Đèo Ngang – Thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung
Đèo Ngang ở trên núi Hoành Sơn được tách ra từ dãy Trường Sơn, cao 256m, dồn đuổi nhau từ Tây sang Đông, chạy dài ra tận biển, trở thành biên giới tự nhiên của hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành ngày xưa và nay là mốc địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Kể từ khi Quang Trung Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, Đèo Ngang là cửa ngõ vào Nam ra Bắc. Với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cùng với những sự kiện bi hùng của hàng ngàn năm lịch sử.
Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan – cửa Hoành Sơn ở đỉnh Đèo Ngang, cao hơn 4m, hai bên có thành đăng dài hơn 30m, ở trên cửa đắp nổi ba chữ Hoành Sơn Quan, hai phía Hoành Sơn Quan đào núi thành 1000 bậc. Nay Hoành Sơn Quan vẫn còn, không nguyên vẹn nhưng vẫn uy nghi, phong trần nơi đầu núi góc biển.
Từ Đồng Hới, theo quốc lộ 1A về Quảng Bình là bạn đã đến được với Đèo Ngang, đoạn cuối cùng của dãy núi giáp biển Đông. Đi bộ trên con đường mòn rợp bóng cây xanh, bạn sẽ thấy được một khung cảnh tuyệt vời, một màu xanh mơn man của rừng cây cùng gió biển lồng lộng khi từ từ bước lên đỉnh đèo. Sự mệt nhọc dường như tan biến hết, thay vào đó là sự hào hứng thú vị khi tự mình đặt chân lên nơi cao nhất của đèo Ngang. Bạn sẽ như lạc vào một thế giới khác, cái nắng cháy người, cái rát da của gió Lào tuyệt nhiên không còn ở đây, một không khí mát mẻ bao trùm tất cả.
Đứng trên đỉnh đèo giữa bốn phương ào ào gió lộng, núi non bao la hùng vĩ, một không gian khoáng đãng làm cho lòng người dạt dào cảm xúc. Phóng tầm mắt về phía xa, những ngọn núi trông như một dãy lụa xanh mượt mà, uốn lượn, tung bay trong gió. Đằng xa còn có những rừng thông vi vu đẹp đến nao lòng.
Khi chiều xuống, sương mây nặng dần trên đỉnh núi mang theo cái se lạnh của đất trời mang đến một cảm xúc nao nao khó tả. Đứng trước một khung cảnh thơ mộng, tâm hồn bạn dường như nhẹ nhàng, thanh thản hơn và có nhiều cảm xúc mà trước đây do bận rộn, chúng ta phớt lờ hay không nhận ra. Đèo Ngang cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện bi hùng của dân tộc từ thời dựng nước cho đến nay.
Ai đến với Đèo Ngang đều không thể nào quên được khung cảnh non nước kỳ vĩ cùng những câu chuyện về địa danh mà sử sách từ hơn ngàn năm trước đã ghi lại.
Núi Hồng - Sông Lam danh lam thắng cảnh xứ Nghệ
"Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ..."...câu ca ấy thay lời muốn nói tới vùng đất "địa linh nhân kiệt" của dải đất miền Trung đầy nắng và gió.
Từ bao đời nay, núi Hồng - Sông Lam là biểu tượng của sự hoà quyện đầy chất thơ, nhạc của vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Sông Lam với chiều dài 432 km, bắt nguồn từ đại ngàn Trường Sơn. Qua bao thác ghềnh, sông như dải lụa mềm chở nặng phù sa xuôi về bến Tam Soa. Đoạn cuối của dòng Lam uốn lượn, quanh co dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh tạo thành bức tranh thuỷ mặc hùng vĩ mà nên thơ. Núi Hồng Lĩnh có chiều dài hơn 30 km nhấp nhô, điệp trùng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Tương truyền, núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn. Tên các ngọn núi được đặt theo dáng hình Ngũ Mã (hình năm con ngựa), Sư Tử, Hàm Rồng. Theo truyền thuyết, thời vua An Dương Vương mở nước đã từng đặt chân đến nơi này. Trải qua mấy nghìn năm văn hiến, núi Hồng - sông Lam đã tích tụ, lắng đọng nên khí chất lẫm liệt của những người con xứ Nghệ, trở thành biểu tượng của một nền văn hoá đặc trưng vùng, miền đậm đà bản sắc dân tộc.
Không chỉ có dáng núi, hình sông lung linh, huyền ảo, núi Hồng Lĩnh còn lưu giữ những câu chuyện đượm màu huyền thoại. Chuyện kể rằng, ông Đùng (ông khổng lồ) là người có sức khoẻ phi thường, có tài chuyển núi dời non. Một ngày kia ông vần tất cả những quả núi ở vùng châu thổ sông Lam và sông La xếp thành dãy núi Hồng Lĩnh. Sau khi xong việc chuyển núi, dời non, ông Đùng lại đào quặng sắt núi Hồng đem về chỉ giáo cho nhân dân các làng Vân Chàng - Minh Lương nghề rèn, đúc truyền lại cho đời sau. Chính vì thế mà thế hệ cháu con hôm nay đều ra sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống của ông cha để lại...Có lẽ tạo hoá ban tặng cho vùng đất nhân ái, bao dung mà giàu truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất nên đã hình thành nên dãy núi Hồng Lĩnh điệp trùng như bức tường thành vững chãi trấn giữ miền biên ải để ngăn ngừa giặc giã và những trận cuồng phong từ biển Đông tràn vào tàn phá quê hương...
Muôn đời nay vẫn thế, dù cho vật đổi, sao dời, dù qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử thì núi Hồng - sông Lam vẫn điệp trùng, kỳ vĩ như vốn có tự ngàn xưa. Núi và sông vẫn hướng ra biển đông gồng mình chống chọi với bão giông. Và người dân xứ Nghệ vẫn thông minh, cần cù, chịu thương chịu khó, vẫn hiên ngang khí phách anh dũng trong chiến đấu, anh hùng trong lao động...
Thắng cảnh Bàn Than (Quảng Nam): "Hợp ca" của đá và nước Nằm cách thị trấn Núi Thành hơn mười cây số về phía đông, thắng cảnh Bàn Than được biết đến như một niềm tự hào của người dân xã đảo Tam Hải. Đây là một trong những bãi đá ngoạn mục của khu vực duyên hải miền Trung... Với độ cao chênh vênh trên 40m so với mực nước biển, mỏm Bàn Than...