ngừa; số khác mắc các bệnh vừa kể trên. Ngoài ra, các biện pháp phòng Covid-19 giúp phòng luôn nhiều bệnh, nay một số người đã lơ là…” – BS Tiến cho biết.
Rối loạn tiêu hóa chủ yếu do mùa hè trời nóng, thức ăn mau hư hơn bình thường. Vì vậy, phụ huynh và giáo viên cần chú ý đến việc ăn uống của trẻ. Trẻ muốn mang thức ăn đi học cũng cẩn thận, vì có khi thức ăn đem đi từ sáng đến giờ ra chơi là đã bị ôi thiu.
Còn bệnh hô hấp đặc trưng của mùa lạnh gặp trong mùa nóng là do trẻ bị nhiễm lạnh bởi quạt máy, máy lạnh. Khi nhiệt độ phòng quá chênh so với bên ngoài, công suất máy lạnh, quạt quá cao, sẽ dẫn đến viêm hô hấp. Trẻ em chịu lạnh kém hơn người lớn, vì thế nửa đêm về sáng cần giảm công suất quạt, máy lạnh. Quạt đuổi muỗi cũng không nên thổi gió thẳng vào mặt trẻ, vì sẽ làm đường hô hấp bị khô, dễ bị mầm bệnh tấn công.
Tuy thường là “bệnh vặt” nhưng với các triệu chứng nóng, sốt, sổ mũi, ho, cảm…, trẻ phải nghỉ học. Vì vậy, hãy cẩn thận với mọi bệnh, để bé và cả cha mẹ yên tâm trở lại nhịp sống bình thường sau thời gian dịch Covid-19 căng thẳng.
BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa Covid-19 vì nguy cơ có ca bệnh ngoại nhập vẫn cao. Ít nhất đến hết tháng 6, dịch mới có thể tạm ổn ở các nước khác.
Chuyên gia hướng dẫn những việc cần làm khi trẻ đi học giữa dịch Covid-19
Thay vì lo lắng, phụ huynh nên hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để giúp trẻ tránh được nguy cơ nhiễm bệnh là điều được bác sĩ khuyến cáo trước khi trẻ nhập học trở lại giữa dịch Covid-19.
Đầu tuần tới, nhóm học sinh thuộc cấp tiểu học, mầm non sẽ trở lại trường sau nhiều tháng phải nghỉ ở nhà để tránh dịch Covid-19. Nhiều phụ huynh không tránh khỏi tâm lý hoang mang vì sợ con đến trường sẽ bị nhiễm bệnh. Hiện Việt Nam đang không chế được dịch Covid-19 ở ngưỡng an toàn, việc cho trẻ đến trường trở lại là cần thiết để tiếp tục các chương trình của học kỳ 2.
Phụ huynh và nhà trường cần tăng cường dinh dưỡng và hướng dẫn trẻ các biện pháp tự bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh khi đến trường (ảnh minh họa)
Nhóm học sinh cấp 2 và cấp 3 hầu hết đã tự ý thức bảo vệ mình, tuy nhiên nhóm trẻ nhỏ đang rất cần sự hỗ trợ của gia đình và nhà trường để có thể từng bước hoàn thiện kỹ năng sống chung với dịch bệnh. Trước tình hình trên, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho rằng: "Nguồn lây của dịch Covid-19 từ các nước xung quanh Việt Nam vẫn còn ở mức cao nên chúng ta tiếp tục phải thực hiện các biện pháp phòng thủ".
Theo BS Hữu Khanh, khi trẻ đi học trở lại, nguy cơ lây nhiễm có thể bắt nguồn từ những trẻ có triệu chứng bệnh. Do đó phụ huynh chỉ nên đưa trẻ đến trường nếu bé đang khỏe, nên tự giác báo với cô giáo và nhà trường để nghỉ học ở nhà nếu trẻ đang sốt, ho, sổ mũi để tránh lây cho các học sinh khác. Nếu trẻ là đối tượng có đến những vùng có người bị nhiễm Covid-19 hay tiếp xúc với người nghi bệnh, phải báo với trường để được nghỉ học.
Nguồn lây thứ hai có thể xuất phát từ những trẻ không có biểu hiện bệnh do bệnh nhẹ hoặc chưa tới thời điểm phát triệu chứng thì việc mang khẩu trang là giải pháp cần thiết. Trường hợp trong lớp có trẻ bị ho, cần mở cửa phòng học để đảm bảo thông thoáng, luồng thông gió tốt để triệt tiêu các tác nhân lây bệnh.
Virus tồn tại trong các giọt tiết khi người mang mầm bệnh ho, hắt hơi. Mầm bệnh ngoài nguy cơ lây truyền qua đường hô hấp sẽ bám lên bề mặt vật dụng xung quanh. Các bậc phụ huynh nên căn dặn con em mình hạn chế sờ tay vào các vật khi di chuyển từ cổng trường vào lớp học. Khi ở trường không được khạc nhổ bừa bãi, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với nước và xà bông dưới vòi nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Chính phủ vừa quyết định không thực hiện giãn cách, không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học (ảnh: Quốc Triều)
Phụ huynh có thể chuẩn bị cho bé nhiều miếng khăn giấy và dặn con lót hoặc lau tay khi phải chạm tay vào nắm cửa, nút bấm bồn cầu sau đó bỏ vào thùng rác. Mỗi trẻ cần mang theo vài chiếc khẩu trang vải để đeo khi di chuyển từ cổng trường vào lớp và theo chiều ngược lại sau giờ học hoặc khi đi vệ sinh, ra chơi. Ngoài ra, nên chuẩn bị sẵn túi nilon cho trẻ bỏ khẩu trang ngay sau khi dùng. Cần hướng dẫn trẻ mang khẩu trang đúng cách, hạn chế tối đa chạm tay vào mặt trước khẩu trang khi đã dùng. Khẩu trang trẻ đã đeo sau khi kết thúc giờ học về nhà cần giặt ủi ngay.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp trẻ tăng sức đề kháng với dịch bệnh là việc cần thiết. TS.BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyến cáo: Cho con ăn uống đầy đủ, cân đối các chất, uống đủ nước, tăng cường vận động sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, đẩy lùi được các tác nhân gây bệnh. Ngay cả trường hợp nhiễm bệnh, những bé có hệ miễn dịch tốt sẽ hạn chế được biến chứng, điều trị sớm bình phục.
Để sống chung với dịch Covid-19, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, phụ huynh cần chủ động cho trẻ ăn sáng trước khi đến trường. Các món ăn, nước uống của trẻ phải đảm bảo đã được nấu chín. Phụ huynh nên giải thích nguy cơ nhiễm bệnh để trẻ hiểu từ đó giúp trẻ tự ý thức không ăn chung đồ ăn, nước uống với các bạn khác. Mỗi trẻ khi đến trường cần có bình nước, ly uống nước riêng, dặn trẻ uống đủ nước để hệ hô hấp hoạt động tốt. Trong thời gian địch bệnh, phụ huynh không nên cho con tiền mua đồ ăn vặt ở trường.
Phụ huynh nên sắp xếp thời gian để đón bé về nhà để tránh tình trạng các bé đi lang thang trong sân trường hoặc trước cổng trường. Cần dặn các bé đeo khẩu trang ngay khi rời khỏi lớp học và đeo liên tục cho tới lúc về nhà. Trẻ đi học về có thể súc miệng hoặc rửa mũi với nước muối.
Đi học an toàn trong mùa dịch Giới y khoa ủng hộ việc học sinh trở lại trường trong thời điểm này nhưng đi kèm những lưu ý quan trọng cho người lớn Khi trường học khắp Việt Nam đang chuẩn bị để đón học sinh, cũng là lúc chị Minh Anh (35 tuổi; quận Tân Bình, TP HCM) lo âu đi hỏi ý kiến gần như tất cả bác...