Đến lúc cần có biện pháp hiệu quả để thu hồi tài sản tham nhũng
Việc xác minh đâu là tài sản tham nhũng không hề đơn giản bởi nó đã được ngụy trang, tẩu tán, chuyển hóa để nhằm đối phó trước khi hành vi phạm tội…
ảnh minh họa
Ngày 28/10, Thanh tra Chính phủ và Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản ở Việt Nam”. Đây là hoạt động để chuẩn bị cho Đối thoại “ Phòng chống tham nhũng lần thứ 13 giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ” sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 tới đây.
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 tại Kỳ họp Quốc hội lần này không có thay đổi nhiều. Điệp khúc được lặp lại là “Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công…”.
Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách Nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp. Cách nào thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là bài toán làm đau đầu cơ quan chức năng.
Video đang HOT
Nguyên tắc xử lý tham nhũng trong Luật Phòng chống tham nhũng quy định rất cụ thể: tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu. Bộ Luật Hình sự cũng quy định các tội về tham nhũng là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội. Thế nhưng trên thực tế xét xử, hình phạt bổ sung là tịch thu hoặc thu hồi tài sản hầu như không được áp dụng.
Tội phạm tham nhũng là tội phạm liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn. Hiển nhiên, đây là những người không chỉ hiểu biết về pháp luật mà còn có kinh nghiệm công tác, có nhiều mối quan hệ. Do vậy, việc xác minh đâu là tài sản tham nhũng không hề đơn giản bởi nó đã được ngụy trang, tẩu tán, chuyển hóa để nhằm đối phó trước khi hành vi phạm tội tham nhũng được phanh phui.
Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức được coi như là giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Nhưng sau nhiều năm thực hiện, giải pháp này vẫn chỉ là hình thức. Bởi lẽ gần 1 triệu trường hợp kê khai tài sản nhưng chỉ có 5 trường hợp tiến hành xác minh, 1 trường hợp bị xử lý kê khai không trung thực. Thông tin được đưa ra từ Thanh tra Chính phủ – cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng khiến nhiều người không thể không đặt câu hỏi con số này có đáng để tin cậy. Nó có phản ánh đúng thực trạng chưa.
Ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ khẳng định rằng: Trong 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng thì việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức nằm trong nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả kém nhất.
Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để thu hồi tài sản tham nhũng, không ít chuyên gia đã hiến kế: nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, tiến tới giao dịch phải được thực hiện qua ngân hàng; cần có một hệ thống pháp luật nghiêm, một cơ quan điều tra chống tham nhũng độc lập, không bị ràng buộc, đủ quyền năng. Nhưng trên hết, chúng ta cần một thái độ cương quyết, triệt để từ chính những người đứng đầu đối với hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản do tham nhũng./.
Ngọc Chi
Theo_VOV
Vì sao dân hay nghi ngờ tài sản "khủng" của quan chức?
Từ vụ dinh thự "khủng" của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, đến bản kê khai tài sản khổng lồ của một vị phó tổng Thanh tra Chính phủ đương chức, cùng việc một vài quan chức bị mất trộm số tài sản lớn xảy ra gần đây, điều dễ thấy là dư luận ngay lập tức đặt câu hỏi: Khối tài sản ấy có "sạch" hay không?
Có thể đưa ra vài nguyên nhân lý giải cho nỗi nghi ngờ thường trực của người dân trước những vụ việc như vậy.
Thứ nhất, do hoàn cảnh lịch sử, đa phần các cán bộ, công chức của ta đều xuất thân từ hai bàn tay trắng - đi lên từ đồng ruộng hoặc có cha mẹ làm công nhân viên chức. Rất ít người có gia sản lớn do ông cha để lại. Chưa kể đã là cán bộ, công chức thì rất ít có điều kiện để kinh doanh bên ngoài. Có nghĩa là xuất phát điểm của khối tài sản của nhiều cán bộ dường như là từ số 0 chứ không phải như ở một số nước khác: Chính khách là những người có sự nghiệp, tài sản ổn định rồi mới bước chân vào chính trị.
Căn biệt thự hoành tráng gây chú ý dư luận của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre.
Thứ hai, đồng lương chính thức của cán bộ, công chức ở ta rất thấp. Điều này kéo dài qua nhiều thời kỳ và đến nay vẫn là một vấn đề nan giải. Với mức lương cơ sở hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng, nhân hệ số thì mức lương công chức trung bình, khéo co lắm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Với cán bộ, có thêm các khoản phụ cấp khác thì có dễ thở hơn nhưng cũng khó có thể trở thành giàu có.
Với hai yếu tố đặc thù trên, rất khó để giải thích cho người dân hiểu được tại sao với đồng lương còm cõi như vậy mà cán bộ của ta có nhiều tiền đến thế. Ngoại trừ lý giải: Nhiều người có tài dự báo những biến động của thời cuộc, chính sách và nhanh nhạy tích lũy một cách chính đáng qua đất, qua vàng...
Thứ ba, việc kê khai tài sản và công khai tài sản của các cán bộ, công chức thuộc diện kê khai vẫn đang ở trong giai đoạn làm từng bước, chưa đáp ứng được nhu cầu giám sát của người dân.
Cụ thể, việc kê khai tài sản trước đây không đặt ra yêu cầu giải trình nguồn gốc của khối tài sản ấy. Đến năm 2013, yêu cầu này chỉ được áp dụng đối với khối tài sản tăng thêm có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
Còn việc công khai bản kê khai tài sản chủ yếu trong nội bộ cơ quan, chưa được công khai tại nơi cư trú hay trên phương tiện truyền thông đại chúng. Người dân không thể biết được ông cán bộ đó có bao nhiêu tài sản nên khi "lộ mặt" số tài sản "khủng" thì người ta dễ phát sinh nghi ngờ.
Thứ tư, hiện nay việc xử lý những dư luận về sự minh bạch của khối tài sản "khủng" của quan chức không kịp thời, thậm chí có trường hợp không có cơ quan nào đứng ra giải đáp cho sự hoài nghi của người dân. Thường thì "người trong cuộc" tự lên tiếng giải thích. Khi đó, tiếng nói của họ với tư cách là "đương sự" cũng khó thuyết phục được dư luận.
Có thể còn nhiều nữa những nguyên nhân dẫn đến tâm lý hoài nghi của người dân trước những khối tài sản "khủng" này. Đó chính là bài toán đặt ra với những cơ quan hoạch định chính sách và thực thi pháp luật, để từ đó nghiên cứu đưa ra giải pháp nhằm kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức một cách thực chất, với sự giám sát của toàn xã hội. Khi đó, người dân sẽ mừng cho cán bộ biết làm giàu một cách chính đáng chứ không phải đặt nhiều dấu hỏi về tính minh bạch của khối tài sản ấy.
Theo Pháp luật TP.HCM
"Quan chức có vàng khối, tiền tỷ, chỉ... trộm mới biết!?" - "Họ làm việc và hưởng lương cán bộ, công chức như vậy thì lấy đâu ra nhiều tiên thế?", nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đặt vấn đề về việc liên tục xảy ra các vụ trộm liên quan đến khối tài sản khổng lồ của các quan chức. Chỉ đến khi bị trộm viếng...