ĐH Oxford thử thành công vắcxin ngừa corona trên khỉ
Trong cuộc đua tìm kiếm vắcxin ngừa COVID-19 toàn cầu, các nhà khoa học ĐH Oxford vừa bứt phá với thành công trong thử nghiệm vắcxin trên loài khỉ rất gần với con người.
Bà Elisa Granato tiêm vắcxin trong chương trình thử nghiêm lâm sàng đầu tiên tại Anh – Ảnh: ĐH OXFORD
Theo đài CBS, việc thử nghiệm vắcxin được gọi tên là “ChAdOx1 nCoV-19″ trên người của ĐH Oxford cũng đang được tiến hành và các nhà khoa học thuộc dự án này cho biết họ rất hi vọng một vắcxin khả dụng có thể được sản xuất rộng rãi vào tháng 9 năm nay.
Có được sự bứt phá mạnh mẽ này chính là bởi nhóm nghiên cứu đã sở hữu công nghệ bào chế vắcxin từng được phát triển trong nghiên cứu trước đây với các loại virus khác, trong đó có một virus “họ hàng” với virus gây đại dịch COVID-19.
Bà Sarah Gilbert, giáo sư ngành vắc-xin học tại ĐH Oxford, nói: “Về quan điểm cá nhân, tôi rất tự tin về vắcxin này, vì đó là công nghệ tôi đã dùng trước đây”.
Loại vắcxin này lấy vật chất di truyền của virus corona chủng mới bơm vào một virus cảm lạnh đã được trung hòa để không thể lây bệnh cho người. Loại virus được chỉnh sửa này sẽ bắt chước virus gây bệnh COVID-19, kích hoạt hệ miễn dịch để tấn công lại virus corona “giả mạo”, giúp cơ thể sản sinh kháng thể chống lại virus corona thật.
Video đang HOT
Loại vắcxin này đã được chứng minh phát huy tác dụng, bảo vệ 6 con khỉ loài rhesus macaque trong thí nghiệm đã phơi nhiễm với lượng virus corona rất lớn.
Trong thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành với vắcxin ChAdOx1 nCoV-19, 550 người tham gia được dùng vắcxin, 550 người khác không dùng.
“Có cảm tưởng như cuối cùng tôi có thể làm được gì đó…”, nhà khoa học và cũng là một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng vắcxin ChAdOx1 nCoV-19, bà Elisa Granato, chia sẻ. “Đây là cách để tôi có thể đóng góp vào một việc có ý nghĩa”.
Để không lãng phí thời gian, nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới đặt tại Ấn Độ, sẽ bắt đầu sản xuất hàng triệu liều vắcxin do nhóm khoa học ở ĐH Oxford phát triển từ tháng tới, ngay khi chúng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm tại Anh.
Theo báo South China Morning Post, Viện Serum Ấn Độ ngày 28-4 thông báo đã có kế hoạch năm nay sản xuất tới 60 triệu liều vắcxin ChAdOx1 nCoV-19 do ĐH Oxford phát triển.
6 vắcxin ngừa corona đang thử nghiệm lâm sàng
Theo hãng tin Sputnik, tuần trước Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo hiện có tổng cộng 6 vắcxin ngừa COVID-19 đã bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người và 77 loại vắcxin khác vẫn đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau.
Cũng theo Sputnik, hãng dược SinoVac của Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một vắcxin của họ trên 144 người sau khi nhận thấy loại vắcxin này có thể hỗ trợ điều trị những khỉ rhesus macaque bị nhiễm corona chủng mới.
D. KIM THOA
Việt Nam và Anh hợp tác thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19
Việt Nam và đơn vị nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh, đang phối hợp đánh giá tính an toàn và hiệu quả trong việc dùng thuốc chloroquine điều trị Covid-19.
Nghiên cứu được Bộ Y tế Việt Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp thực hiện trong bối cảnh Covid-19 đã lan khắp toàn cầu và cần khẩn trương tìm phương pháp điều trị, theo thông cáo của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam hôm nay.
"Nếu nghiên cứu này chứng minh chloroquine là một phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả, nó có thể được triển khai để điều trị cho hàng triệu người khắp thế giới ở mọi mức thu nhập, với chi phí hợp lý", Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU), cho biết.
Chloroquine được người Đức bào chế vào những năm 1930. Thuốc khởi đầu được dùng điều trị bệnh sốt rét nhưng đã có những chỉ định điều trị mới khi các tính chất mới được phát hiện trong quá trình sử dụng. Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam, chloroquine còn được dùng điều trị các bệnh khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ.
Đại sứ Anh tại Việt NamGareth Ward nhận định phương pháp điều trị Covid-19 bằng chloroquine có thể giúp làm chậm đại dịch toàn cầu và giảm thời gian chữa trị tại bệnh viện.
Đại sứ Anh tại Việt NamGareth Ward. Ảnh: Đại sứ Anh tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Khoa học Công nghệ - Đào tạo, cho biết Bộ Y tế Việt Nam cho đây là hướng đi, cách tiếp cận phù hợp nhằm tìm ra phương pháp mới, thuốc mới để điều trị Covid-19.
OUCRU là đơn vị có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam. Cơ sở này đã thực hiện các nghiên cứu về kháng kháng sinh, sốt rét, sốt xuất huyết và bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc từng sử dụng chloroquine điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, một số nước cũng đã ngừng do tác dụng phụ của thuốc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã gỡ bỏ khỏi trang web hướng dẫn về cách kê toa hydroxychloroquine và chloroquine để trị nCoV.
Tính đến ngày 28/4, Anh ghi nhận hơn 157.000 ca nhiễm và hơn 21.000 người chết do nCoV, trong khi số ca nhiễm ở Việt Nam là 270, không có ca tử vong. Covid-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn ba triệu người nhiễm và hơn 210.000 người tử vong.
Ngọc Ánh
Ấn Độ bắt đầu sản xuất vaccine ngừa Covid-19 từ tháng 5 Ấn Độ vừa công bố kế hoạch sản xuất vaccine ngừa Covid-19, cam kết cho ra sản phẩm trong tháng 5 với giá khoảng 1.000 rupee (khoảng 13 USD)/liều. Viện Serum, một công ty dược Ấn Độ có trụ sở tại thành phố Pune, bang Maharashtra vừa công bố kế hoạch sản xuất vaccine điều trị Covid-19, và cam kết cho ra sản...