Di dời trung tâm hành chính Đà Nẵng là vì dân hay vì…?
Tòa nhà thông minh hàng đầu của Việt Nam, là biểu tượng của thành phố Đà Nẵng đang tính phương án di dời vì không khí chưa sạch…
Ngày 8/9/2014, Trung tâm hành chính Đà Nẵng gồm 2 tầng hầm và 34 tầng nổi, chiều cao 166,8 m, tổng diện tích sàn là 65.234 m2 được khánh thành đi vào hoạt động với nhiều lời khen ngợi rằng đây là Tòa nhà thông minh hàng đầu của Việt Nam, là biểu tượng của thành phố Đà Nẵng với hình dáng như ngọn hải đăng hướng ra biển, cơ chế hành chính một cửa đã tạo điều kiện cơ quan chính quyền và dân gần nhau…
Nhưng chỉ sau gần 03 năm sử dụng, các báo đã đưa tin một vị lãnh đạo thành phố phát biểu trong phiên họp thứ 2 Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng là: “Trung tâm hành chính còn những tồn tại như không khí chưa sạch, nóng quá phải bơm khí tươi vào… thành phố đang tính đến phương án xây dựng Khu hành chính Mới để thay thế… Thành ủy giao cho các ngành chức năng nghiên cứu thực hiện và sẽ lấy ý kiến dân…”
Trung tâm hành chính Đà Nẵng
Trong lúc đất nước phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, nợ công ngày càng gia tăng sắp vượt ngưỡng cho phép, thu nhập bình quân người dân còn rất thấp… thì chủ trương bỏ Trung tâm hành Chính Đà Nẵng có vốn đầu tư 2000 tỉ đồng (tương đương 95 triệu đô la Mỹ) để xây dựng Khu hành chính mới là một sự lãng phí lớn.
Đứng dưới góc độ chuyên môn của một kỹ sư xây dựng và đồng thời cũng là một luật sư, một trọng tài viên, tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ như sau:
1. Liệu có vội vã không, khi kết luận kiến trúc Trung tâm Hành chính Đà Nẵng gây bất tiện cho người dân và sức khỏe cán bộ công chức bị ảnh hưởng?
Trước đây, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết kết quả khảo sát đánh giá 9 tháng đầu năm 2015 về mức độ hài lòng của tổ chức, công dân, công chức đối với Trung tâm hành chính Đà Nẵng là đạt 97% trên tổng số 880 lượt đánh giá. Từ đó đến nay cũng chưa có cuộc khảo sát nào khác kết luận người dân không hài lòng về Trung tâm hành chính Đà Nẵng (sau đây viết tắt là “TTHC ĐN”).
Thật ra, điều mà người dân quan tâm nhất không phải là TTHC ĐN có kiến trúc hình khối như thế nào, bố trí theo chiều đứng hay nên dàn trải theo chiều ngang, có thể hiện sự uy nghiêm cần thiết ở một cơ quan công quyền lớn nhất không… mà điều người dân mong đợi ở đây chính là những thủ tục hành chính đơn giản – tiện lợi và thái độ làm việc chuyên nghiệp – tận tình – có trách nhiệm của cán bộ công chức. Để có thể kết luận về mức độ không hài lòng về TTHC ĐN thì thành phố cần phải tổ chức một cuộc khảo sát ý dân rộng rãi lần nữa như đã từng làm.
Về vấn đề kiến trúc của TTHC ĐN ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của cán bộ viên chức thì không thể chỉ dựa vào vài cá nhân bị nhức đầu, sổ mũi để kết luận mà phải căn cứ vào báo cáo đánh giá chuyên môn của Cơ quan Y tế. Thông thường, các cơ quan công sở đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ công chức hàng năm. Vậy kết quả đánh giá tổng thể là thế nào? Các bác sĩ có kiến nghị gì?
2. Liệu có thuyết phục không, khi kết luận lý do di dời Trung tâm hành chính Đà Nẵng là vì kiến trúc không phù hợp, vì nóng và thiếu oxy?
Video đang HOT
Ủng hộ chủ trương di dời của lãnh đạo thành phố, một số vị kiến trúc sư đã đưa ra ý kiến cho rằng: “Đây là công trình xấu, có thiết kế không phù hợp công năng, chỉ mang tính biểu cảm cao về mặt thẩm mỹ, kỹ thuật sử dụng vỏ che diện tích lớn bằng kính là không phù hợp với khí hậu nhiệt đới và điều kiện làm việc ở Việt Nam. Các tầng trên cao thu nhỏ dần, góc chiếu mặt trời lớn tạo khả năng hấp thụ nhiệt cao. Mặt bằng thiết kế dạng hình tròn gây khó khăn cho việc bố trí không gian làm việc” . Ý kiến của các bậc tiền bối trong nghề là rất đáng trân trọng.
Đứng về mặt chuyên môn, những ý kiến này là không sai nhưng cũng chưa hẳn là hoàn toàn đúng vì phải xét theo từng ngữ cảnh. Mô hình kiến trúc nào cũng có ưu khuyết điểm riêng. Việc chọn lựa Trung tâm hành chính theo mô hình phân bố dàn trải thành một Khu HOẶC hội tụ vào một Cao ốc là tùy thuộc vào diện tích quỹ đất, văn hóa vùng miền, sở thích thẩm mỹ của những người có quyền quyết định đầu tư… nhưng không vì thế mà công năng của trụ sở văn phòng làm việc bị thay đổi.
Vào thời điểm mà Ngân sách Nhà nước đã chi 2.131 tỷ đồng cho quyết toán, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng gần 03 năm qua thì việc ủng hộ chủ trương “Bỏ Cũ xây Mới”, phán xét kiến trúc TTHC ĐN xấu, không phù hợp… là chưa thực sự thuyết phục.
Có lẽ nhân dân sẽ tri ân các chuyên gia, các cơ quan ban ngành như Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng nếu như trước đây họ cùng nhau hợp sức tích cực góp ý, dựa trên cơ sở khoa học để phản biện, mạnh mẽ kiến nghị thay đổi, kiên trì bảo lưu quan điểm chuyên môn để thuyết phục lãnh đạo thành phố chọn mô hình kiến trúc phù hợp, tiết kiệm ngân sách đầu tư trước khi Chính phủ phê duyệt dự án TTHC ĐN.
“Bỏ Cũ xây Mới” là phương án thiếu tích cực, không phù hợp trong tình hình ngân sách nhà nước eo hẹp, do đó cần nâng cao trách nhiệm quản lý của các cấp Lãnh đạo… Điều mà người dân Đà Nẵng cần là giải pháp kỹ thuật mang tính chuyên nghiệp, tiết kiệm ngân sách, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tôi, lý do di dời TTHC ĐN vì NÓNG VÀ THIẾU OXY là KHÔNG THUYẾT PHỤC.
TTHC ĐN không phải là Cao ốc văn phòng duy nhất ở Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung là có kết cấu mặt dựng vách kính. Về kiến trúc hình khối trụ tròn, diện tích hẹp dần khi lên cao thì thành phố Hồ Chí Minh cũng có Trung tâm Tài chính Bitexco “Bitexco Financial Tower” là công trình tương tự. Kiến trúc sư người Mỹ – Ông Carlos Zapata đã lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh búp Hoa sen. Tòa tháp này gồm 68 tầng, gấp đôi số tầng của TTHC ĐN với tổng diện tích 93.000m2 (trong đó 11.000m2 khu thương mại và 37.000m2 khối văn phòng…).
Sau 6 năm hoạt động, Chủ đầu tư của trung tâm này vẫn khai thác kinh doanh hiệu quả. Trung tâm vẫn tấp nập người mua sắm, các công ty lớn vẫn thuê văn phòng với giá 30-40 $/m2 và chưa nghe ai phản ảnh là sức khỏe bị ảnh hưởng, không thể làm việc vì tòa nhà thiếu oxy hay bị nóng…
3. Nếu Trung tâm hành chính Đà Nẵng có khiếm khuyết nghiêm trọng như vậy thì tại sao trước đây được nghiệm thu? Cần phải xác định nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Được biết Trung tâm hành chính Đà Nẵng do Công ty Kỹ thuật Kiến trúc Mooyoung Achitects & Engineers (Hàn Quốc) cùng Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng là “Nhà thầu Thiết kế”, Liên danh Takco-55 gồm Công ty Cổ phần Xây dựng Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại – Dịch vụ 55 là “Nhà thầu thi công xây dựng”. Công trình này được phân loại là cấp đặc biệt nên chất lượng công trình rất cao, phải đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe.
Ngoài yêu cầu kết cấu, lưu lượng không khí, phòng chống cháy nổ là phải đảm bảo an toàn cho số lượng người sử dụng, thì công trình còn phải đáp ứng những điều kiện về bảo mật, an ninh, thoát hiểm khi xảy ra chiến sự khủng bố… Nếu quả thật TTHC ĐN là có khiếm khuyết bị nóng, không khí bẩn, thiếu oxy thì cơ quan chủ quản phải tổ chức khảo sát nghiêm túc, xác định nguyên nhân, tiến hành sửa chữa và truy cứu trách nhiệm thuộc về cá nhân hay cơ quan nào để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Điều 85 khoản 2 mục b và c của Luật xây dựng quy định “Chủ đầu tư có nghĩa vụ xác định nhiệm vụ thiết kế và cung cấp đầy đủ thông tin tài liệu cho Nhà thầu thiết kế …”. Nghĩa là Chủ đầu tư phải ra đề bài cho Nhà thầu Thiết kế, nêu rõ yêu cầu về quy mô công trình, công năng sử dụng… (ví dụ: yêu cầu trụ sở làm việc có quy mô cho 1600 cán bộ công chức, 600 lượt người dân giao dịch mỗi ngày…). Đồng thời, Chủ đầu tư cần cung cấp cho Nhà thầu Thiết kế những hồ sơ tài liệu về địa chất, điều kiện thủy văn, khí hậu đặc thù vùng biển miền trung… để họ tham khảo thông tin, thiết kế cho đúng. Nếu Chủ đầu tư đã thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ trên thì ta xét đến trách nhiệm của Nhà thầu Thiết kế.
Cơ quan chủ quản Trung tâm hành chính Đà Nẵng cần phải kiểm tra lại Hồ sơ Thiết kế để xem Chỉ dẫn kỹ thuật “Specification” mà Nhà thầu Thiết kế đã áp dụng là theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc gia nào, có phù hợp với quy chuẩn tiêu chuẩn Việt Nam (sau đây viết tắt là “TCVN”) như quy định ở Điều 6 của Luật Xây dựng không? Nếu hồ sơ thiết kế xây dựng là KHÔNG đáp ứng yêu cầu của Nhiệm vụ Thiết kế hoặc Chỉ dẫn Kỹ thuật là KHÔNG phù hợp với TCVN về công năng sử dụng, tính năng vật liệu xây dựng, khả năng an toàn chịu lực, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống cháy nổ, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng … thì rõ ràng trách nhiệm sai sót là thuộc về Nhà thầu Thiết kế. Điều 86, khoản 2, điểm c và e của Luật Xây dựng quy định “Nhà thầu thiết kế phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mà mình đảm nhận… phải bồi thường thiệt hại khi đề ra tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, giải pháp kỹ thuật, công nghệ không phù hợp gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình”.
Ngoài ra, Cơ quan thẩm định thẩm tra thiết kế cũng phải chịu trách nhiệm liên đới vì đã làm việc thiếu trách nhiệm, không phát hiện ra sai sót thiết kế để đề nghị điều chỉnh. Trong trường hợp này, Cơ quan chủ quản TTHC ĐN có quyền yêu cầu Nhà thầu thiết kế (Công ty Kỹ thuật Kiến trúc Mooyoung Achitects & Engineers -Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng) và Cơ quan thẩm tra thẩm định thiết kế phải khắc phục khiếm khuyết, bồi thường thiệt hại bao gồm cả chi phí xây dựng sửa chữa thay thế. Ngược lại, nếu kết quả kiểm tra Hồ sơ thiết kế là đạt chuẩn và Chủ đầu tư không tự ý quyết định thay đổi thiết kế ban đầu thì ta xét đến trách nhiệm của Nhà thầu thi công xây dựng.
Cơ quan chủ quản TTHC ĐN cần phải thuê Công ty Tư vấn chuyên nghiệp để khảo sát, đo đạc các chỉ số kỹ thuật liên quan đến khiếm khuyết hiện nay để đối chiếu với hồ sơ thiết kế, xác định nguyên nhân. Nếu các chỉ số thực tế không đạt so với chỉ số thiết kế là do công trình đã thi công không đúng hồ sơ thiết kế, vật tư thiết bị thay đổi chủng loại, không đáp ứng yêu cầu Chỉ dẫn Kỹ thuật thì lỗi thuộc về Nhà thầu thi công xây dựng. Điều 113, khoản k và l của Luật Xây dựng quy định “Nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm về chất lượng thi công xây dựng theo đúng thiết kế… phải bồi thường thiệt hại cho Chủ đầu tư khi sử dụng vật liệu không đúng chủng loại, không bảo đảm yêu cầu theo thiết kế được duyệt, thi công không bảo đảm chất lượng …”.
Ngoài ra, Đơn vị Giám sát thi công cũng phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho Chủ đầu tư vì thiếu trách nhiệm, không báo cáo Chủ đầu tư những sai lệch giữa thiết kế và thi công. Trong trường hợp này, Cơ quan chủ quản của TTHC ĐN có quyền yêu cầu Liên danh Nhà thầu TAKCO – 55 và Đơn vị Giám sát thi công phải bồi thường thiệt hại, sửa chữa sai sót khiếm khuyết theo đúng tiêu chuẩn thiết kế. Ngược lại, nếu Nhà thầu đã thi công xây dựng đúng thiết kế, đạt chất lượng thì ta xét đến trách nhiệm bảo trì bảo dưỡng công trình.
Luật quy định trách nhiệm bảo trì bảo dưỡng là thuộc về Chủ sở hữu hoặc Đơn vị sử dụng công trình. Nếu xét thấy trình độ chuyên môn hạn chế thì Chủ sở hữu hoặc Đơn vị sử dụng có quyền thể thuê một đơn vị chuyên nghiệp đủ năng lực để thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng Trung tâm hành chính. Bảo trì bảo dưỡng công trình không đúng, không đủ sẽ khiến cho các máy móc thiết bị xuống cấp, hỏng hóc, không đạt công suất chuẩn như thiết kế ban đầu. Trung tâm hành chính là Tòa nhà thông minh hiện đại nên càng KHÔNG THỂ KHÔNG CÓ BÔ MÁY QUẢN TRỊ đủ tầm để quản lý chuyên nghiệp. Ban quản trị có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi sự vận hành của Tòa nhà, kiểm tra hoạt động của hệ thống Cơ điện lạnh (MEP), tuân thủ hướng dẫn của Nhà thiết kế hoặc Nhà sản xuất và bảo dưỡng bảo trì định kỳ theo đúng kế hoạch quy trình đã được phê duyệt.
Câu hỏi lớn đặt ra là giả sử Trung tâm hành chính Đà Nẵng đang bị khuyến cáo là nóng, là thiếu không khí sạch, thiếu oxy để thở, là không đảm bảo an toàn cho người sử dụng thì liệu có Nhà đầu tư nào đồng ý mua lại công trình này với giá trên 2000 tỷ đồng không???
Nhà đầu tư nào cũng phải nghĩ đến hiệu quả kinh tế, cân nhắc giá mua TRỪ KHI họ quyết mua lại Trung tâm hành chính Đà Nẵng VÌ CHIẾN LƯỢC, VÌ MỤC ĐÍCH KHÁC. Từ đó cho thấy, cam kết của lãnh đạo thành phố với người dân Đà Nẵng rằng sẽ không làm thất thoát ngân sách nhà nước xem ra là KHÓ KHẢ THI.
Có lẽ việc mà Cơ quan chủ quản Trung tâm hành chính Đà Nẵng cần phải làm ngay bây giờ là: (i) thuê đơn vị chuyên môn đủ năng lực tiến hành khảo sát đo đạc thực tế các chỉ số chống bức xạ mặt trời, cách nhiệt, chiếu sáng tự nhiên, lưu lượng thông gió tự nhiên… để xác định nguyên nhân khiếm khuyết, đề xuất giải pháp sửa chữa sao cho hiệu quả nhất. (ii) lắng nghe ý kiến chuyên môn của các Chuyên gia, ban ngành trước khi phê duyệt biện pháp thi công để thực hiện sửa chữa đồng bộ. (iii) truy cứu trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan đã làm sai để yêu cầu khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.
Suy cho cùng thì vốn đầu tư là từ ngân sách nhà nước, là tiền của nhân dân cả nước đóng góp và mục đích xây dựng Trung tâm hành chính Đà Nẵng là để phục vụ cho người dân Đà Nẵng. Vì vậy, lãnh đạo thành phố nên suy nghĩ lại và “NHƯỜNG CHO NGƯỜI DÂN QUYỀN QUYẾT ĐỊNH “giữ Trung tâm hành chính Đà Nẵng” hay “Bỏ Cũ xây Mới”.
Theo_VietNamNet
Dân hoang mang vì góp vốn vào dự án không phù hợp quy hoạch
Những hộ dân góp vốn vào dự án ở Bắc Cổ Nhuế - Chèm (Hà Nội) đang đứng trên đống lửa vì nhận thông báo không phù hợp với quy hoạch.
Một số hộ dân góp vốn vào dự án "Tổ hợp công trình căn hộ cao cấp để bán, văn phòng cho thuê và công cộng" ở Bắc Cổ Nhuế - Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh tới Zing.vn, dự án này sau hơn 6 năm vẫn nằm trên kế hoạch.
Mới có chủ trương đã huy động vốn
Theo tìm hiểu, dự án Tổ hợp công trình căn hộ, văn phòng và công cộng này có diện tích gần 5 ha. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bạch Đằng TMC (Bạch Đằng TMC), đề xuất chủ trương xây dựng dự án lên TP Hà Nội năm 2009.
Ngày 11/2/2010, ông Phí Thái Bình, khi đó là Phó chủ tịch UBND Hà Nội ký văn bản số 1155 chấp thuận chủ trương giao công ty Bạch Đằng TMC "nghiên cứu lập và triển khai dự án xây dựng tổ hợp công trình căn hộ cao cấp để bán, văn phòng cho thuê và công cộng" trong vòng 12 tháng.
Khu dự án "Tổ hợp công trình căn hộ cao cấp để bán, văn phòng cho thuê và công cộng". Ảnh: Thắng Quang.
Dù mới được chấp thuận chủ trương, Bạch Đằng TMC đã nhanh chóng kêu gọi huy động vốn cho dự án này. Theo tài liệu các hộ dân cung cấp, Bạch Đằng TMC và khách hàng đã ký một thỏa thuận vay vốn, người dân muốn tham gia mua nhà trên giấy của dự án phải đóng góp hàng trăm triệu cho đến cả tỷ đồng bằng văn bản thỏa thuận vay vốn.
Bà Nguyễn T. H. phản ánh, đã là 6 năm qua, dự án trên của Bạch Đằng TMC với hàng chục tỷ đồng của người dân đóng góp, vẫn chỉ là một bãi đất trống. Nhiều lần bà và một số hộ góp vốn đã tìm đến Bạch Đằng TMC hỏi về tiến độ dự án và số tiền đã góp vốn.
"Bạch Đằng TMC cũng chỉ trả lời khách hàng bằng những thông báo với nội dung về việc gia hạn thời hạn thỏa thuận vay vốn chứ không hề đả động đến việc triển khai dự án như thế nào và số tiền nhiều tỷ đồng kia đang ở đâu, ai đang nắm giữ", bà H. bức xúc.
Dự án không phù hợp quy hoạch
Cũng theo phản ánh của khách hàng, họ góp vốn chủ yếu vào khu nhà G3-CC1 (29 tầng) và G2-CT1 (25 tầng), khi chủ đầu tư hứa sẽ xin được xây dựng số tầng như vậy.
Tuy nhiên, các hộ dân lo lắng khi biết được ngày 21/1/2015, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội gửi văn bản số 266 cho rằng, việc nâng tầng ở dự án này là không hợp với quy hoạch 1/500.
Cụ thể, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định những đề xuất của Bạch Đằng TMC về đề xuất xây dựng hai công trình G3-CC1 cao 29 tầng và G2-CT1 cao 25 tầng tại lô đất trên là không phù hợp so với bản quy hoạch 1/500 của cả khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm đã được phê duyệt. Quy hoạch chỉ là 12 và 11 tầng.
Theo quan sát thực tế của phóng viên, lô đất mà Bạch Đằng TMC định thực hiện dự án hiện đang để hoang, cỏ mọc um tùm. Để làm rõ phản ánh của người dân, phóng viênđã liên hệ với lãnh đạo công ty Bạch Đằng TMC nhưng lãnh đạo công ty hẹn nhiều lần với lý do bận họp để khước từ.
Theo_Zing News
Đà Nẵng phủ nhận việc có doanh nghiệp muốn mua toà nhà 2.000 tỷ Người phát ngôn của chính quyền Đà Nẵng phủ nhận việc thành phố sẽ bán lại toà nhà trung tâm hành chính 2.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Trả lời VnExpress, Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng Trần Đình Quỳnh khẳng định hiện tại chưa có doanh nghiệp nào đặt vấn đề với thành phố mua toà nhà Trung tâm hành chính...