Đến lượt Cần Thơ ra quân ‘giành lại’ vỉa hè
Lực lượng chức năng kiểm tra các hộ kinh doanh trên địa bàn quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) để nhắc nhở, lập lại trật tự vỉa vè, lòng đường.
Sáng 10/3, các phường trên địa bàn quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đồng loạt ra quân thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự đô thị (TTĐT), trật tự công cộng (TTCC) trên địa bàn quận.
“Trước tiên, toàn bộ hai phường Tân An và An Phú sẽ nhắc nhở, kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Các phường còn lại sẽ chọn một tuyến đường trọng điểm để thực hiện, sau đó sẽ thực hiện toàn bộ trên địa bàn quận”, ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), nói.
Cảnh sát nhắc nhở các trường hợp kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Minh Anh.
Theo ghi nhận, vào 9h sáng 10/3, Công an phường Tân An (quận Ninh Kiều) đã đồng loạt ra quân thực hiện kế hoạch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, nhưng lực lượng chức năng chủ yếu chỉ nhắc nhở, cho người dân cam kết không tái phạm, chưa xử phạt.
Chị Đặng Thị Diễm (bán rau trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều) chia sẻ: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi phải nuôi con ăn học nên hai vợ chồng chỉ còn cách bám vỉa hè để mưu sinh. Buôn bán vỉa hè khổ trăm bề, thường xuyên bị lực lượng chức năng &’đuổi’ và tịch thu hàng hóa”.
“Tôi đồng tình với việc làm của Nhà nước nhưng phải chừa cho chúng tôi chỗ để buôn bán kiếm tiền nuôi gia đình”, chị Diễm giải bày và cho biết nếu lực lượng làm căng việc buôn bán trên vỉa hè thì phải làm toàn bộ, chứ không làm lẻ tẻ vài ngày rồi ngưng. “Phạt thì phải phạt toàn bộ, chứ không phải chỗ có, chỗ không. Ngoài ra, phải làm xuyên suốt chứ không phải làm “căng” vài ngày rồi bỏ thì cũng như không thôi”, người phụ nữ có 6 năm “bám” vỉa hè mưu sinh nói.
Video đang HOT
Tương tự, bà Đặng Thị Trúc (bán tôm, cá, trên lề đường gần chợ Tân An (quận Ninh Kiều) nói việc buôn bán trên vỉa hè là sai nhưng không biết làm nghề gì. Theo người phụ nữ này, gần đây, việc buôn bán ngày càng khó khăn hơn, trong khi gia đình bà phải chi rất nhiều thứ.
Tại các tuyến đường chính ở khu vực trung tâm TP Cần Thơ như: Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, 30/4, đại lộ Hoà Bình… các quán ăn, hộ kinh doanh, thậm chí là cơ quan nhà nước vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhiều đoạn vỉa hè bị “nuốt chửng”, người đi bộ bị đẩy xuống đường.
“Ban đầu là tuyên truyền, vận động cho người dân, các hộ kinh doanh mua bán làm cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Nếu hộ nào không thực hiện được, ngành chức năng sẽ xử lý hành chính và cuối cùng mới tiến hành cưỡng chế”, ông Hiển nói và cho rằng quận sẽ có cách làm riêng, chứ không làm như TP.HCM. Theo ông Hiển, ngành chức năng phải xem xét tình hình thực tế như thế nào, vì muốn phát triển kinh tế phải dung hoà được việc có lối đi riêng cho người đi bộ, không cản trở giao thông nhưng cũng phải có chỗ để đậu xe.
“Quận Ninh Kiều đang có kế hoạch thí điểm trên một số tuyến đường là cho ôtô đậu sát phía ngoài, còn khách bộ hành đi phía trong. Đây là mô hình mới, một số nước trên thế giới áp đã áp dụng”, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho hay.
Theo Công an TP Cần Thơ, hai tháng đầu năm 2017, lực lượng cảnh sát trật tự đã xử lý 4.369 trường hợp lấn chiếm vỉa hè, trong đó nhắc nhở tại chỗ 3.115 trường hợp, lập biên bản xử phạt 1.254 trường hợp với số tiền 553 triệu đồng.
(Theo ZIng News)
"Cuộc chiến" giành vỉa hè: Tâm sự của những gánh hàng rong
Những ngày này, nhiều người bán hàng rong trên đường Bùi Viện không khỏi thấp thỏm lo âu khi quận 1 (TPHCM) ra quân mạnh tay lập lại trật tự đô thị, xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè. Dẫu vẫn thường xuyên buôn bán trong cảnh vừa bán vừa chạy, nhưng với tinh thần giành lại vỉa hè quyết liệt như hiện nay, gánh lo cơm áo gạo tiền của họ sẽ càng khắc nghiệt hơn.
Tiếp xúc với những người dân ở đây, chúng tôi nhận thấy tất cả đều đồng tình với chính sách của UBND quận 1 về việc lập lại trật đô thị, trả lại vỉa hè thông thoáng, thuận tiện cho người đi bộ, nhưng nếu đã "đóng" thì phải "mở". Người dân nhìn nhận việc buôn bán là lấn chiếm, nhưng nếu không cho bán thì nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người dân làm ăn, tạo nguồn thu nhập.
Tủ bán hủ tíu của cô Trần Ngọc Mỹ với một chiếc bàn ăn và 4 chiếc ghế ngồi là cần câu cơm của cả gia đình.
Nơi bà Trần Thị Vân mưu sinh hàng ngày.
Anh Quá chỉ tay về những đứa trẻ lớn lên bằng những gánh hàng rong của gia đình.
Cô Mai bên chiếc xe trái cây của mình.
Bà Trần Thị Vân, 68 tuổi, là người sống tại đây từ nhỏ đến lớn, bà là cháu bên vợ của đại gia Nguyễn Văn Hảo, người lập ra rạp hát Nguyễn Văn Hảo, bây giờ là rạp Công Nhân. Bà Vân chia sẻ: "Tui bán ở đây từ thời còn nhỏ xíu cho đến giờ. Giờ con đứa nào cũng khổ, con cái đùm đề, mình tự lo cho thân già. Ở đây có ngày ế, bán chỉ được 10 ngàn, thường thì hơn trăm ngàn. Không cho tui bán thì chỉ tôi nơi nào thuê người già đi, đi làm thuê, không ra bán lề đường nữa...".
Anh Trần Dương Qua, chạy xe ôm cũng cho biết: "Mình là cựu chiến binh đi chiến trường K, giờ ngoài 50 tuổi rồi nhưng phải cố gắng lo cho hai đứa con ăn học, một đứa đại học, một đứa lớp 6. Ngày mình chạy giỏi lắm hơn trăm ngàn, phụ với tiền bán cơm của vợ cũng đắp đổi qua ngày. Giờ chính quyền làm căng quá thì biết sống sao. Người có tiền thuê mặt bằng thì còn dọn ra dọn vào, tụi anh dân lao động, chỗ đâu mà dọn. Nếu dẹp vỉa hè thì cũng tạo điều kiện cho tụi anh kiếm cơm ở một vị trí nào đó mà không phải lấn chiếm. Con cháu tụi anh đi học hàng ngày sống bằng những gánh hàng và những cuốc xe ôm".
Người dân vẫn nhận thức việc buôn bán trên vỉa hè là việc lấn chiếm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh đành chấp nhận. Người dân vẫn mong muốn chính quyền quy hoạch một vị trí để kiếm sống. Nếu đã "đóng" rồi thì phải "mở" ra giải pháp giúp người dân an cư lạc nghiệp.
Những người dân ở đây rất đồng tình với cách làm quyết liệt của quận 1 bởi bản thân họ cũng không muốn kinh doanh trong tâm trạng bất an, vừa bán vừa chạy.
Người dân hoàn toàn đồng tình với việc lập lại trật tự đô thị, trả lại vẻ mỹ quan đường phố nhưng người dân vẫn rất cần chính quyền tạo điều kiện cho họ mưu sinh
Cô Mai, bán trái cây theo trục đường Bùi Viện hơn ba mươi năm và phải nuôi mẹ già sụt sùi chia sẻ: "Mới học lớp 2 nghỉ rồi, chữ biết chữ không, ai thuê đây? Lúc trước khi bị bắt xe đẩy, lên đóng phạt còn xin lại được. Giờ bắt là lấy luôn, đâu có cho lại, một chiếc xe đẩy mua lại là 800 ngàn chứ đâu có rẻ. Bị bắt hoài thì coi như mình đứt vốn. Mấy ngày nay bán toàn trốn trong hẻm không ấy chứ".
Cô Trần Ngọc Mỹ, bán cơm gần chỗ đậu xe ôm của anh Qua chia sẻ: "Một dĩa 25 ngàn mà dạo này bắt dữ quá, khách ngại không dám ghé ăn, toàn mua mang đi. Ăn dĩa cơm mà bị bắt xe phạt mấy trăm, ai dám ăn. Tôi bị bệnh tim đã được mổ, giờ hai tháng mua thuốc một lần hết 6 triệu và còn nuôi đứa con đi học. Không cho bán nữa, tôi biết làm gì đây?".
Phạm Nguyễn
Theo Dantri
"Giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cuộc đấu tranh không đơn giản" Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đánh giá cao những quyết tâm của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, đặc biệt là phát ngôn chấn động về lực lượng công an đứng sau những quán bia, nhưng cũng bày tỏ lo lắng: "Lần này không thành công hoặc...