Deutsche Bank công bố lợi nhuận hàng quý cao nhất kể từ 2014
Lợi nhuận của Deutsche Bank trong quý 1/2021 đạt 908 triệu euro, trong khi doanh thu toàn cầu ở mức trên 7 tỷ euro, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020, đều vượt dự kiến của các nhà phân tích.
Một chi nhánh ngân hàng Deutsche Bank tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank thông báo đạt lợi nhuận hàng quý ở mức cao nhất trong bảy năm trong quý 1/2021, nhờ các khoản tiết kiệm từ hoạt động tái cơ cấu và đà tăng trưởng tích cực của mảng đầu tư.
Cụ thể, lợi nhuận của Deutsche Bank trong quý 1/2021 đạt 908 triệu euro (hơn 1 tỷ USD), trong khi doanh thu toàn cầu ở mức trên 7 tỷ euro, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020, đều vượt dự kiến của các nhà phân tích. Với doanh thu tăng 32%, ngân hàng đầu tư là mảng đóng góp cao nhất cho kết quả kinh doanh của Deutsche Bank.
Theo Deutsche Bank, lợi nhuận của các mảng khác như bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp và quản lý tài sản cũng gia tăng, một phần nhờ kỷ luật nghiêm ngặt về chi phí.
Giám đốc điều hành Deutsche Bank, Christian Sewing, dự kiến doanh thu năm nay sẽ gần bằng mức của năm 2020.
Hồi tháng Ba, Deutsche Bank thông báo tăng 29% tiền thưởng trong năm 2020 bất chấp những cảnh báo từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc kiểm soát các khoản thanh toán trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm suy yếu nền kinh tế.
Video đang HOT
Deutsche Bank sẽ chi khoảng 1,9 tỷ euro (2,3 tỷ USD) để thưởng cho nhân viên trong năm 2020, sau khi ngân hàng này công bố đạt lợi nhuận ròng đầu tiên trong sáu năm, ở mức 113 triệu euro, nhờ hiệu quả kinh doanh từ mảng ngân hàng đầu tư.
Trong báo cáo tài chính hàng năm, Deutsche Bank cho biết, số tiền thưởng cao hơn là do “hiệu quả tài chính được cải thiện đáng kể” và nhu cầu giữ lại “người tài.”
Cùng ngày, ngân hàng Lloyds của Anh công bố lợi nhuận ròng gia tăng trong quý 1/2021, nhờ tổn thất tín dụng thấp hơn dự kiến và đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Lloyds tăng lên 1,4 tỷ bảng Anh (1,9 tỷ USD), cao hơn nhiều so với mức lợi nhuận sau thuế 480 triệu bảng Anh trong quý 1/2021.
Hoạt động kinh doanh của Lloyds vẫn phụ thuộc vào tình hình kinh tế của nước Anh, giữa bối cảnh ngân hàng bán lẻ là mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng này.
Giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm của Lloyds, Antonio Horta-Osorio, lưu ý đại dịch COVID-19 tiếp tục có tác động đáng kể đến các doanh nghiệp tại Anh nói riêng và các nước trên toàn thế giới nói chung.
Theo ông Horta-Osorio, bất chấp những dấu hiệu tích cực với sự mở rộng của chương trình tiêm chủng, triển vọng vẫn còn thiếu chắc chắn.
Hồi năm 2019, lợi nhuận ròng của Lloyds giảm 38% do vụ bê bối bán sai bảo hiểm bảo vệ thanh toán (PPI). Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Lloyds đã giảm gần 2,46 tỷ bảng Anh (hơn 3 tỷ USD) trong năm 2019, so với con số gần 4 tỷ bảng của năm 2018.
Năm 2019, ngân hàng này đã phải bỏ ra khoảng 2,5 tỷ bảng, gần tương đương mức lợi nhuận ròng đạt được, để chi trả cho những sai sót liên quan việc bán sai bảo hiểm PPI.
PPI đã gây tranh cãi sau khi có thông tin tiết lộ rằng nhiều khách hàng được bán loại bảo hiểm này mà không biết rằng chi phí được tính thêm vào khoản nợ của mình. Chính quyền Anh sau đó cũng đã cấm bán đồng thời cả PPI và các sản phẩm tín dụng.
Khoản lỗ của các ngân hàng 'dính' đến quỹ Archegos lên tới 10 tỷ USD
Sau vụ việc xảy ra với Archegos, giới chức Mỹ đang xem xét các quy định chặt chẽ hơn, trong khi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ đang tìm cách tăng tính minh bạch cho các công cụ phái sinh.
Ngân hàng Nomura Holdings Inc của Nhật Bản. (Nguồn: Bloomberg)
Khoản lỗ của các ngân hàng toàn cầu liên quan đến sự sụp đổ quỹ đầu cơ Archegos Capital Management của doanh nhân Bill Hwang đã lên tới 10 tỷ USD sau khi Nomura Holdings Inc. và UBS Group AG tiết lộ số tiền thiệt hại trị giá hơn 3,7 tỷ USD.
Ngân hàng của Nhật Bản, Nomura Holdings Inc. đã ghi nhận khoản lỗ khoảng 245,7 tỷ yen (2,3 tỷ USD) trong ba tháng kết thúc vào ngày 31/3, khiến ngân hàng này ghi nhận mức lỗ hàng quý lớn nhất kể từ năm 2009. Trong khi đó, UBS Group AG báo lỗ khoảng 861 triệu USD.
Hai ngân hàng trên nằm trong số những ngân hàng thua lỗ lớn nhất do sự sụp đổ nhanh chóng của Archegos sau khi các ngân hàng như Goldman Sachs và Morgan Stanley buộc công ty của ông Hwang phải bán hàng tỷ USD cổ phiếu đang nắm giữ do sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Nomura là ngân hàng chịu thiệt hại lớn thứ hai sau khi Credit Suisse Group AG báo lỗ khoảng 5,5 tỷ USD. UBS nằm ở vị trí thứ tư, chỉ sau Morgan Stanley, vốn gây bất ngờ cho các nhà đầu tư và nhà phân tích với việc báo lỗ 911 triệu USD hồi đầu tháng.
Deutsche Bank, JPMorgan Chase & Co., và Citigroup Inc. nằm trong số các ngân hàng hạn chế được thua lỗ, còn Goldman Sachs và Wells Fargo gần như tránh được các thiệt hại.
Sau vụ việc xảy ra với Archegos, giới chức Mỹ đang xem xét các quy định chặt chẽ hơn, trong khi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ đang tìm cách tăng tính minh bạch cho các công cụ phái sinh đã "đánh chìm" Archegos.
Archegos đã mua các công cụ phái sinh được gọi là hợp đồng trao đổi tổng lợi tức (Total Return Swap), cho phép các nhà đầu tư đặt cược vào biến động giá cổ phiếu mà không cần sở hữu chúng. Quỹ dùng tài sản thế chấp để giao dịch chứng khoán thay vì mua chúng bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, Archegos đã không thể đáp ứng yêu cầu về việc gia tăng các tài sản thế chấp nhằm đảm bảo cho các giao dịch hoán đổi vốn mà các ngân hàng trên đã tài trợ một phần.
Theo nguồn tin không công bố danh tính, các lệnh giao dịch của Archegos sử dụng rất nhiều đòn bẩy tài chính. Công ty có khối tài sản chỉ khoảng 10 tỷ USD nhưng nắm giữ tổng lượng giao dịch trị giá hơn 50 tỷ USD.
Tỷ giá ngoại tệ ngày 17/3: Mỹ bơm tiền, USD tăng giá USD tiếp tục tăng trong bối cảnh gói kích thích tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD sớm được triển khai. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 91,88 điểm, tăng 0,05%. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm...