Đến với Bình Liêu – ‘nàng sơn nữ’ làm xiêu lòng những tín đồ xê dịch
Mỗi mùa, Bình Liêu lại khoác lên mình những “bộ cánh” với vẻ đẹp khác nhau, được ví như “nàng sơn nữ” làm xiêu lòng những tín đồ ưa thích xê dịch.
“Sống lưng khủng long”, đoạn đường đi lên mốc 1305 ở Bình Liêu, Quảng Ninh. (Ảnh: Hùng Trương)
Trong lúc “lặn lội” khắp các diễn đàn để tìm kiếm thông tin, kinh nghiệm du lịch Bình Liêu, một huyện biên giới miền núi của tỉnh Quảng Ninh, tôi có duyên gặp được Hùng Trương, quản trị viên một hội nhóm về vùng đất này. Tôi được cậu tận tình tư vấn cũng như “mách nước” cho những hoạt động không nên bỏ qua ở Bình Liêu. Qua trò chuyện, Hùng chia sẻ, vốn là sinh viên Đại học Luật, sau khi tốt nghiệp anh lại làm hướng dẫn viên du lịch. Đến năm 2018, khi đặt chân đến nhiều nơi, anh nhận thấy quê hương mình tuy hoang sơ nhưng lại có rất nhiều điểm đến khung cảnh nên thơ và sở hữu “đặc sản” ít nơi có là các cột mốc biên giới.
“Dẫn khách đi khắp mọi miền, tại sao mình lại không giới thiệu Bình Liêu đến mọi người?”, anh trăn trở. Kể từ đó, anh quay về quê, cùng những người bạn làm hướng dẫn viên, dẫn mọi người khám phá vẻ đẹp bình dị miền sơn cước.
Những con đường ngoằn ngoèo như dải lụa uốn lượn quanh triền núi. (Ảnh: Hùng Trương)
Giới thiệu về Bình Liêu, Hùng cho biết, Bình Liêu được thiên nhiên ưu ái với khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Mỗi mùa, nơi đây lại có một vẻ đẹp rất riêng, hấp dẫn những tín đồ ưa thích xê dịch.
Không chỉ thế, Bình liêu còn hấp dẫn nhiều người ghé thăm bởi đây là vùng đất biên viễn với 43,168km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và hơn 60 cột mốc. Cả huyện có 6 xã và 1 thị trấn thì chỉ có duy nhất xã Húc Động không có đường biên giới với nước bạn.
Có một điều đặc biệt, trên địa bàn Bình Liêu có năm đồng bào dân tộc đang sinh sống gồm Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa và người Kinh được xem là “dân tộc thiểu số” khi chỉ chiếm dưới 4% tỷ lệ dân số nơi đây. Do tập tính sinh hoạt, người dân ở đây rất chân chất và thân thiện.
Chính nhờ những nét đẹp riêng ấy, một Bình Liêu mộc mạc đã hấp dẫn không ít giới trẻ đến khám phá. Thậm chí, họ còn quay lại rất nhiều lần để có thể “thẩm thấu” vẻ đẹp của “nàng sơn nữ” vùng biên viễn.
Mùa Xuân ở Bình Liêu là mùa hoa đào, hoa mận thi nhau khoe sắc. (Ảnh: Hùng Trương)
Hoa đào chuông, “đặc sản” của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Hùng Trương)
Mùa Xuân là mùa của các lễ hội truyền thống mang bản sắc riêng ở Bình Liêu được cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn gìn giữ bao đời nay. (Ảnh: Hùng Trương)
Các cô gái Sán Chỉ mặc trang phục truyền thống, thi đấu trên sân bóng. (Ảnh: Hùng Trương)
Mùa Hè là mùa của cây cối tốt tươi, cả Bình Liêu như được phủ một màu xanh ngát. Trong ảnh: Các cô gái dân tộc dự Ngày hội Kiêng Gió của dân tộc Dao ở Bình Liêu tổ chức ngày 20-22/5. (Ảnh: Cường Pin)
Ở Bình Liêu, rừng Ngàn Chi thuộc xã Vô Ngại là một trong những khu rừng đầu nguồn quan trọng bậc nhất trong hệ thống rừng phòng hộ tại Bình Liêu. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng với các lớp thảm thực vật phong phú nhiều tầng, từ những loài cây nhỏ sống nơi ẩm thấp dưới tán đến những cây cổ thụ cao cả trăm mét có tuổi đời đến hàng vài trăm năm, không những thế rừng Ngàn Chi còn là nơi sinh sống là nhà của nhiều loài động vật hoang dã, các loài chim, bò sát và côn trùng… Được tắm thác trong rừng vào mùa Hè là một trải nghiệm khó quên. Trong ảnh: Thác Khe Tiền, một trong những điểm check-in nổi tiếng ở Bình Liêu. (Ảnh: Hùng Trương)
Cung đường tuần biên quen thuộc ở Bình Liêu được phủ màu xanh ngát. (Ảnh: Cường Pin)
Video đang HOT
Những đồi cỏ sắp ngả màu sang Thu. (Ảnh: Lê Văn Mạnh)
Mùa Thu là mùa đẹp nhất trong năm ở Bình Liêu với thời tiết mát mẻ. Trên những thửa ruộng bậc thang lại tràn ngập sắc vàng của lúa chín của mùa màng bội thu. (Ảnh: Hùng Trương)
Khác với Hà Giang hay Sa Pa, ruộng bậc thang ở Bình Liêu lại nằm trên vùng đồi thoai thoải, tạo nên vẻ đẹp rất riêng, không lẫn với nơi khác. (Ảnh: Hùng Trương)
Cuối Thu là thời điểm ngắm cỏ lau đẹp nhất ở Bình Liêu. (Ảnh: Hùng Trương)
Khắp mọi nơi được phủ đầy lau trắng. (Ảnh: Hùng Trương)
Riêng đỉnh núi Cao Ba Lanh lại được nhuộm màu hồng cổ tích của lau hồng. (Ảnh: Hùng Trương)
Khi thời tiết dần chuyển sang Đông, Bình Liêu lại được khoác lên mình màu vàng của cỏ cháy. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Vào đầu tháng 12, hoa Sở nở trắng đồi, men theo các con đường vào khắp thôn bản đã trở thành nét đặc trưng riêng của Bình Liêu. (Ảnh: Hùng Trương)
Xen giữa những cánh rừng xanh ngát là những “khoảng trời” màu đỏ của cây phong hương. Đến đây vào tháng 3, du khách sẽ có dịp thưởng thức món ăn đặc sản của Bình Liêu, món trứng kiến cuộn lá sau sau (cây phong hương). (Nguồn: Bình Liêu Travel)
Không điêu khi nói Bình Liêu là “thiên đường của các cột mốc”, bởi nơi đây có hơn 60 cột mốc biên giới. (Ảnh: Cường Pin)
Cột mốc 1326 (2). (Ảnh: Hùng Trương)
Cột mốc 1300 được ví như “đồi hạnh phúc” với tầm nhìn là những con đường biên giới ngoằn ngoèo uốn lượn. (Ảnh: Hùng Trương)
Cột mốc 1327 được mệnh danh là “cột mốc thiên đường” bởi con đường lên mốc là những bậc thang dẫn lên đỉnh núi mù sương. (Ảnh: Hùng Trương)
Đỉnh núi Cao Xiêm, nơi được mệnh danh là nóc nhà của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Hùng Trương)
Cả huyện Bình Liêu có 5 đồng bào dân tộc đang sinh sống gồm Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa và người Kinh được xem là “dân tộc thiểu số” khi chỉ chiếm dưới 4% tỷ lệ dân số nơi đây. Trong ảnh: Sắc đỏ nổi bật trong trang phục phụ nữ Dao Thanh Phán. (Ảnh Hùng Trương)
Phụ nữ Dao Thanh Y trong trang phục truyền thống. (Ảnh Hùng Trương)
Cắm trại trên đỉnh Cao Ly và ngắm trọn thung lũng với những ngôi làng bình yên là trải nghiệm đáng nhớ khi đến thăm Bình Liêu. (Ảnh: Hùng Trương)
Ngoài các loại cây gia vị như quế, hồi…hay dầu hoa sở, miến dong là một trong những đặc sản ở Bình Liêu. (Ảnh: Hùng Trương)
Chinh phục 'sống lưng khủng long', dạo đồng cỏ lau đẹp quên lối ở Bình Liêu
Tháng 11, cỏ lau đồng loạt nở rộ, trải rộng khắp các cung đường lên cột mốc ở Bình Liêu, tạo khung cảnh đẹp mộng mơ, thu hút nhiều tín đồ ưa xê dịch tới chụp hình, khám phá.
(Ảnh: Mai Phương Thảo)
Cách Hà Nội khoảng 270km và cách TP. Hạ Long hơn 100km, huyện miền núi Bình Liêu (nằm ở cửa ngõ phía đông của tỉnh Quảng Ninh) là một trong những địa điểm du lịch hút khách bậc nhất miền Bắc dịp cuối năm.
Bởi thời điểm này, ở Bình Liêu, những cánh đồng cỏ lau trải dọc các đoạn đường lên cột mốc 1305, 1297,...đồng loạt nở rộ, khoe sắc trắng ngà nổi bật cả một vùng rộng lớn, tạo khung cảnh nên thơ, đẹp như tranh.
(Ảnh: Đào Lan, Lê Thị Thanh Tâm, Blog của Rọt)
Với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ cùng bầu không khí trong lành, mát mẻ rất dễ chịu, Bình Liêu được du khách ví như "Sapa thu nhỏ" của tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây còn được mệnh danh là "thiên đường cột mốc" sở hữu khoảng 60 cột mốc chạy dọc đường biên giới dài 48 km giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phần lớn những cột mốc này, du khách đều có thể đến tham quan, check-in.
(Ảnh: Huỳnh Nhật)
Thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm Bình Liêu là những ngày cuối thu đầu đông, khoảng từ tháng 11 đến tháng 12. Lúc này, tiết trời mát dịu, những cánh đồng cỏ lau bung nở rực rỡ, phủ sắc trắng khắp các sườn đồi.
(Ảnh: Nga Phạm)
Để có những bức hình đẹp nhất, du khách có thể lựa chọn tới đồng cỏ lau ở cột mốc 1297 hay cột mốc 1305,... Trong đó, khu vực cột mốc 1297 được nhiều du khách nhận xét là đẹp hơn cả, đúng nghĩa "thiên đường cỏ lau". Đường đi tới đây đổ bê tông dốc thoải nên thuận tiện di chuyển, quãng đường cả đi và về khoảng 1,5 km.
(Ảnh: Huyền, Nguyễn Khánh Hoàng Anh)
Cách trung tâm huyện Bình Liêu khoảng 15km, cột mốc số 1305 là mốc biên giới cao nhất ở Bình Liêu nói riêng và cả tỉnh Quảng Ninh nói chung. Đây cũng là địa điểm check-in hút khách vì cung đường lên cột mốc này dài khoảng 2km, có hình dáng khi nhìn từ trên cao rất giống "sống lưng khủng long".
Bên cạnh đó, con đường di chuyển từ trung tâm huyện Bình Liêu đến cột mốc 1305 cũng gây ấn tượng với du khách, được đánh giá là cung phượt đẹp ngoạn mục bởi đây là tuyến đường tuần tra biên giới Việt - Trung. Đoạn đường này có độ cao trung bình trên 700m so với mực nước biển, uốn lượn theo sườn núi, bao quanh là núi non trùng điệp, tràn ngập sắc xanh mướt của cỏ cây.
(Ảnh: Nguyễn Mai Thùy Dương)
Để chụp ảnh cỏ lau đẹp, du khách nên di chuyển tới các cột mốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn. Khi ấy, nắng dịu, màu vàng ươm, ánh nắng xuyên qua những bông cỏ lau, tạo bối cảnh chụp đẹp "quên lối".
Vài năm gần đây, sau khi cao tốc Hà Nội - Vân Đồn hoàn thiện, việc di chuyển từ Thủ đô tới Bình Liêu đã trở nên thuận tiện hơn. Tuy nhiên, du khách thường lựa chọn hình thức phượt bằng xe máy để có thể chiêm ngưỡng, cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp dọc hai bên đường ở Bình Liêu.
(Ảnh: Huỳnh Nhật, Nga Phạm)
Tới đây, ngoài trải nghiệm mùa cỏ lau, du khách có thể kết hợp check-in các cột mốc khác như 1300, 1302, 1327,... cũng như khám phá một số điểm đến lân cận như thác Khe Vằn, đỉnh Cao Ba Lanh, đỉnh Cao Xiêm (nóc nhà Quảng Ninh), bản Sông Moóc, cầu treo Nà Làng...
Nếu đến Bình Liêu vào tháng 12, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng mùa hoa sở nở trắng núi rừng hay mùa cỏ cháy. Lịch trình lý tưởng nhất là 2 ngày 1 đêm với chi phí dao động từ 800.000 - 1.200.000 đồng/người.
(Ảnh: Sang Dang Doan, Mai Liên Vũ)
Bên cạnh đó, du khách cũng đừng quên ghé các phiên chợ đầy màu sắc, thưởng thức nhiều món ngon, đặc sản địa phương với giá thành bình dân như gà đen nướng, cá suối, bánh coóc mò, thịt heo bản, xôi,...
Trải nghiệm hấp dẫn cho hội mê 'xê dịch' tại Bình Liêu, Quảng Ninh Bình Liêu vốn được ví như Sapa thu nhỏ của mảnh đất Quảng Ninh, hiện đang trở thành điểm thu hút khách du lịch 'check-in' và trải nghiệm. Là một huyện miền núi phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 270 km. Bình Liêu có khí hậu quanh năm ôn hòa, địa hình đa dạng cùng cảnh...