Đi bộ sai luật có thể bị phạt tù: Người đi bộ ngỡ ngàng!
Theo Bộ luật Hình sự, từ 1/1/2018, người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng có thể bị phạt tù 7-15 năm. Lần đầu tiên nghe đến mức phạt này, nhiều người trước nay vốn nghĩ “đi bộ thì vô tư vi phạm” tỏ ra vô cùng bất ngờ.
Với quy định nêu trên, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, mà còn mở rộng ra đối tượng là người đi bộ.
Theo đó, người đi bộ nếu đi sai luật gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tiền, phạt tù đến 15 năm.
Trên thực tế, tình trạng người đi bộ sang đường bừa bãi, không đúng vị trí vẫn diễn ra tràn lan gây cản trở giao thông, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, khiến chính những người điều khiển phương tiện “bị oan”.
Một số người trèo dải phân cách đường dẫn cao tốc Trung Lương để qua đường sai quy định trong sáng 2/1
Ghi nhận của PV Dân trí trong sáng 2/1 tại TPHCM, tình trạng người đi bộ băng ngang qua đường không đúng vị trí vẫn diễn ra thường xuyên.
Cụ thể, tại đường dẫn cao tốc Trung Lương ( huyện Bình Chánh, TPHCM), chỉ trong khoảng 30 phút có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận có hơn 20 trường hợp người đi bộ trèo dải phân cách băng qua đường trước đầu các phương tiện.
Đáng chú ý là cách đó chỉ vài chục mét lại có hầm dành cho người đi bộ sang đường một cách an toàn nhưng không ai sử dụng.
Tương tự, tại hầm chui Tân Tạo ( quận Bình Tân, TPHCM), mặc dù hầm rất sạch sẽ, thông thoáng nhưng người dân vẫn không sử dụng hầm để sang đường mà trèo dải phân cách.
Tình trạng người dân băng qua đường không đúng vị trí cũng diễn ra khá phổ biến trên đường Điện Biên Phủ đoạn trước bệnh viện Bình Dân.
Nhiều người băng qua đường trước đầu hàng loạt phương tiện ở Bệnh viện Bình Dân
Mặc dù tại đây được đưa vào sử dụng cây cầu bộ hành rất sạch đẹp nhưng không mấy người dân sử dụng, đa số người dân toàn băng ngang qua đường cho thuận tiện.
Khi được hỏi vì sao không đi vào phần đường dành cho người đi bộ, đa số mọi người đều cho rằng “tiện đâu qua đó cho nhanh”.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của PV, ở hầu hết các tuyến phố, ý thức tham gia giao thông của người đi bộ vẫn chưa cao, tình trạng đi bộ qua đường tùy hứng, tiện điểm nào sang đường điểm đó diễn ra rất phổ biến.
Ở các tuyến phố có đèn báo hiệu dành cho người đi bộ qua đường, nhưng theo ghi nhận, người đi bộ thường không quan tâm đèn đỏ hay xanh, cứ thản nhiên sang đường.
Tình trạng người đi bộ sang đường nguy hiểm đặc biệt đáng báo động ở các khu vực đông đúc như trường học, bệnh viện, bến xe…
Tuy nhiên nhiều người đi bộ cũng phân trần rằng hạ tầng giao thông ở Việt Nam chưa đồng bộ, khiến họ “muốn sang đường đúng luật cũng khó”.
Một số hình ảnh PV Dân trí ghi nhận trên các tuyến phố ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM trong những ngày đầu tiên luật dành cho người đi bộ có hiệu lực.
Video đang HOT
Tình trạng người đi bộ sai phần đường diễn ra rất phổ biến
Cùng nhau “vượt rào”
Một cụ bà cố len lỏi để băng qua đường
Một người đàn ông cố băng qua đường trước đầu xe khách
Một số người đi bộ cũng phân trần rằng hạ tầng giao thông ở Việt Nam chưa đồng bộ, khiến nhiều người đi bộ muốn sang đường đúng luật cũng khó.
Lối nào dành riêng cho người đi bộ sang đường?
Cô gái cố len qua một dải phân cách kiên cố
Người đàn ông này cố băng qua giao lộ trước hàng loạt phương tiện, mặc dù vạch kẻ đường dành cho người đi bộ cách đó không xa.
Nhiều người băng qua đường trước hàng trăm phương tiện, trong khi đó cầu vượt dành cho người đi bộ ở phía trên lại không được sử dụng
Một người dân băng qua đường nhưng không sử dụng hầm chui phía dưới.
Đèn báo hiệu dành cho người đi bộ chuyển sang màu đỏ nhưng chỉ có người nước ngoài đứng lại đợi đèn xanh.
Hầm chui trên đường dẫn cao tốc Trung Lương sạch sẽ, đèn sáng trưng nhưng không được người dân sử dụng.
Thông tin từ Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC67) – Công an TPHCM, trong năm 2017, lực lượng CSGT thuộc phòng đã tiến hành xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến người đi bộ gần 500 trường hợp; trong đó lập biên bản 34 trường hợp, còn lại là nhắc nhở.
Theo PC67, có 2 lỗi phổ biến do người đi bộ vi phạm là: vượt qua dải phân cách và băng qua đường không đúng nơi quy định.
Cũng theo PC67, trong năm 2017 đã xảy ra 101 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người đi bộ, trong đó có 11 vụ TNGT ít nghiêm trọng trở lên (làm chết 9 người, bị thương 3 người), còn lại là 90 vụ chạm chạm giao thông. Đối với các vụ TNGT liên quan đến người đi bộ gây ra thì căn cứ theo quy định của pháp luật, đa số các vụ do các Đội CSGT thuộc quận, huyện thụ lý và xử lý theo thẩm quyền.
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, vào đầu năm 2016 đã ra quân xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông trên toàn TP, đặc biệt tại một số quận trung tâm. Thời điểm đó, nhiều người đi bộ đã rất bất ngờ bị xử phạt hành chính với 2 lỗi chính: Đi không đúng phần vạch sơn dành riêng cho người đi bộ và đi không đúng hiệu lệnh đèn giao thông.
Nhiều người thừa nhận không có thói quen chấp hành luật giao thông khi đi bộ.
Sau 2 năm, luật mới có hiệu lực với chế tài nghiêm khắc, song nhận thức và ý thức của đa số người dân vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Bộ Luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông mà còn được mở rộng đối tượng tham gia gồm cả người đi bộ. Cụ thể, nếu người đi bộ băng qua đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3, điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 thì có thể đối diện với việc bị phạt tù cao nhất là 15 năm.
Đình Thảo – Trần Thanh
Theo Dantri
Người đi bộ phạm luật không mang tiền, giấy tờ: Xử lý thế nào?
Người đi bộ vi phạm giao thông đường bộ sẽ bị lực lượng chức năng xử lý, kể cả trường hợp quên giấy tờ, không có tiền...
Nhiều người dân bất chấp quy định, đi bộ sang đường sai luật tại đường Đinh Tiên Hoàng.
Từ ngày 1.1.2018, người đi bộ nếu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi.
CSGT gặp "khó" khi xử phạt trường hợp quên giấy tờ
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ- Đường sắt - Công an TP Hà Nội cho hay, hiện nay, hạ tầng giao thông ở Thủ đô chưa đồng bộ, một số vỉa hè quá hẹp, diện tích dành cho người đi bộ gần như không có.
Tại các điểm đông dân cư, gần các trường đại học, trung tâm thương mại, cầu vượt dành cho người đi bộ rất ít hoặc các cầu vượt ở cách xa nhau gây khó khăn cho người đi bộ qua đường. Tại một số tuyến phố ở trung tâm, vỉa hè bị các hộ dân chiếm dụng buôn bán, phần diện tích dành cho người đi bộ không đủ chuẩn.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, lâu nay lực lượng CSGT vẫn thường xuyên kết hợp với công an các phường xử phạt đối với các trường hợp người đi bộ cố tình vi phạm giao thông.
"Thông thường, CSGT sẽ lập biên bản, ghi biên lai xử phạt theo quy định đối với người vi phạm. Trong một số đợt cao điểm làm theo chuyên đề, có cả công an phường phối hợp với lực lượng CSGT xử phạt người đi bộ sai quy định", ông Hùng thông tin.
Quy định mới từ 1.1.2018, nếu người đi bộ vi phạm khi tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Theo ông Hùng, hiện các đội CSGT trên địa bàn Thủ đô vẫn thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý đối với người đi bộ đi sai quy định.
"Vì vậy, sau ngày 1.1.2018, chúng tôi chưa có kế hoạch hay chuyên đề nào về việc ra quân đồng loạt xử lý người đi bộ vi phạm giao thông. Nếu cấp trên có chỉ đạo làm theo chuyên đề, chúng tôi sẽ thực hiện và thông tin tới báo chí", vị lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội thông tin.
Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) cho biết, tỷ lệ xử lý người đi bộ vi phạm Luật giao thông đường bộ hiện nay chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số các trường hợp bị xử lý.
Theo trung tá Tú, thông thường chỉ có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ xử phạt người đi bộ sai quy định. Còn một số chuyên đề, sẽ có thêm công an các phường phối hợp với CSGT trong việc xử phạt người đi bộ phạm luật. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người đi bộ vi phạm nhưng khi thấy CSGT ra hiệu lệnh kiểm tra thì bỏ chạy. Với trường hợp này CSGT không thể tạm giữ người nên gặp "khó" khi xử lý.
"Còn với một số trường hợp quên giấy tờ hoặc không có tiền, công an phường sẽ đưa người vi phạm về trụ sở làm rõ lai lịch và lập biên bản xử lý theo quy định", vị lãnh đạo đội CSGT số 3 chia sẻ thêm.
Nhiều người dân "nhờn luật"
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, các quy định tại Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi sắp có hiệu lực phù hợp với thực tiễn, bởi thực tế không ít vụ tai nạn giao thông xuất phát từ việc không chấp hành luật giao thông của người đi bộ.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội
Ông Liên cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều người đi bộ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là do ý thức tuân thủ luật pháp của người dân chưa tốt. Một số người "nhờn luật", khi lực lượng chức năng phát hiện ra vi phạm lại chống đối, không hợp tác với cơ quan chức năng.
"Thêm nữa, lực lượng chức năng mỏng nên không có đủ người để đi kiểm soát, xử lý người đi bộ sai quy định. Mức phạt cũ dành cho người đi bộ sai quy định chưa cao, chưa đủ sức răn đe (mức phạt hành chính hiện tại là từ 50.000 - 200.000 đồng) nên nhiều người dân chưa sợ", ông Liên nói thêm.
Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) cũng cho rằng, ngoài ý thức của người dân, thì lòng đường vỉa hè dành cho người đi bộ nhỏ hẹp cũng là nguyên nhân dẫn tới việc người đi bộ vi phạm giao thông.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội): Tính từ ngày 1-24.2.2016 (đợt ra quân cao điểm), Phòng đã kiểm tra, xử lý 542 người đi bộ vi phạm Luật giao thông, phạt thành tiền hơn 38 triệu đồng. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu: Sang đường không đúng nơi quy định (288 trường hợp); mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông (82 trường hợp); đi không đúng phần đường quy định (67 trường hợp).
Theo Danviet
Nghệ An ra quân dẹp vỉa hè, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên chiếm dụng Sau khi được cấp phép xây dựng Trung tâm thương mại và chung cư cao cấp tại số 2, đường Lê Lợi, phường Hưng Bình, (TP.Vinh, Nghệ An), Công ty CP Xây dựng Trung Đức (TP.Vinh) tiến hành "hô biến" vỉa hè dành cho người đi bộ thành vườn hoa, cây cảnh nhằm phục vụ lợi ích cho doanh nghiệp. Đầu tháng 4.2017,...