Đến lượt ngân hàng tiền ảo khổng lồ Signature Bank bị đóng cửa
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, đã có 3 ngân hàng của Mỹ sụp đổ…
Signature Bank, ngân hàng tiền ảo lớn nhất ở Mỹ và trên thế giới, đã bị nhà chức trách nước này đóng cửa vào ngày Chủ nhật (12/3), đánh dấu vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai ở nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ trong vòng 3 ngày.
Nhà băng có trụ sở ở New York rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin sau khi một ngân hàng khác là Silicon Valley Bank (SVB) bị cơ quan chức năng Mỹ giành quyền kiểm soát vào hôm thứ Sáu. Cũng tuần trước, vào hôm thứ Tư, ngân hàng tiền ảo lớn thứ hai là Silvergate Bank tuyên bố đóng cửa. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, đã có 3 ngân hàng của Mỹ sụp đổ.
Không chỉ chao đảo vì khủng hoảng niềm tin, Signature còn lâm nạn vì có đặt cược lớn vào hoạt động ngân hàng tiền ảo trong bối cảnh thị trường tiền ảo tụt dốc và các cơ quan chức năng siết chặt giám sát đối với việc các ngân hàng có dính líu đến tài sản số. Signature Bank “sập tiệm” là vụ đổ vỡ ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử Mỹ, sau vụ SVB và vụ lớn nhất là Washington Mutual vào năm 2008.
Signature ra sức tìm một đối tác mua lại hoặc một giải pháp khác để củng cố tình hình tài chính trước khi bước sang ngày thứ Hai, nhưng không thành công – nguồn thạo tin tiết lộ với tờ Wall Street Journal.
Nhà chức trách tuyên bố khách hàng của Signature sẽ được nhận lại toàn bộ tiền gửi, bao gồm cả những khoản tiền gửi vượt trần bảo hiểm tiền gửi liên bang là 250.000 USD.
Signature vốn có hoạt động lớn ở mảng cho vay bất động sản, nhưng cuối cùng lại trở thành một ngân hàng tiền ảo. Việc chuyển hướng hoạt động này giúp Signature tăng gấp đôi được lượng tiền gửi chỉ trong vòng 2 năm. Vào đầu năm 2022, khoảng 27% tiền gửi tại nhà băng này đến từ khách hàng hoạt động trong lĩnh vực tài sản số.
Việc Signature đi sâu vào hoạt động ngân hàng tiền ảo đã trở thành một vấn đề đối với ngân hàng này khi thị trường tiền ảo tụt dốc trong năm 2022. Biến động thị trường sau vụ sụp đổ của sàn tiền ảo FTX vào tháng 11 đã dẫn tới hàng tỷ USD tiền ảo bị rút khỏi Signature.
Trong khoảng thời gian trước khi sụp đổ, Signature cho biết đã cắt giảm hoạt động ở mảng tiền ảo và cắt quan hệ với một số khách hàng trong lĩnh vực tiền ảo. Trong đó, Signature đã ngừng mối quan hệ với mảng quốc tế của sàn tiền ảo lớn nhất Mỹ Binance. Tuy nhiên, động thái này không đủ để trấn tĩnh nhà đầu tư. Vòng xoáy mất mát niềm tin càng sâu hơn sau khi Silvergate và SVB lần lượt đổ vỡ.
Giá cổ phiếu Signature giảm 23% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đánh dấu phiên giảm tồi tệ nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2004. Trong vòng 12 tháng, cổ phiếu này đã giảm hơn 75%. Signature có 110 tỷ USD tài sản và năm 88,6 tỷ USD tiền gửi ở thời điểm cuối năm 2022.
Video đang HOT
Ngày 12/3, Sở Dịch vụ tài chính New York vào cuộc và đưa Signature vào sự tiếp quản của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC).
Sự đảm bảo của nhà chức trách Mỹ đối với tiền gửi trong hai vụ sụp đổ của Signature và SVB đã giúp cải thiện niềm tin của nhà đầu tư. Giá tiền ảo Bitcoin lúc gần 8h sáng nay tăng hơn 10% so với cách đó 24 tiếng, đạt 22.630 USD, hồi phục toàn bộ mức giảm của tuần trước – theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com.
Đồng stablecoin USD Coin (USDC) cũng hồi lên mức hơn 0,99 USD, tăng gần 3% so với cách đó 24 tiếng. Đồng này đứt neo 1 USDC đổi 1 USD vào hôm thứ Bảy vừa rồi sau khi công ty phát hành là Circle tiết lộ gửi 3,3 tỷ USD ở SVB trong tổng số 40 tỷ USD tiền đảm bảo của USDC.
Silicon Valley Bank sụp đổ, lo ngại Lehman Brothers thứ 2?
Silicon Valley Bank (SVB) bị buộc phải dừng hoạt động vào rạng sáng 11/3 và trở thành ngân hàng lớn nhất đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Giới đầu tư lo ngại liệu có một cuộc khủng hoảng giống như sau vụ Lehman Brothers?
Vụ phá sản lớn chưa từng có từ năm 2008
Giới chức California hôm 10/3 (giờ Mỹ) đã đóng cửa SVB và giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. FDIC sẽ thanh lý tài sản ngân hàng để trả cho những người gửi tiền và chủ nợ của SVB.
FDIC cho biết những người có bảo hiểm về tiền gửi sẽ được tiếp cận tới khoản tiền gửi của họ chậm nhất là vào sáng thứ Hai (13/3). Còn với những người gửi tiền không có bảo hiểm, họ sẽ được trả một khoản "cổ tức tạm ứng trong tuần tới".
Như vậy, nhà băng quản lý cả trăm tỷ USD đã chính thức sụp đổ và cơ quan quản lý tịch thu tài sản để chuẩn bị thanh lý.
Đây là vụ sụp đổ lớn nhất trong ngành ngân hàng kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008 và lớn thứ hai trong lịch sử sau vụ Lehman Brothers.
Diễn biến này đang gây áp lực lên thị trường tài chính Mỹ. Giới đầu tư lo ngại nhiều ngân hàng cũng chứng kiến danh mục đầu tư trái phiếu thua lỗ nặng.
Cổ phiếu SVB Financial Group - công ty mẹ của Silicon Valley Bank (SVB) tiếp tục lao dốc trong ngày 10/3. Trước đó, trong phiên ngày 9/3, cổ phiếu SVB đã bất ngờ giảm 60%. Vốn hóa của SBV tụt giả từ 16,8 tỷ USD sau một ngày xuống còn 6,3 tỷ USD.
Silicon Valley Bank (SVB) bị buộc phải dừng hoạt động vào rạng sáng ngày 11/3. (Ảnh: CNN)
Cổ phiếu này sau đó tiếp tục bị bán tháo và bị tạm dừng giao dịch. Hoạt động bán mạnh đã khiến cổ phiếu một số ngân hàng khác như First Republic, PacWest Bancorp và Signature Bank cũng bị tạm dừng giao dịch.
Sự việc tồi tệ bắt đầu diễn ra vào hôm 8/3 sau khi SBV thông báo bán tháo một loạt chứng khoán và phải huy động vốn 2,25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán. Ngân hàng này buộc phải thanh lý danh mục trái phiếu sẵn sàng để bán với khoản lỗ 1,8 tỷ USD. Hoạt động rút tiền đã diễn ra ồ ạt tại SVB.
Bên cạnh đó, thông tin nhà cho vay tập trung vào lĩnh vực tiền số - Silvergate sụp đổ đã tạo ra làn sóng rút tiền khác.
Nguồn cơn từ vay ngắn hạn, đầu tư dài hạn
Sự suy yếu của SVB được cho là đến từ các động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ năm 2022, với 8 lần nâng lãi suất với tổng mức tăng 450 điểm (từ 0-0,25% lên 4,5-4,75%/năm như hiện tại). Fed cũng cho biết sẽ mạnh tay nâng lãi suất tiếp.
Trước khi khó khăn xảy ra, SBV có hơn 90 tỷ USD trái phiếu được nắm giữ đến ngày đáo hạn (held-to-maturity). SBV sẽ không phải chịu lỗ trừ khi buộc phải bán ra trước hạn để bù đắp cho số tiền gửi ồ ạt bị rút ra.
SVB được biết đến là một trong những ngân hàng lâu đời và lớn mạnh nhất tại Thung lũng Silicon. Ngân hàng này quản lý phần lớn tiền gửi ở trung tâm công nghệ Mỹ.
Trong năm 2021, lượng tiền rẻ ngập tràn tại Mỹ và cũng như ở Thung lũng Silicon khiến SBV nhận được một lượng lớn tiền gửi từ các start-up công nghệ và đầu tư mạo hiểm (VC). Lượng tiền tăng từ 60 tỷ USD vào đầu năm 2020 lên đến hơn 190 tỷ USD vào đầu năm 2022. Mức tăng trưởng quá nhanh khiến SBV không biết làm gì và tập trung vào mua trái phiếu, trong có nhiều trái phiếu dài hạn.
Áp lực đè lên thị trường tài chính Mỹ sau khi Fed tăng lãi suất 8 lần. (Ảnh: CNBC)
Sở dĩ SBV rơi vào khó khăn do bảng cân đối kế toán của ngân hàng này tăng vọt trong năm 2021. Ngân hàng này đã đổ tiền vào trái phiếu chính phủ Mỹ và các chứng khoán nợ được chính phủ phát hành. Tuy nhiên, việc Fed tăng lãi suất quá nhanh và mạnh đã khiến hàng loạt starup công nghệ cũng như đầu tư mạo hiểm mà SBV tài trợ vốn rơi vào khó khăn.
Lãi suất các khoản vay của SBV thấp hơn nhiều so với lợi suất của trái phiếu kho bạc 10 năm hiện tại của Mỹ. Điều này khiến thị trường lo ngại SVB không còn an toàn. Đây là yếu tố khiến nhiều người ồ ạt rút tiền khỏi SBV.
Rủi ro đã xảy ra khi tiền gửi ngắn hạn đã được đem đi đầu tư dài hạn.
Khi các start-up và VC khó khăn và đồng loạt rút tiền SBV rơi vào khủng hoảng.
CEO của SBV- Greg Becker - trong tuần đã tổ chức một cuộc họp để trấn an khách hàng về tình hình tài chính của ngân hàng và kêu gọi khách hàng không nên rút tiền gửi. Tuy nhiên, tình hình dường như không mấy khả quan.
Nguy cơ khủng hoảng như sau vụ Lehman Brothers
Vụ việc của SBV khiến nhiều người lo ngại một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong hệ thống tài chính Mỹ giống như sau vụ Lehman Brothers hồi năm 2008 hay vụ Enron năm 2001.
Trong hai phiên 9-10/3, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lớn tại Mỹ đồng loạt bị bán tháo và vốn hóa bốc hơi hàng chục tỷ USD như: First Republic Bank, JPMorgan Chase & Co., Charles Schwab Corp., US Bancorp...
Thị trường chứng khoán Mỹ tụt giảm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm thêm 350 điểm sau khi đã giảm hơn 540 điểm trong phiên liền trước và trượt sâu khỏi khỏi đường bình quân 200 ngày.
Trên CNBC, CEO và Giám đốc đầu tư của Defiance ETFs nhận định SBV là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất kể từ năm 2008. Điều này sẽ khiến thị trường hoang mang.
Tuy nhiên, một chuyên gia của Capitalmind cho rằng, SVB không có quy mô như Enron hay Lehman nên lo ngại không quá lớn.
FED cân nhắc lập quỹ hỗ trợ sau vụ ngân hàng Silicon Valley phá sản Mỹ vừa chứng kiến vụ phá sản ngân hàng lớn thứ nhì trong lịch sử nước này - Ngân hàng Silicon Valley (SVB). Vụ việc đã khiến các nghị sĩ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và liên tục yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra các đề xuất nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống...