Di dời dân khỏi các chung cư nguy hiểm: Làm hết trách nhiệm vì sự an toàn của người dân
Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2000/UBND-XDGT yêu cầu di dời dân khỏi các tòa nhà nguy hiểm tại các phường Thành Công, Ngọc Khánh, Cống Vị (quận Ba Đình), nhiều ý kiến người dân đang sống ở những khu nhà này đã đồng tình và mong muốn được triển khai sớm…
Cận cảnh chung cư nguy hiểm nhà A Ngọc Khánh
Sẵn sàng ủng hộ
Theo quan sát của phóng viên, sáng 27-4, tại các đơn nguyên 1, 2 chung cư G6A (phường Thành Công); đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; đơn nguyên 1 và 3 – Tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị) – là những chung cư nguy hiểm mức độ D được thành phố chỉ đạo di dời – người dân vẫn sinh hoạt bình thường. Tại khu nhà A Ngọc Khánh, UBND phường Cống Vị có gắn bảng thông báo về tình trạng nguy hiểm của khu chung cư này và đề nghị các nhà ở đơn nguyên 1 chủ động tự tháo dỡ các phần cơi nới… Chị Phương (phòng 506, đơn nguyên 1, nhà A Ngọc Khánh) cho biết: “Tôi mới được biết chỉ đạo của UBND TP qua báo chí. Chúng tôi rất mừng. Gần chục năm nay nhà tôi nằm ngay vị trí vết nứt của tòa nhà. Dù rất lo sợ nhưng chúng tôi chẳng biết chuyển đi đâu. Tôi mong có phương án cải tạo lại tòa nhà và tái định cư phù hợp nhất…”.
Video đang HOT
Là một trong những người sống tại nhà A Ngọc Khánh từ lúc công trình mới hoàn thành, ông Tâm (phòng 203) cho biết, người dân ở đây ủng hộ việc di dời. “Không ai muốn sống trong khu nhà đã quá xập xệ, nguy hiểm như thế này. Được di dời là điều tốt nhưng chúng tôi mong muốn được quay trở lại đây sinh sống sau khi tòa nhà được cải tạo lại. Cùng với việc di dời, mong chính quyền có thêm phương án hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống vì đa số người dân ở đây có hoàn cảnh khó khăn”, ông Tâm nói. Có cùng tâm sự, bà Hoa (nhà G6A Thành Công) cho biết, người dân sẵng sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để dự án phá dỡ, xây dựng lại các chung cu cũ này sớm được triển khai.
Cam kết làm hết trách nhiệm
Chiều 27-4, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, từ khi thành phố có chủ trương di dời các hộ dân khỏi các chung cư nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận, UBND quận Ba Đình đã chủ động thực hiện một số phần việc liên quan.
Cụ thể, UBND quận Ba Đình đã tuyên truyền tới hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân thuộc các tòa nhà nói trên về chủ trương, đồng thời giao UBND các phường liên quan vận động các hộ dân tự giác tháo dỡ các hạng mục cơi nới để giảm tải phần nào cho các tòa nhà. Quận cũng đã đặt các biển cảnh báo nhà nguy hiểm và chủ động đề xuất với Sở Xây dựng lập quỹ nhà tạm cư. Cùng đó, Ban quản lý dự án quận Ba Đình đã khẩn trương lên phương án chống đỡ tạm thời cho các tòa nhà.
Cũng theo ông Đỗ Viết Bình, trong tuần tới, UBND quận sẽ công khai tới các hộ dân nội dung Quyết định của UBND TP Hà Nội và tổ chức lấy ý kiến người dân về một số nội dung theo chỉ đạo của thành phố. Cùng với đó, UBND quận Ba Đình sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để tiến hành điều tra, khảo sát từng căn hộ trong các tòa nhà thuộc diện phải di dời. Kết quả khảo sát sẽ là cơ sở để UBND quận dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ để di dời dân khỏi các tòa nhà nguy hiểm.
UBND quận cũng sẽ tranh thủ ý kiến các sở ngành chuyên môn của thành phố trong quá trình triển khai thực hiện quyết định của thành phố. “UBND quận Ba Đình sẽ nghiêm túc triển khai nhanh nhất Quyết định của UBND TP. Dù xác định có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình vì sự an toàn của người dân” – ông Đỗ Viết Bình nói.
Theo_An ninh thủ đô
Hà Nội lệnh di dân hai chung cư nguy hiểm
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn vừa có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng TP Hà Nội và UBND quận Ba Đình bố trí nhà tạm cư và dự thảo quyết định của UBND TP Hà Nội về việc di dời các hộ dân đang sinh sống tại hai chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn quận Ba Đình báo cáo thành phố trước ngày 20/2.
Hai chung cư cũ này gồm: Nhà G6A Thành Công, nhà A Ngọc Khánh. Đây là hai tòa nhà chung cư cũ được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D, là mức độ nguy hiểm cao nhất theo thang tiêu chuẩn an toàn kết cấu công trình.
Trong đó, nhà G6A Thành Công là tòa nhà xây gạch năm tầng có ba đơn nguyên thì hai đơn nguyên 1 và 2 có mức độ nguy hiểm cấp D, đơn nguyên 3 mức độ nguy hiểm cấp C; nhà A Ngọc Khánh là nhà lắp ghép tấm lớn, cao năm tầng có hai đơn nguyên, đơn nguyên 1 mức độ nguy hiểm cấp D, đơn nguyên 2 mức độ nguy hiểm cấp C.
Phó chủ tịch TP Nguyễn Ngọc Tuấn giao UBND quận Ba Đình chỉ đạo các phường Ngọc Khánh, Thành Công thông báo tới các hộ dân đang sống tại các tầng có mức độ nguy hiểm cấp D; Đề nghị các hộ này chủ động tự tháo dỡ các phần cơi nới trái phép làm ảnh hưởng tới kết cấu công trình; lắp đặt biển báo, rào chắn, chống đỡ những kết cấu nguy hiểm và xây dựng phương án đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra.
Đồng thời tổ chức khảo sát, lập phương án xây dựng kế hoạch hỗ trợ, di chuyển các hộ gia đình, tổng hợp nhu cầu tạm cư, gửi Sở Xây dựng TP Hà Nội để tổng hợp trình UBND TP quyết định tổ chức di chuyển các hộ dân đang sinh sống trong các tòa nhà nguy hiểm mức độ D nêu trên.
Trước đó ngày 14/1, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về việc "Xử lý kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư trên địa bàn thành phố".
Theo đó, hiện toàn Hà Nội có 42 tòa chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có hai tòa nhà có mức độ nguy hiểm cấp D, 39 tòa nhà có mức độ nguy hiểm cấp C và một tòa nhà có mức độ nguy hiểm cấp B.
Khánh An
Theo_VnMedia
Phát triển nhà ở giá thấp và trung bình: Cần "xanh hóa" và giảm năng lượng Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy, tại các đô thị Việt Nam, các tòa nhà cao tầng, khu văn phòng, công sở, đặc biệt các chung cư cao tầng... chính là những hộ tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Tuy nhiên, khái niệm công trình xanh mới bắt đầu được quan tâm ở phân khúc cao cấp. Nhà ở giá...