ĐHCĐ MB: ‘MB còn 10% room ngoại, kỳ vọng phát hành riêng lẻ giá 3x, 4x’
“MB có room 10% nước ngoài, chúng tôi kỳ vọng sẽ bán ít nhất giá 3x, đến 4x”, CEO MB nói, đồng thời cho biết MB không cần tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu, chỉ cần phát hành riêng lẻ cho đối tác là đủ vốn phát triển.
Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Tại phiên thảo luận, Tổng giám đốc Lưu Trung Thái cho biết trong 5 năm tới, sau khi bàn bạc với các cổ đông lớn, MB cần tăng vốn để đảm bảo tăng trưởng doanh thu 20 – 25%, dư nợ tín dụng tăng tối thiểu 15%. “Nếu được 20% càng tốt”, CEO MB nói.
Lãnh đạo MB cho hay, trong 5 năm tới, MB cần 1 năm tăng vốn riêng lẻ để đảm bảo vốn chủ sở hữu cho kế hoạch trên. Quan điểm của ban lãnh đạo MB là đảm bảo lợi ích cổ đông nhỏ, không pha loãng quá.
CEO Lê Trung Thái cho biết, năm nay MB có 2 cấu trúc tăng vốn, gồm trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ.
“MB có room 10% nước ngoài, chúng tôi kỳ vọng sẽ bán ít nhất giá 3x, đến 4x”, CEO MB nói, đồng thời cho biết MB không cần tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu, chỉ cần phát hành riêng lẻ cho đối tác là đủ vốn.
Về hoạt động của các công ty thành viên, lãnh đạo MB thông tin rằng lợi nhuận năm 2018 của các công ty thành viên đạt 715 tỷ, tăng gấp 8 lần năm ngoái. Riêng MCredit đạt 220 tỷ đồng lợi nhuận.
Năm 2019, MB giao chỉ tiêu 1.421 tỷ đồng đối với các công ty thành viên. Trong đó, bảo hiểm nhân thọ đặt mục tiêu hòa vốn năm nay, trong khi lợi nhuận mục tiêu của MCredit là 400 tỷ. Riêng với MCredit, lãnh đạo MB cho biết mục tiêu lớn nhất của công ty là mở rộng thị trường, kiểm soát chặt chẽ chi phí và nợ xấu để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận năm nay.
Về kế hoạch MB tái cơ cấu vốn tại MBS, phía MB cho biết đang tìm kiếm đối tác chiến lược.
“Ngân hàng không thoái vốn, vẫn giữ MBS là công ty thành viên, dự kiến sẽ có 1 cổ đông chiến lược”, CEO Lê Trung Thái cho biết. Ông cho hay tên và giá bán chưa thể tiết lộ do đang trong quá trình thuê tư vấn, định giá. “Hy vọng bán được giá cao”, CEO Lê Trung Thái bày tỏ.
Về các khoản phải thu, lãnh đạo MB chia sẻ rằng cổ đông không cần lo lắng về việc tăng lên của các khoản phải thu trong quý I/2019. Việc tăng này chỉ mang tính thời điểm. Các khoản phải thu này liên quan đến các dịch vụ liên quan tới MB (ví dụ Viettel Pay), hoàn toàn không liên quan đến các khoản tín dụng.
* * *
Tại đại hội, MB đã tiến hành bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2019 – 2024.
Kết quả, 11 ứng viên HĐQT và 4 ứng viên BKS do MB giới thiệu đã được đại hội thông qua.
11 thành viên HĐQT MB nhiệm kỳ 2019 – 2024 vừa được đại hội đồng cổ đông bầu bao gồm: ông Lê Hữu Đức, ông Lê Viết Hải, ông Kiều Đặng Hùng, bà Vũ Thái Huyền, bà Nguyễn Thị Ngọc, ông Đỗ Minh Phương, bà Vũ Thị Hải Phượng, ông Lưu Trung Thái, ông Ngô Minh Thuấn, bà Nguyễn Thị Thủy, ông Trần Trung Tín (thành viên HĐQT độc lập).
Video đang HOT
Nhiều thành viên HĐQT mới là thay thế người đại diện vốn của các cổ đông tổ chức tại MB.
Cụ thể, ông Kiều Đặng Hùng là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (trực thuộc Bộ Quốc Phòng, sở hữu 7,76% vốn điều lệ MB). Còn bà Vũ Thái Huyền là Trưởng Ban đầu tư 1 của SCIC – tổ chức đang sở hữu 9,74% vốn điều lệ MB.
Ông Đỗ Minh Phương hiện là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Viettel trực thuộc Bộ Quốc Phòng, hiện sở hữu 14,61% vốn điều lệ MB.
Đại diện cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (trực thuộc Bộ Quốc Phòng, sở hữu 7,45% vốn điều lệ MB), Tổng giám đốc Ngô Minh Thuấn ứng cử vào HĐQT mới của MB.
4 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019 – 2024 gồm: ông Đỗ Văn Hưng, bà Lê Thị Lợi, bà Đỗ Thị Tuyết Mai, bà Phạm Thu Ngọc.
* * *
Tại đại hội, ban lãnh đạo MB đã trình tờ trình về việc thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 21.604 tỷ đồng lên 25.840 tỷ đồng.
Theo tờ trình, quá trình tăng vốn (thêm 4.236 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 20%) được chia làm 2 đợt.
Đợt 1 gồm 2 cấu phần. Đầu tiên là tăng vốn điều lệ thêm 1.690 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của năm 2018 với tỷ lệ 8% trên vốn điều lệ; dự kiến thực hiện trong quý II, quý III/2019. Tiếp đó là tăng vốn điều lệ thêm 432 tỷ đồng thông qua phát hành cho cán bộ nhân viên (tương đương 2% vốn điều lệ) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; dự kiến trong quý II, quý III/2019.
Đợt 2, MB sẽ tăng vốn điều lệ thông qua chào bán riêng lẻ 258 triệu cổ phiếu, tương ứng 10% vốn điều lệ sau khi tăng vốn đợt 2. Trong đó, ngân hàng này sẽ phát hành riêng lẻ mới 211 triệu cổ phiếu và bán lại 47 triệu cổ phiếu quỹ do MB đang nắm giữ.
Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiêu chuẩn, điều kiện lựa chọn và danh sách đối tượng chào bán cụ thể do HĐQT MB quyết định.
Giá chào bán là giá thỏa thuận trên cơ sở tham khảo giá thị trường nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách và mệnh giá cổ phiếu. MB trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định giá chào bán cho từng đối tác cụ thể trên cơ sở phương án hợp tác với MB.
Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III, quý IV/2019. Thời gian thực hiện cụ thể sẽ do HĐQT MB quyết định trên cơ sở Giấy phép/Chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và điều kiện thị trường phù hợp.
Trong trường hợp việc lựa chọn đối tác để bán cổ phần phổ thông chưa phù hợp với MB, HĐQT ngân hàng này đề xuất được nghiên cứu và đàm phán các phương án khác, như: tăng vốn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc tăng vốn một phần thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, một phần phát hành trái phiếu chuyển đổi. Sau khi có phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi cụ thể, HĐQT MB cho biết sẽ báo cáo/xin ý kiến đại hội đồng cổ đông theo quy định.
4.236 tỷ đồng vốn điều lệ dự kiến tăng thêm sẽ được MB đầu tư xây dựng trụ sở hoạt động, văn phòng chi nhánh, đầu tư công nghệ và trang thiết bị khác cần thiết cho hoạt động ổn định và phát triển của ngân hàng.
Trên cơ sở vốn điều lệ mới, MB trình kế hoạch lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9.560 tỷ đồng cho năm 2019, tăng 23% so với năm ngoái.
Tổng tài sản kế hoạch tăng 11% lên 402.606 tỷ đồng; huy động tiền gửi khách hàng tăng 12% lên 269.396 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 15% lên 246.036 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tối đa 2%.
Cổ tức cho năm 2019 dự kiến có tổng tỷ lệ 14%.
Đối với năm 2018, MB trình kế hoạch trả cổ tức tổng tỷ lệ 14%, trong đó 6% bằng tiền mặt (đã tạm ứng trong tháng 4/2019) và 8% bằng cổ phiếu.
Thanh Long
Theo vietnamfinance.vn
"Ông lớn" Vietcombank và Techcombank của ông Hồ Hùng Anh khuynh đảo ngành ngân hàng
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 12 ngân hàng công bố báo cái tài chính quý I.2019 với tổng lợi nhuận trước thuế trên 19.300 tỷ đồng (bao gồm cả con số ước tính của Vietinbank). Trong đó, lợi nhuận của Vietcombank và Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh chiếm vị trí quán quân và thứ hai trong ngành ngân hàng.
Thống kê lợi nhuận của 12 ngân hàng tính tới thời điểm hiện tại bao gồm: Techcombank, Sacombank, VPbank, MBbank, Seabank, NCB, LienVietpostbank, Vietbank, TPbank, VIB, KienLongBank và "ông lớn" ngân hàng quốc doanh Vietcombank.
Về chỉ tiêu lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, trong 12 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I vừa qua, "ông lớn" ngân hàng quốc doanh Vietcombank tiếp tục dẫn đầu với 7.384 tỷ đồng.
Về vị trí thứ 2 với hơn 4.900 tỷ là ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) của ông Ngô Chí Dũng. Tiếp đến là ngân hàng Quân đội (MBB) với 3.389 tỷ đồng lợi nhuận thuần.
Hai cái tên tiếp theo trong Top 5 lợi nhuận thuần tính tới thời điểm hiện tại của ngành ngân hàng là Techcombank của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh và Sacombank của ông Dương Công Minh.
Nếu xét về giá trị tương đối, trong số 12 ngân hàng, có 4 ngân hàng giảm tốc, còn lại 8 ngân hàng tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, 2/5 ngân hàng thuộc TOP 5 lợi nhuận thuần kể giảm tốc trong quý I.2019 so với cùng kỳ đó là Techcombank và VPbank.
Ngân hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong kỳ về chỉ tiêu lợi nhuận thuần là Sacombank với mức tăng trưởng tới 155% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng tín dụng tiếp tục là trụ cột và là lực đẩy chính của Sacombank khi đem về 2.458 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong quý vừa qua, tăng tới 47% so với quý I.2018. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp mảng tín dụng (đo bằng thu nhập lãi thuần/thu nhập lãi) tăng mạnh lên mức 33,4%, từ mức 27,6% của cùng kỳ năm ngoái.
"Ông lớn" ngân hàng quốc doanh, quán quân lợi nhuận năm 2018 trong kỳ cũng tăng nhẹ 2,6% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro.
12 ngân hàng, tổng lợi nhuận Vietcombank và Techcombank chiếm quá nửa
Dẫn đầu ngành về lợi nhuận thuần, sau khi trừ đi trích lập dự phòng rủi ro, Vietcombank vẫn tiếp tục dẫn đầu về cả chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế với giá trị lần lượt là 5.878 tỷ đồng và 4.710 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ.
Ông lớn Vietcombank có kết quả tích cực bởi mảng tín dụng của ngân hàng đã có đà tăng ấn tượng với 8.498 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 37%. Đặc biệt, biên lợi nhuận mảng tín dụng đo bằng thu nhập lãi thuần/thu nhập lãi, tăng mạnh từ 48,7% quý I.2018 lên 52,8% quý I.2019.
Mảng dịch vụ và ngoại hối lần lượt đem về 1.069 tỷ đồng và 928 tỷ đồng lãi thuần cho Vietcombank trong quý vừa qua, tăng 21% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù chưa có báo cáo tài chính, song chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 vừa qua, đại diện Vietinbank cho biết, quý I.2019, Vietinbank đạt khoảng 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và tăng trưởng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau Vietcombank, Vietinbank sẽ là ngân hàng tiếp theo có mức lợi nhuận cao trong quý này.
VPbank, Techcombank và MBbank hiện đang là những ngân hàng có sự xáo trộn lớn về chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế.
Trong 3 ngân hàng kể trên, VPbank có mức lợi nhuận thuần từ HĐKD cao nhất nhưng sau trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của VPbank chỉ còn 1.782 tỷ đồng, giảm tới 32% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, ngân hàng Quân đội (MBB) có mức lợi nhuận thuần trên 3.300 tỷ đồng cao hơn hẳn so với con số hơn 2.700 tỷ của Techcombank song lợi nhuận trước và sau thuế của MBB bị bỏ lại phía sau với kết quả mà Techcombank của ông Hồ Hùng Anh có được.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 2.617 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế hơn 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước và sau thuế của MBB lần lượt là 2.424 tỷ đồng và 1.932 tỷ đồng.
Trong kỳ này, Sacombank của ông Dương Công Minh cũng có kết quả kinh doanh tích cực với mức tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ và gia nhập vào "câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ" của ngành trong quý I.2019.
Như vậy, trong 12 ngân hàng được thống kê lợi nhuận (không tính con số ước tính của Vietinbank), lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế và tổng lợi nhuận sau thuế của 12 ngân hàng này lần lượt đạt trên 23.000 tỷ, 16.200 tỷ đồng và 13.000 tỷ đồng.
Xét về tỷ trọng, lợi nhận sau thuế của Vietcombank đang chiếm tỷ trọng 36% trong tổng số lợi nhuận sau thuế của 12 ngân hàng được thống kê. Ngang ngửa và chiếm từ 15% đến 16% là kết quả lợi nhuận sau thuế của Techcombank của ông Hồ Hùng Anh và MBB.
Lợi nhuận sau thuế của VPbank chiếm 11% trong tổng số 13.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của 12 ngân hàng này.
Như vậy, 2 ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trước và sau thuế là Vietcombank và Techcombank của ông Hồ Hùng Anh đã vượt qua tổng lợi nhuận của 10 ngân hàng cộng lại bao gồm: Sacombank, VPbank, MBbank, Seabank, NCB, LienVietpostbank, Vietbank, TPbank, VIB và KienLongBank.
Theo danviet.vn
Giao dịch ảm đạm, VN-Index mất gần 3 điểm với thanh khoản giảm sút Trong phiên sáng nay, các Bluechips như DHG, FPT, REE, VJC, VHM, MWG, BID tăng khá tốt, nhưng không đủ cân bằng đà giảm của PNJ, POW, PLX, VRE, VNM, VIC, MSN, SAB, GAS, BVH...cùng các cổ phiếu ngân hàng CTG, MBB, VPB, HDB, TCB, TPB... Phiên giao dịch buổi sáng diễn ra khá ảm đạm khi thị trường chỉ biến động trong...