Đến năm 2030, đội tàu biển Việt Nam sẽ đảm nhận 20% thị phần hàng xuất nhập khẩu
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang vừa ký Quyết định 1254/QĐ – BGTVT phê duyệt Đề án Phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam.
Đáng chú ý trong đề án này, mục tiêu đặt ra là đến 2030, đội tàu biển Việt Nam đảm nhận 20% thị phần hàng xuất nhập khẩu.
Tàu VINAFCO 28. Ảnh tư liệu: Nguyên Linh/TTXVN
Theo đó, quan điểm của đề án là đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển mới của thế giới, chú trọng phát triển đội tàu có hiệu quả khai thác cao phù hợp với trình độ, khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, gia tăng thị phần vận tải quốc tế.
Mục tiêu Đề án đặt ra là phát triển đội tàu chuyên dụng container phù hợp, mở rộng mạng lưới để tăng thị phần vận chuyển khu vực châu Á, đặt nền móng vững chắc cho việc khai thác tuyến vận tải xa trong thời gian tới.
Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải biển; hoàn thiện các quy định thể chế pháp luật, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, tăng gấp đôi thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và đạt 20% vào năm 2030.
Đề án đề ra hai giai đoạn để thực hiện, trong đó, giai đoạn 2022 – 2026 sẽ thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về vận tải biển, tạo ra hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Video đang HOT
Trước mắt, tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán, đăng ký tàu biển và quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động vận tải container của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam.
Nghiên cứu xây dựng quy phạm tàu biển ven bờ cho tàu biển vận tải hàng hóa chạy ven theo bờ biển của Việt Nam và các nước trong khu vực; Sửa đổi quy định về việc cấp phép cho tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam theo hướng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc cho phép treo cờ quốc tịch Việt Nam với tàu biển vận tải hàng container thuộc trường hợp đặc biệt nhưng không quá 17 tuổi.
Giai đoạn này cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển, tham gia các công ước quốc tế, hiệp định vận tải song phương, đa phương; hỗ trợ về thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đại lý ra nước ngoài; hoàn thiện Hiệp định vận tải ven biển với Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia; củng cố, nâng cao vai trò của các Hiệp hội trong ngành…
Đặc biệt, áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế cho các doanh nghiệp khi mua tàu biển có sử dụng vốn của nhà nước để phù hợp với thực tiễn hoạt động mua bán tàu biển.
Đối với giải pháp về tài chính, cho phép không áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026. Miễn thuế nhập khẩu và giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 Tes trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG… và các tàu chở LNG. Cùng đó, miễn thuế thu nhập cá nhân với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến nội địa….
Giai đoạn 2026 – 2030, xây dựng mô hình quản lý vận tải biển phù hợp để nâng cao công tác quản lý nhà nước về hàng hải với lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam mới tham gia hoặc là thành viên.
Giai đoạn này tập trung hỗ trợ một số hãng tàu container Việt Nam đủ mạnh để vươn ra hoạt động quốc tế ở những thị trường xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và có thể đi đến châu Âu và Mỹ. Có cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng tàu liên minh, liên kết trong hoạt động khai thác hàng hóa container để nâng cao quy mô của doanh nghiệp, năng lực tài chính… tăng năng lực cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài.
Tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ các chủ tàu thực hiện chuyển đổi tàu biển hiện có sang tàu biển dùng nhiên liệu sạch theo lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) về cắt giảm khí thải nhà kính và phát thải ròng về 0.
Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, đóng mới, sửa chữa hoán cải tàu biển; tiếp tục miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG, H2… và các tàu chở LNG đến hết năm 2030…
Đẩy nhanh bàn giao mặt bằng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Ngày 28/9, UBND thành phố Cần Thơ đã làm việc với UBND quận Cái Răng và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ Giao thông Vận tải về giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua thành phố Cần Thơ, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Cái Răng cho biết, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua thành phố Cần Thơ có tổng diện tích quy hoạch 54,3ha. Chiều dài toàn tuyến 9,28 km từ nút giao IC4 đến đường Võ Nguyên Giáp tại điểm vòng xoay vào cảng Cái Cui; trong đó, có nút giao IC2 với quy mô khoảng 29,7 ha.
Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 550 hộ, thuộc 13 khu vực của 4 phường bao gồm: phường Tân Phú, Phú Thứ, Thường Thạnh và Ba Láng. Theo đó, dự kiến cần 170 nền tái định cư để bố trí cho người dân. Địa điểm tại khu tái định cư quận Cái Răng (lô số 16B) ở phường Tân Phú.
Đến nay, UBND quận Cái Răng đã ban hành được 124 thông báo thu hồi đất, tương đương diện tích 7,7 ha. Quận cũng đã họp xét pháp lý thông qua 101/138 trường hợp, với diện tích 3,8 ha. Trong số đó, 51/101 trường hợp xây dựng, cơi nới vật kiến trúc mới từ năm 2017-2022. Ngày 12/9 vừa qua, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đã họp thông qua 51 trường hợp này. Theo đó, Hội đồng thống nhất trình Hội đồng Thẩm định thành phố đề nghị hỗ trợ từ 30-50% giá trị.
Cùng với đó, quận Cái Răng cũng đã thực hiện 2 đợt áp giá bồi hoàn được 79/138 hộ. Trong đợt 1 đã áp giá bồi hoàn được 44 hộ, chuẩn bị trình Hội đồng Thẩm định quận. Đợt 2 áp giá được 35 hộ, đồng thời đã gửi dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân và niêm yết tại phường.
Đối với hạ tầng kỹ thuật, qua khảo sát có 23 vị trí cần phải di dời hoặc cải tạo lại, gồm: hệ thống cấp nước sinh hoạt, đường dây điện cao thế; đường dây và trụ điện trung thế, hạ thế, đường dây điện chiếu sáng công cộng; hệ thống cáp viễn thông...
Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng Nguyễn Thị Trúc Linh báo cáo công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Bà Nguyễn Thị Trúc Linh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho biết, quận đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng tốc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.
Ông Nguyển Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đánh giá, quận Cái Răng cơ bản đáp ứng được tiến độ theo kế hoạch. Tuy nhiên, do việc bàn giao ranh mốc mặt bằng của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho quận Cái Răng chậm nên thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án không còn nhiều. Nếu bàn giao sớm, đúng kế hoạch thì sẽ có nhiều thời gian để triển khai hơn.
Bên cạnh đó, đơn vị được UBND quận Cái Răng giao nhiệm vụ đo đạc, thực hiện hồ sơ, thủ tục cũng triển khai công việc quá chậm nên làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu đến cuối tháng 10, chậm nhất ngày 10/11 phải giải ngân xong 161 tỷ đồng để chi trả bồi thường cho 138 hộ dân bị ảnh hưởng tại đoạn 2,3 km để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tiến hành thi công dự án.
"Quận Cái Răng và các cơ quan, đơn vị liên quan phải ưu tiên và chỉ đạo đo đạc, dồn sức cho đoạn 2,3 km; huy động toàn bộ nhân sự của đơn vị đo đạc, cần thiết thì huy động thêm lực lượng, máy móc thiết bị, tăng giờ làm, tăng ca để kịp hoàn thành tiến độ kịp thời", Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo.
Đối với các gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, UBND thành phố yêu cầu sau khi được phê duyệt thì phải thuê ngay đơn vị di dời để đảm bảo hiệu quả. Vấn đề vướng mắc thì cần báo cáo ngay cho lãnh đạo thành phố để phối hợp giải phóng mặt bằng nhanh nhất để sớm khởi công thực hiện dự án.
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, có tổng chiều dài 109 km. Tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025. Tuyến cao tốc này đi qua 5 địa phương là thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Trong số đó, phạm vi dự án qua địa bàn Cần Thơ có tổng chiều dài đường cao tốc là 0,6 km tuyến chính (từ Km 15 350 - Km 15 950) và 9,6 km tuyến nối, cùng với nút giao IC2.
Kinh tế 9 tháng: Nhận diện thách thức đối với ngành giao thông Kết quả công tác 9 tháng năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải đã đạt những kết quả tích cực, song nhiệm vụ 3 tháng cuối năm còn rất nặng nề khi Bộ Giao thông vận tải phải hoàn thành 361 km trục cao tốc Bắc - Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, giải ngân 100% vốn đầu tư được giao....