Dệt may Hoàng Thị Loan sắp lên UPCoM với định giá 19.600 đồng/cổ phiếu
Ngày 27/12, cổ phiếu HLT của Dệt may Hoàng Thị Loan sẽ được giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 19.600 đồng/cổ phiếu.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho CTCP Dệt may Hoàng Thị Loan ( Halotexco) được đăng ký giao dịch 3,36 triệu cổ phiếu trên UPCoM với mã chứng khoán HLT.
Ngày giao dịch đầu tiên là 27/12 với giá tham chiếu 19.600 đồng/cổ phiếu.
Dệt may Hoàng Thị Loan sắp giao dịch trên UPCoM.
Dệt may Hoàng Thị Loan tiền thân được thành lập từ việc sáp nhập 2 doanh nghiệp là nhà máy sợi Vinh – nhà máy thành viên của Công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) và Công ty Dệt kim Hoàng Thị Loan – nguyên là doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh Nghệ An.
Tháng 11/2005, Công ty tiến hành cổ phần hóa, đến cuối năm 2005 công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 16 tỷ đồng. Lần gần đây nhất tháng 1/2013, Công ty tiến hành tăng vốn điều lệ lên 33,6 tỷ đồng như hiện nay.
Đến thời điểm 20/7, Dệt may Hoàng Thị Loan có 1 cổ đông lớn duy nhất là công ty mẹ – Tổng CTCP Dệt may Hà Nội đang sở hữu 75,58% vốn.
Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là sản xuất các sản phẩm kéo sợi, dệt, các mặt hàng thời trang nam nữ và quần áo trẻ em. Trong đó mảng kinh doanh sợi mang lại doanh thu và lợi nhuận chính của công ty.
Về hoạt động kinh doanh, kết thúc năm 2018, Công ty ghi nhận tổng sản lượng sợi quy chuẩn các loại đạt 17.986 tấn; doanh thu đạt 938 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 25,1 triệu USD; tổng lợi nhuận thực hiện hơn 10 tỷ đồng.
Video đang HOT
Lũy kế 9 tháng năm 2019, doanh thu thuần Công ty đạt gần 688 tỷ đồng, lãi trước thuế vỏn vẹn hơn 208 triệu đồng, trong khi kế hoạch lên đến 15 tỷ đồng.
Theo Công ty, lợi nhuận khó mà đạt được trong năm 2019 vì ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh thương mại, trong đó ngành sợi có ảnh hưởng tiêu cực bởi khách hàng lớn của Công ty là đối tác Trung Quốc, dẫn đến doanh thu có chiều hướng giảm, chi phí sản xuất cao hơn do nguồn nguyên liệu tăng giá.
Cho năm 2020, Công ty sẽ tăng vốn điều lệ lên hơn 55 tỷ đồng, doanh thu thuần đề ra gần 921 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 15 tỷ đồng và cổ tức dự kiến 15-20%.
Hồi cuối tháng 6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt gần 450 triệu đồng đối với Dệt may Hoàng Thị Loan, trong đó Công ty bị phạt 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch chứng khoán.
Anh Nhi
Theo Vietnamdaily.net.vn
Những cổ phiếu một thời...: VSP - Con tàu mắc cạn
Những khó khăn của thị trường vận tải biển từ sau khủng hoảng kinh tế 2008 đến nay, đã đẩy CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VPS) vào tình cảnh hết sức khó khăn. Thậm chí, những nỗ lực tái cơ cấu không hiệu quả đã góp phần đẩy doanh nghiệp mắc cạn trên... đống nợ xấu.
Sóng tăng ấn tượng
VSP được thành lập và đi vào hoạt động tháng 8-2002, với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin, trụ sở chính đặt tại Hà Nội. Cuối năm 2003, VSP chuyển trụ sở chính vào TPHCM. VSP là doanh nghiệp đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), niêm yết trên TTCK.
VSP chào sàn HNX trong phiên giao dịch ngày 26-12-2006 và chốt phiên ở mức 70.000 đồng/CP. Trong đợt tăng trưởng nóng của TTCK năm 2007, VSP tạo nên đỉnh giá lịch sử là 315.000 đồng/CP. Tuy nhiên, sóng tăng ấn tượng nhất của VSP lại diễn ra trong thời điểm TTCK điều chỉnh mạnh năm 2008. Tính từ ngày 11-6-2008 đến ngày 26-8-2008, tăng từ 34.900 đồng/CP lên 237.700 đồng/CP (tương đương mức tăng lên đến 581%).
Đợt tăng giá ngược dòng thị trường này diễn ra trong thời điểm huy hoàng nhất của VSP, với vị thế là một công ty thuộc tập đoàn nhà nước lớn, có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng rất mạnh suốt từ năm 2006. Đơn cử là kết quả kinh doanh (KQKD) 6 tháng đầu năm 2008 đạt 203 tỷ đồng (tăng gấp 50 lần so với cùng kỳ 2007). Thời điểm đó, VSP là doanh nghiệp niêm yết có EPS (lợi nhuận trên cổ phần) cao nhất TTCK với 18.000 đồng/CP. Với KQKD ấn tượng trên, VSP trở thành mã CP hấp dẫn nhất trên TTCK.
Sức nóng của VSP còn thể hiện qua khả năng huy động vốn mà ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng khó lòng làm được. Đầu năm 2008, VSP đã dễ dàng huy động được 1.200 tỷ đồng (gấp 10 lần vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2007) từ phát hành CP cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược. Một trong những NĐT đã rót vốn lớn vào VSP trong đợt phát hành này là IPA Group. Nguồn vốn mới này được VSP rót vào các hoạt động đầu tư mua sắm tàu mới, và đầu tư vào lĩnh vực trái ngành là bất động sản.
Bất ngờ sụp đổ
Tuy nhiên, ngay khi đang trên đỉnh cao huy hoàng, VSP bất ngờ công bố KQKD quý IV-2008 với lợi nhuận âm 58,1 tỷ đồng. Theo giải trình của HĐQT, nguyên nhân thua lỗ là do KQKD không tốt của công ty con trong bối cảnh ngành vận tải biển gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Từ giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đến nay, vận tải biển thế giới vẫn ở giai đoạn khủng hoảng, cung lớn hơn cầu, chỉ số cước hàng khô (BDI) vẫn ở mức rất thấp. Thời điểm đỉnh cao, chỉ số BDI đạt ngưỡng 11.700 điểm, nhưng đến nay dao động khoảng 1.000 điểm, có lúc rớt xuống 400 - 500 điểm.
Đơn cử là giá cước vận chuyển than từ Indonesia về Việt Nam thời điểm vận tải biển khó khăn nhất năm 2016 là 5-6 USD/tấn, đến năm 2018 tăng lên 9 USD/tấn, nhưng hiện tại chỉ còn 6 USD/tấn. Mặt hàng xi măng từ Việt Nam đi Philippines năm 2016 là 12 USD/tấn, năm 2018 đạt ngưỡng 17 USD/tấn, hiện chỉ còn 11 USD/tấn.
Thực trạng đó khiến các doanh nghiệp vận tải biển vẫn gặp rất nhiều khó khăn, cả trong việc cho thuê tàu. Đơn cử là giá cho thuê 3 con tàu tải trọng hơn 60.000 tấn mà VSP sở hữu, giảm từ 85.000USD/ngày vào tháng 5-2008 xuống còn khoảng 30.000 USD/ngày vào cuối năm 2008. KQKD quý IV-2008 được xem là dấu mốc hành trình lao dốc của VSP ở những năm kế tiếp.
Cuối tháng 3-2016, HĐQT của VSP đã công bố quyết định tạm dừng hoạt động sau hơn 5 năm cố gắng khắc phục không thành. Nguyên nhân là do hậu quả tài chính để lại quá nặng nề cùng với bộ máy điều hành hoạt động ngày càng mỏng và dần thiếu tính hợp tác, phối hợp hoạt động để xử lý tái cơ cấu công ty. Chán nản trước tình cảnh khó khăn, nhiều thành viên HĐQT đã có văn bản từ bỏ và xin từ chức từ năm 2015.
Bên cạnh đó, việc Cục Thuế TPHCM đã có quyết định cưỡng chế do nợ thuế 159,5 tỷ đồng nên VSP không thể tiếp tục duy trì hoạt động và quyết định tạm dừng hoạt động từ ngày 1-4-2016. Quyết định cũng đề cập khả năng VSP phải thực hiện phá sản vì bị các chủ nợ kiện do không trả được nợ.
"Con tàu ma"
Thời điểm huy hoàng nhất của mình, HĐQT của VSP ấp ủ kế hoạch chuyển niêm yết từ HNX lên HOSE nhằm nâng cao giá trị CP, tăng cường khả năng huy động vốn để phục vụ cho các tham vọng lớn hơn. Tuy nhiên, biến động bất ngờ của thị trường vận tải biển kể từ cuối năm 2008, khiến cho kế hoạch chuyển sàn của VSP diễn ra theo hướng ngược lại.
Đầu năm 2012, đứng trước khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 3 năm liên tiếp, lãnh đạo VSP đã chủ động lên kế hoạch hủy niêm yết trên sàn HNX để chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM. Từ CP được nhiều NĐT ưa chuộng và mệnh danh là "ông hoàng" của HNX với mức giá lên đến 315.000 đồng/CP, nhưng đến thời điểm hủy niêm yết, mã CP này chỉ còn giao dịch ở mức 1.800 đồng/CP.
Ngày 6-7-2012, VSP niêm yết trở lại trên UPCoM với giá tham chiếu 2.000 đồng/CP. Quá khứ huy hoàng trên HNX đã giúp cho VSP có được những phiên giao dịch khởi sắc trên UPCoM và có thời điểm VSP tăng vượt mốc 4.000 đồng/CP (tương đương mức tăng 100%). Tuy nhiên, sau những đợt tăng ngắn ngủi này là những chuỗi giao dịch sụt giảm và có thời điểm mã CP này giảm xuống chỉ còn 600 đồng/CP.
Đặc biệt, VSP luôn nằm trong nhóm CP cảnh báo của HNX, thậm chí nhiều NĐT còn ví von mã CP này là "con tàu ma" với những khoản nợ khổng lồ và những kế hoạch đầy hoang tưởng. Cụ thể, tại ĐHCĐ thường niên năm 2013, HĐQT của VSP bất ngờ công bố tờ trình kế hoạch sản xuất kinh doanh với những con số gây sốc.
Cụ thể, doanh thu dự kiến đạt 1.950 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.810 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu thuần đạt xấp xỉ 93%. Đến cuối năm 2013, lỗ lũy kế của VPS lên đến 3.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 1.800 tỷ trong khi tổng các khoản nợ phải trả lên đến 2.700 tỷ đồng.
Rồi việc gì đến cũng sẽ đến, ngày 6-4-2016, VSP chính thức hủy niêm yết trên UPCoM, chấm dứt "triều đại" từng một thời làm mưa làm gió trên TTCK.
Trong nỗ lực tái cơ cấu, các giải pháp mà HĐQT của VSP đưa ra cũng chỉ là bán tài sản, bán cổ phần và lấn sân sang lĩnh vực bất động sản chứ không đến từ sự điều chỉnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Kim Giang
Theo saigondautu.com.vn
Vinafor của bầu Hiển đưa 350 triệu cổ phiếu niêm yết trên HNX sau lần lỡ hẹn Vinafor sắp chính thức đưa 350 triệu cổ phiếu VIF niêm yết trên sàn HNX sau gần 3 năm giao dịch tại UPCoM. Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) với mã chứng khoán VIF. Vinafor được...