ĐHĐCĐ trực tuyến hé lộ “tay chơi mới” ở Pjico
Dù nắm giữ lượng lớn cổ phần PGI từ năm 2017, song nhóm cổ đông này mới chỉ “ra mặt” một cách công khai tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên trực tuyến của Pjico (Mã CK: PGI) mới đây.
Toàn cảnh phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Pjico (Nguồn: PGI)
Tổng Công ty Cổ phẩn Bảo Hiểm Petrolimex (Pjico – Mã CK: PGI), hôm 8/6 vừa qua, đã tổ chức thành công phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2020 theo hình thức trực tuyến, trở thành một trong những doanh nghiệp niêm yết đi đầu về thực hiện chuyển đổi số trong công tác tổ chức ĐHĐCĐ.
Việc áp dụng giải pháp công nghệ đã giúp các cổ đông Pjico hiện thực được quyền cổ đông một cách thuận lợi, nhanh chóng và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Các tài liệu, thảo luận các nội dung được trực tuyến hóa tại đại hội đã giúp các cổ đông và cả những nhà đầu tư quan tâm được tiếp cận và theo dõi tiến trình đại hội một cách cụ thể và thuận tiện, bao gồm cả những nội dung quan trọng nhất như kiện toàn nhân sự thượng tầng.
Theo đó, tại ĐHĐCĐ vừa rồi, Pjico đã miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Kim Chang Soo và bà Nguyễn Minh Hường. Đồng thời, tiến hành bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024 bằng hình thức bỏ phiếu điện tử trên hệ thống Bvote.
Chân dung 3 ứng viên tranh “ghế” HĐQT Pjico
Dù chỉ có 2 “ghế”, song danh sách ứng cử vào HĐQT Pjico có tới 3 ứng viên, bao gồm: ông Lee Jae Hoon (SN 1969), bà Trương Diệu Linh (SN 1982) và ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1957).
Trong đó, ông Lee Jae Hoon và bà Trương Diệu Linh lần lượt là các ứng cử viên do Samsung Fire & Marine Insurance (viết tắt: SFMI) và Vietcombank đề cử. Cả SFMI và Vietcombank là các cổ đông lớn tại Pjico, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 20% và 8,029%.
Trước đó, các ứng cử viên do 2 cổ đông lớn này đề cử là ông Kim Chang Soo và bà Nguyễn Minh Hường đã trúng cử vào HĐQT PGI nhiệm kỳ 2019 – 2024. Vậy nên, việc SFMI và Vietcombank lần lượt đề cử ông Lee Jae Hoon và bà Trương Diệu Linh (thay thế cho ông Kim Chang Soo và bà Nguyễn Minh Hường) phần nào có thể hiểu là động thái “giữ ghế” tại thượng tầng của Pjico, nhằm đảm bảo tiếng nói và quyền lợi của hai cổ đông lớn tại doanh nghiệp thuộc tốp các công ty dẫn đầu thị phần bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.
Ứng viên còn lại, ông Nguyễn Văn Dũng, lại có phần khó định vị hơn, với một “profile” rất đáng chú ý.
Ông Nguyễn Văn Dũng (Ảnh: HNX)
Cụ thể, ông Dũng tốt nghiệp cử nhân (bằng tại chức) chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Viện Đại học mở Hà Nội, và tham gia chương trình thạc sỹ ngắn hạn tại đại học Thamasat của Thái Lan.
Giai đoạn 1974 – 1983, ông Dũng làm giáo viên của Trường Sỹ quan đặc công (Bộ Quốc phòng). Sau đó, ông chuyển công tác về Tổng Cục 5 (Bộ Công an). Từ năm 1990 đến 1997, ông Dũng làm Phó phòng Quan hệ Song phương tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tiếp đó, ông Dũng đảm nhiệm chức Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quan hệ Quốc tế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Từ năm 2003, ông Dũng đảm nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc tại Sở Giao Dịch Chứng khoán Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu kể từ ngày 1/7/2017.
Một câu hỏi nên đặt ra là, cựu lãnh đạo HNX đã về hưu này đại diện cho nhóm nào (?). Đề cử ứng viên ra tranh ghế, hẳn nhóm này hẳn đang rất khát khao có tiếng nói ở Pjico…
Video đang HOT
“Bóng dáng” VPS
Tài liệu cho thấy, nhóm đề cử ông Nguyễn Văn Dũng nắm giữ tổng cộng hơn 12,8 triệu cổ phiếu của Pjico, tương đương tỷ lệ sở hữu 14,516%, bao gồm 3 cá nhân là: ông Nguyễn Quý Lâm (SN 1964), bà Trần Thị Thu Trang (SN 1982) và bà Nguyễn Thị Thu Hồng (SN 1981).
Với tỷ lệ sở hữu ở Pjico lần lượt đạt 4,802%; 4,85% và 4,86%, họ thuộc diện cổ đông “gần lớn” , nên ít được thị trường để ý, dù đã vào Pjico được một số năm. Bà Hồng cho biết bắt đầu nắm giữ cổ phiếu PGI từ năm 2017, còn ông Lâm và bà Trang là từ năm 2018.
Nên biết, trong khoảng thời gian đó, Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare – Mã CK: VNR) đã miệt mài thoái hơn 6,2 triệu cổ phần (chiếm tỷ lệ 7,03%) tại Pjico. Việc thoái vốn này cơ bản hoàn tất vào tháng 11/2019.
Theo tìm hiểu của VietTimes, nhóm đề cử ông Dũng, dù hình thức là 3 nhà đầu tư cá nhân độc lập nhưng lại có nhiều mối liên quan. Thậm chí có thể cũng không quá lời nếu cho rằng họ chung một hệ, là đại diện ra mặt của một nhà đầu tư thực sự xứng tầm đằng sau.
Dữ liệu cho biết, ông Lâm, bà Hồng, bà Trang đã cùng một số cá nhân khác, đã tham gia sáng lập một loạt doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp lạ mà VietTimes từng đề cập .
Chẳng hạn, bà Nguyễn Thị Thu Hồng và ông Nguyễn Quý Lâm (cùng bà Trần Thị Bảo Ngọc, SN 1980) là các cổ đông sáng lập của CTCP Mua bán nợ Azura (Azura). Cập nhật đến tháng 12/2017, Azura có quy mô vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quý Lâm cùng ông Dương Thành Trung (SN 1980) góp vốn tại Công ty TNHH Hai thành viên Ataka (Ataka, tiền thân là Công ty TNHH MTV Ataka). Tính đến tháng 12/2018, Ataka có quy mô vốn 10 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Quý Lâm góp 9,8 tỷ đồng, sở hữu 98% vốn điều lệ.
Ngoài ra, ông Lâm cũng góp vốn cùng bà Nguyễn Hương Giang (SN 1985) tại Công ty TNHH Hakuba (Hakuba). Ông Dương Thành Trung còn đảm nhiệm vị trí Giám đốc của CTCP Azura.
Bà Trần Thị Thu Trang và bà Quách Mai Vân (SN 1986) là các cổ đông của Công ty TNHH Yamagata (Yamagata). Tính đến ngày 7/1/2019, doanh nghiệp này có quy mô vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Chỉ riêng trong năm 2019, các pháp nhân nêu trên đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, trong đó: CTCP Azura (10.000 tỷ đồng), Hakuba (2000 tỷ đồng), Yamagata (10.035 tỷ đồng) và Ataka (3.000 tỷ đồng). Nhiều doanh nghiệp trong số này nắm giữ một lượng lớn chứng chỉ tiền gửi của FE Credit.
CTCP Mua bán nợ Azura đăng ký trụ sở chính tại tầng 2, số 362 Phố Huế, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (Ảnh: H.B)
Theo tìm hiểu, ông Lâm, bà Hồng, bà Trang và các cộng sự của họ có nhiều mối liên hệ với Công ty cổ phần Chứng khoán VPS (VPS). Một số là nhân sự cơ hữu của VPS.
Có thể kể đến như bà Nguyễn Thị Thu Hồnglà Thành viên HĐQT, Giám đốc Trung tâm nguồn vốn và kinh doanh trái phiếu của VPS.
Trước khi gia nhập VPS, giai đoạn 2007 – 2010, bà Hồng từng làm chuyên viên tư vấn tài chính doanh nghiệp tại Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nhà Hà Nội (HBBS). Lưu ý, giai đoạn ấy, ông Nguyễn Lâm Dũng (SN 1977, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đương nhiệm ở VPS) cũng là lãnh đạo cấp cao của HBBS, với vai trò Phó Giám đốc, rồi Giám đốc. Sau khi ông Dũng chuyển qua VPBS (tên cũ của VPS) thì bà Hồng cũng có sự di chuyển khá đồng pha, chưa kể sự cộng tác tại Lộc Kim Sơn.
Tương tự, ông Nguyễn Quý Lâm cũng là nhân sự cấp cao của VPS với vai trò Giám đốc Khối. Hay bà Trần Thị Thu Trang cũng là nhân sự kỳ cựu tại bộ phận kế toán của một số thành viên và tham gia một số công ty (như Azura). Bà Quách Mai Vân là nhân sự của bộ phận truyền thông VPS. Còn ông Nguyễn Văn Dũng (người được đề cử vào HĐQT Pjico), được biết, cũng tham gia cố vấn cho VPS, sau ngày về hưu.
Cơ hội thâu tóm Pjico
Không kể Pjico, VPS vốn đã có sẵn một khoản đầu tư vào ngành bảo hiểm, với vị thế cổ đông lớn của CTCP Bảo hiểm Opes (Opes). Nhưng dẫu sao, OPES vẫn chỉ là một tân binh, nếu so với đại gia đầu top đầu như Pjico.
Mà Pjico lại đang trong giai đoạn chuyển mình.
Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cho phép được nắm giữ lâu dài 35,1% vốn điều lệ của Pjico. Tỷ lệ 35,1% thấp hơn rất nhiều so với con số 40,948% cổ phần mà Petrolimex đang nắm giữ.
Chưa kể khoản đầu tư vào công ty bảo hiểm như Pjico nhiều khả năng vẫn bị coi là lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đối với doanh nghiệp lĩnh vực xăng, dầu như Petrolimex. Do đó, không loại trừ khả năng tập đoàn này cũng phải có kế hoạch phải triệt thoái vốn khỏi Pjico để phù hợp với định hướng mà Chính phủ đề ra trước đó.
Nếu xảy ra kịch bản thoái lui (bắt buộc) của cổ đông Nhà nước tại Pjico, cơ hội sẽ mở ra cho các nhà đầu tư tư nhân. Với lượng cổ phần sẵn có, các nhóm cổ đông đương thời như nhóm VPS sẽ có động lực và cả lợi thế để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Pjico.
Trở lại với việc bỏ phiếu điện tử bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024 của Pjico tại phiên họp ĐHĐCĐ hôm 8/6 vừa qua. Kết quả bầu dồn phiếu cho thấy, ông Nguyễn Văn Dũng chỉ nhận được 31,4 triệu phiếu bầu, xếp sau các ứng viên của SFMI và Vietcombank, nên đã không trúng cử vào HĐQT Pjico.
Cần lưu ý rằng, với hơn 12,8 triệu cổ phiếu PGI, theo tính toán của VietTimes, nhóm cổ đông đề cử ông Nguyễn Văn Dũng sẽ có khoảng 25,6 triệu phiếu bầu. Như vậy, nếu nhóm cổ đông này bầu dồn phiếu hết cho ông Nguyễn Văn Dũng thì vẫn còn cách khá xa con số 31,4 triệu phiếu đã bầu. Do đó, nhiều khả năng tỷ lệ sở hữu của nhóm VPS tại Pjico chưa dừng lại ở mức 14,516%.
Cũng tại phiên họp ĐHĐCĐ, các cổ đông đã thông qua việc nới “room” ngoại tại Pjico lên 100%.
Năm 2019, Pjico đã nâng tỷ lệ đồng bảo hiểm cho 2 đội tàu bay lớn của Việt Nam là Vietjet Air và Bamboo Airway lên lần lượt là 15% và 20% qua đó khẳng định năng lực cung cấp dịch vụ bảo hiểm ngành hàng không của Pjico trên thị trường.
Ngoài ra, Pjico nhiều năm qua vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư nhằm thu xếp nguồn lực để xây dự án trụ sở Tower Pjico tại Hà Nội đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua từ năm 2014.
Được biết, năm 2017, Pijico đã chào bán riêng lẻ hơn 17,74 triệu cổ phần cho SFMI với giá 30.000 đồng/cổ phần, thu về hơn 532,3 tỷ đồng. Trong đó, Pjico dự kiến dành ra 300 tỷ đồng để đầu tư vào dự án bất động sản Tower Pjico.
Năm 2020, Pjico đặt mục tiêu tổng doanh thu là 3.468 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế không thấp hơn 180,8 tỷ đồng, mức cổ tức dự kiến chi trả là 12%.
Cơ cấu cổ đông của Pjico ngày càng cô đặc?
Để chuẩn bị cho phiên họp ĐHĐCĐ tổ chức vào ngày 8/6 vừa qua, Pijico đã gửi lời mời dự họp tới 1.890 cổ đông (sở hữu hơn 88,7 triệu cổ phần, tương ứng với 100% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành).
Biên bản họp cho thấy, phiên họp trực tuyến có 38 người tham gia, đại diện cho hơn 75,5 triệu cổ phần, chiếm 85,14% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Pijico.
Trước đó, ở phiên họp ĐHĐCĐ năm 2019, dù tổng số lượng cổ phần không đổi, Pijico đã mời tới 1.952 cổ đông tham dự. Phiên họp thu hút 62 người tham gia, đại diện cho hơn 73,5 triệu cổ phần, chiếm 82,924% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Cơ cấu cổ đông của Pijico, do vậy, dường như có xu hướng trở nên cô đặc hơn./.
PJICO (PGI) đặt mục tiêu lãi trước thuế hơn 180 tỷ đồng năm 2020, chủ trương nới room ngoại lên 100%
PJICO ước tính 6 tháng đầu năm sẽ lãi trước thuế hơn 93 tỷ đồng.
Ngày 8/6 tới đây Tổng Công ty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO - mã chứng khoán PGI) sẽ tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Hiện công ty đã công bố tài liệu trình Đại hội lần này.
Kết quả kinh doanh năm 2019
Theo báo cáo, năm 2019 tổng doanh thu đạt 3.665 tỷ đồng, tăng trưởng 3,8% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc đạt 3.048 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 200,6 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2018 và hoàn thành vượt 9% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 162,6 tỷ đồng.
Số liệu trên báo cáo thường niên năm 2020 thể hiện, tổng tài sản đến 31/12/2019 là 5.842 tỷ đồng, tăng 476 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là phân bổ tài sản cho hoạt động đầu tư ngắn hạn (47,8%) và tài sản tái bảo hiểm (23,1%). Nợ phải thu chiếm 9% tổng tài sản.
Phân phối lợi nhuận
Với kết quả đạt được, HĐQT công ty dự kiến trình Đại hội cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, trong đó dành hơn 115 tỷ đồng chia cổ tức tỷ lệ 13% thay cho mức tối thiếu 12% như kế hoạch.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020
Năm 2020 Việt Nam nói riêng và Thế giới nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đó, HĐQT công ty đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020, trong đó nhấn mạnh bối cảnh và kịch bản là dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, cơ quan chức năng công bố hết dịch trong quý 2/2020.
Kế hoạch cụ thể, doanh thu bảo hiểm gốc năm 2020 dự kiến giảm 5% so với năm 2019, đạt 2.901,5 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế dự kiến không thấp hơn 180,8 tỷ đồng, giảm 10% so với thực hiện năm 2019. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 12%.
Trường hợp dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến quý 3 và quý 4, HĐQT sẽ xem xét quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với thực tế và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh.
Lý giải cho nguyên nhân đặt kế hoạch doanh thu giảm sút, trong báo cáo, an lãnh đạo công ty cũng nhấn mạnh, nhu cầu đi lại, vận tải, tiêu dùng hàng hóa của người dân giảm mạnh, giá dầu lao dốc lần đầu tiên trong lịch sử về dưới 0USD/thùng... làm ảnh hưởng đến mảng bảo hiểm hàng hóa xăng dầu. Ước tính doanh thu mảng này giảm khoảng 20% so với kế hoạch năm 2019. Bên cạnh đó vận tải hành khách đình trệ, đặc biệt lĩnh vực hàng không cũng sẽ kéo theo doanh thu mảng bảo hiểm hàng không, bảo hiểm trong lĩnh vực vận chuyển, hàng hóa giảm mạnh.
Kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2020
Trước đó HĐQT PJICO đã thông qua báo cáo của Tổng Giám đốc công ty về tình hình hoạt động kinh doanh 5 tháng đầu năm 2020. Trong đó ước tính doanh thu bảo hiểm gốc 5 tháng đầu năm đạt 1.297 tỷ đòng, tăng trưởng 13,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 39% kế hoạch năm.
Ban lãnh đạo công ty cũng ước tính kết thúc quý 2/2020 doanh thu bảo hiểm gốc đạt khoảng 1.559 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ và hoàn thành 47% kế hoạch năm. Còn lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 93,3 tỷ đồng, hoàn thành 46% kế hoạch.
Chủ trương nới room ngoại lên 100%
HĐQT công ty cũng trình Đại hội cổ đông thông qua chủ trương nới room, nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Tổng công ty.
Hiện tại tỷ lệ sở hữu tối đa nhà đầu tư nước ngoài tại Pjico là 49%. Căn cứ quy định hiện hành, đồng thời nhằm tăng cường thanh khoản cổ phiếu PJICO trên thị trường, đảm bảo công bằng quyền lợi, lợi ích nhà đầu tư và các cổ đông, PJICO dự kiến nới room ngoại lên 100%.
Thu phí bảo hiểm gốc tăng gần 30% giúp PJICO đạt lợi nhuận 52,5 tỷ đồng quý I Đóng góp phần lớn vào lợi nhuận trước thuế của PJICO chủ yếu từ mảng bảo hiểm, đạt 52,5 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh minh họa. Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 với doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng mạnh 29% so với cùng...