Đi ăn xôi chè – Một món ăn thanh tao của người Hà Nội
Xôi vò trộn cùng chè hoa cau là sự kết hợp rất ý nhị giữa cái dẻo bùi của xôi và vị ngọt rất dịu nhẹ của chè. Bát chè hoa cau ngày xưa trong các gia đình quyền quý có cầu kỳ hơn một chút: khi nấu người ta thường thả những bông hoa bưởi trắng muốt vào, khuấy đều lên, khiến bát chè dậy lên hương thơm man mác rất dễ chịu.
Xôi chè – sự kết hợp tinh tế giữa xôi vò và chè đường – hay còn gọi là chè hoa cau là món ăn rất thi vị của mảnh đất Hà thành.
Xôi chè từ xưa đến nay vẫn là một món ăn thanh tao của người Hà Nội, thường chỉ xuất hiện trong những dịp lễ tết hoặc cúng giỗ. Ngày xưa, để đồ được chõ xôi ngon, thường chỉ các cụ lớn tuổi hoặc các mẹ giàu kinh nghiệm mới được giao trọng trách này. Chỉ một sơ sẩy nhỏ như để lửa quá to, quá nhỏ hoặc thời gian chưa đủ cũng dễ làm hỏng chõ xôi quý.
Video đang HOT
Tôi nhớ thuở nhỏ mỗi khi giỗ ông ngoại, bà thường ngâm gạo nếp, đỗ xanh từ đêm hôm trước cho hạt gạo mềm. Bà chọn gạo nếp rất kỹ, chắc chắn phải là gạo nếp cái hoa vàng, từng hạt gạo béo tròn, có mùi thơm của nếp mới. Bà nói có như vậy chõ xôi vò mới dẻo thơm và từng hạt xôi không vón cục lại với nhau. Còn đỗ xanh thì tốt nhất nên chọn loại đỗ còn nguyên vỏ thì khi chế biến xôi vò mới giữ được mùi thơm nguyên sơ của hạt đỗ.
Chõ xôi chín bao giờ cũng dậy lên một mùi thơm ngào ngạt của đỗ xanh và gạo nếp quyện vào nhau. Bà tôi cẩn trọng đơm từng đĩa xôi, múc từng chén chè trang trọng đặt lên bàn thờ Tổ. Mỗi lần nhà có giỗ, tụi trẻ con như tôi đứa nào cũng háo hức mong đợi để được thưởng thức món ăn xa xỉ nhất thời đó.
Xôi vò trộn cùng chè hoa cau là sự kết hợp rất ý nhị giữa cái dẻo bùi của xôi và vị ngọt rất dịu nhẹ của chè. Bát chè hoa cau ngày xưa trong các gia đình quyền quý có cầu kỳ hơn một chút: khi nấu người ta thường thả những bông hoa bưởi trắng muốt vào, khuấy đều lên, khiến bát chè dậy lên hương thơm man mác rất dễ chịu.
Ngày nay, trên nhiều góc phố, ngõ ngách của Hà thành vẫn còn các bà các cô bày bán món xôi chè. Riêng tôi thích nhất quán xôi chè trên phố Thụy Khuê, nơi tôi đã tìm thấy cái hương vị ngày xưa mà bà ngoại vẫn thường nấu, nhớ lại tuổi thơ ngọt ngào như bát chè của bà. Cô chủ quán thường kể cho tôi nghe chuyện một bác Việt kiều đang định cư ở nước ngoài, mỗi lần trở về Hà Nội ngày nào cũng tới quán ăn một bát xôi chè cho thỏa nỗi nhớ mong.
Theo TNO
Mẹ và mùa hoa bưởi
Con về làm dâu mẹ vào mùa hoa bưởi. Thời gian trôi thật nhanh, vậy đã thấm thoát 10 năm. 10 năm qua, con đã quen với khí hậu phong tục tập quán miền Bắc, quen với cả mùi hương hoa bưởi mẹ vẫn hái đun nước gội đầu cho con.
Con vẫn nhớ như in những ngày đầu sau đám cưới, vì chưa quen với tiết trời se lạnh miền Bắc, con bị cảm cúm liên tục, uống hoài thuốc tây mà không khỏi. Mẹ sốt ruột đun nồi nước xông lá bưởi cho con, vậy mà khỏi liền mới hay. Hết đợt cảm cúm con lại bị rụng tóc, báo hại năm đó mẹ phải hái hết hoa của cây bưởi trước hiên nhà đun nước gội đầu cho con. Mẹ bảo: "Hoa bưởi lành, giúp tóc khỏe và dưỡng tóc". Bây giờ ngắm nghía cả cơ quan con chẳng có ai tóc dài và đen mướt như con dâu mẹ đâu ạ.
Con vẫn tự hỏi sao người ta trước hiên hay trồng cây cảnh cho đẹp còn nhà mình lại trồng bưởi, mẹ nhẹ nhàng giải thích là vì trước đây nhà mình ở nhà chung cư cũ, sau mua được mảnh đất này bố ưu tiên trồng ngay cây bưởi để lấy hoa và lá cho mẹ gội đầu. Ngày xưa cũng vì mê mùi thơm hoa bưởi trên tóc mẹ, mà bố theo đuổi mẹ bằng được. Vậy mà năm năm sau khi cây bưởi cho hoa thì bố lại không còn, mẹ phải tự mình hái hoa như ôn lại kỷ niệm xưa.
Trước khi về làm dâu nhà mình, con và ba má con cũng băn khoăn dữ lắm. Phần vì khí hậu ngoài Bắc mình khác xa trong Nam, phần vì sợ phong tục tập quán ngoài mình con không học hỏi kịp. Nhà mình lại là trưởng của cả dòng họ. Mà mẹ thì chỉ có mình chồng con là con trai, ba má con cũng có mình con là con gái. Nhưng suốt thời gian qua, con chưa từng chịu bất cứ áp lực nào từ mẹ, mọi thứ, mọi công việc mẹ cứ từ từ kiên nhẫn chỉ bảo con.
Dăm bữa nửa tháng tụi bạn con trong Nam lại điện ra hỏi thăm: " Nghe nói mẹ chồng ngoài Bắc khó tính dữ lắm", con cười phá lên. Gần 10 năm mà con chưa từng thấy mẹ cáu giận, chưa từng thấy mẹ la mắng con, chẳng phải do con đảm đang tháo vát mà ngược lại con dâu của mẹ rất vụng. Lúc nào mẹ cũng nhẹ nhàng: "Sai thì làm lại, ai chả có lúc sai...".
Đã từ lâu con không còn là con dâu của mẹ nữa thì phải, mà thành con gái mẹ. Mọi người trong nhà, kể cả chồng con có động đến vợ chút chút là mẹ đứng ra bảo vệ liền. Đến cả khi con sinh 2 nàng công chúa, áp lực nhiều lắm từ cả dòng họ, mẹ vẫn đứng ra chống đỡ, rồi vận động mọi người, an ủi động viên vợ chồng con an tâm công tác. Hai công chúa nhỏ được bà chăm sóc cẩn thận cứ mập mạp xinh xắn như hai củ khoai.
Cả nhà ta từ lâu đã quen gội đầu bằng hoa và lá bưởi, quen với mùi hương mát nồng nàn. Cây bưởi đã cao vót vươn qua cả ban công tầng 2, vẫn lặng lẽ ra hoa rồi kết trái. Những chùm hoa trắng muốt tinh khôi, mộc mạc giản dị có lần được mẹ khéo léo đem ướp trà thơm phức. Tình cảm của mẹ dành cho chúng con cũng mộc mạc và tinh khiết như vậy. Mỗi năm lại một lần hoa bưởi nở rụng trắng sân, con lại thấy tóc mẹ bạc thêm một chút, vẫn dáng mẹ lom khom lặng lẽ hái hoa.
Theo VNE
Hương bưởi tháng ba Giữa cái ồn ào náo nhiệt của Hà Nội hoa bưởi vẫn thoang thoảng đâu đây xua tan đi cái ẩm ướt khó chịu những ngày mưa phùn. Cứ tầm giữa tháng ba, khi hoa sưa rụng trắng vỉa hè Hà Nội là lúc hương hoa bưởi lại phảng phất đâu đây. Hoa bưởi không rực rỡ, không ngào ngạt nhưng thoang thoảng,...