Đến Măng Đen như trở về với thiên nhiên
Cả năm quần quật, mỗi ngày tất bật giữa khói bụi, kẹt xe nơi lòng phố, tôi ngán ngẩm với chen chúc, ồn ào.
Càng lớn, dường như lại càng chuộng lối nghỉ ngơi thư giãn xanh, gần gũi với thiên nhiên. Nhân lúc ra xuân tiết trời ấm áp, thích hợp để du ngoạn đó đây, tôi rủ bạn đến Măng Đen tận hưởng những ngày nắng đẹp.
Thị trấn ngàn thông
Cách TP.Kon Tum (tỉnh KonTum) khoảng 60km, Măng Đen là thị trấn nhỏ thuộc huyện Kon Plong. Từ TP.HCM, có thể lái xe riêng theo Quốc lộ 14 hoặc chọn đi máy bay đến TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai), sau đó bắt xe khách đi thêm 100km nữa để đến KonTum. Một cách khác cũng được ưa chuộng là đi xe giường nằm xuất phát ở Bến xe miền Đông (TP.HCM) với dịch vụ đưa đón đến tận Măng Đen vô cùng thuận tiện.
Là thị trấn cao nguyên nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển, Măng Đen là nơi hội tụ của thác, hồ, rừng nguyên sinh với độ che phủ cao. Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên mà khí hậu nơi đây mát mẻ vào ban ngày, se lạnh về đêm, hoa nở bốn mùa, không khí trong lành, không gian vô cùng yên tĩnh.
Và điều đặc biệt, Măng Đen cũng là thị trấn của thông. Kể từ lúc vượt qua những cung đường đèo dốc ngoằn ngoèo đến cổng chào Khu du lịch sinh thái Măng Đen cũng là bắt đầu được chiêm ngưỡng cảnh sắc thông ngút ngàn chạy dọc Đường số 24 – trục đường xương sống của thị trấn.
Chúng tôi chọn một homestay nơi bìa rừng có màn kính trong suốt, tầm nhìn hướng ra đồi thông để trải nghiệm cảm giác được giao hòa với thiên nhiên. Buổi sáng thức dậy, mở bung rèm che là một không gian xanh với những tia nắng xuyên qua những tán thông cao ngút thẳng đứng khiến thân tâm như được thanh lọc.
Video đang HOT
Dù thời tiết đẹp nhưng vào lưng lửng chiều, Măng Đen cũng có khi đổ mưa bất chợt. Chỉ là mưa sương không quá đáng ngại nhưng chúng tôi chọn tạt vào tạm trú trong một quán nước bên rừng thông. Có gì tuyệt vời hơn một tách cà phê ấm nóng giữa khung cảnh như thơ nơi cao nguyên se lạnh! Đến khi chiều dần tắt, chọn một góc quán gỗ trên đồi cao nhìn xuống chập chùng. Một tách trà ấm, một người bạn hàn huyên cũng đủ khiến lòng mình như lắng lại.
Trở về với thiên nhiên
Thông thường, khi đến một vùng đất mới, viếng chùa chiền, đền, tháp đầu tiên luôn là lựa chọn của số đông. Dẫu là một thị trấn nhỏ còn hoang sơ nhưng đời sống tinh thần ở Măng Đen lại vô cùng phong phú.
Thác Pa Sỹ
Nếu có thể dậy sớm hơn thường nhật, đến viếng tượng Đức mẹ Măng Đen kết hợp với một chuyến săn mây sẽ khởi động ngày mới thật khôi nguyên. Chúng tôi chọn đến chùa Khánh Lâm, ngôi chùa bề thế mang kiến trúc đình chùa truyền thống với nhà rông mang đậm bản sắc văn hóa của người Tây Nguyên. Thả bộ dưới những tán cây, bước khoảng 200 bậc đá dẫn lối vào chánh điện lễ Phật trong một buổi sáng an tĩnh khiến lòng bình yên như được chữa lành.
Sau khi viếng chùa, chúng tôi thăm thác Pa Sỹ vốn được hình thành từ 3 ngọn suối lớn nhất Măng Đen. Nếu vào mùa hè, sẽ thấy khu du lịch đầy hoa sim. Ở Măng Đen mỗi độ đều có hoa nở. Là những mùa của mimosa, hoa ban, phượng tím,… rồi sim, mua, tầm xuân hay đến Giêng là có mai anh đào.
Đường vào khu 37 hộ, ven hồ Đăk Ke hay công viên trung tâm là những địa điểm lý tưởng để ngắm hoa. Không chỉ mai anh đào, những nông trại công nghệ cao nơi đây cũng ngập tràn sắc hoa lộng lẫy. Vừa ngắm hoa, vừa có thể hái trái, mùa nào thức ấy và có thể dùng thực phẩm tươi ngon như vậy vào chính bữa ăn của mình.
Măng Đen – thị trấn ngàn thông
Dù là thị trấn nhỏ nhưng ẩm thực Măng Đen hoàn toàn đủ sức chinh phục du khách. Nào lẩu xuyên tiêu, gà nướng cơm lam rất thích hợp trong thời tiết lạnh se; nếu cần thanh đạm, lẩu chay Nhà Nấm sẽ không khiến bạn thất vọng.
Bất cứ homestay nào cũng hỗ trợ cho thuê xe máy. Chỉ cần một bình xăng đầy đã có thể thỏa sức khám phá thị trấn ngàn thông. Lơ đễnh tạt vào hồ Đămri ngắm dòng nước xanh phẳng lặng như gương. Buổi chiều men theo đường đất đỏ vào đồi cỏ mênh mông tưởng liền với núi.
Cuối cùng, chúng tôi dành một buổi sáng bình yên đi bộ qua những ngôi nhà sàn gỗ, bên thềm, ngoài ngõ đều có hoa của người M’Nâm ở làng Kon Pring. Nhà rông trung tâm làng cũng đồng thời là bưu điện mọc đầy hoa thắm. Ra xuân vẫn trăm hoa đua nở, kết thành giàn, mọc thành khóm trước cổng từng nhà.
Bấy nhiêu đó cũng đủ để tái tạo năng lượng chuẩn bị cho những ngày tháng tiếp theo. Không phải chốn nhộn nhịp người xe, trở về với thiên nhiên mới là cách thư giãn, nghỉ ngơi tuyệt diệu.
'Kho báu' dưới tán rừng nguyên sinh
Không chỉ đơn thuần môi trường sống của các loài sinh vật, rừng nguyên sinh với đồng bào A Lưới còn là kho dược liệu quý, là tiềm năng du lịch hiking...
Chèo SUP dưới rừng nguyên sinh. Ảnh: Phan Thắng
1. Theo chân Viên Đăng Phú, một hướng dẫn viên người Tà Ôi (A Lưới) vào rừng nguyên sinh A Pat, ai nấy trong đoàn đều háo hức. Mỗi mùa, A Pat có một vẻ đẹp khác nhau. Nhiều đoàn khách Việt Nam, quốc tế gắng sức leo núi, lội suối, trải nghiệm cuộc sống hái lượm như người bản địa. Theo chân Phú, chúng tôi biết hái rau rừng, tìm nấm, bắt cá suối, lấy bẹ chuối làm dĩa đựng thức ăn... Với người đàn ông Tà Ôi này, rừng như người mẹ, người cha lớn ôm ấp, chở che, cho bao thế hệ đồng bào cái ăn, cái mặc. Giờ đây, khách du lịch kéo đến quê hương anh nhờ sự hấp dẫn của thiên nhiên hoang dã.
Sống với rừng chỉ một ngày nhưng ai cũng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Rebecca Andrew, du khách người Úc rất thích muỗng, thìa dân dã từ tre nứa nên thiết tha xin Phú làm một bộ cho riêng mình mang về nước. Mọi người còn dùng những tảng đá quây dòng nước, tạo riêng cho mình một chiếc "tủ lạnh" tự nhiên ngâm trái cây và nước uống đóng chai. Những ai may mắn gặp lúc thời tiết thuận tiện sẽ được cắm trại, ngủ lều, chờ đón bình minh và ăn sáng bên suối. Hàng trăm du khách học cách sống hòa mình vào thiên nhiên và bắt đầu yêu rừng nguyên sinh - nơi có những bụi thạch xương bồ quyện hương trong dòng nước thượng nguồn đổ về sông Hương.
Trước rừng, con người nhỏ bé trước sự hùng vĩ bao la của thiên nhiên. Không lo toan vướng bận, khách chỉ việc thả lòng nghe suối chảy, chim hót. Những tâm hồn tổn thương được bà mẹ rừng xanh an ủi, vỗ về bằng thứ năng lượng hoang dã bí ẩn, bụi trần như được thanh lọc, còn lại là sự nguyên sơ thanh thản. Cũng chính vì thế, một giảng viên trẻ ở Huế đang cùng Viên Đăng Phú nghiên cứu, thiết lập tour du lịch theo kiểu "chữa lành" dành cho các bạn trẻ. Hy vọng trong nay mai, nhiều người sẽ gặp từ khóa "tour A Pat" trên các trang web giới thiệu du lịch hiking A Lưới.
2. Hơn chục lần đến A Roàng làm việc, lần đầu tiên tôi đặt chân lên đỉnh A Po xem người dân trồng dược liệu. Cảm giác sáng đi A Pat, chiều trèo A Po thật... quá sức tưởng tượng. Có lẽ sự huyền bí của núi rừng đã tạo nên hấp lực khiến chúng tôi cứ mãi hăng say tiến về phía trước.
Để lên A Po, anh Nguyễn Văn Khây, Trưởng BQL rừng cộng đồng A Roàng và chị Hồ Thị Sần dùng mũi rựa khoét vào những mỏm đất vừa đủ chỗ đặt bàn chân. Tay bám vào mỏm đá, dây rừng; một chân leo, một chân trụ... không hiểu bằng cách nào, tôi và đồng nghiệp đã đi hết hành trình trong buổi chiều sương lạnh. Chúng tôi len lỏi dưới tán rừng tìm gừng gió, thiên niên kiện được đồng bào trồng phục vụ chưng cất tinh dầu và cao xoa bóp. Anh Khây bảo: "Ngày trước dược liệu tự nhiên có giá trị, đồng bào gặp là nhổ hết về bán. Nay cây con trong tự nhiên được gom trồng, vừa giữ đất, vừa bảo vệ hệ sinh thái quần thể dưới tán rừng già. Khi khai thác cho dự án, một phần cây dược liệu được giữ lại tiếp tục ươm trồng".
70 hộ dân ở xã A Roàng giờ đây thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ rừng và theo dõi sự sinh trưởng của dược liệu. Nguồn lợi sau thu bán dược liệu sẽ được chia đều và tái đầu tư trở lại cho vụ sau. Từ cảnh khai thác cây thuốc trong tự nhiên cạn kiệt, giờ người Tà Ôi quay sang bảo vệ, gìn giữ để rừng sinh sôi tài nguyên.
3. Từ A Lưới về, trong đầu tôi mang theo bao chuyện hay ho sau chuyến khám phá; còn trong túi xách là sản phẩm từ rừng. Ấy là chai rượu xoa bóp từ vài loại thân, rễ cây thơm lừng; bánh xà phòng sáp ong với hoa rừng hay ống son lá rừng... Tất cả sản phẩm thú vị nói trên được chị Hồ Huế, một nữ kiểm lâm ở A Lưới làm nên. Ba mươi năm gắn bó với nghề, chị tích lũy một lượng kiến thức đáng nể về các loại cây rừng làm vị thuốc. Ngủ ở nhà chị, tôi chìm trong bầu không khí thơm tho của thảo dược phơi, ngâm. Sớm mai thức dậy, người tôi như thấm trong hương thơm của bạch đàn, hương nhu, gừng gió...
Mỗi lần đi tuần, ra chợ phiên gặp các loại cây trái ăn được hay làm thuốc, chị đều quay, chụp, hướng dẫn cách sử dụng cho bạn bè. Để có những sản phẩm thiên nhiên "handmade" chăm sóc sức khỏe cho người thân, bạn bè, chị thuê người bản địa đi kiếm nguyên liệu, gia công làm sạch. Chị còn làm trà túi lọc từ các loại nấm linh chi, sâm tự nhiên; ủ rượu nếp nương từ men lá... Ngồi với chị, tôi nghe được vô số điều thú vị từ hoa lá, cây cỏ chốn rừng già.
Chị Huế còn bày cho một số điểm du lịch nhiều món rau khai vị chào khách, loại thảo dược ngâm chân giúp thư giãn, loại lá bảo quản thực phẩm tránh nấm mốc. Chị ấp ủ kế hoạch chuyển giao cách làm sản phẩm chăm sóc sức khỏe đơn giản cho một vài cộng đồng du lịch. Chị bảo: "Dưới tán rừng là kho dược liệu quý báu. Sống gần kho vàng nhưng chưa biết cách khai thác và sử dụng thì thật là lãng phí. Mình muốn làm một cái gì đó hoàn toàn "made in A Lưới" để người từ xa đến đây được đắm chìm trong không khí của núi rừng thiên nhiên".
4. Bên cạnh rừng tự nhiên, A Lưới cũng quy hoạch 360ha vùng trồng dược liệu theo chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với mức đầu tư gần 230 tỷ đồng. Trong khi ngành chức năng triển khai một kế hoạch quy mô xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao thì ở một số nơi, người dân đã và đang thử nghiệm mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng.
Ngoài cánh rừng A Po, có một cánh rừng khác là nơi ươm mầm dự án sâm Ngọc Linh. Đặc thù sâm Ngọc Linh chỉ sống dưới tán rừng già, nơi có độ che phủ rừng trên 80%, nhiệt độ dưới 25 độ C. Mô hình trồng sâm này vừa góp phần bảo vệ rừng vừa tạo công ăn việc làm cho đồng bào vùng cao. Khoảng hai năm nữa sẽ có câu trả lời cho việc triển khai loài sâm quý được xem là quốc bảo Việt Nam tại A Lưới. Khi đó, những rừng sâm tiền tỷ sẽ mở cánh cửa đổi thay cuộc sống cho người dân trên dải Trường Sơn.
Xưa rừng che bộ đội rừng vây quân thù nhưng nay rừng đang mang lại ấm no, là du lịch, là dược liệu... Trong câu chuyện khởi nghiệp với Hồ Thanh Phương, ông chủ của homestay trại cá tầm quy mô ở xã Hồng Kim, anh bảo, trải qua nhiều thất bại và lớn lên ở vùng đất này, anh nghiệm ra rằng vì sao ngày xưa cha ông dựa vào rừng núi, nương rẫy vẫn sống tốt, sao giờ lớp trẻ phải ly hương. Đất mình đó, núi rừng mình đó, chỉ cần nhiệt huyết, hăng say.
Đà Lạt vào danh sách 9 điểm du lịch thiên nhiên được yêu thích tại châu Á Theo kết quả khảo sát lượng tìm kiếm thực hiện vào tháng 1/2024 của Agoda, Đà Lạt được xếp trong danh sách 9 điểm du lịch thiên nhiên yêu thích tại châu Á. Danh sách này được nền tảng du lịch trực tuyến Agoda khảo sát từ các điểm đến thiên nhiên nổi bật tại nhiều quốc gia, từ đó gợi ý điểm...