Đến Trường Sa như trở về nhà – kỳ cuối: Tình quân dân nơi đảo xa
Thật khó diễn tả cảm xúc khi được nghe những câu chuyện, tâm sự của quân, dân trên quần đảo Trường Sa. Trong hành trình 10 ngày lênh đênh trên biển, với tôi ấy là sự trải nghiệm vô cùng sâu sắc.
Nhớ đảo hơn nhớ đất liền
Ngày cuối cùng của chuyến hành trình đến các điểm đảo Trường Sa, chúng tôi dừng chân ở đảo Trường Sa Lớn – nơi được cho là thành phố thu nhỏ giữa lòng đại dương.
Điều khiến đảo Trường Sa Lớn trở nên quen thuộc giống đất liền là khi đón chúng tôi, ngoài cán bộ, chiến sĩ trên đảo, còn có trẻ em của 7 hộ dân sống trên đảo. Các cháu ào ra ríu rít như chim non.
Tôi được một cô bé dẫn tới khu nhà của 7 hộ dân ở đây. 7 ngôi nhà khang trang xây cùng một khuôn mẫu với diện tích ước chừng hơn 80m2. Đặc biệt, mỗi nhà đều có khoảng vườn đằng sau để chăn nuôi và trồng rau. Vườn rau nhà nào cũng xanh tốt với giàn mướp lúc lỉu quả cùng rau muống, mồng tơi, rau dền…
Tiết mục múa giao lưu giữa các chiến sĩ đảo Trường Sa Đông và các cô gái của đoàn công tác số 5. Ảnh: Thanh H
Ngôi nhà chúng tôi bước vào đầu tiên là của vợ chồng anh Nguyễn Quốc Tuấn, chị Võ Thị Thu Sai cùng 2 con Nguyễn Trà My (sinh năm 2008) và Nguyễn Quốc Duy (sinh năm 2011). Anh Tuấn chia sẻ, trước khi ra đảo Trường Sa và trở thành cư dân của đảo, vợ chồng anh khá lận đận trong việc mưu sinh, lăn lộn ở TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Tuấn có nghề sửa xe, sau đó anh đi bộ đội 3 năm, đóng quân ở Đăk Lăk, với chức vụ tiểu đội trưởng.
Sau khi lấy vợ, sinh con, gia đình Tuấn kéo nhau lên TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp và trải qua khá nhiều nghề khác nhau tại đây… Sau đó, như nhân duyên, cả hai vợ chồng quyết định đưa 2 con ra đảo Trường Sa sinh sống.
Quốc Tuấn bảo, ngày đầu mới ra đảo, do chưa quen với cuộc sống ở đây, chưa quen ai nên rất nhớ đất liền, liên tục gọi điện về cho ba mẹ, bất kể ngày đêm. Anh tâm sự: “Thời điểm đó, mỗi lần điện thoại về nói chuyện là tôi lại khóc. Khi thấy tôi khóc, mẹ tôi cũng khóc theo. Mẹ tôi sốc, ốm nặng phải đi bệnh viện, mất một tháng rưỡi mới khỏi. Tôi hay tin mẹ ốm, lo lắng tới mức, 4 ngày 4 đêm không ngủ”.
Hiện tại, Tuấn chia sẻ, cuộc sống đã quen và mọi việc trên đảo đã trở nên thân thuộc. Hơn nữa, cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất tốt và thương dân. “Trung tá Đỗ Thế Tuyến – Chỉ huy đảo Trường Sa, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa quan tâm, chăm sóc tận tình từng hộ dân. Có khúc mắc hay cần điều gì, chỉ cần chia sẻ với anh Tuyến sẽ được chỉ dẫn và giúp đỡ ngay” – Tuấn nói.
Quốc Tuấn kể, sống ở đảo được vài năm rồi, kỷ niệm trên đảo rất nhiều, nhưng nhớ nhất là cái Tết năm 2016. Một cái Tết rất vui với nhiều trò chơi giữa các hộ dân và các chiến sĩ nơi đây…
Chia tay gia đình anh Tuấn, chúng tôi sang thăm gia đình anh Nguyễn Thành Hưng, vợ là Lê Thị Trúc Hà và 2 cô con gái cực kỳ dễ thương. Chị Hà chia sẻ, khi anh chị ra đảo, con gái nhỏ mới 6 tháng tuổi, nhưng cả hai không lo ngại. Ngoài đảo không khí trong lành, các cháu có sức đề kháng khá tốt, nên chưa bao giờ ốm nặng mà chỉ sổ mũi, cảm cúm lặt vặt.
Video đang HOT
Bố anh Hưng là người trong quân đội nên khi vợ chồng anh thông báo về việc ra đảo Trường Sa sinh sống, ông bà không hề ngăn cản mà để anh chị tự quyết định. Chị Hà tâm sự: “Ra đảo ở đã khá lâu nên em nhớ đảo nhiều hơn nhớ đất liền. Mỗi lần cả nhà được về phép, chỉ khoảng 3-4 ngày em lại nhớ đảo quay quắt”.
Tâm tình người chiến sĩ hải quân
Một trong những hoạt động gây xúc động và ý nghĩa trong 10 ngày công tác của chúng tôi là phần giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ hải quân trên quần đảo Trường Sa. Các ca sĩ của đoàn văn công Long An, cùng giọng ca của đoàn thanh niên, chiến sĩ hòa vào nhau khiến không khí ở đảo sôi động hơn. Tất cả đứng thành vòng tròn vỗ tay bên cây đàn ghi ta với “Nơi đảo xa”, “Đời mình là một khúc quân hành”, “Gần lắm Trường Sa”, “Tổ quốc gọi tên mình”…
Các cháu bé đạp xe, chơi đùa khi đoàn công tác số 5 đến thăm đảo. Ảnh: Thanh H
“Ra đảo ở đã khá lâu nên em nhớ đảo nhiều hơn nhớ đất liền. Mỗi lần cả nhà được về phép, chỉ khoảng 3-4 ngày em lại nhớ đảo quay quắt”.
Chị Lê Thị Trúc Hà
Một giọng nữ vút lên: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa /Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi/Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ /Bên đồng đội yêu thương…/Không xa đâu Trường Sa ơi…vẫn gần bên và …” (Gần lắm Trường Sa). Tôi chợt hỏi chiến sĩ đứng bên cạnh: Có đúng là không xa đâu Trường Sa ơi không? Chiến sĩ cười tươi và bảo, đúng mà chị. Trường Sa luôn được cả nước hướng về nên dù nghìn trùng cũng không còn xa cách nữa.
Điều khiến tôi nghẹn lòng và xúc động là những chia sẻ chân tình nhưng cũng thật mạnh mẽ của các cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác ở đảo Cô Lin trong cuốn lưu bút. Thiếu úy Nguyễn Văn Trường, nhân viên máy nổ trên đảo Cô Lin năm 2013 viết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng trung du xứ Nghệ, nơi quanh năm vật lộn với cái nắng khô rát của gió Lào. Ngày bé, khi cậu tôi – một chiến sĩ Hải quân về thăm nhà, tôi đã mang trong mình khát vọng được trở thành người lính biển. Rồi tôi cũng thực hiện được ước mơ ấy. Tôi đã công tác tại đảo Đá Lớn B, đảo Sơn Ca, đảo An Bang, và giờ là vùng biển thiêng Cô Lin. Tôi có những đồng đội đúng 30 Tết bố mất, một tháng sau anh trai lại mất, vì nhiệm vụ đồng chí ấy không thể về chịu tang. Thế nhưng vì sự bình yên của vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, chúng tôi vẫn sẵn sàng…”.
Thiếu úy Dương Ngọc Đức, nhân viên báo vụ đảo Cô Lin năm 2013 viết: “Từ nhỏ tôi đã ước mơ được mang trên mình bộ quân phục màu xanh nước biển của người chiến sĩ Hải quân. Giờ đây, trong vai trò đảm bảo thông tin liên lạc trên toàn đảo Cô Lin, tôi càng hiểu mình cần phải cố gắng không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ, để xứng đáng với hy sinh của các liệt sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp giữ gìn chủ quyền đảo. Linh hồn những con người vĩ đại ấy hòa quyện vào biển cả của đất nước, sát cánh cùng chúng tôi giữ vững từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc”.
Giờ chia tay của đoàn công tác số 5 chúng tôi với quân, dân trên đảo Trường Sa thật sự bịn rịn và xúc động. Tất cả đứng dàn hàng vẫy tay, hát vang những ca khúc tiễn chúng tôi. Trên tàu, những giọt nước mắt đã lăn dài, một vài chị em đã không cầm được xúc động bật khóc nức nở. Một vài khuôn mặt của các anh em trong đoàn đứng lặng nhìn xuống bến cảng. Lòng tôi chùng xuống, kìm nén cảm xúc, tôi đưa máy chụp lại những gương mặt mà chỉ trước đó vài tiếng đang còn bỡ ngỡ, phải hỏi tên nhau thì giờ đây đã trở nên quen thuộc, thân thương đến kỳ lạ.
Theo Danviet
Đến Trường Sa như trở về nhà: Nâng niu sự sống nơi đảo xa
Việc cứu chữa, trị bệnh cho ngư dân của các y bác sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ đơn thuần là việc giúp đỡ, hỗ trợ thông thường, mà đó cũng là một nhiệm vụ.
Cứu chữa bệnh cho ngư dân là nhiệm vụ
Nghe kể về các ca mổ ruột thừa, cấp cứu hội chứng giảm áp, tổn thương não... trên đảo, tôi thầm khâm phục các anh. Điều kiện khám chữa bệnh ngoài đảo còn thiếu thốn về kỹ thuật, ê kíp cấp cứu chỉ có 2 người (1 bác sĩ, 1 y sĩ), trong khi ở đất liền, thông thường một ca mổ cần ít nhất 4 người, vì vậy trách nhiệm mà các y, bác sĩ ngoài đảo phải gánh trên vai là cực kỳ nặng nề.
Chia sẻ về điều này, đại úy, bác sĩ Trương Đức Cường - Trạm trưởng Bệnh xá Trường Sa cho biết, tháng 5.2016 anh ra đây nhận nhiệm vụ. Vừa bước chân lên đảo, chưa kịp nghỉ ngơi, Cường đã phải tiếp nhận hai ca đau ruột thừa, mổ ngay. Hai ca đau ruột thừa đó là ngư dân đánh bắt cá gần đảo Trường Sa. Là bác sĩ chuyên khoa về mổ ổ bụng, nên khi tiếp nhận mổ hai ca ruột thừa, Cường thấy không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, Trương Đức Cường cho biết, hai ca sau đó là hai ca khó trong cuộc đời làm bác sĩ của mình. Bồi hồi nhớ lại, bác sĩ Cường kể: Tháng 11.2016, bệnh nhân tên Lợi của tàu Quảng Ngãi, trong quá trình đánh bắt cá gặp tai nạn và ngã xuống biển, đầu đập vào thành cầu rồi chìm xuống nước khoảng 20 phút. Khi bệnh nhân được vớt lên đưa vào bệnh xá thì tim đã ngừng đập, nước biển tràn vào phổi. Nhận biết tình hình bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ Trương Đức Cường đã nhanh chóng tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt máy thở ở khí quản. Đồng thời anh điện thoại về Bệnh viện 175 thuộc Bộ Quốc phòng xin phép được hội chẩn trực tuyến. Ngay lập tức, bệnh viện trong đất liền thành lập tổ hội chẩn với những chuyên gia, bác sĩ đầu ngành.
Vườn rau tại đảo Đá Lớn C xanh tốt, với chủng loại rau phong phú. ảnh: Thanh Hà
Cuộc hội chẩn trực tuyến diễn ra rất căng thẳng, bác sĩ Trương Đức Cường tiến hành chụp phổi bệnh nhân, nhìn phim tổ hội chẩn trong đất liền đều thấy cả hai bên phổi tràn nước, vùng bụng thì tím đen. Đặc biệt, xác định ban đầu là bệnh nhân bị tổn thương khá nặng vùng não. Tất cả tổ hội chẩn cũng như bác sĩ Trương Đức Cường đều nhận thấy đây là một ca khó, nguy cơ tử vong đến 80%. Tuy nhiên việc cứu chữa, giúp đỡ ngư dân cũng là một nhiệm vụ, nên đầu cầu trực tuyến trong đất liền cũng như bác sĩ Trương Đức Cường đều tập trung cao độ, đưa ra phác đồ điều trị để cứu sống bệnh nhân.
Sau hai ngày tích cực điều trị, tình trạng bệnh nhân Lợi đã thuyên giảm, bệnh viện điều bác sĩ đón bệnh nhân bằng máy bay trực thăng về đất liền. Khi về đất liền, chụp cắt lớp xác định bệnh nhân bị sốt xuất huyết thân não. Tuy nhiên với sự điều trị tích cực của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện 175, bệnh nhân đã hồi phục và ra viện sau 10 ngày.
Bác sĩ Cường cho hay: "Lúc đó tôi rất lo lắng. Bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, đến 80% nguy cơ tử vong, trong khi trực cấp cứu chỉ có tôi và một y sĩ. Bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào ngay trên tay mình. Trách nhiệm cực kỳ nặng nề. Chưa kể máy móc, thiết bị y tế ngoài này không đầy đủ, hiện đại như trong đất liền. Có thể nói, đây là ca bệnh đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm không thể quên được".
Một ca khác, là ngư dân gặp tai nạn khi đang lặn sâu dưới đáy biển. Bác sĩ Trương Đức Cường chia sẻ: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch, hôn mê, nửa người bên phải bị liệt hoàn toàn. Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh xá đã báo cáo Bệnh viện 175 ở đất liền, xin ý kiến hội chẩn trực tuyến. Thật may mắn, sau một ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo. Tình trạng liệt nửa người bên phải 10 ngày sau đã thuyên giảm. Lúc này, bệnh nhân được bệnh xá đưa xuống thuyền đánh bắt của ngư dân để trở vào đất liền tiếp tục điều trị.
Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa cấp 1 Phạm Tuấn Vũ - Trạm trưởng Trạm xá đảo Trường Sa Đông cho hay: Năm 2016 trạm thăm khám và chữa bệnh cho 694 trường hợp cả quân và ngư dân. Trong đó ngư dân có 5 ca, 4 ca cấp cứu mổ ruột thừa và 1 ca hóc xương cá, mưng mủ tới 4 ngày...
"Ngư dân thường hay chủ quan, vì vậy những trường hợp được đưa vào trạm y tế của đảo để cấp cứu đa phần là rất nặng. Ngư dân khi đi đánh bắt cá chưa trang bị cho mình những kiến thức cơ bản sơ cứu tại chỗ. Họ thường chữa bệnh theo phương pháp dân gian, truyền thống. Khi họ đi mua thuốc họ cũng mua theo thói quen, thông thường là thuốc cảm cúm, thuốc đau đầu, đau bụng, chai dầu gió... vì vậy họ thường dùng sai thuốc mỗi khi gặp bệnh" - bác sĩ Phạm Vũ Tuấn tâm sự.
Chăm rau như... nâng trứng, hứng hoa
Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, chúng em nghĩ ra cách, mỗi lần tắm đều hứng giữ lại nước để tưới rau. Thậm chí có thời điểm thiếu nước thì nhịn tắm để dành nước tưới rau".
Trung úy Phạm Văn Quân
Ngoài chuyện cứu người, ở Trường Sa tôi còn ghi nhận được nhiều câu chuyện rất thú vị, ví dụ như chuyện trồng rau.
Trước khi lên đường thăm các quần đảo Trường Sa, tôi được các đồng nghiệp cảnh báo nên chuẩn bị nhiều hoa quả mang theo, thậm chí là mang cả C sủi để... chống nhiệt, vì 10 ngày trên tàu chắc chắn sẽ rất hiếm rau xanh. Trên các đảo, rau xanh lại càng khan hiếm.
Trung úy Phạm Văn Quân, nhân viên báo vụ, đảo đá lớn B tranh thủ tưới rau để tránh hơi nước mặn của biển làm hỏng lá. Ảnh: Thanh Hà
Tuy nhiên, khi chúng tôi tới đảo Đá Lớn B, nhìn vườn rau xanh mướt với diện tích khoảng hơn 15m2, được che chắn 3 bề là những tấm phên gỗ đã ngả màu, bên trong dàn mồng tơi lá to như lá bàng, những chậu rau cải, rau muống mỡ màng một màu xanh thì tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi hỏi trung úy Phạm Văn Quân, sao các anh có thể trồng rau xanh tốt đến vậy? Nở nụ cười trên môi, trung úy Quân nói vẻ tự hào: "Chị không biết đấy thôi, để có được những chậu rau xanh như thế này, chúng em phải vất vả, nhọc nhằn lắm. Bọn em chăm sóc rau không khác gì chăm trẻ nhỏ".
Khu bếp của các cán bộ chiến sĩ Hải quân đảo Đá Lớn C. ảnh: Thanh Hà
Quân bảo, ngoài đảo, thời tiết khắc nghiệt hơn trong đất liền, mùa khô thì nắng nóng, và gió biển thổi hơi nước mặn táp vào lá rau, đồng thời đây cũng là mùa thiếu nước ngọt để tưới cho rau. Mùa mưa bão, mưa quá nhiều cũng khó để che chắn cho rau khỏi giập. "Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, chúng em nghĩ ra cách mỗi lần tắm đều hứng giữ lại nước để tưới rau. Thậm chí có thời điểm thiếu nước thì nhịn tắm chứ không nhịn tưới rau" - Quân cho hay.
Là người chịu trách nhiệm, chăm sóc vườn rau trên đảo, sáng nào Quân cũng tranh thủ tưới qua một lượt cả vườn rau để làm sạch những hơi nước mặn của biển bám trên lá. Những ngày quá nắng thì dùng các tấm phên tre nhỏ che trên bề mặt rau. "Một ngày em ra vườn rau đến mấy lần. Thậm chí đến tối, 9 giờ vẫn ra vườn rau để kiểm tra. Ở ngoài đảo Đá Lớn này, có loại chim chuyên bới đất làm hỏng rau, mà ban ngày không thể bắt được, nhưng tối đến thì có thể xua hoặc bắt" - Quân kể. Để cómột lứa thu hoạch rau, các cán bộ, chiến sĩ phải chờ 45 ngày. Nhưng rau cũng chỉ đủ nấu canh, còn rau luộc thì chưa, Quân cho biết.
Đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW, trưởng đoàn công tác cùng các thành viên đoàn công tác số 5 thăm vườn rau tại Đảo Đá Lớn C. Ảnh: Thanh Hà
May mắn hơn các đảo chìm, tại các đảo nổi như Sinh Tồn, Trường Sa Đông... rau xanh tươi tốt và nhiều chủng loại hơn. Những loại rau như: Rau muống, mồng tơi, dền, rau lang, bầu, bí, mướp đắng, cải... không chỉ để nấu canh, luộc mà còn cả muối dưa.
Trung tá Trần Minh Đức -Chính trị viên đảo Trường Sa Đông cho biết, ngoài nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên là huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu thì đảo Trường Sa Đông còn có nét mới là thường xuyên quan tâm tới đời sống tinh thần cho các cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt trong điều kiện xa đất liền, môi trường khắc nghiệt nên công tác tăng gia sản xuất được anh em phát huy nội lực tối đa. Các con giống như lợn, gà, vịt đều được các chiến sĩ phát triển tăng gia để tự cung, tự cấp. Đảo có một con lợn đực làm giống và lợn nái, đã đẻ được lứa đầu với 8 con. /.
Theo Danviet
Đến Trường Sa như trở về nhà - bài 1: Chuyện của những lính trẻ Tôi thấy mình là một phụ nữ may mắn vì được đi công tác Trường Sa lần này, bởi từ lâu tôi khát khao được một lần đến với mảnh đất thiêng liêng nhất của Tổ quốc. Đến với Trường Sa, thực sự tôi thấy như được trở về ngôi nhà thân yêu của mình. "Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu"...