Đến Xuyên Mộc “say” với nhãn xuồng, thanh long
Đến huyện Xuyên Mộc, vào những vườn nhãn xuồng, thanh long của nông dân mà không khỏi thèm thuồng. Cây ăn trái đang giúp nhiều nông dân trong huyện “phất” lên, đời sống sung túc.
Đến trang trại trồng nhãn của ông Phạm Văn Hồng (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) nhiều người mê mẩn với vườn nhãn hoa trái sum suê, trĩu cành. Vườn nhãn là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Hồng trong 10 năm qua. Với mô hình trồng nhãn, gia đình ông Hồng có cuộc sống sung túc và còn giúp 4-5 lao động có việc làm thường xuyên với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng, chưa kể số công lao động thời vụ.
Ông Phạm Văn Hồng (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) chăm sóc vườn nhãn của gia đình.
Trước khi trồng nhãn, ông Hồng đã trồng khổ qua, đậu đũa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy cây nhãn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, tuổi thọ cao, thị trường lại ổn định, từ năm 2006, ông Hồng chuyển sang trồng nhãn da bò và nhãn xuồng cơm vàng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình đã dần khấm khá.
Video đang HOT
Hiện gia đình ông Hồng có khoảng 4ha nhãn da bò và 2ha nhãn xuồng cơm vàng. Vườn nhãn da bò cho sản lượng đạt khoảng 50-60 tấn mỗi năm, còn nhãn xuồng cơm vàng khoảng 12-13 tấn. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Campuchia, với giá bán từ 12.000-16.000 đồng/kg nhãn da bò và 32.000-35.000 đồng/kg nhãn xuồng cơm vàng. Bẻ một cành nhãn sum suê đưa cho tôi ăn thử, ông Hồng cười mãn nguyện: “Vườn nhãn này năm nào cũng cho lãi ròng hơn 1 tỷ đồng. Nhờ vậy mà cả nhà tui sống khỏe re”.
Ông Hồng cho biết, trồng nhãn không vất vả như một số loại cây trồng khác, nhưng đòi hỏi phải có kỹ thuật. Vào thời điểm quan trọng nhất là lúc nhãn ra hoa và thụ phấn, phải xịt thuốc sao cho nhãn tăng khả năng thụ phấn và đậu trái. Trong quá trình trái phát triển phải để ý, phòng những loại sâu bệnh như: sâu đục cuốn, bọ xít, rệp sáp… Ngoài nhãn, ông Hồng còn trồng thêm khoảng hơn 1ha quýt để đa dạng hóa sản phẩm, hiện vườn quýt đã 3 năm tuổi và bắt đầu cho trái.
Cũng quyết tâm làm giàu từ đất, nhiều năm qua gia đình ông Trần Công Huỳnh (ấp Trang Hùng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) cũng đã khá lên nhờ trồng cây thanh long. Tiếp chúng tôi tại vườn thanh long bạt ngàn, ông Huỳnh cho biết, trước đây thu nhập của gia đình ông chủ yếu từ cây điều, nhưng do cây điều mang lại hiệu quả kinh tế thấp nên ông Huỳnh đã chặt bỏ thay thế bằng cây thanh long ruột đỏ và ruột trắng. Từ khi trồng thanh long, kinh tế gia đình ông Huỳnh đã khởi sắc. Mỗi năm 3 vụ, năng suất đạt khoảng 12-15 tấn/ha, giá bán thanh long trái vụ từ 18.000-28.000 đồng/kg, chính vụ khoảng 10.000-12.000 đồng/kg, hàng năm nhà ông Huỳnh thu vài trăm triệu đồng. “Cây thanh long năng suất cao, nhanh cho thu hoạch. Cứ 2 – 3 tháng cho thu hoạch một vụ, nhờ đó kinh tế gia đình tôi đã ổn định hơn nhiều so với trồng cây điều trước đây”, ông Huỳnh phấn khởi nói.
Theo báo cáo của Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, ngoài mô hình trồng tiêu, điều và cây ăn trái, hiện nay nhiều nông dân của huyện “ăn nên làm ra” với nghề chăn nuôi theo hướng tập trung. Điển hình như hộ ông ông Vũ Ngọc Quốc (ấp 4, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc). Năm 2005, ông Quốc đã dành 2ha đất để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo rừng. Với mô hình vừa nuôi heo nái vừa nuôi heo thịt, ông Quốc chủ động được nguồn heo giống, nên lợi nhuận thu về cao. Trong trại của ông Quốc lúc nào cũng có 500 con heo, bình quân mỗi tháng xuất 2 lứa heo thịt, sản lượng khoảng 10 tấn. Với giá heo rừng từ 100.000-120.000 đồng/kg thịt hơi, sau khi trừ chi phí, mỗi năm đàn heo rừng cũng cho gia đình ông Quốc thu lãi khoảng 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương.
Ông Văn Thành Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện trên địa bàn huyện Xuyên Mộc có rất nhiều hộ nông dân cũng đã giàu lên nhờ năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình VAC. Nhiều mô hình sản xuất thu lãi từ vài trăm đến trên một tỷ đồng/năm. Số hộ nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh trên địa bàn huyện tăng từ 96 hộ (năm 2013) lên 123 hộ (năm 2015), số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 3 lần. Các mô hình kinh tế tiêu biểu còn góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị hàng hóa nông sản địa phương, giải quyết việc làm, tạo động lực cho xây dựng nông thôn mới.
Theo Thanh Hải (Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)
92 địa chỉ xanh cung ứng thực phẩm an toàn
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính tới 30.9, tại 45 tỉnh, thành phố báo cáo đã xây dựng được 382 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó có 92 địa chỉ kinh doanh được kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận bán sản phẩm rau, thủy sản, gạo, thịt lợn... an toàn.
Đây là một hoạt động nằm trong Chương trình "Địa chỉ Xanh - Nông sản Sạch" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động ngày 6.5.2016.
Năm 2016, ngành NN&PTNT tiếp tục xác định công tác quản lý vật tư nông nghiệp nói chung và ATTP nông sản nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm số một với mục tiêu là tạo sự chuyển biến rõ nét hơn nhằm đáp ứng mong đợi của nhân dân.
Người tiêu dùng có thể tìm đến các địa chỉ tin cậy để mua thực phẩm an toàn
Thực hiện mục tiêu này, các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc. Cùng với việc phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở lưu thông, buôn bán chất cấm Salbutamol, Vàng O trong chăn nuôi... là việc hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông thủy sản an toàn và xác nhận sản phẩm an toàn.
Theo Luật An toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm 19 nhóm sản phẩm. Do đó, để tạo điều kiện nhân rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy trình về kiểm tra, chứng nhận, xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi. Bộ chỉ đạo các địa phương và triển khai xây dựng mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công bố xây dựng ban hành quy trình kiểm tra giám sát và công nhận dán nhãn sản phẩm an toàn, từ đó các địa phương triển khai và kiểm soát.
Các cơ sở trong chuỗi được kiểm tra định kỳ; sản phẩm từ các chuỗi được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) của cơ quan chức năng; kết quả giám sát ATTP sản phẩm của chuỗi phần lớn đạt yêu cầu. Sản phẩm từ các mô hình chuỗi bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, giá bán cao hơn so với sản phẩm khác.
Mời bạn đọc theo dõi danh sách 382 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lân thủy sản an toàn>> XEM TẠI ĐÂY
Lễ ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn: Nhân lên nhiều địa chỉ xanh, sạch! Ngày mai 8.10, Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN tổ chức lễ ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với tốp 15 doanh nghiệp (DN) đầu tiên về sản xuất nông sản thực phẩm an toàn. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong Chương trình truyền thông "Địa chỉ Xanh - Nông sản Sạch" do...