Đi chợ “tử thần” mua axit
Theo các chuyên gia về pháp lý, khung hình phạt áp dụng trong thực tế xét xử các vụ án tạt axit hiện nay dường như không đủ sức răn đe, còn chênh lệch nhiều so với những tổn thất về tinh thần, sự tàn phá ghê gớm về dung nhan, sức khỏe đeo bám nạn nhân trong suốt cuộc đời.
Trong khi đó, liên tiếp những vụ án tạt axit do mâu thuẫn tình ái, ghen tuông xảy ra gần đây đã gây chấn động dư luận, đồng thời gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng mua bán axit dễ dàng, bị buông lỏng quản lý tại các khu chợ “ tử thần”.
Axit bán như… rau
Sau vụ án tạt axit làm nữ sinh viên Hoàng Tăng Thị T.H., sinh năm 1996, quê Đắk Lắk bị mù mắt, bỏng 75% gương mặt và Trần Nguyễn A.D., sinh năm 1995, quê Bình Thuận bị bỏng nhẹ xảy ra trên địa bàn quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh vào chiều 30-3, phóng viên đã tiếp cận các khu chợ “tử thần”, mua bán hóa chất nổi tiếng và ghi nhận cảnh tượng mua bán axit dễ như mua rau diễn ra tại đây.
Trong quá trình tìm hiểu, vụ án tạt axit nói trên đã phần nào làm nhiều chủ sạp kinh doanh hóa chất tại khu vực chợ Kim Biên (quận 5) chùn chân, trở nên khá dè dặt trong các giao dịch hàng hóa. Tuy vậy, hầu hết các chủ sạp đều sẵn sàng vì lợi nhuận mà bất chấp, vẫn vô tư bán các loại axit cho người mua mà không cần biết họ mua về để làm gì.
Chiều ngày 31-3, chúng tôi có mặt tại khu vực chợ Kim Biên khi nơi này vẫn tấp nập người ra, kẻ vào. Hàng chục cửa hàng hóa chất nằm san sát, trưng bày trên những kệ sắt ọp ẹp đủ loại hàng hóa như thuốc tẩy, thuốc nhuộm, các loại hương vị trái cây… Thậm chí, nhiều loại hóa chất nổi tiếng dễ cháy, có trong thành phần thuốc nổ như bột Kali Clorat (KClO3) và phốt pho (P)… cũng được bày bán công khai, trước mắt nhiều người qua lại.
Cảnh mua bán vẫn diễn ra nhanh gọn, chóng vánh như thường lệ khi người mua đến, nói tên hàng hóa và giao tiền, trong khi nhân viên các cửa hàng tay thoăn thoắt sang chiết ra các can, bình chứa nhỏ. Hằng ngày, đủ loại chất độc hại có xuất xứ từ khu chợ Kim Biên này đã được tung ra thị trường, len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống.
Mua axit dễ như mua rau ở chợ Kim Biên.
Theo ghi nhận, trong hơn 20 sạp kinh doanh hóa chất tại khu vực chợ “tử thần”, hầu hết đều có bán các loại axit với các nồng độ khác nhau, từ loại loãng mua để tẩy trắng nền gạch cho đến các loại đậm đặc hơn để tẩy rửa các loại sắt rỉ sét.
Tiếp cận một cửa hiệu hóa chất ngay khu vực giữa chợ, chỉ vừa dừng xe, khách hàng được nhân viên của tiệm U.L đon đả đón tiếp, chào mời. Khi biết chúng tôi cần mua loại axit clohydric (HCl), nhân viên tại đây thoáng chút nghi ngờ và hỏi “mua để làm gì?”
Tuy vậy, khi nhận được câu trả lời “đi mua giúp ông anh thôi”, người nhân viên nói trên nhanh chóng báo HCl được bán với giá 6 nghìn đồng/lít. Vừa sang chiết 2 lít axit HCl từ chiếc thùng nhựa màu đen (loại 45 lít), người thanh niên bán hàng vừa nói: “Anh mua lẻ nên em phải tính luôn cả tiền can nhựa, thêm 4 nghìn đồng nữa. Cái này người ta hay mua để tẩy trắng nền gạch, còn anh mua làm gì thì em không biết”.
Cùng loại axit HCL, chủ một cửa hàng khác trong khu vực chợ Kim Biên cho biết tại đây cũng có bán, nhưng với giá 15 nghìn đồng 1 lít. Ông này cho biết không rành về nồng độ, nhưng loại axit này đậm đặc hơn, không bị pha loãng như loại 6 nghìn đồng, có thể nhanh chóng tẩy bóng một thanh sắt bị rỉ sét. Trong quá trình chiết xuất 1 lít axit HCL, phóng viên ghi nhận các nhân viên của cửa hàng này đều không sử dụng bao tay, cứ thế nghiêng can chứa dung dịch axit màu vàng nhạt để rót vào phễu trên nắp can nhựa nhỏ.
Tại một cửa hàng khác, phóng viên tiếp tục hỏi mua 1 lít axit sunfuric (H2SO4) và nhanh chóng được chủ sạp cung cấp với giá chỉ 10 nghìn đồng. Một thanh niên khoảng chừng 20 tuổi sau khi được chủ yêu cầu cũng đã lấy từ trong góc nhà ra 1 thùng nhựa khoảng 30 lít, rót đúng số lượng mà người mua cần rồi nhanh chóng cho vào túi đen để giao hàng. Người này nói: “10 nghìn đồng 1 lít là giá bán lẻ, chứ anh mua vài chục lít thì giá chỉ khoảng 8 nghìn đồng, thậm chí mối quen còn rẻ hơn nữa”.
Cảnh tượng mua bán axit tương tự như trên cũng diễn ra tại nhiều sạp, kios bán hóa chất khác trong khu vực chợ Kim Biên. Dù có nơi, chủ các cửa hàng vẫn rất dè chừng, thậm chí khoát tay từ chối khi có người hỏi mua axit, nhưng còn lại hầu hết đều nhanh chóng mang hàng hóa từ sâu bên trong nhà ra để bán cho khách hàng. Ngoài ra, có vẻ như để tránh sự kiểm tra, kiểm soát, những can, thùng đựng loại hóa chất nguy hiểm như axit là những thứ duy nhất trong cửa hàng không được dán nhãn mác, ký hiệu gì trên thân bình chứa.
Axit HCL đang được nhân viên cửa hàng hóa chất rót ra bình nhựa.
Video đang HOT
Một khu vực khác cũng khá nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh các loại hóa chất là dọc tuyến đường Tô Hiến Thành thuộc quận 10, TP Hồ Chí Minh. Khi phóng viên vừa mua vừa “tám” về vụ án tạt axit 2 nữ sinh cao đẳng, một chủ cửa hàng ở khu vực này nhận định loại axit mà hung thủ dùng là một loại thuộc dạng đậm đặc, nồng độ cao mới có thể gây ra tổn thương nhiều đến vậy. Dù cũng khá dò xét về người mua, nhưng nhiều cửa hàng tại đây vẫn ngang nhiên cung cấp các loại axit đậm đặc (nồng độ từ 25%) nói trên.
Tiến vào bên trong 1 kios hóa chất khác, phóng viên trò chuyện với một nữ quản lý để hỏi mua 1 bình axit HCL với nồng độ cao nhất. Người phụ nữ này cho biết chỉ có bình axit HCL xuất xứ từ Trung Quốc, dung tích nửa lít. Nói rồi, bà chủ với tay lấy bình HCL nồng độ axit khá cao, thấy ghi bên ngoài lên đến 38% và ra giá 55 nghìn đồng. Sau khi bỏ hàng vào túi nilon, người bán hàng nói thêm loại này có thể làm da người bị bỏng nặng, quần áo nhanh chóng bị cháy khi tiếp xúc nên căn dặn chúng tôi “xài cẩn thận”.
Bất chấp các quy định
Một cán bộ của viện kiểm sát nhận định, từ quy định pháp luật đến thực tiễn xét xử, hình phạt các bị cáo là hung thủ tạt axit phải nhận thường chênh lệch so với những tổn thương mà nạn nhân của họ phải gánh chịu. Ở hầu hết các trường hợp, nạn nhân bị tạt axit phải mang thương tật suốt đời, đó là chưa kể những biến dạng nặng nề khi axit trúng vào vùng mặt, ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của người bị hại.
Theo nhiều nhà làm luật, do hậu quả của các vụ tạt axit thường không làm nguy hại đến tính mạng, nên việc áp khung hình phạt trong thực tế thường chỉ dừng ở mức tội danh “Cố ý gây thương tích”. Nhiều người cho rằng, việc áp dụng hình phạt như vậy là không đủ sức răn đe. Quá bức xúc với vấn đề trên, nhiều bạn đọc còn cho rằng nên xem xét, liệt kê hành vi tạt axit vào diện đặc biệt nguy hiểm. Dựa vào tính chất hành vi của hung thủ, như dùng axit đậm đặc, phạm tội có tổ chức, nhiều người cùng thực hiện hành vi và tác hại đối với nạn nhân… đều là những tình tiết tăng nặng, rõ ràng nhằm ý đồ hủy hoại hoàn toàn nạn nhân, cả về cuộc sống lẫn tinh thần, chứ không thể chỉ coi là hành vi gây sát thương đơn thuần.
Chai chứa nửa lít axit với độ đậm 38%.
Sau khi các vụ tạt axit diễn ra và được báo chí đăng tải, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự thắc mắc về tình hình, công tác quản lý việc buôn bán các loại hóa chất “giết người” như axit. Trên thực tế, dù Luật Hóa chất đã ra đời từ lâu, đồng thời Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 28/2010/TT quy định cụ thể về vấn đề lập phiếu kiểm soát việc mua, bán hóa chất độc, nhưng khi áp dụng thực tế lại gặp nhiều khó khăn. Dù các biểu mẫu đã được cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ, hầu hết các đơn vị kinh doanh hóa chất, các chủ cửa hàng vẫn hoàn toàn phớt lờ, không đả động gì đến việc xin thông tin, tên tuổi của khách hàng để lập phiếu mà cứ bày bán công khai theo kiểu tiền trao – cháo múc.
Trong khi đó, thực tế qua nhiều vụ án xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hầu hết các hung thủ gây ra các vụ đánh ghen, cố ý gây thương tích để trả thù tình bằng axit khi bị bắt đã khai nhận với cơ quan công an, có thể dễ dàng mua các loại axit để gây án tại khu vực Tô Hiến Thành, hay nhiều hơn là ở chợ Kim Biên mà không gặp phải bất kỳ khó khăn, trở ngại nào.
Một mẫu phiếu kiểm soát việc mua – bán các hóa chất độc hại đang bị phớt lờ.
Nói về ngôi chợ “tử thần” có tuổi đời hơn 50 năm, theo một thống kê của UBND quận 5, khu vực chợ Kim Biên có khoảng 70 doanh nghiệp và hơn 30 cá thể kinh doanh hóa chất. Tuy vậy, hầu hết các cửa hàng kinh doanh hóa chất vẫn nằm ở bên ngoài, thuộc các tuyến đường bên hông khu chợ hay lân cận như đường Gò Công, Vạn Tượng, Kim Biên, Phan Văn Khỏe… Với gần phân nửa các cơ sở kinh doanh hóa chất trên địa bàn thành phố hoạt động không phép hoặc không đủ điều kiện kinh doanh, công tác quản lý các mặt hàng này hiện đang gặp phải muôn vàn khó khăn.
Trong khi đó, ghi nhận tại các cửa hàng kinh doanh hóa chất ở chợ Kim Biên cho thấy nơi đây không chỉ là ngôi chợ cho người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mà còn phân phối đi nhiều tỉnh thành khác, chủ yếu ở khu vực phía Nam.
Dù UBND quận 5 và ban quản lý chợ đã nhiều lần tổ chức vận động, giải thích để bà con tiểu thương, các hộ kinh doanh cá thể trong khu vực dừng hẳn việc kinh doanh hóa chất độc hại và chấp nhận việc di dời đi nơi khác, nhưng hầu hết đều không tán thành vì vẫn muốn bám lấy mảnh đất vàng, đẻ ra tiền cho mình bấy lâu nay. Được biết, chủ trương di dời chợ Kim Biên đã được UBND quận 5 đề ra cách đây 6 năm, nhưng hiện việc thực hiện đến thời điểm hiện tại vẫn đang bị đình trệ.
Trước đây, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho Tổng Công ty thương mại Sài Gòn – TNHH một thành viên (SATRA) tìm vị trí mới thích hợp, đồng thời lập dự án di dời chợ Kim Biên. Sau nhiều lần lựa chọn địa điểm rồi lại thay đổi vì khảo sát không phù hợp, đến nay các phương án và kế hoạch di dời chợ Kim Biên vẫn chưa thể hình thành.
Chị V.T.H., nạn nhân trong vụ hai nữ sinh bị tạt axit tại quận 9 vào ngày 15-10-2015.
Với một thực tế mua bán axit quá dễ dàng, cộng với những tai họa mà nó gây ra cho các nạn nhân trong từng vụ việc thời gian qua, thiết nghĩ người ta gọi chợ Kim Biên là khu chợ “tử thần” cũng không phải là quá vô lý. Bản thân việc buôn bán không có lỗi. Lỗi là ở chỗ bất chấp lợi nhuận mà bán tràn lan vô tội vạ, không kiểm soát cũng như không cần quan tâm đến hậu quả có thể xảy ra cho người khác.
Vậy nên chăng, trong thời gian chờ những thay đổi sớm nhất có thể về mặt luật định đối với hành vi tạt axit, cơ quan chức năng khi điều tra, xử lý các vụ án tạt axit đau lòng hãy xem xét luôn đến tận cùng, quy trách nhiệm hình sự với cả những người đã cung cấp axit cho hung thủ để phần nào khiến họ chùn chân khi kinh doanh thứ hóa chất độc hại này.
Theo Công an nhân dân
Bên trong chợ "tử thần" Kim Biên ngay giữa Sài Gòn
Chợ hóa chất Kim Biên được ví là chợ tử thần vì nguy cơ cháy nổ cao. Tuy có nhiều kiến nghị nhưng khu chợ vẫn chưa được di chuyển.
Mối lo nguy cơ cháy nổ từ chợ hóa chất Kim Biên luôn rình rập khiến người dân quanh đó hết sức lo lắng.
Đã có rất nhiều kiến nghị về việc di dời chợ Kim Biên ra khỏi khu dân cư...
Nhưng đến nay, chợ Kim Biên vẫn tồn tại và là mối lo thường trực của người dân.
Chợ Kim Biên vốn nổi tiếng là khu chợ bán hóa chất lớn nhất Sài Gòn. Từ các loại bột dùng làm chín trái cây, pha trà sữa hay chế nước lèo bún bò, bún riêu... đến những hương liệu tạo màu thực phẩm đều được tìm thấy tại đây một cách dễ dàng.
Chợ Kim Biên được hình thành từ những năm 60 trên đường Vạn Tường (Quận 5).
Cũng đã có thời, chợ Kim Biên chủ yếu buôn bán các loại vật liệu xây dựng và các mặt hàng ăn uống.
Tuy nhiên, sau một thời gian làm ăn không hiệu quả, ban quản lý chợ quyết định chuyển sang cho tiểu thương thuê sạp buôn bán từ năm 1984. Cũng từ thời gian này, các mặt hàng hóa chất thực phẩm, công nghiệp... bắt đầu được bày bán công khai.
Hàng ngày, người dân từ khắp mọi nơi tấp nập đổ về đây để mua bán các loại hóa chất được bày bán tràn lan. Khách hàng tới đây hỏi mua hóa chất dễ như mua rau và hầu như loại nào cũng có.
Tại Kim Biên, ngoài hóa chất dùng trong công nghiệp, các loại hóa chất dùng trong ngành chế biến thực phẩm gồm hương liệu, chất phụ gia dưới dạng lỏng và bột có đủ loại hương, tạo ra vô số màu, chất làm mềm, làm dẻo, làm giòn thực phẩm. Phổ biến nhất là các loại hoá chất chế nước lèo làm bún, phở, hủ tiếu... Trong đó đầu tiên phải kể đến loại đường Tây tạo vị siêu ngọt cho nồi nước lèo bún bò, bún riêu cua...
Các loại hóa chất tạo mùi cafe, từ mùi cafe Moka, Pháp đến hương cacao, cafe rang sấy... đều có bán tại chợ này. Giá dao động từ 300.000 đến khoảng 1 triệu đồng/kg.
Tại chợ Kim Biên, người ta còn bán nhiều loại nước xả quần áo với giá rẻ như cho. Điều đáng nói, các loại nước xả này đều được làm nhái dưới các thương hiệu nổi tiếng như Cf, Dow... Ngoài những loại hóa chất kể trên, thuốc thúc chín trái cây cũng được bày bán công khai ở chợ Kim Biên.
Hóa chất là một loại hàng hóa đặc biệt. Tuy nhiên, có không ít cơ sở kinh doanh hóa chất vì lợi nhuận mà không đảm bảo những quy định về an toàn. Tại TP HCM, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tính riêng trong năm 2014, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 301 vụ cháy nổ; khiến 26 người chết và 27 người bị thương.
Theo báo cáo của Phòng Y tế quận 5, chợ Kim Biên hiện có 17 cửa hàng hóa chất nằm trong khu vực chợ, và nhiều cửa hàng của doanh nghiệp, cá nhân nằm rải rác xung quanh chợ. Tuy nhiên, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tất cả các cơ sở kinh doanh hóa chất nói trên đã hết hạn sử dụng từ năm 2012.
UBND TP HCM cũng đã yêu cầu các sở ngành liên quan vào cuộc tiến hành quy hoạch khu tập trung kinh doanh hóa chất để di dời "chợ tử thần" Kim Biên nhưng từ nhiều năm qua là địa điểm kinh doanh, kho chứa hóa chất nguy hiểm nhất trên địa bàn TP HCM.
Khi chợ Kim Biên còn chưa được di dời và hoạt động buôn bán hóa chất vẫn diễn ra bình thường thì khu chợ này vẫn giống như "lưỡi hái tử thần" đe dọa sức khỏe và cuộc sống của nhiều người dân trên địa bàn.
Theo_Kiến Thức
Hàng Nhật ngày càng dễ mua Tâm lý chuộng hàng Nhật của người tiêu dùng đang tạo cơ hội cho nhiều trang thương mại trực tuyến (online) chuyên bán hàng xách tay nở rộ, bên cạnh các cửa hàng bán hàng nhập khẩu chính thức từ quốc gia mặt trời mọc. Nếu như trước đây, hàng Nhật tập trung vào phân khúc cao cấp thì nay những món hàng...