Đến Tiền Giang thưởng thức bánh giá giòn rụm
Từng miếng bánh giá vàng ươm được trộn đều với rau sống, bún, ngập trong nước mắm tỏi ớt là món ăn bạn không thể bỏ qua khi đến Tiền Giang.
Cùng với bánh cống, bành xèo, bánh giá là món ăn dân gian xuất hiện từ xưa ở khắp các tỉnh miền Tây. Cách chế biến món này tuy đơn giản nhưng mùi vị ngon hấp dẫn, lôi cuốn nhiều thực khách đến vùng đất Tiền Giang.
Bánh giá mang hương vị ngon đặc trưng bởi thay vì dùng tôm người dân ở đây thường dùng tép bạc để thay thế, tép ngày trước xuất hiện ở đây rất nhiều vì thế người dân thường dùng để chiên cùng bột bánh.
Cái tên bánh giá nghe lạ vì xuất phát từ nguyên liệu chính trong bánh đó là giá sống, Những sợi giá dài, trắng múp sẽ làm cho chiếc bánh thêm giòn và không gây cảm giác ngán cho thực khách. Tuy nhiên, nhiều người còn gọi bánh giá là bánh vá vì cho rằng khi chiên, bánh được đựng trong những chiếc vá.
Muốn làm bánh trước hết phải ngâm gạo và đậu nành cho mềm, sau đó đem xay chung với nhau đến khi nhuyễn thành bột mịn. Pha bột gạo, đậu nành và bột mì thành một hỗn hợp sền sệt, cho thêm chút muối và đánh đều tay. Nếu tỉ lệ bột mì nhiều bánh sẽ giòn còn nhiều bột gạo bánh sẽ rất dẻo.
Nhân bánh bao gồm tép bạc, gan heo, thịt nạc bằm và giá sống. Tép được rửa sạch để nguyên đầu và đuôi, gan heo được xắt lát mỏng. Sau đó ướp thịt nạc bằm, tép với tỏi, muối, bột ngọt cho thấm.
Chiên là công đoạn cuối cùng và cũng là công đoạn quan trọng nhất để làm ra chiếc bánh đẹp và vàng thơm. Muốn chiên bánh giá cần có vá chiên, cho giá sống, gan heo, tép, thịt và vài hạt đậu phộng rang vào trong vá rồi múc bột cho ngập các loại nguyên liệu này. Nhúng vá vào chảo dầu đang sôi đến khi bánh kết dính lại thì từ từ rút bánh ra.
Để tép vào vá sau cùng trước khi múc bột, để khi chín hình con tép vẫn được giữ nguyên dạng trông bắt mắt hơn. Chiên bánh lửa nhỏ để bánh chín tới, giòn mà không cháy. Khi bánh chín vàng thì xếp trên vỉ tre hoặc vỉ kẽm gác ngang ở miệng chảo cho ráo dầu.
Video đang HOT
Bánh giá thường được ăn kèm với bún, bánh cuốn hoặc xôi cùng với rau sống và nước mắm pha tỏi ớt chua ngọt. Khi chiên xong, người bán sẽ dùng kéo cắt bánh thành từng miếng vừa ăn, có thể cắt làm ba hoặc làm bốn tùy sở thích. Sau đó, xếp bánh trên đĩa rau sống xanh mướt gồm xà lách, rau thơm và một ít giá sống.
Khi ăn, thực khách sẽ cho bún vào tô và gắp thêm vài khoanh bánh, rau sống các loại chan thêm nước mắm là đã có thể thưởng thức. Bạn có thể ăn bánh này ở Chợ Giồng hoặc ngã ba Hòa Đồng.
Theo Vnexpress
Những quán chè ấm lòng vào mùa Đông ở Hà Nội
Trời Hà Nội vào Đông se se lạnh là thời điểm thích hợp để thưởng thức các món ăn nóng hổi, đặc biệt là các món ăn vặt. Chè là một trong những món ăn không thể thiếu trong mùa này.
Chè chuối nướng, sắn nóng hay bánh trôi tàu là những món chè nóng hổi, thơm ngon bạn nên thử mối khi có dịp đi du lịch Hà Nội vào mùa Đông.
Quán chè 35B Nguyễn Bỉnh Khiêm
Quán vào buổi chiều thường tấp nập thực khách. Ở đây có món bánh đúc và các loại chè nóng ngon có tiếng. Tuy giá hơi cao so với những chỗ khác nhưng hàng này vẫn được nhiều người chọn ăn vì mang đúng hương vị của Hà thành. Quán lại là địa điểm lâu năm quen thuộc, được coi là "chốn cũ" của nhiều thế hệ học sinh.
Bên cạnh chè chuối khá ngon thì chè sắn lại bị chê là quá ngọt. Ngoài ra nên ăn trước một bát bánh đúc nóng rồi mới ăn đến chè nếu bạn đến vào tầm đói bụng. Quán mở cửa sau 15h30.
Chè sắn nóng 39 Lý Quốc Sư
Chè sắn là món ăn hầu như chỉ có vào mùa lạnh. Chè sắn ở Lý Quốc Sư nổi tiếng bởi vị bùi, thơm, nước chè sánh, nâu vàng ngon miệng, những miếng sắn được cắt vuông vức hình bao diêm, mềm dẻo không quá bở, nhìn thôi đã đẹp mắt.
Có người thường ăn một lúc 2-3 bát mới đã cơn thèm. Bạn nhớ phải đến sớm vì chè hết rất nhanh. Quán mở cửa từ 10h sáng đến 12h đêm, giá khoảng 10.000-15.000 đồng/bát.
Chè Bà Thơm, 146 Quán Thánh
Bằng những nguyên liệu được lựa chọn cẩn thận cùng với cách thức nấu cổ truyền hoàn toàn không dùng tới chất phụ gia và phẩm màu, những món chè của Bà Thơm đã giữ được trọn vẹn hương vị tự nhiên và màu sắc nguyên thủy của từng thành phần.
Quán chè này từng xuất hiện trong các chương trình giới thiệu đặc sản Hà Nội trên truyền hình, mở cửa từ 14h30 đến 23h.
Xôi chè bà Thìn, 1 Bát Đàn
Xôi chè là một món ăn đặc trưng và thanh tao của người Hà thành xưa. Món bao gồm xôi vò đỗ xanh và chè. Xôi được đồ lên rất khéo, từng hạt béo, mềm và không dính bết lại với nhau, có màu vàng ươm hấp dẫn. Nếu bạn không thích vị ngọt đậm, nên chọn cho mình bát chè hoa cau trộn cùng xôi vò. Chè hoa cau ở đây được nấu cùng bột sắn có rắc thêm hạt đỗ xanh, chính vì vậy nên nó có vị ngọt mát.
Trước đây quán ở 93 Hàng Bồ, giờ chuyển về số 1 Bát Đàn.
Chè nóng, bánh trôi tàu, 77 Hàng Điếu
Tất cả món của quán đều do cô chủ tự tay làm. Nhiều bạn nhận xét thích nhất trân châu của quán, to, dẻo ngon khó cưỡng, đúng kiểu tự làm chứ không phải trân châu đen Trung Quốc. Chè hạt sen thì bở nhưng không nát còn nguyên hình hạt, vị ngọt mát vừa phải. Bánh trôi to tròn mịn, bánh chay ngon, dẻo, ngọt vừa.
Tuy nhiên chỗ ngồi khá ít và chật, nếu mua mang về thì tiện hơn. Quán mở cửa từ 9h sáng đến 23h đêm, giá 10.000 đến 25.000 đồng một bát.
Theo Vnexpress
Đến Mộc Châu thưởng thức cá suối món ăn dân dã Trong tiết trời se lạnh đầu đông, bạn sẽ đánh bay vài bát cơm chỉ với đĩa cá suối thơm nức, tươi ngon khi du lịch đến phố núi Mộc Châu. Khi mùa hoa cải nở trắng nơi rẻo cao Mộc Châu cũng là lúc khách du lịch đến với mảnh đất này nhiều hơn. Thưởng thức món ăn địa phương là một...