‘Dẹp vỉa hè không trừ cơ quan, tổ chức nào dân mới đồng tình’
“Nhiều địa phương có những cách làm rất tốt, rất sáng tạo hỗ trợ cho người dân song song với việc thiết lập lại trật tự ở vỉa hè, lòng đường. Có địa phương có cơ chế hỗ trợ tạo việc làm cho người dân, có địa phương quy định một số tuyến phố, tuyến đường, lập chợ cho người dân vào đó bán sản phẩm của địa phương hay gia đình”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (3.4), báo chí đặt câu hỏi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Thời gian vừa qua, chính quyền một số thành phố lớn đã tiến hành xử lý các trường hợp lấn chiếm và dọn dẹp vỉa hè, trả lại không gian cho người đi bộ. Tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập như ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nguy cơ tái diễn lấn chiếm vỉa hè, nhiều nơi người dân phải tự chế bậc tam cấp để vào nhà. Xin cho biết quan điểm của Người phát ngôn Chính phủ về vấn đề này? Chính phủ có biện pháp gì để cân bằng giữa quản lý giao thông đô thị và bảo đảm sinh kế cho người dân?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời báo chí về cuộc chiến giành lại vỉa hè, lòng được được triển khai 2 tháng qua.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: Vừa qua báo chí quan tâm đến việc TP.HCM quyết liệt giành vỉa hè cho người đi bộ. Chúng ta đều biết quản lý vỉa hè là trách nhiệm của chính quyền các cấp, trong đó có chính quyền tỉnh, TP, xã, phường, thị trấn…
“Chủ trương này không phải bây giờ mới làm mà đã làm nhiều năm, nhưng khi vừa giải toả xong thì lại tái lấn chiếm. Nên quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng cũng như công điện của Bộ trưởng Bộ Công an gửi các tỉnh, thành phố là các địa phương phải thực hiện đồng bộ và quyết liệt. Đây là chiến dịch cần tập trung cao độ, và hiện nay không chỉ TP.HCM hay Hà Nội thực hiện mà đã lan toả ra nhiều thành phố lớn, địa phương khác trên cả nước”, người phát ngôn Chính phủ cho hay.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đánh giá, trong thời gian khá ngắn gần 2 tháng qua, từ khi chiến dịch được triển khai, kết quả mang lại đến nay được người dân đánh giá cao.
Video đang HOT
“Chúng ta có thể thấy những phần vi phạm, phần xây dựng cơi nới ra vỉa hè, việc bán hàng rong trên lòng lề đường đã về đúng vị trí, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, trả lại lòng đường để lưu thông”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Câu hỏi đặt ra là song song với việc thực hiện kỷ cương, chính quyền quan tâm đến đời sống của dân thế nào? Bộ trưởng cho rằng cần phải nhất quán việc thực hiện kỷ cương, duy trì việc dẹp lòng lề đường, không để tái diễn việc lấn chiếm lòng lề đường.
Bộ trưởng cho biết, nhiều địa phương có những cách làm rất tốt, rất sáng tạo. Có địa phương có cơ chế hỗ trợ tạo việc làm cho người dân, có địa phương quy định một số tuyến phố, tuyến đường, lập chợ cho người dân vào đó bán sản phẩm của địa phương hay gia đình từ mớ rau, quả trứng, con gà; có địa phương quy định giờ bán ăn sáng, giờ bán ăn tối trên một số tuyến đường, phố…
“Như vậy, việc duy trì kỷ cương lập lại trật tự hè phố vẫn đảm bảo cuộc sống, hoạt động của người dân bình thường”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và nói thêm: “Như báo chí đặt vấn đề chiến dịch này cũng đã phá đi các công trình ảnh hưởng cảnh quan, tôi cho rằng không có gì ảnh hưởng cảnh quan cả. Lòng lề đường là địa điểm công cộng, các hộ cá nhân xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường đều phải phá dỡ, không loại trừ cơ quan, tổ chức nào, như vậy người dân mới đồng tình”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng chốt lại: Ví dụ như xây bậc tam cấp hay công trình nào đó, trước đây không phá bỏ được nhưng giờ kiên quyết làm nghiêm, nhận thức này đã lan toả đến người dân và giờ người dân tự giác dọn dẹp vỉa hè, lề đường cho chính quyền quản lý. Việc này đã có tính lan toả, rất hiệu quả. Chúng ta cương quyết không để lấn chiếm lại vỉa hè, tạo văn minh cảnh quan đô thị TP xanh, sạch, đẹp hơn.
Theo Danviet
Hậu dẹp vỉa hè, thuê ki ốt chung cư thu nhập thấp đắt hơn nhà mặt phố
Một tháng sau khi chiến dịch dẹp vỉa hè ở Hà Nội nhiều cửa hàng mặt đường không còn chỗ để xe khiến cho giá thuê mặt bằng đi xuống. Ngược lại các ki ốt ở các khu chung cư giá rẻ lại đang là nơi được nhiều người để mắt tới.
Nhà mặt phố giảm giá thuê
"Dẹp loạn vỉa hè' cho người đi bộ đang được nhiều người dân hưởng ứng và chấp hành một cách nghiêm túc, thậm chí nhiều người tự tay đập phá những công trình do mình xây dựng lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên nhiều cửa hàng nằm ở các con phố lớn như Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng,... và nhiều tuyến phố lớn khác đang gặp nhiều khó khăn bởi vỉa hè nhỏ hẹp. Có những nơi bề ngang của vỉa hè không đủ để dựng xe máy.
Nhiều cửa hàng ở các phố lớn nhưng có vỉa hè nhỏ, hẹp đang loay hoay tìm chỗ để xe '"hậu dẹp loạn vỉa hè". Chính vì vậy mà giá cả cho thuê cửa hàng cũng đang có chiều hướng đi xuống. Ảnh Chí Duy
Các cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, xử phạt khiến nhiều chủ cửa hàng khốn đốn vì không thể sắp xếp được chỗ để xe cho khách hàng. Ghi nhận của PV tại nhiều tuyến phố có đặc thù vỉa hè nhỏ hẹp cho thấy giá thuê cửa hàng mặt bằng chung đã giảm từ một tới hai triệu so với trước đây.
Anh Nguyễn Xuân Trường chủ cửa hàng thời trang trên phố Tây Sơn cho biết: "Hiện tại cửa hàng của tôi đang rất khó khăn trong việc sắp xếp chỗ gửi xe cho khách, bề ngang vỉa hè chưa đầy một mét chỉ dựng được một xe máy là hết diện tích trước cửa hàng. Tới giờ đông khách cửa hàng của tôi thường có trên dưới 10 chiếc xe máy nên nhiều lúc tôi rất khó khăn trong việc sắp xếp chỗ để xe. Hiện tại cửa hàng tôi đang tìm thuê thêm nhân viên trông xe để dắt xe khách sang chỗ vỉa hè rộng gần gò đống đa trông tạm những lúc đông khách".
Cùng chung nỗi lo lắng với anh Trường: "Vỉa hè chỗ cửa hàng tôi vốn dĩ đã hẹp, những khi đông khách đôi khi phải xếp xe lấn một chút lòng đường nhưng chỉ khoảng 20cm nên cũng không ảnh hưởng nhiều. Nhưng giờ không làm thế được nữa, chủ trương của chính phủ, của cả nước thì tôi cũng chấp nhận và ủng hộ. Tuy nhiên giờ chúng tôi phải thêm chi phí trông xe, gửi xe ở bãi xe gần đó cho khách nên đang thương lượng với chủ nhà giảm giá thuê nhà" chị Quỳnh chủ cửa hàng túi xách trên phố Chùa Bộc nói.
Chủ một cửa hàng đang đăng biển cho thuê mặt bằng trên phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Hai Bà Trưng) cho biết: Trước đây giá thuê cửa hàng của tôi là 16 triệu cho 15m2 và một gác xép nhỏ phía trên, vỉa hè rộng 1m nên cũng có chỗ để xe, tuy nhiên gần đây cơ quan chức năng đang quyết liệt đòi lại vỉa hè cho người đi bộ nên nhiều người cũng đắn đo việc thuê mặt bằng ở các con phố lớn. Chính vì thế mà cửa hàng của tôi treo biển cho thuê mặt bằng gần một tháng nay rồi nhưng chưa cho thuê được, cũng có người qua xem nhưng họ đều trả giá thấp hơn giá tôi mong muốn với lý do vỉa hè hẹp".
Thuê ki ốt chung cư giá đắt hơn nhà mặt phố
Trong vai một người đang cần thuê mặt bằng để kinh doanh PV tìm đến những khu chung cư giá rẻ như HH Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) để hỏi thuê ki ốt. Một chủ cửa hàng tạp hoá ở khu HH1 Linh Đàm cho biết: "Tôi mới thuê được mặt căn ki ốt này với giá 18 triệu đồng một tháng, mặc dù địa điểm này không được ưng ý cho lắm vì nằm khuất trong góc. Tuy nhiên nếu muốn thuê những căn có vị trí đẹp giá phải trên 20 triệu, thậm chí căn góc có hai mặt tiền có giá từ 30 đến 40 triệu một tháng tuỳ vào hướng của căn đó".
Trái ngược với các cửa hàng ở mặt phố, các ki ốt ở chung cư có lợi thế không bị ảnh hưởng bởi chiến dịch dẹp vỉa hè. Ảnh Chí Duy
Vị này cũng cho biết thêm những căn góc nằm giữa hai khu HH1 và HH2, HH1 và HH4 là có giá cho thuê cao nhất bởi khu vực này nhiều người qua lại, gần chợ nên giá bị đẩy lên cao gấp đôi so với những căn khác. "Tôi cũng định thuê mặt bằng trên các tuyến phố đông đúc nhưng gần đây các cơ quan chức năng dẹp vỉa hè gay gắt quá nên tôi chuyển hướng tới các khu chung cư, diện tích cũng không chênh lệch nhau là bao. Hơn nữa thuê ở đây không lo việc dẹp vỉa hè vì vỉa hè thuộc ban quản lí toà nhà".
Tương tự HH Linh Đàm khu đô thị Kim Văn Kim Lũ cũng có giá cho thuê mặt bằng dao động từ 20 đến 30 triệu cho một ki ốt để kinh doanh.
Việc "dẹp loạn vỉa hè" ở các thành phố lớn trên toàn quốc là cần thiết bởi việc lấn chiếm vỉa hè đã diễn ra từ lâu và nhiều người coi đó là việc hiển nhiên. Tuy nhiên việc dẹp vỉa hè cũng đang có những tác động tới thị trường bất động sản thuê và cho thuê mặt bằng kinh doanh. Trong khi những tuyến phố có vỉa hè nhỏ hẹp giá thuê giảm xuống thì những tuyến phố có vỉa hè rộng, ki ốt khu chung cư và phố cổ lại tăng giá một cách đáng kể.
Theo Gia An (Vietnammoi/PL.XH)
Nha Trang tháo dỡ nhiều công trình chiếm vỉa hè Nhiều xe máy, biển hiệu quảng cáo, chậu cây, bậc tam cấp... lấn chiếm vỉa hè ở Nha Trang đều bị chính quyền thu giữ, phá bỏ. Sáng 1/4, đoàn kiểm tra liên ngành TP Nha Trang (Khánh Hòa) bắt đầu ra quân chấn chỉnh lòng lề đường, chiếm vỉa hè ở các khu vực trung tâm, trả lại không gian thông thoáng...