Dị án: Vò đầu bứt tai với vụ tranh chấp…tổ ong rừng!
Ở nơi đây, quan tòa thường xuyên phải xét xử những vụ án “vô tiền khoáng hậu” đòi hỏi phải có kỹ năng nghề nghiệp và cả cái tâm với đồng bào… Chim trời, cá nước thì khó có thể nói là sở hữu của ai. Thế nhưng đồng bào huyện miền núi Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) lại không nghĩ như vậy. Thế nên mới có những vụ án hài hước nhu nhìn thấy tổ ong rừng, hai anh thợ sơn tràng đều nhận là của mình, “tự xử” không được thì họ kéo nhau đến tòa án huyện đòi giải quyết. Với những tình huống mà có đọc đỏ cả mắt cũng không thấy luật quy định như thế này, thẩm phán thụ lý vụ án cũng phải vò đầu bứt tóc kêu trời.
Một tổ ong, hai người nhận
Đầu đuôi câu chuyện như sau, hai người dân ở bản Lương Năng (xã Hóa Sơn) cùng vào rừng tìm mật ong. Người thứ nhất thấy tổ ong mật to tướng liền mừng thầm, nhưng không đánh dấu mà đi tiếp. Đến chiều chàng trai quay lại định thu hoạch thì đã thấy có một người cùng bản đang chuẩn bị dụng cụ phá tổ. Hai người lời qua tiếng lại không ai nhường ai, họ dắt nhau lên gặp trưởng bản nhờ phân xử. Trưởng bản cũng chẳng biết giải quyết tình huống này ra sao nên mời cán bộ tòa án huyện đứng ra giải quyết.
Trước vụ án này, do tài sản tranh chấp là đối tượng có lẽ lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tư pháp: Chiếc tổ ong; vụ án lại không hề có một nhân chứng nào nên cán bộ tòa án cũng phải “thở dài sườn sượt” lắc đầu bởi không biết xử lý thế nào. Thế nhưng không xử cũng không được, vì cả trăm dân bản biết chuyện đều kỳ vọng trông đợi vào sự cân bằng của cán bộ. Họ đưa ra lý lẽ: “Cán bộ là người Nhà nước thì việc gì cũng xử lý được hết”.
Video đang HOT
ảnh minh họa
Thẩm phán Đinh Lâm Xướng (tòa án nhân dân huyện Minh Hóa, một trong những người phân xử vụ việc nêu trên) nhớ lại, trong trường hợp này, Bộ luật dân sự đã quy định có thể áp dụng luật tục. Lại mày mò hỏi các già làng, người cao niên và được họ tham vấn: “Hai người cùng nhìn thấy nhưng hễ ai “Nêu” (làm dấu) trước thì tổ ong thuộc về người đó. Nhìn thấy trước nhưng không “Nêu” thì coi như không có quyền sở hữu”. Vậy là trong phiên phân xử, các cán bộ Tòa án vừa viện dẫn được luật, vừa viện dẫn được lệ, xử cho chiếc tổ ong là tài sản của của người đến sau; người thấy trước do không đánh dấu nên đã mặc nhiên coi như từ bỏ quyền sở hữu. Nghe cán bộ nói có lý, người thua cuộc cuối cùng cũng gục gặc cái đầu: “Ừ, cái cán bộ nói như thế thì tao ưng cái bụng. Tao không đòi lại tổ ong nữa”.
Đòi lấy máy cưa cắt đôi nhà gỗ khi ly hôn
Một vụ án khác tại địa phương này cũng không kém phần kỳ quặc là vụ vợ chồng nhà nọ không được lòng nhau nên kéo nhau đến tòa án nhờ xử ly hôn. Chẳng hiểu họ ghét bỏ nhau đến mức nào mà lúc phân chia tài sản, cả hai đều “môn ra môn, khoai ra khoai” đòi lấy chiếc cưa cắt đôi ngôi nhà gỗ 3 gian đang sinh sống. Có lẽ khắp Bắc chí Nam, chưa nơi đâu người dân lại thực thi pháp luật một cách “thiệt lòng” đến vậy, nghe mang máng quy định vợ chồng ly hôn được chia đôi tài sản nên hễ có cái gì đáng giá đều được chia làm hai.
Câu chuyện do thẩm phán Xướng kể xảy ra ở thôn Cổ Liêm (xã Tân Hóa) cách đây khoảng 4 năm. Bản hồ sơ viết tay lưu tại TAND huyện ghi rõ: “Anh Đinh Văn H và chị Cao Thị H cùng ngụ thôn Cổ Liêm nhờ Tòa lấy máy cắt đôi ba gian nhà gỗ đang sinh sống, là tài sản do vợ chồng tích cóp tạo dựng. Trước đó, vợ chồng đã chia sạch sành sanh từ hạt thóc gạo đến cái chén bát, đôi đũa.
Người đời bảo “thương nhau lắm cắn nhau đau”, có lẽ là câu chuyện không đến mức căng thẳng như vậy, nhưng bởi cả vợ lẫn chồng đều không ai chịu xuống nước nhường nhịn nhau. Ai cũng khăng khăng thỏa mãn cơn giận mà mất khôn, đòi phá nhà theo kiểu ” Tới đâu thì tới, nhà mình không ở được thì nó cũng không ở được”( trích lời chị vợ tại phiên tòa hòa giải bất thành).
Vụ ly hôn tưởng chừng đơn giản bỗng trở nên khó khăn muôn phần. Nếu đáp ứng nguyện vọng ” phá nhà” của vợ chồng này thì tòa án đã vi phạm pháp luật khi làm mất đi chức năng sử dụng của ngôi nhà.
Cán bộ thôn cùng thẩm phán Đinh Lâm Xướng, thư ký Trần Thị Hồng Lê phải luân phiên đến thuyết phục đôi vợ chồng trẻ, nhờ người nhà và các bên can thiệp giúp đỡ. Người chồng lúc này tỏ ra bất hợp tác với ván bộ, hỏi gì cũng trả lời bằng ngôn ngữ dân bản địa nhằm làm khó cán bộ dù chồng nói tiếng Kinh rất giỏi. Thẩm phán Xướng nhớ lại: ” Nghe vậy ai nấy trong đoàn đều bức xúc trước thái độ của đương sự, nhưng mình khuyên mọi người: chúng ta phải làm thuyết phục sao cho người dân hoàn toàn nể phục thì lúc đó họ mới chấp nhân xử theo pháp luật”. Cả đoàn phải thêm nhiều ngày nhẫn nhịn khi một số đối tượng trong bản được người chồng xúi giục đã gây gổ, hằm hè cán bộ trong lúc đi thu thập chứng cứ.
Bất chấp nguy hiểm, các cán bộ tòa án vẫn kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, người chồng suốt ngày chè chén này cũng đồng ý nhận khoản tiền bồi thường do hai bên thỏa thuận và nhượng lại ngôi nhà cho vợ và hai con sinh sống. Kết quả ngôi nhà 3 gian được giữ lại nguyên vẹn, và bất ngờ hơn đôi vợ chồng kia sau một thời gian tòa xử ly hôn lại quay về sống với nhau “mặn nồng như ngày đầu”. Anh chồng có lần gặp cán bộ tòa án thì thẹn thùng: “Tao biết lỗi rồi. Tao sai rồi”. Chuyện vụ án ly hôn nghe có vẻ đơn giản nhưng cũng mất đến hơn tháng trời từ ngày thụ lý hồ sơ đến lúc xét xử.
Nhặt được tiền rơi thì… tạm thời đút túi
Trước lúc khách về xuôi, vị thẩm phán có biệt danh Xướng “xử bò” tranh thủ tiễn khách ra cổng. Anh dặn khách khi lên công tác ở địa bàn miền núi Quảng Bình, nếu chẳng may đánh rơi thứ gì phải lịch sự xin lại hoặc nhờ trưởng bản giúp đỡ bởi ở đây người ta quan niệm: “Ăn cắp thì phải trả lại, còn nếu nhặt được thì là của tôi, tôi có quyền không trả” nên lý lẽ, cãi vã đến mấy cũng không giải quyết được gì.
Thẩm phán Xướng chia sẻ câu chuyện cách đây 5 năm được anh khắc ghi thành bài học nghề nghiệp nhưng vì thấy nhỏ nhặt không tiện kể trong buổi làm việc. Anh thuật lại: “Có lần ông trưởng bản gọi tôi vào xử giúp vụ tranh chấp “phức tạp”. Hóa ra là chuyện hai người cùng đi trên đường, người đi sau nhặt được 600 ngàn đồng và cuốn hộ khẩu của người đi trước đánh rơi.
Dù chỉ cách nhau có vài mét và người đi trước phát hiện ra ngay, quay lại định nhặt nhưng người đi sau đã nhanh tay nhặt trước. Thậm chí hai người này còn quen biết nhau, nhưng xin xỏ mãi người nhặt quyết không trả vì cho rằng đó là thứ họ nhặt được, là “của trời cho”.
Sau khi trưởng bản gọi người và tang vật đến, theo thói quen vị thẩm phán hỏi người nhặt được của rằng: “Anh có đi học không?” và người này cho biết: “Có biết cái chữ đấy. Tao học đến lớp 4 đấy”. Anh Xướng cười: “Lúc này, tôi sực nhớ đến những lời cô giáo dạy hồi nhỏ nên mượn đó làm phương tiện phân xử.
Tôi bảo: “Có nhớ lời cô giáo dạy không, nhặt được của rơi phải trả lại cho người mất mới xứng đáng con cháu Bác Hồ”. Nghe vậy, người kia liền khoe rối rít: “Ừ, đúng rồi, tao mang họ Bác Hồ, là con cháu Bác Hồ” rồi tự nguyện trả lại tiền, cuốn sổ. Người ở đây là vậy đó, chỉ một câu nói nghe hợp tình hợp lý có thể giải quyết mọi việc”.
Trời xế chiều, chiếc ô tô khách uốn mình men dốc Cảng, dốc Lớn về xuôi. Thị trấn Quy Đạt, thủ phủ huyện Minh Hóa khuất dần sau ngọn núi. Những khối đá hình thù kỳ quái nơi đây nối tiếp nhau từng khiến du khách trầm trồ nể phục lại thấy “thật kỳ lạ” thì bây giờ đến Quảng Bình, người ta sẽ còn tự nhủ không kém phần kỳ lạ: “Có phải duy nhất nơi này có chuyện tòa án xét xử chuyện tranh chấp con bò, con lợn,…”
Theo Giáo Dục VN