ĐHCĐ thường niên Gelex: Dự kiến cung cấp giải pháp đồng bộ cho khách thuê bất động sản khu công nghiệp, hé lộ quý 1 lãi 214 tỷ đồng
Năm 2019 Gelex đặt mục tiêu lãi trước thuế 1.380 tỷ đồng.
Sáng nay 19/4, Tổng Công ty Thiết Bị điện Việt Nam (Gelex – mã chứng khoán GEX) tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 tại khách sạn Melia Hà Nội.
Đến 8h30ph có 44 cổ đông đại diện cho 307.569.909 cổ phiếu tương ứng 75,65% tống số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty dự họp. Đại hội đủ điều kiện tiến hành theo quy định.
Năm 2018 đạt mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận
Gelex vừa kết thúc năm 2018 với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Doanh thu cả năm đạt 13.699 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 1.283 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 942,4 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Theo báo cáo từ phía công ty, năm 2018 doanh thu công ty tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế tăng đột biến nhờ ghi nhận lợi nhuận từ việc bán vốn tại Kapple Land. Tuy nhiên, nếu loại bỏ phần lợi nhuận đột biến này, Gelex vẫn đạt mức tăng trưởng 34% so với cùng kỳ.
Một điểm đáng chú ý, dù cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng Gelex vẫn chưa hoàn thành kế hoạch đặt ra cho cả năm. Lý giải nguyên nhân này, ban lãnh đạo công ty cho biết, hồi đầu năm 2018 khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, công ty đã dự kiến sẽ hoàn tất việc mua chi phối cổ phần tại Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh – CTCP. Tuy nhiên dự định chưa hoàn thành do quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp này vẫn chưa xong.
Về cơ cấu doanh thu, doanh thu từ mảng thiết bị điện đạt 11.312 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ và đóng góp khoảng 82,6% tổng doanh thu. Lợi nhuận gộp từ mảng này mang lại 1.595 tỷ đồng.
Kế hoạch lãi trước thuế 1.380 tỷ đồng năm 2019
Năm 2019 Gelex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt khoảng 16.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.380 tỷ đồng.
HĐQT công ty cũng cho biết, năm 2019 công ty có nhiều dư địa phát triển. Dự án Điện mặt trời Ninh Thuận và nhà máy điện Canan 1 chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2019. Ngoài ra Tổng công ty cũng đang xúc tiến đầu tư các dự án nguồn phát điện mới bao gồm dự án điện gió Gelex 1,2,3 tại Quảng Trị, Dự án điện gió Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3 và dự án điện mặt trời Bình Phước…
Đối với mảng Bất động sản, ngoài việc quản lý, khai thác tối ưu những bất động sản hiện có, Gelex còn định hướng sẽ phát triển thêm lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp kèm đầu tư phát triển nhà ở xã hội, mở rộng lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Viglacera.
Video đang HOT
Quý 1 lãi trước thuế 214 tỷ đồng
Tại Đại hội, trả lời câu hỏi của một cổ đông, ban lãnh đạo công ty cho biết, quý 1/2019 doanh thu hợp nhất đạt 3.164 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 214 tỷ đồng.
Phần thảo luận tại đại hội
Đại hội cổ đông thường niên của Gelex đã diễn ra rất sôi động với nhiều câu hỏi quan tâm từ phía cổ đông.
Hỏi: Rủi ro về dòng tiền trong các thương vụ sáp nhập, M&A và đầu tư các dự án bất động sản của công ty trong năm 2019 và lâu dài thế nào? Hiện công ty đang vay nợ khá nhiều liệu có rủi ro cao?
Trả lời: Về mối quan ngại của cổ đông đối với dòng tiền, ban lãnh đạo công ty cho biết, hiện Gelex đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang cấu trúc Holding, trong đó tổng công ty làm nhiệm vụ quản lý vốn cho các công ty con, đồng thời tiến hành các hoạt động mua bán, sáp nhập M&A. Do vậy nếu nhìn vào mô hình tổ chức, dòng tiền sẽ được luân chuyển, xoay vần và tăng dần lên, lấy từ hoạt động này bù cho hoạt động khác để nâng dần sức khỏe dòng tiền. Công việc của Holding là điều tiết, phân kỳ dòng tiền, phân kỳ đầu tư để phù hợp với dòng tiền.
Hỏi: Công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận có hơi cẩn trọng?
Trả lời: Năm 2019 công ty đang dự trù một số chi phí tài chính cho các hoạt động M&A, ví dụ như việc mua chi phối cổ phần của Thiết bị điện Đông Anh. Do vậy công ty quyết định đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng và cam kết sẽ thực hiện được, tránh tình trạng như năm 2018.
Ban lãnh đạo Gelex cũng cho biết công ty đã xây dựng 6 nhà máy tại công ty con Cadivi, tăng công suất thêm 40% so với hiện tại, đồng thời đang tập trung sản xuất những sàn phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng cao, khả năng sinh lời cao…nên hoạt động kinh doanh của công ty đang phát triển rất ổn định.
Lãnh đạo Gelex cũng cho biết, năm 2018 công ty đã nỗ lực để mua chi phối cổ phần Thiết bị điện Đông Anh nhưng chưa thành công. Tuy nhiên, để dự phòng trường hợp khó khăn, nhà nước quyết thoái vốn ở giá cao, thương vụ M&A không thành, thì Gelex hiện đã mua chi phối tại một công ty cũng là công ty thiết bị điện tại Đông Anh. Doanh nghiệp này cũng đang sản xuất được các loại biến áp đáp ứng được yêu cầu của Gelex trong việc cung cấp toàn diện các loại thiết bị điện.
Hỏi: Những khó khăn về việc đấu nối tại nhà máy điện mặt trời Ninh Thuận? Công ty có những tính toán gì cho dự án này?
Trả lời: Hiện nhà máy điện mặt trời Ninh Thuận sẽ đi vào sử dụng từ tháng 4/2019. Và điểm đặc biệt là công ty đã ký được hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng điện tại nhà máy này trong vòng 20 năm tới, nên hoàn toàn không phải lo đầu ra cho dự án này.
Hỏi: Việc mua cổ phần Viglacera nhằm mục đích gì?
Trả lời: Hiện tại công ty đang nắm 24,9% cổ phần tại Viglacera. Và đây là một sự tính toán lâu dài, khi công ty đang cố gắng nhằm cung cấp các gói giải pháp toàn diện, đồng bộ cho khách hàng thuê khu công nghiệp.
Hỏi: Việc đầu tư xây dựng dự án khách sạn tại Trần Nguyên Hãn sẽ tiến hành ra sao?
Trả lời: Khu đất tại Trần Nguyên Hãn của công ty được xem là “đất kim cương” chứ không chỉ là đất vàng. Và công ty định hướng đầu tư xây dựng khách sạn luxury 5,6 sao nhằm giữ lại những mảnh đất tốt, những tài sản tốt cho công ty. Tuy nhiên, nếu cần thiết vẫn có hướng kêu gọi đầu tư dự án. Dự kiến dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 120 đến 140 triệu USD.
Đến 10h45, ban kiểm soát công bố có thêm 1 cổ đông đến dự, nâng tổng số cổ đông có mặt lên 45 người đại diện cho 76,15% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành.
Kết quả, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua tất cả các tờ trình gửi đến đại hội.
Nguyên Phương
Theo Trí thức trẻ
Quỹ đất lớn của các doanh nghiệp địa ốc đang nằm ở đâu?
Vinhomes, Nam Long phát triển các khu đô thị tại miền Bắc, miền Nam còn Novaland đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, TTC Land rót vào BĐS công nghiệp, Đất Xanh vẫn "trung thành" với dự án nhà ở trung, cao cấp.
Top 5 doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn
Đến hẹn lại lên, vấn đề mà phần lớn cổ đông quan tâm khi gặp lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản (BĐS) mùa họp đại hội cổ đông là việc sở hữu và tìm kiếm quỹ đất. Với ngành địa ốc, không có quỹ đất chẳng khác nào "đại bàng không cánh".
Khảo sát nhanh 12 doanh nghiệp niêm yết sàn chứng khoán cho thấy quỹ đất được các công ty chuẩn bị khá kỹ lưỡng, ở nhiều mức độ khác nhau. 5 doanh nghiệp có quỹ đất lớn nhất có Vinhomes, TTC Land, Novaland, Nam Long và Đất Xanh.
Đơn vị: ha
Công ty sở hữu quỹ đất lớn hàng đầu trong ngành là Vinhomes với 16.400 ha, theo số liệu cập nhật từ báo cáo của Chứng khoán Bản Việt tháng 6/2018.
TTC Land và Novaland cùng sở hữu quỹ đất vượt 1.000 ha. Trong khi Novaland có 2 dự án nghỉ dưỡng lớn 1.100 ha ở Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu thì TTC Land lại có 55% quỹ đất ở phân khúc BĐS công nghiệp.
Nam Long với 681 ha đất xây dựng nhà ở, ở vị trí thứ 4. Nếu chỉ chọn riêng quỹ đất phát triển bất động sản nhà ở, doanh nghiệp này xếp vị trí thứ hai chỉ sau Vinhomes. Một số công ty xây dựng nhà ở khác như Khang Điền, Phát Đạt, LDG... cũng có những quỹ đất tương đối lớn.
Khẩu vị đầu tư cho quỹ đất
Sử dụng quỹ đất của mình, Vinhomes và Nam Long cùng có mục tiêu xây dựng các khu đô thị diện tích hàng trăm ha.
Điểm nhấn trong chiến lược đầu tư của Vinhomes trong năm nay là chuỗi dự án VinCity ở hai đầu Hà Nội - TP HCM với các đại đô thị VinCity Ocean Park Gia Lâm (420 ha), VinCity Sportia (280 ha), VinCity Sài Đồng (300 ha), VinCity Grand Park (360 ha)...
Nam Long có quỹ đất đầu tư chủ yếu tại phía Nam như các dự án South Gate (Long An - 165 ha), Water Front City (Đồng Nai - 170 ha), giai đoạn 1 Waterpoint (Long An - 165 ha). Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng bắt đầu có dự án phát triển tại miền Bắc là Khu đô thị Nam Long - Hải Phòng (21 ha) và mới M&A khu đô thị Nam Long - Đại Phước (45 ha).
Với TTC Land, 58% quỹ đất hiện có tại tỉnh Tây Ninh, 16% ở Phú Quốc còn TP HCM là 12%. Doanh nghiệp định dùng 55% diện tích đất hiện có đầu tư cho BĐS khu công nghiệp, 24% dùng cho BĐS dân dụng, còn lại là các phân khúc khác. Năm 2019, BĐS dân dụng dự kiến đóng góp 92% doanh thu của công ty.
Cơ cấu quỹ đất theo tỉnh, thành và theo loại hình sản phẩm của TTC Land
Novaland đặt mục tiêu giai đoạn mới là đầu tư mạnh mẽ vào BĐS nghỉ dưỡng với 3 thương hiệu NovaWorld, NovaHills và NovaBearch. Mới đây, tập đoàn giới thiệu hai dự án nghỉ dưỡng 1.100 ha gồm NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận) và NovaWorld Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngoài ra trong năm nay, Novaland cũng sẽ giới thiệu dự án khu đô thị sinh thái.
Quỹ đất phát triển dự án của Đất Xanh lại trải dài khắp cả nước, từ Hà Nội vào tới Cần Thơ. Ngoài các dự án nhà ở, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, còn cho biết trong năm nay công ty sẽ có vài nghìn ha đất công nghiệp.
Khổng Chiêm
Theo cafef.vn
Các kênh đầu tư lời lỗ ra sao trong năm 2018 Chứng khoán và giá đôla biến động mạnh, những cơn 'sóng' đất dịch chuyển bất thường, còn giá vàng gần như không thay đổi trong một năm qua. Tìm kênh đầu tư với nguồn tiền nhàn rỗi thường là một bài toán không dễ giải quyết. Gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư bất động sản, mua vàng, mua đôla hay uỷ thác...