Di dời trường học, bệnh viện đi đâu?
Di dời các trường học, BV sẽ giảm thiểu được ùn tắc giao thông?
Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã đưa ra phương án di dời các BV, trường ĐH, CĐ trong nội đô ra các khu vực như: Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở y tế hiện đại…
Mật độ các bệnh viện (BV), trường học tập trung trên địa bàn Hà Nội quá đông và đã quá tải. Riêng bốn quận nội thành có tới 43 BV cùng 23 trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ). Công suất hoạt động của BV có nơi lên đến hơn 200%; số sinh viên tập trung tại Hà Nội chiếm 40% tổng số sinh viên trên toàn quốc… Phương án di dời một số BV, trường học ra khỏi nội đô được xem như là giải pháp khả thi để giảm tải áp lực tăng dân số cơ học khu vực nội đô nhất là trong tình trạng quá tải về hạ tầng đô thị hiện nay.
Video đang HOT
Di dời 25 BV lớn và 12 trường ĐH, CĐ
Theo báo cáo của Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, Hà Nội hiện tập trung phần lớn hệ thống các BV tuyến trung ương của khu vực phía Bắc, đang bị quá tải trầm trọng. Các BV tập trung ở khu vực trung tâm TP gây quá tải về hạ tầng đô thị, không có điều kiện phát triển mở rộng, không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh.
Trong lĩnh vực giáo dục, Hà Nội chiếm 1/3 tổng số trường ĐH, CĐ trên toàn quốc. Số sinh viên tập trung chủ yếu trong khu vực nội đô, gây quá tải cho hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Chỉ tiêu bình quân diện tích đất/sinh viên và chỉ tiêu bình quân diện tích đất/cơ sở trường rất thấp so với tiêu chuẩn quốc gia. Có đến 1/3 trường chỉ đạt 0,2-6m2/sinh viên, còn lại 6-17m2/sinh viên (tiêu chuẩn là hơn 25m2/sinh viên).
Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã đưa ra phương án di dời các BV, trường ĐH, CĐ trong nội đô ra các khu vực như: Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở y tế hiện đại, hoàn chỉnh, hiệu quả, trở thành trung tâm y tế chất lượng cao của khu vực phía Bắc; giảm mật độ dân số ở nội đô…
Nếu thực hiện phương án này, TP sẽ có 25 BV được chuyển ra ngoại thành trong đó có một số BV lớn như: Bạch Mai, Hữu nghị, Lao và bệnh phổi trung ương, Việt Đức, Tim mạch quốc gia, Lão khoa Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Tim Hà Nội, Nhi Trung ương… Chỉ có 5 BV được giữ lại ở nội thành để cải tạo thành các Trung tâm nghiên cứu hoặc dịch vụ khám chữa bệnh chủ yếu phục vụ dân cư khu vực nội đô.
Đối với hệ thống giáo dục, sẽ có 12 trường ĐH, CĐ được chuyển ra ngoại thành và bố trí tại các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm (đào tạo khối nông nghiệp, kỹ thuật và công nghệ), Sóc Sơn (đào tạo kỹ thuật, công nghệ thông tin), Sơn Tây (đào tạo ngành văn hóa xã hội, sư phạm, du lịch), Hòa Lạc (chủ yếu cho ĐH Quốc gia, đào tạo ngành khoa học cơ bản, công nghệ, kỹ thuật, y dược và các nghiên cứu chuyên sâu).
Các BV điều trị bệnh truyền nhiễm sẽ được di dời ra nội đô
Cần thống nhất trước ngày 15-11
Bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, các cơ sở y tế vẫn tiếp tục đề nghị đầu tư, tạo điều kiện nâng cấp cơ sở, cho phép mở rộng diện tích nếu còn quỹ đất. Còn đối với các cơ sở khám chữa bệnh truyền nhiễm thì chuyển bệnh nhân ra một vùng riêng. Chính phủ cần sớm phê duyệt quy hoạch chung của Thủ đô; UBND TP Hà Nội cần sớm phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030-bà Xuyên đề nghị.
Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, các BV nằm trong diện phải di dời là BV chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm, nằm trong khu vực có mật độ dân cư quá dày đặc, có tính chất độc hại, mức độ lây nhiễm cao, lượng chất thải y tế không có khả năng xử lý, hoặc BV đa khoa có khoa lây không đủ điều kiện cách li theo quy định.
Tuy di dời khỏi khu vực nội đô, nhưng các BV tuyến Trung ương vẫn đảm bảo kết nối thuận lợi với đô thị trung tâm, gần đường quốc lộ chính để đảm bảo phục vụ nhân dân TP cũng như các tỉnh lân cận đến khám và điều trị; BV tuyến TP vẫn gắn kết được với các BV Trung ương và tuyến quận/huyện/thị xã nhằm tạo thuận lợi trong chuyển giao kỹ thuật giữa các tuyến, đảm bảo phục vụ thuận lợi cho nhân dân.
Ông Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội đề nghị Sở Quy hoạch kiến trúc, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục-Đào tạo cần sớm thống nhất, đưa ra phương án di dời cụ thể hơn để trình Thủ tướng Chính phủ trước 15-11.
Theo Pháp luật & Xã hội