Di dời nhà máy khỏi nội đô: Làm sao để “đất vàng” không hóa cao ốc?
Nhìn lại quỹ đất vàng sau di dời nhà máy khỏi nội đô, dư luận tiếp tục nghi ngại những cao ốc sẽ mọc lên, tiếp tục vỡ quy hoạch và chất tải hạ tầng đô thị trung tâm Hà Nội.
Chung cư 90 Nguyễn Tuân mọc trên “đất vàng” sau di dời của Xí nghiệp vận tải Transerco
Mới đây, UBND TP Hà Nội tiếp tục có tờ trình gửi HĐND thành phố về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1), dự kiến Nhà máy Bia Hà Nội và 8 cơ sở ở quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Long Biên sẽ di dời theo quy hoạch.
Cao ốc xây lên sau điều chỉnh quy hoạch
Thực tế, hơn một thập kỷ từ ngày có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành, Hà Nội vẫn chưa thể “dọn dẹp” hết các nhà máy ngự trị gây ô nhiễm đất vàng. Và hơn thế nữa, thay vì với mục đích ban đầu được đặt ra là ưu tiên không gian xanh, tạo quỹ đất xây dựng công trình an sinh xã hội, thì hàng loạt chung cư, cao ốc mọc lên khiến đô thị càng thêm ngột ngạt.
Trong một báo cáo công bố năm 2020, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, việc cụ thể hóa, thực hiện các định hướng, chủ trương của quy hoạch chung đã được phê duyệt chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là chủ trương về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội, TP.HCM triển khai chậm.
Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn nhìn nhận, quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.
Video đang HOT
Trong khi đó, theo các chuyên gia, dù bản quy hoạch hoàn hảo đến đâu thì khi đi vào thực tiễn cũng sẽ phát sinh vấn đề. Đó là nguyên nhân căn bản khiến các khu đất vàng của nhà máy, trụ sở bộ ngành dù đã được quy hoạch mục đích sử dụng ban đầu rất rõ ràng nhưng thực tế khi triển khai lại biến tướng theo hướng ngược lại.
TS. KTS. Phạm Anh Tuấn, khoa Kiến trúc quy hoạch, Đại học Xây dựng cũng cho rằng, thực tế việc triển khai quy hoạch đó dường như lại đang có sự đối lập lại với quy hoạch ban đầu. Không gian xanh không những không được mở rộng thêm mà còn bị giảm đi. Ở vị trí trung tâm, nhu cầu sử dụng không gian xanh lớn thì không còn quỹ đất, nói đúng hơn là quỹ đất hầu hết đã bị “thâu tóm”. Trong khi đó, nhiều công viên lớn lại quy hoạch ở vị trí xa trung tâm, hạn chế khả năng tiếp cận của người dân nội đô, gây ra sự lãng phí lớn.
Di dời, rồi sao nữa?
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Phạm Thanh Tùng – Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, thiết kế từ trước đây các khu công nghiệp đều nằm ở ngoại vi thành phố. Đơn giản như khu Mỹ Đình, ngày xưa vốn nằm ngoài ô, vì Hà Nội lúc đó chưa phát triển, thế nhưng bây giờ khi phát triển rồi các nhà máy đó nằm trong trung tâm, bỗng nhiên khu đất đó đều là đất vàng.
Dự án dang dở trên đất vàng di dời Nhà máy May Thăng Long
Khi di dời các doanh nghiệp sẽ cần bỏ ra một khoản kinh phí lớn cho cơ sở hạ tầng mới, còn khu đất nội đô sẽ được chuyển đổi giá trị vì không còn doanh nghiệp ở đó. Như vậy sẽ có nhiều bài toán đặt ra, cũng có ý kiến cho rằng biến nơi đó thành công viên, không gian công cộng phục vụ cộng đồng, thế nhưng cũng có những dự án họ làm chung cư, về kinh tế sẽ có nhiều lợi nhuận hơn bù đắp vào việc chuyển nhà máy đi.
“Chúng ta cần bình tĩnh xem xét, thứ nhất là về mật độ dân số, thứ hai là kết nối giao thông, hạ tầng. Nếu ở khu vực đấy xây chung cư thì thu được lợi nhuận kinh tế, nhưng cần đáp ứng được chất tải dân số trên đô thị với kết nối hạ tầng có đảm bảo không. Chúng ta cần xem xét và nếu không đảm bảo được thì cần trả lại và có thể xây công viên, vườn hoa, thậm chí là nhà trẻ, trường học” – ông Tùng cho biết.
Trong khi đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Việt Nam cũng cho rằng, Hà Nội cần một cơ chế đặc thù là những ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc các chính sách phù hợp để doanh nghiệp liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị, thu hút nhà đầu tư nước ngoài triển khai.
Bên cạnh đó, cần phải có văn bản dưới luật để khẳng định sau khi di dời, doanh nghiệp cần giao lại khu đất tại cơ sở cũ cho thành phố. Ngoài ra, tại Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn.
Quỹ đất sau khi di dời phải được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật và không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Công tác giám sát quá trình khai thác sử dụng tại các nhà máy phải được quán triệt chặt chẽ hơn nữa.
Kiến nghị cho phép chủ đầu tư được hoán đổi quỹ đất nhà ở xã hội
Theo HoREA, nếu cho phép doanh nghiệp chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20% thì sẽ có nhiều nhà ở xã hội hơn ở vị trí khác với mức giá vừa túi tiền của người thu nhập thấp.
Trong văn bản gửi tới Bộ Xây dựng góp ý một số quy định của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng mới đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý của quy định trên.
Theo đó, HoREA nhận thấy, Nghị định 49/2021/NĐ-CP chỉ quy định một phương thức chủ đầu tư phải xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích từ 2 ha trở lên, nhưng đã bãi bỏ phương thức "chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20%" mà trước đây đã được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là không hợp lý, thiếu tính khả thi và không phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Bởi lẽ, các dự án nhà ở thương mại (khu đô thị, khu nhà ở) rất đa dạng về phân khúc thị trường từ cao cấp đến bình dân, về quy mô diện tích từ dưới 1 đến vài chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha. Vì thế, cần có cơ chế phù hợp để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ dành một phần quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Do vậy, có những dự án nhà ở thương mại phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án, nhưng có nhiều dự án nhà ở thương mại không phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án. Nếu có cơ chế "chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20%" mà trước đây đã được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP thì vừa sát với thực tiễn, vừa có được quỹ nhà ở xã hội nhiều hơn với giá thành hợp lý hơn, phù hợp hơn với khả năng tài chính của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.
"Ví dụ, một chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cao cấp 'B' tại phường An Phú, TP. Thủ Đức có diện tích 2ha nên phải dành 4.000m2 đất để xây dựng nhà ở xã hội trong theo quy định của Nghị định 49/2021/NĐ-CP. Chủ đầu tư đã mua lại quyền sử dụng đất khu đất này với giá bình quân 80 triệu đồng/m2 dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng 4.000 m2 lên đến 320 tỷ đồng và đây là chi phí hợp pháp được tính vào chi phí đầu tư nhà ở xã hội, nên mặc dù dự án nhà ở xã hội này được miễn tiền sử dụng đất, nhưng giá thành nhà ở xã hội tại đây có thể lên đến 35 - 40 triệu đồng/m2 thì không thể làm nhà ở xã hội được nữa vì giá bán nhà quá cao.
Nếu xác định giá trị quỹ đất 4.000 m2 này theo giá thị trường để hoán đổi quỹ đất khác hoặc quỹ nhà ở xã hội khác có giá trị tương đương thì Nhà nước sẽ có nhiều nhà ở xã hội hơn ở vị trí khác và giá bán nhà ở xã hội phù hợp hơn", HoREA chỉ ra ví dụ.
Từ đó, hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ- CP) để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở 2014, trên cơ sở gần như khôi phục lại một số nội dung của Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Cụ thể, Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP về Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị quy định, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị tại các đô thị loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội, hoặc phải dành 20% quỹ nhà ở của dự án để làm nhà ở xã hội.
Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị đó có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì chuyển giao quỹ đất này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án).
Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Khoản 1 Điều này, hoặc chuyển giao quỹ đất hoặc quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm nhà ở xã hội được xác định giá đất phù hợp với giá đất trên thị trường theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp thực hiện hoán đổi số lượng nhà ở xã hội tương đương tính theo
căn hộ, hoặc diện tích sàn xây dựng căn hộ, theo hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm tùy theo từng khu vực do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và theo công thức tính số lượng căn hộ (hoặc diện tích sàn xây dựng) căn hộ nhà ở xã hội sau hoán đổi bằng số lượng căn hộ (hoặc diện tích sàn xây dựng) hoán đổi nhân hệ số điều chỉnh giá đất của khu vực sau hoán đổi chia hệ số điều chỉnh giá đất của khu vực trước hoán đổi.
Đông Tây Group chính thức ra mắt dự án Le Palmier Hồ Tràm Sau 9 năm gắn bó với thị trường bất động sản với vai trò là nhà phân phối, Đông Tây Group đã chính thức mở rộng sang lĩnh vực đầu tư phát triển dự án. Sáng 22/6, tại Tp HCM, Đông Tây Group ra mắt dự án đầu tay Le Palmier Hồ Tràm. Nắm bắt "thiên cơ" với Hồ Tràm Vốn được coi...