Đến lượt PVN băn khoăn về đầu tư điện khí LNG trong Quy hoạch điện VIII
Điện khí LNG đang được rất nhiều địa phương ưa thích bởi đáp ứng được tiêu chí sạch mà nguồn thu mang lại cho ngân sách tại chỗ lớn.
Có hàng loạt nhà máy điện khí LNG được dự kiến đầu tư trong Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, chọn quy mô lẫn vị trí đầu tư để tối ưu hóa chi phí và không tạo ra áp lực tăng mạnh giá điện lại dường như chưa được xem xét kỹ trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang lấy ý kiến. Dĩ nhiên khi phong trào này diễn ra, tất cả chi phí đầu tư của các dự án LNG sẽ lại đè nặng lên giá điện.
Vòng quanh số liệu
Sau những lo lắng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) góp ý Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đến lượt mình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong góp ý của mình có nhắc tới việc, tư vấn đưa ra dự báo nhu cầu nhập khẩu LNG là gần 5 triệu tấn vào năm 2025 và lên tới 16 triệu tấn vào năm 2030 (trang 276) căn cứ trên cơ sở số liệu tại “Đề án nghiên cứu phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG, 2019, PVGas”.
Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2.
Tuy nhiên, các số liệu dự báo này được PVGas (đơn vị thành viên của PVN) xác định dựa vào số liệu dự báo về thị trường tiêu thụ khí của các nguồn điện khí LNG trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII do Viện Năng lượng thực hiện.
Bởi vậy, PVN cũng đề nghị Tư vấn làm rõ đâu là cơ sở gốc của số liệu đã dự báo.
Chưa kể cũng tại Dự thảo, tổng nhu cầu khí LNG của các nguồn nhiệt điện tiềm năng sử dụng LNG như mô tả tại Phụ lục 9.5A vào năm 2025 khoảng trên 8.800 MW, tương đương khoảng 6 triệu tấn LNG và giai đoạn 2030 là 33.150 MW, tương đương khoảng 22 triệu tấn LNG.
Video đang HOT
Nghĩa là số liệu về nhu cầu LNG nhập khẩu dự kiến trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang có sự không thống nhất.
Hiện Quyết định số 60/2017/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 là cơ sở và định hướng chính trị để PVN triển khai những nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp khí trong những năm vừa qua, bao gồm: phát triển khai thác khí trong nước, đầu tư các dự án hạ tầng khí, hạ tầng nhập khẩu LNG nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ khí, trong đó có nhu cầu khí của các nhà máy điện theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
Vì vậy, để đảm bảo thực hiện Quy hoạch khí đã được phê duyệt và để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, các dự án phát triển nguồn điện cần được xây dựng trên cơ sở tính tối đa hóa việc tiêu thụ nguồn khí khai thác trong nước và tối ưu hóa việc sử dụng công suất các hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG nhập khẩu theo Quy hoạch khí. Trên cơ sở đó, các dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp sử dụng LNG (tại Phụ lục 9.1, Phụ lục 9.5A) và sản lượng LNG nhập khẩu cần được xem xét, đánh giá chi tiết nhằm đáp ứng 2 tiêu chí trên trước khi triển khai.
Cạnh đó, PVN cũng kiến nghị cần có nghiên cứu bổ sung liên quan đến việc phân bổ nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện để phù hợp với quy hoạch của các nguồn năng lượng này, từ đó làm rõ trong giai đoạn đánh giá sẽ phân bổ phát triển bao nhiêu điện từ khí sản xuất từ các mỏ nội địa, bao nhiêu từ LNG nhập khẩu. Đồng thời, cần có đánh giá toàn diện (kinh tế, xã hội, môi trường…) để kiến nghị về mức độ ưu tiên của nguồn nguyên liệu phát.
Ngoài ra, bảng số liệu về thị trường tiêu thụ khí tự nhiên trong nước theo cơ cấu hộ tiêu thụ và vùng miền (trang 261) trong Dự thảo hiện chỉ có cho năm 2018. Vì vậy, cần cập nhật số liệu cho cả giai đoạn 2011- 2020 để có cái nhìn tổng quan hơn về xu hướng/sản lượng tiêu thụ khí cho phát điện trong từng năm.
Dàn trải đầu tư ai chịu giá điện cao?
Theo Phụ lục 9.5A của Dự thảo, có khoảng 24 dự án đang được đề xuất với tổng tiềm năng toàn quốc từ 23 GW (năm 2025) đến 84 GW (năm 2035) với nhu cầu LNG nhập khẩu khoảng 60 triệu tấn/năm.
Theo PVN, điều này sẽ dẫn tới tình trạng kho cảng nhập LNG và tái hóa khí xuất hiện phủ kín dọc theo suốt chiều dài bờ biển Việt Nam theo cùng một cấu hình “01 Trung tâm Điện lực (Nhà máy điện) 01 Kho cảng nhập LNG và tái hóa khí”.
Trung tâm điện lực Phú Mỹ hiện có 4 nhà máy do EVN/EVNGENCO3 quản lý và 2 nhà máy BOT của nước ngoài. Ảnh: Internet
Trong khi đó, thực tế từ các quốc gia trên thế giới lại đang phát triển các cụm nhà máy điện sử dụng LNG với cảng tiếp nhận LNG có công suất lớn để tối ưu chi phí phát triển hạ tầng đường ống dẫn khí giữa cảng và các nhà máy điện.
Nghĩa là các vị trí phát triển các Trung tâm Điện lực sử dụng LNG trên thế giới đều được lựa chọn nơi có điều kiện xây dựng hạ tầng cơ sở (kho cảng LNG) thuận lợi với chi phí thấp, có vị trí nằm gần trung tâm phụ tải, phù hợp các tiêu chí về môi trường.
Hiện đa số các nước trên thế giới phát triển quy mô Trung tâm điện lực đủ lớn cho các kho cảng có công suất 6 triệu tấn LNG/năm trở lên để tối ưu hệ thống và giảm giá thành điện.
Vì vậy, PVN cũng kiến nghị trong Quy hoạch điện VIII cần quy hoạch tổng thể các Trung tâm điện lực sử dụng LNG, có vị trí xung quanh các cảng tiếp nhận LNG lớn (LNG Hub) để tối ưu chi phí phát triển hạ tầng và giảm giá thành điện.
Cũng bởi LNG được xác định là nguồn năng lượng sạch, có tính ổn định cao nên PVN đề nghị Nhà nước cần có cơ chế riêng khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện sử dụng LNG cũng như cơ sở hạ tầng cung cấp loại nhiên liệu này phù hợp với các thông lệ hoạt động của thị trường LNG quốc tế.
Cùng với thực tế sản lượng khí thiên nhiên trong nước suy giảm dẫn đến không đủ cung cấp cho các nhà máy điện khí hiện có như Cà Mau 1 và 2, đặc biệt trong những năm tới đây, sẽ gây thiệt hại không chỉ cho đơn vị phát điện mà còn gây lãng phí tài sản (vốn nhà nước, vốn đầu tư xã hội) do không tận dụng hết năng lực vận hành của các nhà máy hiện có, việc đưa ra giải pháp và hành lang pháp lý phù hợp để tạo điều kiện cho các đơn vị sở hữu nhà máy điện khí hiện nay được nhập khẩu hoặc mua khí LNG để tiếp tục vận hành các nhà máy đang có, giảm tổn thất tài sản (vốn nhà nước) đã đầu tư, đồng thời giảm áp lực nhu cầu vốn đầu tư các nhà máy điện mới của xã hội đã được PVN đề xuất bởi Dự thảo Quy hoạch Điện VIII chưa nhắc tới những điều này.
Giai đoạn 2021 - 2030 cần đầu tư cho ngành điện 13 tỷ USD/năm
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, hàng năm Việt Nam cần đầu tư cho ngành điện khoảng 13 tỷ USD/ năm trong giai đoạn 2021 - 2030 và trên 12 tỷ USD/ năm trong giai đoạn 2031 - 2045.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Dự thảo Quy hoạch điện VIII gồm 19 chương, bao trùm các vấn đề trong phát triển của ngành điện trong hiện tại và tương lai. Quy hoạch điện VIII đã tập trung vào tính toán, phân tích, đánh giá sự phát triển của ngành điện lực trong kỳ quy hoạch trước, chỉ các tồn tại và bài học kinh nghiệm; tính toán, phân tích khả năng phát triển kinh tế xã hội và dự báo phụ tải điện; tính toán khả năng sử dụng năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; tính toán chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; tính toán vốn đầu tư và phân tích kinh tế của chương trình phát triển điện lực; đề xuất các giải pháp và cơ chế để thực hiện quy hoạch.
Giai đoạn 2021 - 2030 cần đầu tư cho ngành điện 13 tỷ USD/năm.
Tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW (trong đó NĐ than 27%. Đ khí 21%, thủy điện 18%, điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%.
Năm 2045 tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW (trong đó NĐ than 18%, NĐ khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%, thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%).
Quy hoạch điện VIII đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại Tp.HCM và đồng bằng sông Hồng. Tăng cường lưới điện truyền tải liên kết để hỗ trợ truyền tải công suất liên miền Bắc - Trung - Nam. Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII.
Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Cơ cấu trung bình VĐT nguồn và lưới là 74%/26%. Giai đoạn 2021 - 2030 trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,5 tỷ USD cho nguồn và 3,3 tỷ USD cho lưới).
Có 11 kịch bản đã được đưa vào tính toán, xem xét, phân tích để lựa chọn kịch bản tối ưu trong phát triển nguồn điện. Kịch bản phát triển nguồn điện tối ưu đã thỏa mãn các tiêu chí cơ bản: (i) đảm bảo an ninh cung cấp điện; (ii) đáp ứng được các cam kết của Việt Nam đối với Quốc tế trong giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện; (iii) có chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.
Để thực hiện, Quy hoạch điện VIII đã đề xuất các giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch như: đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo hướng linh hoạt hơn đối với yêu cầu đầu tư các công trình điện, đảm bảo thu hút mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ngành điện; đề xuất cơ chế xây dựng Kế hoạch phát triển Điện lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đề xuất cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện; đề xuất cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải...
Các đề xuất này sẽ từng bước được nghiên cứu, hoàn thiện để đảm bảo thực hiện xây dựng, quản lý và vận hành các công trình điện theo đúng quy hoạch, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư từ các nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn nước ngoài chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển điện lực.
Khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn năng lượng sạch Dự thảo Đề án Quy hoạch Điện VIII đã thiết kế tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo lên tới 30% trong tổng công suất nguồn của hệ thống điện quốc gia, nhằm khai thác tiềm năng điện sạch. Quy hoạch điện VIII sẽ ưu tiên khai thác hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát Đề án...