Dẹp loạn mê hồn trận phí tàu, phí cảng
Các doanh nghiệp đang phải trả các khoản phụ phí cảng biển, phí tàu ở mức rất cao và vô lý.
Ngành da giày tốn trên 110 triệu USD mỗi năm cho các loại phụ phí khi xuất khẩu, theo thống kê của Hiệp hội Da giày Việt Nam. Con số này gần bằng 1% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành này. Đã vậy, các loại phụ phí này lại tăng khoảng 20% mỗi năm, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của ngành da giày.
Tương tự, các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, thủy sản cũng nhiều lần phản ứng với các loại phí vận tải biển, phí cảng. Ba ngành xuất khẩu chủ lực này dùng gần 40% số container trên cả nước để xuất hàng đi.
Ấm ức vẫn phải đóng tiền
Hiệp hội Dệt may Việt Nam mới đây đã phản ánh với Bộ GTVT về việc các công ty trong ngành phải trả các khoản phụ phí ở mức rất cao, vô lý và cần phải xóa bỏ. Đơn cử là phí mất cân bằng vỏ container (Container Imbalance Charge – CIC – CIS). Loại phí này lẽ ra chỉ có thể thu vào mùa cao điểm, khi mất cân bằng về vận chuyển container rỗng (do Việt Nam nhập nhiều – xuất ít) nhưng các hãng tàu đã thu liên tục quanh năm.
Bà Phạm Kiều Oanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty May Nhà Bè, cho biết: “Khi nhận thông báo trả phí để nhận hàng thì DN mới té ngửa với các loại phụ phí cộng thêm. Nếu phản ứng với hãng tàu mà không đi đóng tiền thì khỏi nhận hàng. Không nhận hàng thì lấy nguyên vật liệu đâu mà sản xuất nên ấm ức mà vẫn phải đóng tiền để đi lấy hàng”.
Với loại phụ phí vệ sinh container, chủ tàu đưa ra lý do container bị bẩn khi đóng hàng hoặc do công nhân, máy móc bốc xếp gây bẩn. Tuy nhiên, nhiều loại hàng sạch như dệt may, da giày vẫn phải nộp phí vệ sinh này với mức giá rất cao, khoảng 2,5 triệu đồng/container.
Bộ GTVT cũng đã liệt kê và phân tích một số loại phí khiến các DN bức xúc. Ví dụ các chủ tàu thường lợi dụng hiện tượng tắc nghẽn tại cảng để kéo dài thời gian thu phụ phí tắc nghẽn hàng hóa ngay cả khi hết tắc nghẽn. Ngoài ra, hàng chục loại phụ phí khác như “ mê hồn trận” khiến DN choáng váng. Điển hình như phụ cước hàng siêu trọng, phụ cước vận tải mùa đông, phụ cước vận tải mùa cao điểm, phụ cước sửa đổi vận đơn…
Loại phụ phí thao tác container tại cảng (THC) cũng khiến các DN phản ứng rất nhiều. “DN bức xúc khi phải trả cho hãng tàu 90-110 USD/container 20 feet và 120-145 USD/container 40 feet, trong khi hãng tàu chỉ phải trả cho cảng khoảng 40% số tiền trên” – đại diện Bộ GTVT cho biết.
Video đang HOT
Gánh nặng phí, phụ phí đang đè nặng các doanh nghiệp khi xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: HTD
Bắt tay nhau để không bị ép
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TP.HCM, cho hay hiện nay có khoảng 80% công ty dệt may là nhỏ, xuất hàng lẻ.
“Chính vì vậy, hiệp hội sẽ tổ chức cho các đơn vị này chia sẻ thông tin về các loại phí cảng biển, phí tàu để họ biết đang bị các hãng tàu “chặt” những loại phí nào, giá bao nhiêu. Từ đó để có thể rút kinh nghiệm trong đàm phán với các hãng tàu và có thể liên kết với nhau” – bà Mai nói.
Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cũng cho rằng DN nên liên kết với nhau để đàm phán về giá. Bởi hiện nay các DN nhỏ, xuất hàng lẻ nên không thể tự chọn và không đàm phán được với hãng tàu. Điều này có nghĩa là các DN phải lệ thuộc vào các hãng tàu và bên giao nhận.
“Do đó, các hiệp hội nên hỗ trợ DN trong ngành, tạo đầu mối, gom hàng lại để xuất đi, bán buôn chứ không bán lẻ. Có như vậy mới có tư thế đàm phán tốt hơn với hãng tàu” – ông Việt gợi ý.
Phải công khai, minh bạch
Bộ GTVT đã chủ trì xây dựng dự thảo nghị định quy định việc niêm yết phí, phụ phí dịch vụ vận chuyển bằng đường biển và giá dịch vụ cảng. Dự thảo này nhận được sự ủng hộ của các hiệp hội, DN.
Theo đó, không chỉ làm rõ tên gọi và chi tiết của các loại phí, dự thảo này bắt buộc các hãng tàu phải niêm yết giá, công khai giá thì mới được thu phí và phải thu đúng giá. Trường hợp tăng giá thì chỉ áp dụng sau 15 ngày niêm yết. Bởi theo Bộ GTVT, nhiều lúc cùng một khoản thu nhưng được các hãng tàu thu dưới các tên gọi phụ cước khác nhau chỉ với một mục đích cuối cùng là… tận thu.
Bình luận về biện pháp này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: “Giải pháp trên sẽ giúp các công ty xuất nhập khẩu dễ dàng hơn trong việc lựa chọn hãng tàu có chất lượng dịch vụ cao, minh bạch cũng như chủ động được các kế hoạch sản xuất, kinh doanh và chính sách phát triển hàng hóa”.
Tuy vậy, VASEP cho rằng trong dự thảo nghị định chưa có nội dung quy định xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá. Do đó hiệp hội này kiến nghị bổ sung nội dung quy định xử lý vi phạm vào dự thảo nghị định.
Bức xúc vì không có quyền lựa chọn Theo Bộ GTVT, hiện bên vận chuyển đơn phương đặt ra các loại phụ cước. Các loại phụ cước này không được đăng ký với một cơ quan chức năng nào tại Việt Nam. Không chỉ vậy, bên vận chuyển không công khai, minh bạch về giá và điều kiện thu phí, không thông báo trước khi tăng giá. Các chủ hàng Việt Nam là DN nhỏ, yếu, phải chấp nhận sự áp đặt các loại phí mà không thương lượng được. Kết quả đợt thanh tra phí theo cước vận tải của 19 hãng tàu hoạt động tại Việt Nam được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ hồi cuối năm ngoái cho thấy tại Việt Nam, các hãng tàu có thể thu của DN xuất khẩu tổng cộng gần 70 loại phí. 90% tổng số hàng xuất khẩu hiện được vận chuyển bởi 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
QUỲNH NHƯ
Theo_PLO
"Tháng nào doanh nghiệp vận tải cũng phải tiếp đoàn kiểm tra"
Chủ tịch Hiệp hội vận tải cho biết, tháng nào cũng phải tiếp các đoàn kiểm tra khiến các doanh nghiệp vận tải hết sức căng thẳng.
Bức xúc về việc có quá nhiều các cuộc thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp vận tải trong thời gian qua, tại Hội nghị giao ban quý I của Bộ GTVT, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, theo quy định hiện hành, giá cước vận tải ô tô không do nhà nước quy định mà để cho thị trường điều chỉnh. Các đơn vị vận tải ô tô chỉ thực hiện kê khai giá cước theo quy định liên Bộ Tài chính - Giao thông cùng với các Sở GTVT và công bố công khai đối với khách hàng.
Hiệp hội vận tải cho rằng có quá nhiều cuộc thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp vận tải. (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, theo phản ánh của các hội viên thuộc Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay có quá nhiều những cuộc thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp vận tải. Trong 1 năm, tháng nào cũng có các đoàn kiểm tra doanh nghiệp đến từ Bộ, Cục cho đến các sở đã khiến các doanh nghiệp vận tải rất căng thẳng. Cá biệt có những tháng ngày nào doanh nghiệp vận tải cũng phải đón tiếp các đoàn kiểm tra.
Do đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Thanh đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của doanh nghiệp, không kiểm tra liên tục về giá cước của các doanh nghiệp vận tải trong thời gian qua.
"Việc kê khai giá cước qua Sở Tài chính rất phiền hà, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần vẫn bị yêu cầu phải diễn giải. Đề nghị cơ quan nhà nước không gắn việc kê khai giá cước để cản trợ sự kinh doanh bình thường của doanh nghiệp vận tải. Có Sở GTVT yêu cầu kê khai, yêu cầu giảm giá cước nếu không sẽ không cấp phù hiệu cho xe của doanh nghiệp hoạt động. Tình trạng thanh kiểm tra vẫn đang diễn ra thường xuyên", ông Thanh bức xúc cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng thừa nhận và đánh giá cao sự đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, nâng cấp các tuyến quốc lộ. Việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa đã nâng cấp hàng nghìn km đường quốc lộ, đặc biệt là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14.
Tuy nhiên, ông Thanh đề xuất nhà nước cần xem xét lại mức phí cũng như lộ trình tăng phí đường bộ vì hiện nay ở một số tuyến đường BOT, mức phí đường bộ đang tăng cao hơn chi phí nguyên liệu gây xáo trộn trong giá cước vận tải.
"Nhà nước cũng cần xem xét lại các cự ly của các trạm BOT, nên gom các trạm thu phí để cố gắng tiếp cận với quy định 70Km/trạm bởi hiện nay có tuyến Hà Nội - Thái Bình với 100km nhưng có 4 trạm thu phí là quá gần và quá ngắn", ông Thanh nói.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cũng kiến nghị Nhà nước cần buộc các nhà đầu tư BOT phải áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, lắp đặt các trạm thu phí không dừng để giảm thời gian chờ đợi, tăng tốc độ lưu thông, gảm chi phí vận tải vì xe phải dừng lại để thu phí và đảm bảo công khai minh bạch trong thu phí. Triển khai xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải quá khổ đang có dấu hiệu tái phát.
Cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 theo hướng tạo thuận lợi cho các xe vào tuyến cố định là hết sức cần thiết, ông Thanh cho biết, hiện nay việc xe ra, vào tuyến cố định quá phức tạp, đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện nhiều xe dù, bến cóc.
Bên cạnh đó, công tác quản lý xe xe hợp đồng, xe du lịch cần phải được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Việc quản lý xe taxi Uber cũng cần phải được rà soát tạo được sự bình đẳng với taxi truyền thống.
Đặc biệt trên tuyến vận tải Hà Nội - Hải Phòng, Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề xuất các lực lượng chức năng cần xử lý ngay hiện tượng bảo kê, đầu gấu gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tâm lý hành khách và hoạt động bình thường của các doanh nghiệp vận tải.
Theo_VOV
Hà Nội: Tràn lan nấm chất lượng không đảm bảo Trên thị trường hiện nay, số lượng nấm do Việt Nam sản xuất rất hạn chế, chủ yếu vẫn là nấm có nguồn gốc từ Trung Quốc với chất lượng không đảm bảo. Nấm được dùng phổ biến trong chế biến thức ăn chay và các loại lẩu. Tuy nhiên, sau hàng loạt thông tin thực phẩm Trung Quốc có chứa chất độc...